Đề án đổi mới giáo dục vào năm 2015 có vẻ như đã khá chi tiết, tôi không muốn nhắc lại khiến bạn đọc mất thời gian. Nhưng còn những khoảng trống không được quan tâm mặc dù những điều này, tôi thiết nghĩ đều vô cùng quan trọng trong sự nghiệp giáo dục nói chung cũng như công cuộc đổi mới sắp tới.

1. Trước hết, đề án nói nhiều tới chương trình, sách giáo khoa, nhưng chưa quan tâm tới những người thực hiện cái chương trình ấy, mang những kiến thức ấy của sách giáo khoa đến với học sinh. Trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây, phó giáo sư Vũ Nho đã bảo vệ quan điểm của những người làm sách môn Văn, đưa những bài mới, bài khó vào sách để theo kịp với sự phát triển của văn học trong nước và thế giới. Ý tưởng này không có gì sai. Nhưng các tác phẩm dù là tuyệt hay ấy không thể trực tiếp đến với học sinh. Nó phải qua một khâu trung gian, đó là giáo viên. Trong nghề dạy học, vai trò của con người, cụ thể là vai trò của người thầy vô cùng quan trọng. Một kỹ sư, một nhà nghiên cứu chỉ tác động đến một sản phẩm. Sản phẩm ấy không tốt, người ta không giao cho anh làm sản phẩm mới nữa. Lãng phí chỉ dừng ở mức mất công đào tạo ra một kỹ sư, một nhà nghiên cứu tồi. Nhưng trong nghề dạy học, một người thầy tác động đến rất nhiều học sinh và lại chưa có kết quả ngay nên không thể kịp thời thanh lọc. Mỗi năm cứ tính trung bình dạy khoảng 100 học sinh, thì theo Luật bảo hiểm xã hội hiện nay, trong 30 – 40 năm làm việc, người thầy đã tác động đến số lượng học sinh không nhỏ. Rồi những học sinh được người thầy ấy dạy dỗ nếu theo nghề dạy học lại tác động đến bao nhiêu học sinh nữa? Nói  như thế để  thấy vai trò của người thầy với học sinh là vô cùng lớn. Mặt khác, người tiêu dùng sử dụng một sản phẩm, đọc một bài nghiên cứu, không cần biết tác giả của nó là ai cũng được  nhưng học sinh thì không chỉ học kiến thức do người thầy truyền thụ, họ còn học thái độ, tư thế, tác phong, nhân cách, … của người thầy. Dạy người là ở đấy chứ không phải ở mấy bài giáo dục công dân hay mấy lời thuyết giảng đạo đức nhàm chán của thầy cô chủ nhiệm.

Với những ý tưởng mang cái mới, cái hay, cái hiện đại cho kịp với xu thế chung của thế giới, các vị có quan tâm đến thực trạng học môn Văn trong nhà trường, thái độ của học sinh đối với môn học vẫn được coi là chính, và chất lượng của giáo viên Văn hiện nay?

Hầu hết họ chọn thi vào khoa Văn đều không phải vì yêu thích môn học này. (Môn Văn còn có thể có những người say mê, chứ môn Sử thì số người có tình cảm với nó chắc vô cùng ít ỏi). Văn (hay Sử) được lựa chọn vì chẳng qua, thi khối C gồm những môn  chỉ cần học thuộc lòng các bài văn mẫu, các bài giải sẵn có ở khắp nơi và còn đơn giản hơn học thuộc lòng là chỉ cần mang theo phao lúc vào phòng thi. Vì không có lòng say mê, lại thiếu vốn kiến thức cơ bản cần thiết cộng với tệ xin điểm, mua điểm tràn lan, không hiểu sau 4 năm ngồi trên giảng đường đại học họ sẽ học được những gì. Những tấm bằng “khá”, giỏi” trong nhiều hồ sơ xin việc không khiến cho chúng ta yên tâm về chất lượng của các thầy cô mới ra trường. Điều đáng buồn là hiện nay, nhiều giáo viên  dạy Văn nhưng không có thói quen đọc sách,  các tác phẩm kinh điển của văn học thế giới như Kịch Sêc-xpia, Những người khốn khổ, Chiến tranh và hòa bình, Lão Gô-ri-ô… thậm chí họ còn chưa nhìn thấy. Những tác phẩm của các nhà văn  nổi tiếng trong  nước như nhóm Tự lực văn đoàn, Nguyên Hồng,  Nam Cao, Tô Hoài, …còn chưa đọc hết. Nếu làm một cuộc điều tra, không biết có bao nhiêu phần trăm giáo viên đã đọc hết Truyện Kiều, đã thuộc được bao nhiêu câu trong Chinh phụ ngâm hay Cung oán ngâm? Và thái độ của họ với thời sự văn học trong ngoài nước thật đáng nghi ngại. Những tác phẩm tương đối dễ hiểu như thế còn chưa đọc (chủ yếu vì không thích đọc) thì sao mong họ đọc và hiểu những bài thơ như “Tiếng đàn ghi-ta của Looc-ca” của Thanh Thảo hay truyện ngắn “Người trong bao” của Sê-khốp, chưa kể tới những bài nghị luận, phê bình khô khan?

Trong nghề dạy học, người thầy hiểu biết, say mê chưa chắc đã truyền được cái hiểu biết, cái say mê đến học sinh. Vậy với những người thầy chưa hiểu, chưa say, sao hấp dẫn được học sinh bằng lời giảng, sao truyền được cảm hứng tới học sinh để họ hiểu và cảm được tác phẩm? Với môn Lịch sử cũng vậy. Vì sao học sinh chán môn Sử? Tất nhiên có nguyên nhân từ chương trình, từ sách giáo khoa… nhưng có một nguyên nhân quan trọng là do người dạy chưa có lòng say mê môn Lịch sử, chưa truyền  được cảm hứng bi tráng và hào hùng của từng  trang trong lịch sử dân tộc tới từng học sinh, chưa kể đến việc nhắc lại nhiều sự kiện, nhân vật  nổi tiếng mà các  thầy cũng khó có thể thoát khỏi cuốn sách giáo khoa.

Ông Vũ Nho cũng cho rằng chất lượng của giáo viên còn nhiều hạn chế do tiền lương của họ thấp, chưa đảm bảo đời sống tối thiểu. Điều này cũng không sai. Nhưng với nhiều giáo viên hiện nay, dù có trả bao nhiêu tiền lương họ cũng không thể có những bài giảng hấp dẫn, thu hút được người nghe, những bài giảng mang chất văn chương cần thiết. Bởi vì ngoài chuyện đời sống cơm áo, việc truyền cảm hứng văn chương tới người nghe phụ thuộc rất nhiều vào lòng say mê nghề nghiệp, vào chất lãng mạn bay bổng cùng với sự phong phú về ngôn ngữ thể hiện không thể thiếu của người giáo viên.

Việc thiếu cảm hứng, thậm chí dửng dưng với nội dung bài giảng của người dạy dẫn đến thực trạng đáng buồn là tình trạng đọc chép thường xuyên diễn ra trên lớp. Nguồn để đọc chép là các tài liệu tham khảo cả hay lẫn dở được phép và không được phép. Thầy đọc một cách chểnh mảng (vừa đọc vừa chờ đợi tiếng trống hết giờ học), còn trò cắm đầu viết lấy viết để mặc dù chẳng hiểu gì. Tất nhiên những bài chép ấy sẽ lập tức chìm vào quên lãng khi học sinh gấp vở lại, sao hy vọng nó còn để lại chút dư âm trong ký ức của học trò, càng khó có thể tin rằng nó sẽ giúp cho họ hình thành tính cách, hoàn thiện nhân cách. Nó gây một sự ức chế kinh khủng cho người học, khiến họ không những chẳng có hứng thú gì mà còn kinh hãi những giờ dạy và cả môn học vẫn được coi là hấp dẫn.

Cho nên, muốn công cuộc đổi mới thành công, mong các nhà cải cách hãy quan tâm đến việc nâng cao trình độ chuyên môn của người dạy, từ khâu tuyển chọn và quá trình học tập trong các trường sư phạm đến việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ thường xuyên của giáo viên. Làm sao để không chỉ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, người giáo viên còn cần rất nhiều tâm huyết, một lòng mang tri thức đến với lớp trẻ. Không làm được việc này, công cuộc đổi mới giáo dục dù hay đến mấy cũng chẳng thể làm rung chuyển được cái gì mà chắc chắn sẽ phải chuẩn bị cho một lần đổi mới tiếp theo.

 2. Khoảng trống thứ hai trong Đề án đổi mới giáo dục là không nói tới cơ chế kiểm tra, giám sát  những công việc của đội ngũ giáo viên vô cùng đông đảo hiện nay. Ai cũng biết sự cần thiết của công tác kiểm tra, thanh tra trong mọi ngành, mọi cấp, không cần nhắc lại.

 Trước đây, công việc của người giáo viên mặc dù mang tính độc lập tương đối (xưa nghề dạy học được coi là một trong những nghề tự do) nhưng cũng chịu sự giám sát của:

–         Lòng tự trọng ở bản thân mỗi người. Đã là giáo viên, được người ta gọi bằng “thầy” tất phải có lòng tự trọng. Hầu hết giáo viên từ khi mới vào nghề đã ý thức được điều này nên ngoài lòng say mê nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm của người viên chức,  họ còn luôn không bao giờ muốn để ai phải trách cứ dù là cấp trên hay đồng nghiệp. Càng không thể để học sinh phải đặt dấu hỏi trước những việc làm của mình.

–         Hiệu trưởng ngoài việc điều hành mọi hoạt động của nhà trường còn có nhiệm vụ giám sát để đảm bảo những giáo viên của mình làm tròn chức trách phận sự. Không phải ông Hiệu trưởng nào cũng có năng lực chuyên môn cần thiết, nhưng sự tận tụy với nhiệm vụ của họ khiến giáo viên phải nể trọng. Một trường học lúc ấy chỉ khoảng trên dưới hai chục lớp, với số giáo viên khoảng năm mươi người. Mặt khác, Hiệu trưởng không mất quá nhiều thời gian vào những cuộc họp hành vô bổ, kiểu như những cuộc họp để tổng kết việc thực hiện nghị quyết, sơ kết cuộc vận động, … Trong cả năm học, chỉ cần dăm bảy lần ông ấy đột xuất dự giờ một giáo viên; trong  giờ nghỉ, đề nghị được xem giáo án của một giáo viên khác, tới một lớp nào đó, thu tập bài kiểm tra giáo viên vừa trả cho học sinh để xem xét việc chấm bài, … đã có thể nhắc nhở giáo viên dù thời gian để làm những việc này không cần  nhiều.

–         Kỳ thi tốt nghiệp hàng năm được tiến hành một cách nghêm túc cũng là một cuộc sát hạch mà mỗi giáo viên đều coi trọng. Chỉ cần nhìn bảng điểm kết quả thi của từng lớp, có lớp 70 – 80% học sinh được điểm trung bình trở lên, nhưng cũng có lớp tỷ lệ này có thể chỉ là khoảng 10%,  mỗi giáo viên tự soi được  mình trong đó.. Không ít trường thực hiện việc phân công giáo viên giảng dạy suốt 3 năm để thông qua mỗi kỳ thi đánh giá năng lực giảng dạy của giáo viên, trách nhiệm của từng người không thể chối bỏ.

–         Đột xuất, cấp trên (Ty, Sở) có những cuộc kiểm tra dài ngày (từ một tuần tới 10 ngày), với một đội ngũ đông đảo tới  các trường. Nhiều vấn đề tồn đọng trong công việc giảng  dạy (nhưng chủ yếu thuộc các vị trong Ban Giám hiệu) sẽ được đưa ra ánh sáng. Tôi cũng chưa thấy ai bị kỷ luật vì những khuyết điểm phạm phải của các đương sự đều chưa đủ lớn. Nhưng những cuộc thanh tra này có tác dụng cảnh tỉnh.

 

 Ngày nay, mọi việc đã khác.

 –         Lòng tự trọng của người giáo viên cũng đã phôi pha theo thời gian chẳng khác gì những viên chức trong các cơ quan nhà nước khác.  Nghề dạy học lại là  nghề khó có điều kiện thăng tiến, nhiều giáo viên (nhất là giới nữ) lựa chọn nghề này chẳng qua vì được chủ động về thời gian, có điều kiện lo lắng công việc gia đình, nuôi dạy con cái chỉ cốt sao cho yên thân “đến hẹn lại lên” lương, chờ ngày về hưu. Cộng với cơ chế  kiểm tra, giám sát quá lỏng lẻo, ai cũng chỉ cần tránh những lỗi “tày đình” để khỏi phiền phức còn lại vì đã biết cư xử chu đáo trong những ngày lễ Tết các vị chức sắc nên rất nhiều những việc thuộc trách nhiệm thường được coi là chuyện vặt không cần để ý. Học trò chép bài văn mẫu, quay cóp khi làm bài, thầy cũng chẳng ngăn, vì như thế chấm bài sẽ rất nhanh, chỉ cần nhìn tên học sinh, nhìn chữ viết đẹp hay xấu mà cho điểm, đặc biệt không cần phải cho điểm kém (vì viết y như bài mẫu còn gì phải phê phán). Mà học trò nhìn chung, đã được điểm trên trung bình thì chẳng ai thắc mắc, điều đó đã đạt  yêu cầu của họ. Còn với thầy thì điểm số của học sinh như thế ắt được các cấp quản lý hoan nghênh. Có những học sinh yêu thích môn Văn, mỗi khi làm bài cũng thả hồn theo từng câu thơ,  cố tìm cách diễn đạt khác lạ nhưng rồi những bài viết gửi gắm bao nhiêu sự mê say ấy cũng chẳng được đánh giá cao hơn những bài chép nguyên xi mẫu in sẵn. Người lớn còn chán, đừng nói học sinh.

– Trường học hiện nay đã có quy mô không nhỏ, mỗi trường có tới dăm chục lớp với trên một trăm giáo viên. Hiệu trưởng giờ được đào tạo bài bản hơn, ngoài tốt nghiệp trường sư phạm còn được dự đủ các lớp huấn luyện lập trường tư tưởng, đường lối chính sách, nghiệp vụ quản lý nhưng lại bận không biết bao công việc ngoài chuyên môn nhất là chuyện tính toán tiền nong, thu chi đủ các loại quỹ, ký hợp đồng mua sắm trang thiết bị, may đồng phục, tham quan du lịch, .. cùng những  họp hành vô bổ, những bữa thù tạc cùng các đoàn kiểm tra đã báo trước hàng tháng…Việc chuyên môn, theo dõi giảng dạy phó thác cho một Hiệu phó. Chỉ là người giúp việc cho Hiệu trưởng nên người được ủy quyền chẳng hơi đâu gây “mất đoàn kết” nội bộ, vừa gây thù chuốc oán, vừa có thể mất lá phiếu ủng hộ trong lần thăm dò sắp tới tìm người kế vị ghế Hiệu trưởng.

 – Công việc kiểm tra trong các nhà trường hiện nay phần nhiều mang tính hình thức, rất mất thời gian của giáo viên nhưng hoàn toàn vô tác dụng nếu muốn thông qua nó chấn chỉnh công việc và nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thầy giáo. Để tự yên tâm, người ta vừa lòng với cái được gọi là “kiểm tra chéo”, nghĩa là giáo viên kiểm tra lẫn nhau. Có ai hơi đâu làm việc này một cách cẩn thận, vì trách nhiệm đâu phải của họ. Hơn nữa, được cái gì nếu vạch ra thiếu sót của người khác nếu không muốn thường xuyên nhận được những cái lườm nguýt?  Những cuộc kiểm tra chéo giữa các trường chỉ là những cuộc liên hoan vui vẻ được chi phí bằng tiền ngân sách để ai cũng lộ vẻ mặt rạng rỡ mỗi khi chia tay.  Những hội giảng, thao giảng, xét duyệt giáo viên dạy giỏi, … được tổ chức hàng năm ngay cả khi có đủ các quan chức cấp trên về dự cũng đều là những màn bi hài kịch vừa vụng về, vừa nhố nhăng chỉ khiến học trò tha hồ cười nhạo sau lưng thầy và những người còn đôi chút lương tri phải xấu hổ.

 – Thi cứ giờ đây ngày càng gian dối đến trắng trợn. Trường nào cũng đỗ gần 100%. Việc phát động phong trào “mùa thi nghiêm túc” rất thường xuyên và rầm rộ chỉ làm cho những người còn chút tâm huyết thêm xót xa cũng không thể thay đổi tình hình. Nhìn vào tỷ lệ đỗ của học sinh không thể thấy một chút gì năng lực của ông thầy vì ai cũng như ai.

 – Cấp trên theo dõi và giám sát  từng trường giờ được phân công cho một chuyên viên. Ông ta chính là người có toàn quyền  đánh giá, chấm điểm thi đua các trường. Nhà trường  bị giám sát không thiếu gì cách để luôn nhận được sự hài lòng của vị chuyên viên có thể “tác phúc giáng họa” này. Vì thế cuối năm học, trong các cuộc tổng kết, cờ hoa đỏ rực người ta không lạ gì khi thấy số lượng các trường gọi là tiên tiến xuất  sắc luôn áp đảo và hầu như chẳng có trường nào không nhận được một lá cờ  động viên.

 Một cơ chế giám sát, kiểm tra như thế liệu có hy vọng thay đổi được chất lượng giáo dục? Mong các nhà cải cách hãy hình dung công cuộc đổi mới lần này sẽ tác động tới giáo viên và học sinh như thế nào, từng trường học sẽ chuyển biến ra sao. Không còn nghi ngờ gì, việc biên soạn chương trình và sách giáo khoa mới cùng biết bao những đổi thay vô cùng tốn kém mà Bộ Giáo dục hy vọng sẽ tạo nên sự rung chuyển cho nền giáo dục cũng sẽ theo vết xe của các phong trào thi đua diễn ra khắp nơi, có phát mà không động, hiệu quả của tất cả sẽ chỉ hơn con số “không” chút ít.

Xin kể lại một chuyện nhỏ để  các nhà cải cách suy ngẫm:

 Đầu những năm 80, chất lượng giáo dục giảm sút, các bài kiểm tra của học sinh thường có tỷ lệ điểm kém rất cao, có khi tới trên 50%. Cấp trên (không rõ Bộ hay Sở) ban một cái lệnh: bài kiểm tra nào có trên 40% điểm dưới trung bình, giáo viên phải tiến hành kiểm tra lại. Các giáo viên chẳng dại gì lại phải chấm bài một lần nữa. Họ chỉ việc cộng thêm cho mỗi học sinh vài ba điểm. Thế là kết quả đúng và còn vượt ý muốn của cấp trên. Tỷ lệ điểm dưới trung bình giảm xuống có khi không tới 10%. Thật là vượt mức kế hoạch! Ý đồ của cấp trên thế nào và giáo viên ứng xử ra sao, mọi người có thể biết. Đây chính là mở đầu cho việc lạm phát điểm tốt, lạm phát học sinh tiên tiến và học sinh giỏi  trong các trường, các lớp diễn ra cho tới nay.

 

1 BÌNH LUẬN

  1. “Nó phải qua một khâu trung gian. đó là giáo viên”… Nhà thơ Phạm Lê Văn (Thợ Rèn) trong một bài thơ Ông viết “Phân trung thì ít, phần gian thì nhiều”…

Trả lời Dương Đình Giác Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here