Nói tự hào dân tộc thì đâu chẳng có. Nguời dân một nước dù nhỏ về diện tích, ít về dân số, ngắn về lịch sử hay kém cỏi về nhiều mặt,… cũng có niềm tự hào của riêng mình. Chính do niềm tự hào mà quốc gia đó, dân tộc đó tồn tại. Đó chính là chỗ dựa tinh thần của mỗi thành viên trong cộng đồng, đó chính là chất kết dính nhiệm màu những con người cùng chung xứ sở, nòi giống để cùng nhau gây dựng, vun đắp cho, nòi giống, xứ sở bất diệt và ngày càng phát triển. Cho nên, nói về niềm tự hào dân tộc không phải là điều gì đặc biệt.

Ở Việt Nam ta,  niềm tự hào được ghi lại thành chữ nghĩa đầu tiên có lẽ từ bài thơ “Thần” vốn được coi của Lý Thường Kiệt:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư

(Núi sông nước Nam vua Nam ở)

Rồi với Nguyễn Trãi trong “Bình Ngô đại cáo”, niềm tự hào một lần nữa vang vọng sau khi đánh thắng kẻ thù xâm lược:

Duy ngã Đại Việt chi quốc,
Thực vi văn hiến chi bang.

(Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.)

     Bước vào thế kỷ 20, lòng tự hào dân tộc, ý chí yêu nước quật cường được nhắc tới nhiều hơn hẳn. Sau khi các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp theo xu hướng Cần vương thất bại, các nhà nho yêu nước chịu ảnh hưởng của Tân thư kêu gọi toàn dân đứng lên cứu nước theo xu hướng dân chủ tư sản. Khác với chủ trương nhờ vào “anh cả da vàng” Nhật Bản của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh là một trong những nguời sớm thấy rõ những nhược điểm của con người và xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Để kích thích lòng yêu nước, để tập hợp lực lượng cứu nước, cùng với kêu gọi “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”,  thúc giục mọi người “chiêu hồn nước” , các nhà cách mạng khi ấy rất  chú ý đề cao, kích thích lòng tự hào dân tộc mong những nguời cùng chung nòi giống sớm đoàn kết, quật khởi đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Những chuyện “con Rồng cháu Tiên”, “máu đỏ da vàng”, …rồi hai chữ “đồng bào” được nói tới trong nhiều thơ văn thời kỳ này:

Hồn xưa dòng dõi Lạc Long,

Con nhà Nam Việt nguời trong giống vàng.

Rồi:

Cùng xương cùng thịt cùng da,

Cùng hòn máu đỏ con nhà Lạc Long.

Than ôi Bách Việt hà san

Văn minh đã sẵn khôn ngoan có thừa.

Và ngay cả việc xây dựng quy mô đền Hùng, thay vì giỗ Tổ hàng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch  có tính chất địa phương trở thành giổ Tổ với tính chất quốc lễ cũng nằm trong trào lưu này.

      Các nhà nho vốn được các vị tuyên giáo thời nay coi là những nguời bảo thủ (có thời, họ đã ví cái “búi tóc củ hành” của các cụ là “cái cục bảo thủ nằm ngay sau gáy” để chê bai), nhưng lạ thay, ngay trong khi kích thích, biểu dương lòng tự hào, những nguời bị chê là “bảo thủ” ấy vẫn luôn luôn thức tỉnh quốc dân bằng cách chỉ ra những thói hư tật xấu của nguời Việt. “Văn minh tân học sách” được đưa vào sách giáo khoa của Đông Kinh Nghĩa Thục ngay từ thời ấy đã chỉ ra hạn chế của nguời Việt:

 “Nhưng hạng cao hơn, đỗ đạt một tí, được cái tiếng quèn, đã vội khủng khỉnh ta đây là kẻ cả, tự xưng là bậc giữ gìn thê đạo, ngày ngày khoe câu văn hay, khư khư ngồi giữ những thuyết hủ lậu, khinh bỉ hết thảy học mới văn minh. Hạng kém thua nữa thì chỉ nghe có vấn đề thăng quan lên mấy bậc, cất nhắc  mấy người, chứ không biết đến vấn đề nào khác”.

Phạm Quang Sán, từ năm 1914 đã chỉ ra sự kém cỏi của nguời đương thời:

 “Nước ta theo đạo thánh hiền, dân khai hóa cũng đã lâu nhưng ví với các nước văn minh thì trí khôn còn thiếu, tư cách chưa toàn, chưa hiểu nghĩa vụ riêng là thế nào, chưa biết trách nhiệm chung ra sao. Nộp thuế là của tiêu chung mà còn có người dân ẩn lậu, đi lính là giữ cho mình mà còn có người trốn tránh, đê điều cấm phòng thân lừa ưa nặng không đánh không đi”.

 Về tín ngưỡng, Lương Đức Thiệp đã viết:

“Cũng vì thiết thực mà người Việt tín ngưỡng để rút phần lợi ích thiển cận của tôn giáo tại ngay kiếp này, nhiều hơn là mong linh hồn được giải thoát mãi tận kiếp sau”.  

Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục (1915) cũng viết:

“Ngoài chốn hương thôn không còn biết trời đất là đâu, ngoài sự ăn uống không còn có sự nghiệp gì, như thế thì trách làm sao mà dân chẳng hèn, nước chẳng nhược?”

 Rồi ông nhận xét về việc “tuyển chọn cán bộ”:

“Xét cách bầu cử tổng lý của ta khi xưa thật lắm phiền nhiễu mà phần nhiều dùng cách tư tình, những người làm việc chẳng qua lại là con cháu họ hàng với những chức sắc kỳ mục. Trừ ra những làng khó khăn không ai muốn làm không kể, còn về các làng tốt bổng, con cái nhà có thế lực tranh nhau mà ra, có mấy khi lọt vào tay người khác được. Vì thế lý dịch hay có bè đảng, mà nhất là hay a dua với hàng kỳ mục để dễ cho sự thầm vụng của mình”.

Nhà thơ của núi Tản sông Đà thì chua chát:

Dân hai lăm triệu ai nguời lớn,

Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con.

Không vừa lòng với hiện trạng trì trệ, chậm tiến, ông thẳng thắn:

Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn,

Cho nên chúng nó mới làm quan.

Phan Chu Trinh đã ký họa bức tranh bộ máy cai trị thuở ấy (mà nay được gọi là “hệ thống chính trị”):

Người khanh tướng kẻ tấn thân 

Trăm nghề, hỏi có trong thân nghề nào?

Chẳng qua là quơ quào ba chữ,

May ra rồi ăn xớ  của dân.

Khoe khoang rộng áo dài quần,

Tráp giày bệ vệ, rần rần ngựa xe.

Còn bậc dưới ngo ngoe vô kể,

Học cúi luồn kiếm thế vơ quào.

Thầy tư lại, bác kỳ hào,

Gặm xương, mút đũa lao nhao như ruồi.

Lại có kẻ lôi thôi bậc giữa,

Trên lỡ quan, dưới nữa lỡ dân.

Ấy là học sĩ văn nhân,

Ăn sung mặc sướng mà thân không làm.

      Thế mới biết, cách tiếp cận vấn đề của các nhà cách mạng đầu thế kỷ rất toàn diện. Có khích lệ, có phê phán, có biểu dương, có nhắc nhở khiến nguời đọc, nguời nghe nhận thức được chỗ đứng của mình, của dân tộc mình.  Đọc lại những ý kiến, nhận xét của các nhà nho một trăm năm trước, ai cũng có thể thấy qua một thế kỷ, bộ mặt tinh thần, tính cách, … của nguời Việt Nam chúng ta chẳng mấy thay đổi, thậm chí có nhiều điều còn “nhếch nhác” hơn.

      Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Nhưng lý do đầu tiên phải nói tới là từ 70 năm nay, chưa bao giờ, lòng tự hào được nhắc đến tới mức khoa trương, luôn trong tình trạng “năm sau cao hơn năm trước”, nhất là trong những dịp lễ tết, hội hè, kỷ niệm. Nghe đài, xem ti-vi, ai ai cũng thấy vừa lòng vì niềm kiêu hãnh được vỗ về, thói phỉnh phờ được lên ngôi. Tầng lớp trên thì an tâm với địa vị sẵn có, thản nhiên thụ hưởng “ơn trời lộc nước”, kẻ bình dân được vuốt ve, xoa dịu,  tạm quên đi cái đói nghèo đang ám ảnh. Nó khiến mỗi nguời, ai ai cũng  như đang đi trên mây, bị mê hoặc như đang “nhập đồng”, như đang ở một thế giới xa lạ nào mà quên mất cái cuộc sống thực tại còn vô cùng khó khăn, quên mất biết bao điều còn không thể chấp nhận đang hàng ngày hàng giờ tồn tại và diễn ra ngay trước mắt, quên đi cái vị thế thấp kém của đất nước so với  các nước khắp đông tây.

     Tự hào để làm gì với những cái ảo ảnh trong truyền thuyết. Xưa, nói “con Rồng cháu Tiên”, nói “đẻ trăm trứng”, nói “năm mươi con theo cha… năm mươi con theo mẹ…” là muốn nói dân tộc ta có nguồn gốc khác thường, có một không hai, không thể so sánh với bất kỳ một chủng tộc nào khác để dẫn tới kết luận: cho nên không thể cam tâm làm nô lệ. Nói chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh, Thánh Gióng là để ca ngợi lịch sử dựng nước và giữ nước, là để nói với lớp sau: phải noi gương và không thể thua kém cha ông. Cứ để những điều ấy trong trí tưởng tượng, để từng thành viên của cộng đồng tự mỗi người tự “thêu hoa dệt gấm”,  hình ảnh Tổ tiên sẽ luôn luôn lung linh, huyền ảo, trong tâm thức càng trở nên thiêng liêng,  để mỗi con dân nước Việt tận tâm tận sức bảo vệ và xây đắp mảnh đất nghìn đời ông cha để lại. Nếu cần nghiên cứu về lịch sử dân tộc, hãy dùng các phương pháp khoa học, giữa thời buổi của thế kỷ 21 như ngày nay mà quay lại tán dương, nói chuyện Kinh Dương Vương với 18 đời vua Hùng trị vì suốt 2.622 năm, thậm chí không biết chi ra bao nhiêu tiền và căn cứ vào đâu để đắp tượng kèm theo những ghi chú đại loại “Hùng Định Vương húy là Quốc Lang, sống 602 tuổi, trị vì 80 năm, lấy 46 vợ, sinh 39 con trai và 9 con gái; vua Hùng Vũ Vương húy là Đức Hiền Lang, sống 456 tuổi, trị vì 96 năm, có 25 vợ và 56 con, …” thì thật là những việc làm khó hiểu. Rồi đắp tượng vua Hùng da trắng như trứng gà bóc, môi tự son thoa bắp tay cuồn cuộn như kẻ mãi võ để cho con cháu kẻ nói “trông như lưỡng tính”, kẻ bảo “chẳng khác Trương Phi”, …thì quả là “yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau”. Các vua Hùng chắc hẳn sẽ không thể hiểu nổi sao con cháu mình lại có những kẻ “nửa khùng nửa điên” như thế, trong khi đất đai của cha ông để lại đang dần mòn mất vào tay ngoại bang?

     70 năm trước, ta tự hào vì là nước “dân chủ cộng hòa” đầu tiên ở Đông nam châu Á, nhưng có nên tiếp tục tự hào khi sau 70 năm, “nhân quyền” với nghĩa thông thường của thế giới văn minh vẫn chỉ là mơ ước của mỗi nguời dân Việt Nam?

     40 năm trước, tự hào vì đã “hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ trên phạm vi cả nước”, “thống nhất đất nước, non sông về một mối” có thể hợp lý vì biết bao nguời đang tràn trề hy vọng “đất nước ta sẽ xây dựng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.  Nhưng tới hôm nay có nên vẫn không ngớt ca bài ca tự hào ấy, trong khi nhiều triệu nguời đã phải bỏ nước ra đi tìm đường sống thà bỏ xác trên đại dương, nhiều triệu nguời đã phải bán sức lao động ở xứ nguời kể cả những nước được coi là lạc hậu, chậm tiến như Lào, Cam-pu-chia, số lượng các cô gái đang bán thân ở xứ nguời vào hàng kỷ lục?

    Có nên tự hào khi hơn nửa thế kỷ trước, ta phê phán xã hội thực dân phong kiến đến cái kim sợi chỉ cũng phải nhập khẩu, nhưng đất nước ta từ đó đến nay, một cái đinh vít cũng chưa sản xuất nổi, từ cái tăm đến đôi đũa trong đời sống hàng ngày cũng phải mua từ bên kia biên giới?

     Có nên tự hào khi được gọi là nước sản xuất nông nghiệp mà hạt ngô nuôi gà cũng phải mua; thịt gà, thịt lợn, thịt bò cũng đều do nước ngoài sản xuất? Có nên tự hào khi nước ta xếp chót bảng trong 175 nước với tiêu chí quốc gia đáng sống nhất?

     Có nên tự hào khi sau 70 năm, mỗi nguời Việt Nam thấy cái triển vọng  có ngày được “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” xa dần; dù dân số đã đứng thứ 13 thế giới nhưng giáo dục đang đứng đội sổ ngay trong khu vực được coi là vùng trũng của nhân loại, và con dân của vua Hùng đang bằng mọi cách để con cháu “tỵ nạn giáo dục” khắp bốn phương?

     Tự hào để làm gì khi dân ta đứng đầu về rượu chè và cờ bạc; khi  tiếp đón khách du lịch ở khắp nơi,  nguời ta phải có những lời nhắc nhở cảnh tỉnh mọi thói hư tật xấu bằng tiếng Việt; từ biên tập viên truyền hình đến cơ trưởng, tiếp viên hàng không (là những nguời có bằng cấp và thu nhập cao) đều có  những hành vi đáng xấu hổ khi đặt chân ra nước ngoài; các cán bộ ngoại giao mang hộ chiếu công vụ trong vai trò “phương diện quốc gia” bị bắt vì buôn lậu ngà voi và sừng tê giác, những hành vi bị loài nguời văn minh coi là việc làm của loài đạo tặc?

     Và tự hào để làm gì mỗi khi trống chiêng rổn rảng, cờ xí rợp trời để tự hào là số người chết vì tai nạn giao thông lại tăng đột biến?

     Thay vì mất thời gian và tiền bạc để ca mãi điệu tự hào, các cơ quan tuyên huấn và truyền thông,  giá như dành phân nửa số của cải và thời gian ấy để:

 Chú ý vạch ra những tồn tại để nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh chóng, thoát cảnh phải ngửa tay xin viện trợ của các nước mặc dù đã thống nhất độc lập gần một nửa thế kỷ;

Thẳng thắn  và nghiêm khắc phê phán những thói hư tật xấu của nguời Việt để con người Việt Nam ngày càng tiến bộ, có thể nhanh chóng hội nhập và giành được nhiều thiện cảm hơn trong con mắt bè bạn quốc tế;

Chỉ ra những yếu kém về mọi mặt để Việt Nam thoát khỏi vị trí đội sổ trong những đóng góp cho nền văn minh nhân loại, …

chắc hẳn niềm tự hào sẽ không dừng lại trên các loa tuyên truyền mà trở thành tình cảm hết sức trân trọng trong mỗi chúng ta, để cháu con các vua Hùng,  ai cũng có thể hãnh diện ngẩng cao đầu : Tôi là nguời Việt Nam.

Hồi còn nhỏ, mỗi khi đi trên những con đường làng khúc khuỷu, quanh co, với những vũng nước tù đọng và chất thải đủ loại, tôi vẫn thường nhớ lời dặn:

– Đi đường mà mắt cứ “nghếch” lên, thế nào cũng giẫm phải c.!

                                                                                                                 30.4.2015

10 BÌNH LUẬN

  1. He he, nếu mờ “vạch ra những tồn tại để nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh chóng, thoát cảnh phải ngửa tay xin viện trợ của các nước” được, thì đã chả là VN XHCN! Há há há!

  2. Những người Việt ít thông tin đa chiều ,và không sống hoặc chưa đi nhiều nước, thì hay có lòng tụ hào dân tộc cao.
    Nhìn cái đám mang ảnh Bác, hát như có Hồ khi đi cổ động bóng đá là hiểu điên cỡ nào.
    Những người Việt sống ở nước ngoài, phần lớn không thấy tự hào là ngưòi Việt. Nhiều lúc thấy nhục nhã khi cầm hộ chiếu VN

  3. Bài viết rất hay, tiếc rằng những người cần đọc bài này để suy nghĩ thì chắc chẳng thèm đọc.

  4. Đọc bài”Niềm tự hào dân tộc” của thầy mà cứ tưởng đang ngồi trên giảng đường thầy giảng năm nào. Đúng là rất tự hào với truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông ta thuở trước, nhưng lại rất xấu hổ vì chúng ta ngày càng thua xa bạn bè những điều tốt đẹp, ngày càng vượt trội họ về những thói hư tật xấu.

  5. Bài viết của bác Giao đã chỉ ra đâu là tự hào dân tộc một cách có lý trí và tỉnh táo, và kiểu tự hào dân tộc như tự sướng của một số người. Cám ơn bác, cháu cũng sẽ gửi bác một bài viết về kiểu tự hào dân tộc của người Việt và quan niệm về tự hào dân tộc của người Đức.

  6. Cảm ơn bạn – tôi rất đồng tình về những nhân xét, phê phán của bạn. Nhưng làm thế nào để khắc phục ? Có lẽ : từng người, từng gia đình phải thấy và hành động – nhưng quyết định hơn phải là các cấp lãnh đạo từ cao đến thấp – nhất là các cơ quan giáo dục và bộ máy tuyên huấn – tuyên truyền của Nhà nước phải nhận thức được và có hành động cụ thể ở tầm quốc gia.

  7. Bộ Máy Tuyên Truyên của Đang CSVN đem câu “TƯ HÀO DÂN TÔC
    dể RU NGỦ toan Dân,Các Ông Lãnh Đạo Đng CSVN dã lam nhưng 4 gì
    để DÂN tâm phục .khẩu Phục
    Các Ông có lam như Ông LÝ Quang Diêu,Fidel Castro ,không xây Tương ,Nhà Lư niêm ,đăt tên đương khi các ông ấy CHẾT.
    Cac ông khi vê hưu có sông Thanh Bach như T T Tưởng Kinh Quôc
    của Đai Loan hay sông như Cung Vua ( Ông Lê Khả Phiêu Nông Đưc Mạnh)

Trả lời Van Man Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here