Ngày thứ 6 (13.9.2015) Cửa Đại, Thành phố Hội An, Quảng Nam.

Hôm trước, tôi đã nói tới những tấm biển ghi tên các làng ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế, một biểu hiện rất văn hóa cần nhân rộng. Tìm hiểu, được biết những tấm biển này nằm trong Dự án phát triển du lịch của tỉnh. Không có điều kiện tìm hiểu đầy đủ về dự án, nhưng một chi tiết nhỏ của nó cũng khá giàu sức thuyết phục và được các du khách hoan nghênh.
Đi du lịch, du khách không chỉ cần biết địa danh của nơi tới thăm, họ còn muốn biết tên những vùng đất đã đi qua. Hiện nay, du khách chỉ có thể biết các địa danh ấy thông qua các biển hiệu của những nhà hàng, hiệu buôn, … trên đường đi. Những biển hiệu thường nhỏ, thông tin về địa danh không phải là mục đích của chủ nhân nên rất nghèo nàn. Ngồi trên ô tô hay xe hỏa đi với tốc độ cao, người ngồi trên xe dù muốn cũng không thể đọc kịp.
Trong khi khắp nơi hiện có những tấm biển được làm khá tốn kém nhưng giá trị thông tin lại vô cùng khiêm tốn. Đó là những tấm biển đặt trước các cơ quan hành chính cấp xã. Nội dung thường thấy của những tấm biển này hiện nay thường là: “Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã …”. Ba cái tổ chức được ghi trên biển ở mọi nơi đều giống nhau, hoàn toàn không có thông tin gì mới. Giá như nội dung của tấm biển chỉ cần thay đổi chút ít sẽ có tác dụng rất lớn với du khách hoặc mọi khách vãng lai: “Trụ sở xã … huyện … tỉnh …”.


Mong Bộ Văn Thể Du làm việc với Bộ Nội vụ thống nhất cách ghi nội dung trên biển này. Thật là “nhất cử mà lưỡng tiện” vậy.
Hôm nay kết thúc hai ngày nghỉ ngơi “hồi phục”, sáng mai lại lên đường thêm một thành viên nhập cuộc.

Ngày thứ 7 (14.9.2015) Hội An – Tam Kỳ, Quảng Nam

Trên đường, mỗi khi dừng chân, biết chúng tôi đi xuyên Việt, nhiều người vẫn coi đây là các cựu chiến binh đi thăm lại chiến trường xưa, đi tìm mộ của đồng đội, không ai nghĩ một người bình thường có thể làm việc này. Rất lạ vì đó là suy nghĩ của hầu khắp mọi người. Thì ra họ cho rằng chỉ có cựu chiến binh vì các lý do thiêng liêng đó mới chịu bao gian nan vất vả vượt hàng nghìn cây số. Đáng tiếc với nhiều người, khám phá, thử sức, trải nghiệm,…không phải là nhu cầu của cuộc sống. Còn du lịch vẫn được coi chỉ là để hưởng thụ, cho nên phải đi máy bay, phải ở các khách sạn nhiều sao và không thể thiếu những bữa ăn sang trọng…
Tối qua nghe những tin tức dồn dập về cơn bão sắp đổ vào miền Trung, anh em chúng tôi đã quyết định phải nhanh chóng thoát ra khỏi khu vực này khi cơn bão chưa đổ vào đất liền. Vì thế, mới 5 giờ sáng, chúng tôi đã dời Hội An với hy vọng sẽ tới được Bình Định vào buổi chiều, ngoài khu vực ảnh hưởng của bão. Nhưng trên đường đi, mưa ngày càng nặng hạt và nhất là dù thời gian mưa chưa lâu, trên mặt đường đã xuất hiện nhiều vũng nước dài và sâu, nguy cơ xe bị chết máy rất cao. Đẩy xe giữa trời mưa tầm tã trên con đường trắng xóa những nước trong khi gió ngày càng thổi mạnh không phải là điều dễ chịu. Vì thế, khi tới Tam Kỳ sau khi đi được khoảng 70 km, chúng tôi quyết định dừng lại chờ bão tan. Thế là cả ngày, tất cả đều “xê dịch” bằng máy tính.
Thua Trời cũng đâu phải là điều đáng hổ thẹn.

Ngày thứ 8 (15.9.2015) Tam Kỳ, Quảng Nam – Quy Nhơn, Bình Định

Theo thông báo của cơ quan khí tượng, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trong hai ngày 15 và 16 tháng 9, vùng trung Trung bộ và bắc Tây nguyên có mưa to, có nơi mưa rất to. Nghe tin, suốt tối qua, anh em chúng tôi lo lắng, bàn bạc mãi vì sợ mất thêm một ngày nữa tránh mưa bão. Nhưng chẳng ai ngờ, 4 giờ sáng nay mở cửa, thấy trời tạnh ráo và tới hơn 5 giờ, xuất hiện một màu hồng phía chân trời. Cả mấy người không tin vào mắt mình. Vừng hồng ngày càng mở rộng, tất cả như trút được gánh nặng. Nhớ hơn nửa thế kỷ trước, không biết đang nói chuyện gì, một cô bạn cùng học lớp 10 bảo “nha khí gió tưởng tượng” thay cho tên chính thức “nha khí tượng”. Hóa ra khoa học kỹ thuật nước ta tiến bộ nhanh thật!
Suốt chặng đường khoảng 250 cây số, trời nắng đẹp, không một gợn mây. Hỏi mọi người ở những nơi dừng chân, ai cũng bảo trời nắng từ sáng sớm.
Cũng xin nói thêm, người Việt Nam hay nói “người trong cuộc” để nói đó là những người có điều kiện tỏ tường mọi việc nhất. Nhưng đáng tiếc, nhiều khi “người trong cuộc” nói mà “người ngoài cuộc “không tin. Trong cơn bão vừa qua, nhiều người thân của chúng tôi đã vô cùng lo lắng khi thấy những tin cây đổ, thuyền chìm, người đi xe máy bị gió quật ngã,… ở Đà Nẵng. Thế mà chúng tôi đang ở đúng nơi bão đổ bộ thì không biết sẽ còn những chuyện gì sẽ xảy ra. Nhưng xin nói thật, “có quỷ thần hai vai chứng giám”, sáng nay đi dọc thành phố Tam Kỳ, chúng tôi không hề thấy một cành cây gãy, mặt đường khô cong không một vũng nước đọng, … như chưa hề có chuyện mưa bão xảy ra. Cho nên nhiều khi nỗi lo nếu lại được thêm chút gia vị bằng trí tưởng tượng sẽ dễ thành hãi hùng.
Đi chơi trong những ngày mùa thu thật tuyệt. Trời nắng không còn cháy bỏng nhưng vẫn còn đủ chói chang, nóng nhưng chỉ vừa đủ để cảm nhận cái mát rượi của những làn gió biển. Lần đầu tiên được hưởng tiết thu ở miền Trung, thấy cũng không khác lắm so với tiết thu miền Bắc. Một người trong nhóm chúng tôi đã từng đưa ra “định nghĩa”: đi chơi là chơi cái cuộc đi, nghĩa là trong chuyến đi, người ta cần cảm nhận bằng tất cả các giác quan và trí não ở mọi nơi, mọi lúc.
Đường đi hôm nay chuyển từ miền núi về vùng biển vì trong chuyến đi 12 năm trước, chúng tôi đã qua Tây nguyên về Nam bộ. Từ thành phố Tam Kỳ, trung tâm tỉnh Quảng Nam, qua các huyện của Quảng Ngãi, Bình Định và cả nhóm dừng chân ở Bãi Xép thuộc thành phố Quy Nhơn.

Ngày thứ 9 (16.9.2015) Bãi Xép, Quy Nhơn.

Đêm qua, chúng tôi nghỉ lại ở nhà nghỉ Haven tại Bãi Xép, cách Quy Nhơn 10 km về phía nam. Haven ẩn mình sau một làng chài, nằm sát bên bờ biển. Đêm ngày ngồi trong phòng hay ngoài khuôn viên đều có thể ngắm biển cùng những hòn đảo ngoài xa, những con thuyền trở về trĩu nặng cùng tiếng sóng vỗ rì rào bất tận. Bãi biển đẹp và vắng lặng, khác hẳn sự xô bồ, náo nhiệt của hầu hết các bãi biển ở nước ta hiện nay. Điều khác biệt ở Haven là bên cạnh các phòng nghỉ cao cấp, còn có khu dành cho khách ba-lô, “phượt”, những người không thích sang trọng, muốn hòa mình với thiên nhiên, với cuộc sống dân dã, đời thường.

Trong những chuyến đi, an toàn là vấn đề luôn luôn được chúng tôi đặt lên hàng đầu, vì nếu xảy ra bất trắc sẽ không thể có chuyến đi lần sau. Nhẹ nhàng nhất là bị “cấm vận”, còn xấu nhất là nhảy lên trên chuyến tàu tốc hành tiến thẳng vào cõi hư vô. Mặt khác, khi sự cố xảy ra, người chịu phiền nhiễu, vất vả trước hết là các bạn đồng hành. Ngoài 70 tuổi, rong ruổi đường xa, trèo đèo leo dốc đã phải tự vượt lên chính mình, nỡ nào khoác thêm gánh nặng cho những “tấm thân già”, bè bạn đã bao năm. Rồi sau đó là bao nỗi khó nhọc của gia đình, vợ con cùng bao người thân khác. Cho nên, an toàn luôn là ưu tiên số một.
Suốt gần chục ngày qua cùng nhiều chuyến đi khắp mọi miền đất nước trước đây, phải khẳng định hệ thống đường xá của ta ngày càng tốt: mặt đường rộng và phẳng, nhiều đoạn có dải phân cách, vạch sơn phân làn, tuyến rõ ràng, hệ thống biển báo cũng đầy đủ, ở các tụ điểm dân cư còn có hệ thống đèn tín hiệu. Đó là những điều kiện rất thuận lợi để “đi đến nơi về đến chốn”. Để đi lại an toàn, dù chưa có điều kiện thống kê, tôi vẫn cho rằng vai trò chủ quan là quyết định. Việc đổ lỗi cho Giời (số) hay nhà nước chỉ là do thói quen không chịu nhận lỗi của con cháu vua Hùng. Trước mỗi chuyến đi, xe cộ đều được chuẩn bị chu đáo, đặc biệt là hệ thống “phanh” tay và chân, “săm”, lốp (đặc biệt là bánh trước), …Trên đường mỗi anh em chúng tôi đều chấp hành nghiêm chỉnh mọi điều của luật giao thông. Vừa để giữ thân, vừa để tránh những phiền phức khi bị thổi còi vì phạm pháp. Và đặc biệt, trên đường, dù mệt nhọc đến đâu cũng phải giữ bình tĩnh và biết nhường nhịn. Suốt đời, cái lợi, cái danh còn chẳng thiết, hà cớ gì chỉ nhanh chậm vài chục giây, trước sau vài chục mét đường mà phải tranh chấp. Chưa kể giờ khối kẻ vẫn quen lối “chó cậy gần nhà”, mình thì đang trong cảnh “đồng đất nước người”, chi bằng “một sự nhịn là chín sự lành” là hơn hết. Vì thế đang chạy trên đường, nghe tiếng xe phía sau, dù cái xe “công-te-nơ” 50 tấn hay xe máy, chúng tôi cũng nhanh chóng “dạt” vào lề đường, giảm tốc độ “rước” các bác đi trước. Không chỉ thấy người mà thấy con gà con chó xuất hiện trên đường, chúng tôi cũng phải giảm “ga” hãm phanh, theo dõi động tĩnh rồi mới dám đi tiếp. Cách nay hơn 40 năm, một bác lái xe già hành nghề từ thời Pháp nói với tôi, đại ý: đừng tưởng cứ ngồi trên ca-bin, bóp còi là người ta phải sợ. Rồi bác nói kinh nghiệm: thấy có người hay vật phía trước, bóp còi là để “đánh động” xem người ta có biểu hiện thế nào để mình có cách xử trí thích hợp. Chúng tôi luôn ghi nhớ kinh nghiệm ấy khi trên đường dù chỉ là lái xe máy.
Nhờ thế (và có lẽ cũng nhờ chút may mắn), suốt 15 năm qua, mỗi năm cũng dăm chuyến đi, chuyến ngắn trong một ngày, dăm trăm cây số, chuyến vừa thì một vài ngàn cây, chuyến dài như Xuyên Việt dăm bảy ngàn cây, … chúng tôi chưa bao giờ gây ra một vụ va quệt nào. Chắc do “ở hiền gặp lành” cũng chưa ai va chạm với chúng tôi.
Mấy ngày vừa qua, có một số bạn ngỏ ý muốn tham gia những chuyến đi tiếp theo. Gọi là có đôi chút trao đổi để các bạn tham khảo trước khi lên đường.
Sáng và trưa nay trời râm mát, dời Bãi Xép, chúng tôi qua Tuy Hòa,u qua Vũng Rô, vượt Đèo Cả vào Khánh Hòa. Đứng trên đèo, nhìn cảnh biển thật khó nói nên lời. Từ lâu, đã nghe nói tới sự trù phú của Đại Lãnh, hôm nay mới được chứng kiến cánh đồng lúa vàng mênh mông sắp đến vụ gặt. Kết thúc là mấy tấm ảnh chụp lúc tan học ở một trường tiểu học ở Cam Ranh. Cha mẹ đưa đón con làm cản trở giao thông giờ đã không còn là đặc sản ở các thành phố lớn.

Ngày thứ 10 (17.9.2015) Cam Ranh, Khánh Hòa – Mũi Né, Bình Thuận

Từ miền Trung trở vào, một bên là núi, một bên là biển, đất đai màu mỡ chỉ là những dải đất nhỏ xen kẽ với những núi đồi. Thu hoạch nhờ nông nghiệp rất hạn chế, nơi nào công nghiệp và các dịch vụ phát triển như ở các thành phố, đời sống của dân có vẻ sáng sủa hơn nhưng các vùng xa trung tâm, dân sống chắc khó khăn. Nhìn những người cả đàn ông lẫn đàn bà dù khăn choàng kín mít để tránh cái nắng vẫn không che nổi cái đen đủi, lam lũ mà không ngăn nổi nỗi thương cảm. Công việc nặng nhọc, dãi dầu mưa nắng nhưng ngày thu nhập chưa nổi trăm nghìn. Ngoài bắc, có cửa hàng, cửa hiệu, nhất là lại mở hàng ăn, chắc cuộc sống khấm khá. Nhưng trong này, chắc nhiều hàng lại ít khách nên xem ra khá bi đát. Có hôm buổi trưa, ba người vào gọi ba đĩa cơm, có thịt, có trứng, có rau, khá tươm tất, ăn xong có võng nằm nghỉ, có quạt điện. Hỏi trả tiền, họ nói 100.000 đ. Giá cũng phải chăng nhưng có điều, trưa ấy không còn khách nào khác. Sáng nay, ra khỏi thành phố Phan Rang, ba anh em tạt vào một quán ven đường ăn sáng. Đã gần 8 giờ nhưng bàn ghế vẫn ngay ngắn, nền nhà vẫn sạch bong chứng tỏ bọn mình là những người khách đầu tiên. Nhìn ba mẹ con bà chủ quán mà sao thấy thê thảm. Ninh Thuận nổi tiếng về nho, nhìn những chùm nho mà quả chỉ lớn hơn hạt ngô chút ít không hiểu nho ấy bán cho ai? (Quả thật, nhìn những chùm nho mà không nỡ chụp ảnh). Rồi thấy đề biển: mật nho, mứt nho, rượu nho, … nhưng chắc cũng ít khách. Thiên nhiên quá khắc nghiệt với dân nơi đây, núi đá khắp nơi, đất đai cằn cỗi, luôn chịu cảnh hạn hán. Nhìn những hàng dừa rũ lá khô héo mà thấy xót xa. Không biết việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân có thay đổi được số phận của cư dân nơi đây? Bình Thuận có vẻ khá hơn nhờ cây thanh long. Nhưng một cân thanh long ở Hà Nội khoảng hai chục nghìn, ở đây, người trồng bán cho thương lái được 3.000 đ. Nhiều khi cứ nghĩ lẩn thẩn, cảm thấy việc đi chơi của mình trong khi biết bao người đang đói ăn thiếu mặc như có phần không nên không phải. Sau phải nghĩ, so với mình khi bằng tuổi những người ấy, họ còn sung sướng chán. Nhưng nghĩ thế thôi, quả thật người nghèo nước mình còn nhiều quá, chưa kể những vùng sâu vùng xa.
Hôm nay dời Cam Ranh về Mũi Né. Quãng đường có hơn 200 cây số nên tới đích sớm mặc dù lại một xe bị thủng săm. Từ miền Trung, thiên nhiên ưu đãi cái nắng cái gió quanh năm nên các loài hoa đều đua nhau khoe vẻ rực rỡ. Dọc đường ven biển ở Mũi Né, hoa nở khắp nơi, dù còn rất nhiều đất đai đang chờ đợi tiền của từ các nhà đầu tư.

6 BÌNH LUẬN

  1. Khi thực dân Pháp chiếm đóng Nam Kỳ trong đó có Sài Gòn, chúng coi Nam Kỳ là Cộng Hoà Nam Kỳ (thuộc địa) và 4 nước còn lại là Miên, Lào, Trung Kỳ và Bắc Kỳ (Pháp Bảo Hộ) để lập thành một Liên bang Đông Dương, Thực dân Pháp coi Nam Kỳ là khu vực văn minh nhất hơn cả 4 nước mọi rợ kia, thực tế là Nam Kỳ có vựa thóc lớn và xuất khẩu gạo sang Pháp nên mức sống cao hơn các miền khác. Các quan chức Nam Kỳ đều có quốc tịch Pháp và luật pháp ở Nam kỳ là luật Pháp. Ý đồ thâm hiểm của Pháp là càng chia rẽ các miền càng dễ cai trị (chia để trị). Thực tế thời chiếm đóng Nam Kỳ phần lớn nông dân Nam bộ vẫn lầm than, đói rách họ là những người nông nô của các chủ điền….nhiều cuộc khởi nghĩa đòi cơm áo, đòi ruộng cày đã nổ ra ở đó.

    Người Nam bộ chính là người miền Bắc di cư vào qua các cuộc mở mang bờ cõi của Chúa Nguyễn, họ không phải là dân tộc văn minh khác nào như kẻ không am hiểu lịch sử nước nhà thường nguỵ nhận thức;

    Một người hiểu biết điều đó đã viết:

    “…Ai về Bắc, cho ta đi với
    Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
    Từ độ mang gươm đi mở cõi
    Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long…”

    Chúc bác Duong Dinh Giao có chuyến khám phá miền Nam thú vị và viết tiếp những cảm hứng của mình…

  2. Tuổi cao, đường xa gian khó mà vẫn đều đặn có những ghi chép rất đáng đọc. Chúc thành công. VH

  3. Thầy nhận xét quá chuẩn.Sài gòn ồn ào,xe máy phóng vèo vèo đến chóng mặt,nhưng cũng ít thấy và quệt.Hồi tháng sáu vừa rồi em đã được ngồi sau xe máy con gái đưa đi chơi khắp thành phố.Chỉ thích nhất là mỗi khi muốn nghỉ chân trốn nắng gay gắt của mùa hè lại vào quán cà phê mát lạnh thưởng thức hương vị cà phê đen rất phê Thầy ạ.Với em Sài gòn chỉ để thăm quan chứ không sinh sống được.

  4. Rất khâm phục anh, với kiến thức phong phú và tài viết văn anh đã ghi lại một Xuyên Việt Du ký rất hay, nhiều người như mình cũng đi nhiều nhưng không có khả năng ghi chép lại được .

Trả lời Hoang Oanh Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here