Trong tiểu thuyết “Pi-e đệ nhất” kể chuyện về ông vua có công khai sáng, nhà cải cách kiệt xuất trong lịch sử nước Nga, nhà văn A. Tôn-xtôi kể: khi bước vào canh tân đất nước, nhà vua mời các chuyên gia quân sự của Đức sang huấn luyện cho quân đội, hy vọng có một đội quân (nói theo cách bây giờ) “chính quy, hiện đại” để chống lại những cuộc xâm lăng từ nước ngoài.  Ngay từ bài học đầu tiên về đội ngũ, chuyên gia Đức đã bất lực vì lính Nga không phân biệt chân phải và chân trái khi người chỉ huy hô “một, hai”. Để khắc phục, họ phải yêu cầu người lính buộc vào mỗi bên chân một nắm cỏ hoặc một nắm rơm, rồi thay vì sử dụng cách đếm thông thường, phải đếm “Cỏ, rơm! Cỏ, rơm!”. Gọi là lính vậy thôi, chứ người được chuyên gia quân sự Đức đích thân huấn luyện không thể chỉ là anh lính quèn, cũng không thể là loại sĩ quan cấp thấp.

Thế mà dưới sự trị vì của nhà vua, nước Nga đã chiến đấu thành công chống lại người Thổ Nhĩ Kỳ, chiến thắng cuộc xâm lăng của người Thụy Điển sau không ít lần thất bại, trở thành quốc gia lớn gấp ba lần lục địa châu Âu, lớn nhất  thế giới. Theo cái đà ấy, tới thế kỷ 19 nước Nga đã có vị thế không kém cỏi so với các quốc gia văn minh khác ở châu Âu. Và tới những năm giữa thế kỷ 20, dù gần một thế kỷ sống dưới thời Xô viết với biết bao giáo điều và hà khắc, người Nga vẫn lập được những kỳ tích, trong đó có việc đưa con người đầu tiên lên vũ trụ.

Nhìn sang những người hàng xóm của ta cũng vậy. Trong cuốn tiểu thuyết “Phong nhũ phì đồn”, nhà văn Mạc Ngôn đã miêu tả   con người Trung Quốc cuối thế kỷ 19. Trước việc người Đức sau khi chiếm được vùng Sơn Đông, đặt đường sắt, cho xe hỏa chạy trên đất quê mình, người dân Cao Mật quê hương ông vô cùng căm giận. Họ phá hoại để trả thù “bọn”  Đức bằng cách rải rơm khô lên đường sắt  hướng ra ngoài mép vực sâu, hy vọng “những con quái vật” ấy mải ăn rơm (họ nghĩ cũng giống như loài trâu, bò vậy) mà lao xuống  vực.

Những người có dịp qua Bắc Kinh khoảng những năm giữa thế kỷ trước đều nói, người Trung Quốc có thói quen xấu hay khạc nhổ bừa bãi. Để hạn chế, bên cạnh việc giáo dục và có những biện pháp nghiêm khắc răn đe, chính quyền còn phải đặt những cái sọt tre đựng tro ở trên hè phố để phần nào đáp ứng thói quen của người đi đường, đảm bảo vệ sinh. Nhưng trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua, ở các nơi tôi được đặt chân đến, hoàn toàn không còn thấy những thói quen xấu này nữa.   Chỉ trong vài ba chục năm từ sau “cải cách mở cửa”, cùng với việc xây dựng một đất nước văn minh, hiện đại, người Trung Quốc, những A. Q. của Lỗ Tấn cũng đã đưa được con người lên vũ trụ, trở thành quốc gia thứ ba sau hai cường quốc Nga và Mỹ làm được điều kỳ diệu này.

Đầu thế kỷ 20, người Pháp bắt đầu xây dựng những đô thị kiểu mới, đồng thời  đưa lối sống văn minh, tiến bộ vào Việt Nam. Sách vở, báo chí đương thời cũng đã có không ít bài giễu cợt, đả kích  những thói quen lạc hậu, những cái ngây ngô đáng cười của những Lý Toét, Xã Xệ mỗi khi từ làng quê vào thành phố. Đọc lại, tôi thấy không ít chuyện đáng cười nhưng quả thực không hề thấy những “quá đáng” như ở Nga hay Trung Quốc. Có phải trong quá khứ, người dân Việt Nam ta cũng không đến nỗi nào?

Nhưng vì sao một thế kỷ đã trôi qua, trong  cái đà chung tiến như vũ bão của loài người về mọi mặt, người Việt Nam ta vẫn chưa sản xuất được chỉ một chi tiết nhỏ là chiếc “vít” trong cái điện thoại?

Hàng ngày hàng giờ, ngoài những thực phẩm ngoại nhập mang đầy hiểm họa từ các “đồng chí bạn vàng”, người Việt Nam ta ở khắp nơi vẫn không ngừng đầu độc, làm hại nhau, khiến  đồng bào của mình   chết dần chết mòn bằng những thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng cho đủ loại thực và động vật? (Hai chữ “đồng bào” nghe thật chua chát!). Và trước con số tỷ lệ người mắc bệnh ung thư cao nhất thế giới, vì sao những người có trách nhiệm vẫn không hề có những biện pháp ngăn chặn?

Hàng ngày hàng giờ trên đất nước ta đã có bao nhiêu đám cưới được tổ chức và trong đó, bao nhiêu phần trăm các ông bố bà mẹ đã lợi dụng cái ngày thiêng liêng của đôi trẻ làm cơ hội kinh doanh?  Biết bao người đã dựa vào chỗ thân quen để trục lợi? Biết bao nhiêu người đã khổ sở vì những cái “thiếp moi” mà vẫn câm lặng cam chịu, không dám có thái độ phản kháng trước một hủ tục mới đang hoành hành? Và trong số đó, biết bao nhà được phong tặng “gia đình văn hóa”?

Hàng ngày hàng giờ, những người hoàn toàn không phải thất học, có người còn mang công mắc nợ  đầm đìa vẫn lao đầu thi vào các trường đại học, những người thuộc loại trí thức cao cấp vẫn bằng đủ mọi chiêu trò mở các trường đại học nhằm đáp ứng những nhu cầu ấy dù biết rằng, chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm, con số những người có bằng đại học và trên đại học không tìm được việc làm ở ta đã từ hơn 70.000 lên tới hơn 200.000 người?  Có người đã lao đầu vào xe hỏa vì bỏ ra bao nhiêu tiền của và thời gian, cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học trong tay vẫn thất nghiệp, thế mà vì sao chính quyền vẫn không ngừng tiếp tay cho các trường đại học ra đời?

Xét cho cùng, những chuyện ấy đều do lối sống “ích kỷ hại nhân” mà ra; cũng do lối sống a dua, cam chịu mà ra!

Người Nga đã lột xác vì họ có những con người như Vua Pi-e thứ nhất. Ông đã nói với con mình: “Con phải yêu mến tất cả những gì có lợi cho sự phồn vinh và danh dự của Tổ quốc. Nếu con không nghe lời khuyên nhủ của cha thì cha sẽ từ con”.

Còn những người lãnh đạo Việt Nam, họ đã khuyên con cái họ những gì?

Người Trung Quốc đã thay đổi dù vẫn bị coi là trì trệ một thời  vì đã có những người như Lỗ Tấn, thấy đồng bào của mình, căn bệnh tinh thần cần chữa cấp thiết  hơn là sự ốm yếu về thể xác. Và bằng văn chương, ông cũng đã vạch ra cái căn nguyên cố hữu đang kìm hãm Trung Quốc phát triển: “Lịch sử không đề niên đại, có điều trang nào cũng có mấy chữ “nhân, nghĩa, đạo đức” viết lung tung tí mẹt. Trằn trọc không sao ngủ được, đành cầm đọc thật kỹ, mãi đến khuya mới thấy từ đầu chí cuối, ở giữa các hàng, ba chữ: “Ăn thịt người”. (Truyện ngắn “Nhật ký người điên”).

Còn các nhà văn và trí thức Việt Nam, phần lớn họ đang làm gì?

Cho nên, muốn Việt Nam phát triển nhanh chóng đuổi kịp các nước lân bang (chưa dám nói tới Nhật Bản, Hàn Quốc), cùng với thay đổi thể chế, một việc không thể không làm là nâng cao dân trí.

Với dân trí như hiện nay (không dám nói chuyện “cao” hay “thấp”), dù thể chế có thay đổi cũng khó có thể tìm được lối thoát sau đường hầm!

 

4 BÌNH LUẬN

  1. trươc năm 1975 ở Miền Nam chế độ thi tuyển là chon người tài để xây d8ng5 đất nước ,không ưu tiên cho COCC không thêm điểm teo lý lịch.
    Năm 1962 Ngô đình Lệ Thủy ,cháu TT Diệm không dủ điểm nên rớt lớp Dự Bị Y khoa.
    Sinh Viên Sư Pham, Kỹ sư , Y Dược khoa thuôc loại xuất sắc.
    cac trương Đai Học chỉ có hệ Chinh Quy không có Chuyên Tu ,Tại Chức

  2. Với dân trí như hiện nay (không dám nói chuyện “cao” hay “thấp”), dù thể chế có thay đổi cũng khó có thể tìm được lối thoát sau đường hầm!
    Ông Giáo kết luận như thế này là cảm tính,cứ nhìn các nước Đông Âu sau khi thay đổi thể chế đã phát triển như thế nào thì ai cũng thấy

  3. “Tri Thức là Sưc mạnh” (KNOWLEDGE is our STRENGTH}
    “Phi Nông bất ổn,phi Công bất Phú ,phi Thương bất Hoạt,phi TRI bât HƯNH”
    “Tôn TỘC đa QUY,Tôn Lộc đa NGUY,Tôn TÀI đa THỊNH Tôn Nịnh đa SUY”
    Hô Khẩu Hiệu “Giáo Dục là QUÔC SÁCH”nhưng trong thực tê thì
    Xây Tượng Đài ,Nhà Tưởng Niệm ,Lễ Hội ,CA HÁT,thi Hoa Hậu
    LớpThanh Niên có mấy ai biết đên “HICH TƯỚNG SĨ”

Trả lời NGHUYÊNVĂNOÁNH Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here