Người phương Đông có câu: “Nam vô tửu như kỳ vô phong” (Đàn ông không có rượu như cờ không gặp gió). Người xưa dạy “trà tam, tửu tứ” ý nói uống trà chỉ nên ba chén (pha tới lần thứ ba, sau đó thì nước đã nhạt thếch), uống rượu chỉ nên bốn chén (chén mắt trâu, chén hạt mít) vì uống chừng đó, còn đủ tỉnh táo, sáng suốt để nói năng cư xử, giữ được phẩm cách.

Không nói tới lũ “phàm phu tục tử” uống rươu như nước, với người tử tế xưa, rượu là chất men xúc  tác, giúp con người thăng hoa. Những chén rượu nồng ấm giúp thêm một chút phấn khích để sáng tạo, giúp lắng lại với đời sống nội tâm, giúp nghiền ngẫm về lẽ đời, về kiếp người… Cái rượu ấy thật có ích, làm đẹp thêm đời sống con người. Thơ văn trước đây giúp tôi hiểu được những chén rượu thanh tao, sang trọng và đầy chất nhân văn ấy.

Khi chén rượu, khi cuộc cờ,

Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên.

 

Thơ cổ Việt Nam, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến… đều có những bài, những câu hay viết về rượu. Nguyễn Trãi cô đơn (chắc trong những ngày không còn được tin cậy)

Đêm trăng hớp nguyệt nghiêng chén.

 Nguyễn Bỉnh Khiêm thanh thản sống ẩn dật giữ khí tiết của nhà nho nơi am Bạch Vân:

Rượu đến cội cây ta sẽ uống,

Ngồi xem phú quý tựa chiêm bao.

Nguyễn Công Trứ tiêu dao cùng non nước:

Thơ một túi phẩm đề câu nguyệt lộ,

Rượu ba chung tiêu sái cuộc yên hà.

Dù cuộc đời mỗi người thăng trầm không giống nhau, tâm sự cũng khác nhau nhưng đều có cái chung, đó là tâm trạng cô đơn, lấy rượu giải khuây.

 

Trong các nhà văn, nhà thơ hiện đại thế kỷ trước, nói tới rượu, người ta thường kể Nguyễn Tuân. Không chỉ uống rượu, ông còn dùng rượu để ứng xử. Có người kể, một lần ông sang thăm Mascơva theo lời mời của Hội nhà văn Liên Xô, Hội cử một nhân viên tới gặp ông, nói: Ông có một số tiền nhuận bút do sách dịch và xuất bản ở Liên Xô. Có nhu cầu mua những hàng hóa gì, xin ông kê ra giấy, những người bạn Nga sẽ lo chu tất, kể cả việc đóng hòm gửi tàu biển về Hải Phòng. Về nước, ông chỉ việc xuống Hải Phòng nhận hàng.

Vào lúc ấy, đây là một sự ưu ái ghê gớm. Người Việt Nam ta được dịp xuất ngoại (“oách” nhất là đi Đông Đức, thứ nhì là Liên Xô), chẳng ai quên mang theo số lượng nhiều nhất có thể  hàng tiêu dùng như quần bò, áo phông, son phấn, …để hưởng ứng phong trào “nhà nhà làm thương nghiệp” đã phát triển rộng khắp trên cả nước. Bán được hàng để có đồng “rúp” đã vất vả, mua được hàng mang về còn gian nan gấp bội. Các “nhà buôn” nghiệp dư thích nhất là mua được tủ lạnh, thứ hàng có giá cao, rồi nồi áp suất, bàn là, quạt tai voi, … thậm chí cả cái dây mai-xo cũng được vơ vét. Mua hàng không dễ, vì Liên Xô là một nước mà nền kinh tế có kế hoạch rất chi là đàng hoàng. Không ai sản xuất ra hàng hóa để các ông vơ vét mang ra ngoài biên giới nước người ta. Thế mà ông Nguyễn Tuân được người ta mời mua, lại chỉ cần “phán”, chẳng cần mất một giọt mồ hôi đã có và chắc chắn sẽ có đầy đủ mọi thứ theo yêu cầu. Nhưng người nữ nhân viên của Hội nhà văn Liên Xô từ sửng sốt này tới ngạc nhiên khác khi nghe nhà văn nói đại ý: Các đồng chí giúp tôi dùng số tiền này tổ chức một tiệc rượu, tôi muốn mời các nhà văn Liên Xô hiện ở Mascơva tới dự. Tiền không có nhiều, món ăn có thể tùng tiệm, nhưng rượu nhất định phải là loại rượu ngon nhất. Rượu ngon, nổi tiếng khi ấy chỉ có bán trong các cửa hàng cung cấp (kiểu như Tôn Đản, Nhà thờ của ta thời bao cấp), Hội nhà văn cũng không dễ dàng gì để mua được những chai rượu loại ấy. Khá nhiều nhà văn người Nga tới dự đều nói lần đầu tiên được uống thứ rượu “sang” như thế.. Giải thích về cách tiêu tiền rất “ngông” này, ông bảo: Mình cũng phải để cho họ hiểu người Việt Nam sang đây không phải chỉ đi xếp hàng mua tủ lạnh với nồi áp suất. Nguyễn đã dùng rượu vớt vát chút vị thế của đất nước, của dân tộc bằng chính những đồng tiền do ngòi bút và tâm huyết của ông làm nên.

Người ta cũng kể, mỗi lần có dịp đi nước ngoài về, Nguyễn đều lần lượt mời từng người bạn đến  nhà mình. Mỗi người tới đều được ông mời một chén trong cái chai rượu “tây” nhiều khi là duy nhất ông mới mang về. Ông ngồi tiếp bạn nhưng bằng chén rượu “quốc lủi” quen thuộc. Uống hết, nếu khách có nhu cầu, ông sẽ mời bằng loại rượu dân dã mà ông đang uống. Người cuối cùng được mời bao giờ cũng là người được ông quý trọng nhất, chỉ vì chén rượu cuối cùng thường có dung lượng nhiều hơn chén rượu bình thường. Quả là những chén rượu thấm đẫm tình người. Rượu lúc này là dịp để những người bạn tâm đắc trò chuyện, có thể sẻ chia tất cả những gì muốn nói không phải giữ ý, giữ kẽ vì sự hiện diện của người thứ ba.

 

Nghe nói Nguyên Hồng cũng là người hay rượu. Nhà văn Tô Hoài kể, hổi 1958, phụ trách tờ báo Văn, ông  bị phê phán ghê lắm. Cả tháng trời, hàng ngày ông đạp cái xe đạp trẻ con Liên Xô, phía sau buộc mấy tờ báo Văn xuống khu lăng Hoàng Cao Khải để kiểm điểm về những sai lầm của mình khi làm báo. Sự chân thành của ông chẳng làm ai rung động. “Giậu đổ bìm leo”, thói đời là vậy. Một buổi chiều, Tô Hoài được ông mời đến ăn cơm. Bước chân lên căn gác phố Bà Triệu (hình như đối diện với Viện Mắt bây giờ), tác giả của Dế mèn… ngạc nhiên vì thấy đồ đạc, chiếu chăn đã dồn hết vào mấy cái ba lô, tay nải. Hôm ấy, nhà văn của đất Cảng mời nhà văn đất Nghĩa Đô món nem đặc biệt làm bằng “nhau” bà đẻ. Cầm chén rượu trên tay, Nguyên Hồng mắt rưng rưng nói cái oan ức của mình, kể cái bất nhân bất nghĩa của những kẻ cơ hội, rồi ông giằn giọng:

–         Tao đéo thèm chơi với chúng mày nữa!

Hôm sau, ông cùng cả bầu đoàn thê tử dời thành phố, bỏ biên chế nhà nước, niềm mơ ước của bao người khi ấy, về Nhã Nam, nơi gia đình ông tản cư từ thời kháng chiến chống Pháp, sống cuộc sống của một người dân cày.

Hai mươi năm sau khi nhà văn mất, tôi mới có dịp tới Yên Thế, thăm mộ ông. Căn nhà tranh đã được con cháu thay bằng nhà xây khang trang, chẳng còn dấu vết gì của cuộc sống nghèo khó lúc sinh thời ông. Đứng trước mộ Nguyên Hồng nằm khiêm nhường bên con đường nhỏ  dưới hàng cây,  trông ra cánh đồng, tôi mường tượng cảnh ông với chòm râu lất phất ngồi phệt xuống đất lấy cái chõng tre làm bàn viết trong căn nhà tuềnh toàng những trang tiểu thuyết của bộ Cửa biển và Núi rừng Yên Thế, rồi cảnh ông nâng chén rượu trên tay, nước mắt lưng tròng, nhìn về phía xa xăm. Không biết ông xót thương cho ai, cho số kiếp của các nhân vật trên trang viết hay cho chính thân phận mình?

Những chén rượu ấy khiến bao người xót xa vì nó chứa chất bao nhiêu cái bi phẫn của một kiếp người!

Ngay những câu thơ của Vũ Hoàng Chương:

Say đi em

Say cho lơi lả ánh đèn

Cung bậc ngả nghiêng

Điên rồ xác thịt

Rượu rượu nữa và quên, quên hết.

Cũng đã diễn tả cái tâm trạng bế tắc của lớp người trẻ trung đầy hiểu biết, khát khao và hăng hái trong một xã hội khủng hoảng.

Giờ đây, các “văn nhân tài tử” vẫn uống rượu. Về chất, rượu họ uống ngày nay phần lớn đều đắt tiền, mỗi chai có giá bằng cả tháng lương của người lao động bình thường. Về lượng chắc chắn hơn hẳn người xưa vì họ đều có cuộc sống phong lưu, rượu hay bia trong các cuộc vui như suối nguồn bất tận. Không ít người đã tự hào khoe bức ảnh chụp mấy chai rượu “tây” trước mặt một nhóm người trước khi vào tiệc.

Nhưng có cái khác, chỉ thấy họ uống rất nhiều, thi nhau uống, để say, và để người khác phải dọn dẹp.

Thế thôi!

1 BÌNH LUẬN

  1. Nguyên Hồng từ năm 1958 đã là NGƯỜI HÙNG,không như nhạc sĩ Tô Hài và nhà văn
    Nguyễn Khải cả đời HÈN khi gần chêt mời hêt HÈN.
    Ai là LŨ CHÚNG MÀY (chắc có TÔ HOÀI và nhưng ai nữa….)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here