Trận đánh đầu tiên trong “trận đánh lớn” do Tư lệnh Phạm Vũ Luận chỉ huy đã kết thúc. Đây là thời khắc để các tướng sĩ và binh lính củng cố lực lượng, nạp thêm năng lượng, bổ sung trang bị, vũ khí để bước vào những trận chiến đấu tiếp theo nhằm giành lấy thắng lợi cuối cùng.

Những sự phiền hà, tốn kém trong  hai kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông và  tuyển sinh vào Đại học của những năm trước đã là đề tài bất tận trong những cuộc bàn thảo. Một kỳ thi quốc gia tốn kém cả tiền bạc và công sức chỉ để đánh trượt khoảng chừng 0,5% số học sinh dự thi; hơn nữa, kỳ thi mang tầm quốc gia đó lại chính là một việc làm vô tình  cổ súy cho gian lận, dối trá đã khiến công luận phẫn nộ. (Nhưng bà con ta chẳng ai có ý kiến gì vì mọi người đều được “hưởng lợi”). Tiếp theo là Kỳ thi tuyển sinh vào các trường Đại học và Cao đẳng diễn ra trong  3 đợt, mỗi đợt cũng khoảng 3, 4 ngày. Cái mọi người không vừa ý là trong đợt thi này, các thí sinh đã phải tới dự thi ở các cụm thi đặt tại các thành phố lớn, bản thân họ cùng những nguời trong gia đình chịu nhiều tốn kém và vất vả. Những trăn trở ấy tồn tại chắc đã khoảng hơn chục năm nhưng không ai giải quyết.

Thì tới năm nay, những bất hợp lý đã được ông Bộ trưởng quan tâm và bắt tay vào thay đổi. Nếu không ghi nhận đóng góp ấy của ông tôi sợ chúng ta đã quá bất công.

 Trong cách tổ chức kỳ thi “hai trong một” vừa qua, tôi cho rằng đã có những điều tích cực sau đây đáng ghi nhận:

Trước hết, nhìn lại những kỳ thi tốt nghiệp trong nhiều năm qua, kết quả luôn trong tình trạng “năm sau cao hơn năm trước”, năm nay, kết quả của kỳ thi ở mọi nơi là những con số đã đáng tin cậy hơn. Nếu năm 2014, tỷ lệ thi đỗ của cả nước đạt 99,02%, ngay các tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên cũng đều trên 98%, thậm chí rất nhiều  nơi, số học sinh đỗ tốt nghiệp đều đạt tới con số không thể tin nổi, tiệm cận với 100%:  99,86%, (Bình Dương), 99,83% (Lâm Đồng) hay 99,75% (Tây Ninh) thì năm nay, kết quả thi như sau: tỷ lệ đỗ của khối THPT đạt 93,42%, khối giáo dục thường xuyên đạt 70,08%, bình quân chung là 91,58%. So với các năm trước, con số này giảm đáng kể: giảm 7,44% so với năm 2014; giảm khoảng 6% so với các năm 2013 và 2012. Tỷ lệ tốt nghiệp của các thí sinh dự thi tại cụm thi do trường đại học chủ trì cao hơn (94,74%), cụm do các Sở Giáo dục chủ trì (84,45%). Chúng ta có thể dễ dàng giải thích những con số này: cụm thi do địa phương tổ chức có tỷ lệ đỗ thấp hơn cụm thi do các trường đại học tổ chức do ở cụm thi  địa phương tổ chức bao gồm các thí sinh không có nhu cầu thi Đại học và Cao đẳng (chính xác là những học sinh thuộc diện yếu kém, không dám nghĩ tới dự thi Đại học Cao đẳng). Do cách tổ chức thi mới, những học sinh  này chỉ còn có thể  nhận được sự “hỗ trợ” từ bên ngoài phòng thi, hoàn toàn không nhận được sự hỗ trợ của các bạn nồi cùng phòng (học sinh trung bình khá trở lên  đã thi ở cụm do các trường Đại học tổ chức), trong khi đó sự hỗ trợ tại chỗ (ngay trong phòng) thường xuyên và luôn có hiệu quả cao. Kết quả 70,08% học sinh khối giáo dục thường xuyên đỗ cũng là con số thuyết phục hơn. Những năm trước, học sinh các lớp thuộc khối giáo dục từ xa thường vẫn được bố trí thi chung với  học sinh các trường phổ thông nên  dù mỗi tuần đi học có mấy buổi, thời gian còn lại chủ yếu được sử dụng ở các quán “game” nhưng kết quả của họ cũng chẳng sút kém là mấy so với những học sinh khối PTTH đã sử dụng 100% thời gian dành cho học tập. Ở môn thi ngoại ngữ, điểm của các bài thi chủ yếu khoảng 2 – 3,5 điểm cũng là một con số thú vị và gần với sự chính xác. Khác với các môn, số nguời biết tiếng Anh ở nước ta chưa nhiều, số nguời biết tiếng Anh để có thể “gà” bài càng ít hơn. Mọi năm, trong một phòng thi, chỉ cần một vài học sinh làm được bài (những học sinh có sự chuẩn bị để thi môn ngoại ngữ ở khối D) là cả phòng sẽ “ăn theo”, nhất là thi môn Ngoại ngữ thường được bố trí vào buổi thi cuối cùng, các giám thị vốn đã dễ dãi, nay lại đã thấm mỏi mệt, chỉ còn nghĩ tới chuyện lĩnh tiền bồi dưỡng để ra về nên trong phòng thi, học sinh có thể chép của nhau, thậm chí tranh cãi, giành giật không phải là điều hiếm xảy ra.  Thường mọi năm, kết quả thi môn này thường cao hơn các môn khác, (đã có năm kết quả thi môn ngoại ngữ ở Sơn La còn cao hơn Hà Nội). Nhưng năm nay, thì khác, hầu hết học sinh có sự chuẩn bị tốt môn tiếng Anh đều đã thi ở một cụm thi mà kỷ luật được đảm bảo chặt chẽ hơn nên hầu hết học sinh không làm được bài là điều hoàn toàn dễ hiểu. Dĩ nhiên, tỷ lệ đỗ (chung hoặc riếng mỗi môn) này chưa phản ánh đúng năng lực của  học sinh, nhưng chí ít, nó cũng là một tiếng chuông báo động có hiệu quả với những học sinh yếu kém: sự trông chờ vào những “chi viện” bên ngoài khi thi cử đã bị hạn chế, cần nỗ lực hơn nếu không muốn trượt dù chỉ là tốt nghiệp.

Có những học sinh đủ điểm trúng tuyển vào đại học nhưng không đủ điểm đỗ tốt nghiệp nên không đủ điều kiện xét tuyển cũng là một tín hiệu đáng mừng. Nó là lời nhắc nhở với không ít học sinh hiện nay ngay từ khi vào lớp 10 đã chỉ chuyên chú tới 3 môn dự thi đại học, còn các môn khác đều được giải quyết bằng những thứ chẳng hề có liên quan tới việc học tập. Hy vọng Bộ sẽ có thêm những biện pháp để ngăn chặn tình trạng học tủ, học lệch ngày càng phổ biến.

Điều đáng ghi nhận nữa của kỳ thi là cho học sinh sau khi biết điểm thi mới đăng ký vào khoa hay trường Đại học, Cao đẳng. Như vậy, các em được chủ động hơn. Cách làm này cũng tiến bộ hơn trước theo gương của các nước có nền giáo dục tiên tiến. Đã có nhiều bài báo phân tích sự ưu việt này, tôi không nói thêm.

Và điều nên ghi nhận thứ 4, số học sinh và cha mẹ họ phải vất vả vì đường xa, vì chầu chực trải qua những ngày thi căng thẳng và tốn kém đã giảm bớt. Học sinh kể cả có nguyện vọng vào Cao đẳng hay Đại học đều chỉ phải trải qua một kỳ thi duy nhất. (tất nhiên số môn thi có thể phải nhiều hơn do họ có nhiều nguyện vọng hơn, điều này chắc không thể tránh khỏi).

3. Nhưng trong việc tổ chức thi và tuyển chọn vừa qua dù chưa kết thúc, kỳ thi cũng đã để lộ những bất cập mà điển hình là sự “vỡ trận” trong 20 ngày để thí sinh lựa chọn nguyện vọng 1. Nói về sự rối ren, thậm chí hỗn loạn trong những ngày vừa qua ở khoảng 30 trường Đại học “tốp” đầu, đã có nhiều bài báo, tôi xin không dám làm cái việc gọi là “té nước theo mưa”. Nhưng chúng ta cũng nên có cách nhìn nhận thỏa đáng hơn. Cũng phải nói rõ, theo Bộ Giáo dục, con số này khoảng gần 60 ngàn. 60 ngàn tất nhiên không phải là con số nhỏ, nhưng so với khoảng 750.000  nguời dự thi có yêu cầu xét tuyển như mọi năm thì đó cũng chỉ  chưa tới 10%.  Những bài báo, những cách đưa tin có phần thiên lệch đã như “lửa đổ thêm dầu” khiến tình hình như càng thêm trầm trọng. Nếu những nguời đang kêu ca vất vả này như mọi năm, chấp nhận bị loại ngay từ vòng đầu sau khi không đạt nguyện vọng 1 thì họ cứ việc ngồi nhà nghỉ ngơi chuẩn bị năm sau thi lại, sao phải chầu chực, chờ đợi? Một trường hợp hay được nhắc tới là một học sinh ở Hà Tĩnh, gia đình đã phải thuê xe cấp cứu 115 để kịp thời ra Hà Nội rút hồ sơ nhằm chứng minh cho sự rối loạn và cực nhọc thì tôi thấy rất không thuyết phục. Một cái hãn hữu trong hơn 700.000 nào có giá trị gì. Thực ra, gia đình em học sinh này còn phải cám ơn Bộ Giáo dục. Nếu không có chủ trương cho rút hồ sơ chuyển sang trường khác như năm nay, em đã trượt ở Học viện an ninh, chờ năm sau thi lại chứ không thể trúng tuyển vào Đại học Bách khoa. Vậy thì mất 3, 5 triệu liệu có xứng đáng? Chắc đã có không ít học sinh có sự may mắn này.

Nhưng chính  các thí sinh và cha mẹ họ đã góp phần không nhỏ vào sự rối loạn thì hình như ít nguời nói tới. Đã gọi là thi tuyển thì không thể không nói tới sự “gay cấn”. Chỉ mong được chọn vào một trường tiểu học “có tiếng”, cha mẹ học sinh đã phải đi xếp hàng chầu chực từ 2 giờ sáng; chen lấn, xô đẩy tới mức đổ cả cổng trường  thì sao mong được an nhàn, thoải mái  khi chọn trường Đại học. Vì sao có rất nhiều cách không phải vất vả, tốn kém như gửi qua mạng, qua bưu điện mọi người không lựa chọn cứ nhất thiết phải đến chầu chực ở trường? Vì sao học sinh đều đã trên 18 tuổi mà cứ phải có cha mẹ đi kèm để số nguời phải chờ đợi tăng lên gấp đôi, gấp ba? Sự chủ quan, chạy theo đám đông kiểu “thấy đỏ ngỡ là chín” cũng là một trong những nguyên nhân khiến sự tình thêm rối. Mọi năm, 20, 22 điểm đã là cao nhưng mọi người lại không chịu hiểu năm nay điểm thi các môn đều cao, mà kết quả cao hơn mọi năm này đều đã được các báo đăng tải, kể cả phổ điểm của từng môn. Cho nên, nếu phía học sinh và cha mẹ họ chưa có những thay đổi đặc biệt là tâm lý chạy theo đám đông thì sợ có làm cách gì cũng không tránh khỏi rối loạn.

Từ rất nhiều chuyện, tôi nghiệm ra rằng bà con ta thường rất thích lối mòn, cái gì có sự thay đổi là phản ứng, là phê phán và khi  phê phán cũng thường với thái độ “đào đất đổ đi”, phủ nhận tất cả.

“Ở sao cho vừa lòng nguời”, từ xưa các cụ đã nói vậy. Không thể có một cách thi tuyển, lựa chọn nào khiến tất cả mọi người đều hài lòng. Chỉ mong Bộ Giáo dục sau những sự cố không lường trước này, biết lựa chọn cách thức phù hợp, có lợi cho số đông thí sinh nhất.

Tôi không “bênh” Bộ Giáo dục, tôi cũng không nói mọi việc thế là tốt đẹp. Nhưng tôi phản đối cách nói “thất bại toàn tập”, tôi không tán thành cách phủ nhận sạch trơn vì trước bất cứ việc gì nếu chỉ có cách nhìn nhận, đánh giá như vậy, chúng ta sẽ chỉ có  thể ngồi yên tại chỗ.

Còn nhớ khi kỳ thi 3 chung mới được thực hiện để thay cho các trường tự chủ tổ chức thi và tuyển chọn, đã có không ít dư luận phản đối. Nhưng khi ấy, Bộ đã kiên trì theo đuổi chủ trương này nên kỳ thi tuyển sinh vào đại học đã có những thay đổi rất cơ bản: thi cử rõ ràng là nghiêm túc hơn, số học sinh đăng ký dự thi chỉ vì hy vọng có nguời nâng đỡ đã giảm hẳn. Việc Bộ vẫn giữ độc quyền ra đề và quản lý việc tổ chức thi cử hiện cũng đã có không ít nguời phê phán, cho rằng Bộ ôm đồm, không để các trường tự chủ. Và nhân chuyện rối ren này, họ càng nhấn mạnh yêu cầu được tự chủ, cho rằng , việc thi cử tuyển sinh sẽ thuận lợi, thông thoáng hơn nhiều. Tôi đã có bài “Thế nào là tự chủ?”, nay xin được nói thêm: một chủ nhiệm khoa của một trường đại học ở Hà Nội đã nói sau khi nghe hỏi về “nên chăng để các trường được tự chủ trong tuyển sinh”: “Thế thì chỉ tiêu Bộ phân cho từng trường sẽ được dành cho con em của các vị hết, từ lãnh đạo trường tới lãnh đạo các khoa, các ban ngành, …bao giờ mới tới phần con em nhân dân?” Nghĩa là, nguời thầy này lo lắng, nếu để các trường tự chủ trong tuyển sinh hoàn toàn thì các kỳ thi tuyển sinh sẽ chẳng khác nào những kỳ thi tuyển công chức ở các cơ quan hiện nay theo nguyên tắc “thứ nhất quan hệ, thứ nhì tiền tệ”.

 Những thiếu sót khuyết điểm của Bộ Giáo dục cũng đã có không ít nguời mổ xẻ, chỉ xin thêm một điểm phải xem xét lại trong chủ trương của Bộ. Việc để cho học sinh có quá nhiều nguyện vọng, thay đổi trường dự tuyển dễ dàng đã vô tình khuyến khích cho những học sinh chỉ cần vào được đại học, không cần biết tới ngành nghề chuyên môn có phù hợp với khả năng, có đúng với sở thích ham mê của mình. Mong muốn vào đại học bằng bất cứ giá nào sẽ dẫn tới cảnh “nửa đường đứt gánh” với không ít số nguời sau một thời gian theo học và thiếu lòng say mê nghề nghiệp sau khi ra trường. Đó là thảm họa cho con nguời ấy và cho cả xã hội. Tôi tin chắc sau khi nhận lỗi, nhìn nhận vấn đề đúng mức, Bộ Giáo dục sẽ có những thay đổi trong những đợt tới và trong các kỳ thi ở những năm tiếp theo.

P/S: Trao đổi về việc này, một nguời bạn còn đang đương chức của tôi nói: Thần thiêng phải nhờ bộ hạ, mà bộ hạ nhiều khi thần không được lựa chọn. Không loại trừ khả năng bộ hạ do đối thủ cài cắm nhằm hạ bệ nhau nhân lúc thời khắc đang vô cùng “nhạy cảm”. Tôi không có một chút kinh nghiệm gì về những cuộc đấu đá trong chính trường nên cũng chỉ dám ghi lại để mọi người suy nghĩ.

4 BÌNH LUẬN

  1. Cám ơn Thầy có bài viết thấu đáo. Xin thầy cho phép được giới thiệu bài này cho nhiều người.

  2. Một bài phân tích cặn kẽ và thấu đáo. Em cám ơn thầy Duong Dinh Giao. Em xin phép thầy được chia sẻ bài viết ạ.

Trả lời Tran Thi Ngoc Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here