Một lần, đang ngồi trò chuyện trong nhà người bạn trên con phố vắng ở Sơn Tây, đúng lúc cả hai đang im lặng thì nghe một tiếng còi ô tô inh tai. Anh  bạn tôi vốn cũng đã từng có điều kiện đi chơi nhiều nước khác nhau lắc  đầu, chép miệng:

– Thật chẳng có nước nào như nước mình! Không cần phải sang Pháp sang Mỹ, chỉ cần sang Lào sang Thái  là thấy ngay. Đường phố xe cộ đi lại đông đúc nhưng không nghe một tiếng còi. Đi dạo trên hè phố, cứ nghe tiếng còi ô tô, quay lại nhìn, nhất định đấy là một “thằng” Việt Nam!

Quả là như thế! Tôi chưa được đi nhiều nước, nhưng  ở Myanmar  tôi đã qua, ngay ở thủ đô hay những nơi sầm uất hơn ta, kỷ luật giao thông thật tuyệt vời đã khiến tôi hơn một  lần mơ ước: không biết còn bao nhiêu thế kỷ nữa, giao thông ở ta có thể theo kịp họ.

Lại một lần, đi bộ cùng người bạn khác vào giờ đã chạng vạng giữa thủ đô, trên đường phố, thấy những quán bia, “bãi” bia đông nghịt, xe cộ chật ních khiến người khách  bộ hành phải đi xuống lòng đường, nghe những tiếng đếm “một, hai ba!”, rồi tiếng hét “dzô!” mà không tránh khỏi kinh hãi. Người bạn đã đặt chân tới gần trăm nước trên thế giới, chép miệng, lắc đầu:

– Thật chẳng có nước nào như nước mình! Các nước người ta cũng có những quán ăn, những nhà hàng sang trọng, cũng đông khách nhưng quả thật không đâu có những cảnh ăn uống, nhậu nhẹt như ở ta. Bởi vì người ta sống bằng lương, bằng thu nhập chính đáng, lương thiện, làm sao có thể ăn uống xả láng, nhậu nhẹt “tràn cung mây” như thế này! Thản hoặc, người ta cũng đi ăn nhưng là cùng gia đình, dăm ba người, có mời mọc thì cũng chỉ vài gia đình thân thiết.

Quả là như thế! Viên chức nhà nước, ai cũng luôn mồm “lương không đủ sống” nhưng khách ở những  nhà hàng, quán ăn sang trọng có lẽ hầu hết là những người sống bằng tiền lương. Họ đi ăn bằng tiền chùa, bằng những món tiền “lại quả”,  bằng tiến trúng mánh, đi ăn để tỏ lòng cảm tạ, biết ơn nên những bữa ăn thừa mứa (vì chỉ cốt nhìn cái hóa đơn), cũng còn chưa đủ để người ta tỏ lòng biết ơn cảm tạ, nữa là…!

Xét cho cùng, mọi sự tụt hậu, kém cỏi hiện nay đều nằm ở chuyện pháp luật. So với cách đây dăm ba chục năm, nước ta không còn thiếu luật. Kỳ họp nào diễn ra kéo dài hàng tháng, Quốc hội đều dành không ít thời gian để soạn luật, thông qua luật nhưng tình trạng mà một đại biểu nói cách nay chừng hai chục năm “Việt Nam có một rừng luật nhưng toàn xài  luật rừng” vẫn chưa hết tính thời sự.

Trước đây, trong xã hội, những người đi tiên phong trong chấp hành pháp luật là bộ đội, công an, cán bộ, đảng viên. Khó có thể phân định thứ bậc, vì hầu hết, ai cũng gương mẫu, không chỉ  bản thân mà còn làm gương và thúc giục gia đình, con cái, họ hàng chấp hành pháp luật. Chính vì thế, dù pháp luật chưa đầy đủ, nhưng đạo đức được đề cao, thiện lương được tôn trọng và khuyến khích khiến xã hội ổn định, bình an. Nhưng sau hơn nửa thế kỷ, tình trạng ngày càng suy thoái và giờ đây tất cả đã đảo lộn. Bất chấp pháp luật hiện nay đầu tiên phải kể tới bốn thành phần này. Và người có cấp bậc càng cao càng bất chấp pháp luật, người không có quyền hành cũng ỷ thế, dựa vào người thân, dựa vào sự quen biết  để coi pháp luật chẳng ra gì. Một thời, những người vì những lý do khác nhau trốn tránh được luật pháp còn phải “thì thầm to nhỏ” trong những giới hạn nhất định, coi đó như một sự may mắn thoát khỏi búa rìu của luật pháp, nhưng bây giờ, coi thường pháp luật, được pháp luật “chừa” ra được coi như một niềm tự hào để khoe khoang, coi như mình đã thuộc một đẳng cấp khác; coi thường, bất chấp pháp luật được coi như “chuyện thường ngày ở huyện”, người tôn trọng luật pháp nhiều khi bị coi là “không giống ai!” Trước đây, phần lớn phạm pháp do nhiều nguyên nhân khách quan, do lầm lỡ; nhưng nay, người ta chủ động phạm pháp,  ngay từ khi bàn những “dự án” người ta đã cố tình vi phạm pháp luật và cùng với những tính toán thực thi, không thể thiếu một khoản “chạy” pháp luật, chạy các “cửa” để được bảo hộ. Trong đời sống thường nhật, mỗi khi phạm pháp, người ta không ân hận, không ăn năn mà tìm mọi cách “chạy” các cửa để thoát tội là điều được quan tâm trước hết.

Đã có rất nhiều những dự định những đề án nhằm làm thay đổi những lộn xộn, thậm chí “bát nháo” trong cuộc sống hiện nay. Nhưng không biết các nhà cầm quyền có hiểu, chừng nào pháp luật còn chưa được tôn trọng, kẻ phạm pháp chưa bị xử lý nghiêm minh thì không bao giờ, không ở đâu có được một xã hội lành mạnh, ổn định.

Người Việt Nam ta thích nghi  rất nhanh với những tiện nghi vật chất, những hình thức bên ngoài. Ở ta hiện nay, các vật dụng “tối tân”, “sành điệu”  nhất thế giới không còn là của hiếm. Từ các loại ô tô đến những vật dụng trong nhà vệ sinh; từ các “mốt” thời trang tới những ngày lễ đủ kiểu, đủ loại ở đủ mọi phương trời đều được du nhập một cách nhanh chóng chưa từng thấy. Nhưng con cháu các vua Hùng lại rất bảo thủ trong việc tiếp thu những văn minh tinh thần của nhân loại tiến bộ. Ngồi lái xe Lexus nhưng vẫn giữ thói quen đi lại trên đường làng, cho xe dừng đỗ bất cứ đâu vì không hề đọc luật; diện bộ cánh “sành điệu” nhưng vẫn vứt rác nơi công cộng; dùng “Ai-phôn” đời mới nhất nhưng vẫn “oang oang” trên xe bus, trong rạp chiếu phim; vật chất không còn thiếu thốn nhưng sẵn sàng chen lấn, giành giật  bất cứ thứ gì chỉ cần đó  là thứ được miễn phí.

Chẳng hiểu mỗi người Việt Nam có biết dù được thừa hưởng những thành quả của văn minh, tiến bộ nhưng nếu còn giữ những thói quen từ những ngày tối tăm thì dù có dạo chơi dưới ánh sáng ngập tràn đủ sắc màu, trên những con đường đầy hoa thì  cuộc đời vẫn chưa thoát khỏi tăm tối.

Và phải chăng, đó chính là nguyên nhân để  thế giới coi người Việt Nam chúng ta là những người “không chịu tiến bộ”?

Hôm qua, tôi đạp xe trên đường Xuân Thủy. Con đường vốn rộng nhưng do ảnh hưởng của việc làm đường sắt trên cao nên mỗi làn ngược xuôi đều  bị thu hẹp lại. Mới chừng 3 giờ chiều, nhưng thấy đường ùn ứ, không bình thường. Đi phía trước không thấy ô tô, không thấy có vẻ gì là tai nạn. Phải tới chừng 5 phút sau, khi đi vượt lên, tôi mới thấy có hai chú bé khoảng 12, 13 tuổi đang hồn nhiên vừa trò chuyện vừa đạp xe chiếm mất khoảng nửa làn đường. Tôi quay sang, bảo hai cháu:

  • Xe đạp các cháu phải đi sát vào bên lề chứ!

Chỉ một lời nhắc thế thôi, một cháu đạp vượt lên, thế là đường lại thông thoáng. Suốt từ đấy về tới nhà, tôi cứ trăn trở: vì sao biết bao nhiêu người trước đó không có ai nhắc các cháu một lời? Hình như cam chịu cũng là một thói quen khó bỏ của người Việt Nam chúng ta. Cứ xem những cảnh chịu đựng phải chấp nhận cho con cái học thêm và biết bao thứ gọi là “tự nguyện” trong khi đi học, chịu đựng nộp phong bì ở bất kỳ nơi nào cần phải giải quyết công việc, …rồi biết bao những áp chế, cưỡng bức đủ loại trong đời sống khắp nơi  thì đủ thấy!

            Ấy thế mà cũng những con người ấy, họ lại sẵn sàng chen vai thích cánh, xô đẩy, thậm chí dùng vũ lực để giành lấy phần hơn lúc tới đền chùa miếu mạo!

Cứ như thế, làm sao thoát khỏi lạc hậu, nghèo nàn, làm sao trở thành văn minh tiến bộ?

Người Việt Nam mình chán thật!

Nước Việt Nam mình chán thật!

 

6 BÌNH LUẬN

  1. Những chuyện tiêu cực tương tự như thế, ở VN mình qúa nhiều, nhiều đến nỗi cứ tưởng như là những chuyện đương nhiên, chuyện thường ngày như hơi thở vậy. Nghĩ mà buồn và xấu hổ với cả các nước hàng xóm như Lào, Thái Lan.

  2. Thưa bác, VN ta chán như thế cũng chỉ là một thể của “phán ứng”. Khi mà các quan ở trên cũng “thi đua” không phải vì làm lợi cho quốc gia và nhân dân mà cho chính mình thì làm sao để ngu dân trông lên.

    Và nữa là có cả một “rừng luật” nên thường xảy ra “luật rừng”. Bởi vì cả một “rừng luật” nên không biết đâu mà mò. Anh nào ở trên cũng mù tịt về “luật” và “pháp” cới quá nhiều chồng chéo. Giống như cột kèo đã mục, thay vì làm lại cho tốt người ta chỉ đạo chắp nối, bện chỗ đây tí, cột chỗ kia một tí, cứ vậy mà phồng ra. Thôi thì tính người Việt cũng không thích tỉ mỉ, cứ xong lúc đó cái đã. Xong rồi thì vứt vào xó, chứ có đâu mà hoàn chỉnh. Ngay khi ở nước ngoài cũng thế, ngoan hiền với ngoại nhân nhưng không áp dụng với nhau.

    Vả lại người cỡ tuổi của bác trở lên, lớp người biết củ xử, biết thế nào là nhân ái và thánh hiền đã là cổ. Lớp dưới tuổi không thể, không muốn “tu thân” nên chưa thể “tề gia”. Từ đó không có xã hội vì sợ mất phần nên đạp lên nhau mà khoe. Ối dào, chơi cái đã

    Hôm nọ đọc ý kiến trên VnExpress mà cũng buồn. Thế hệ 9x bây giờ không nghĩ đến kỷ cương nữa, nhưng làm sao để luôn “tự do”. Mà họ không có khái niệm thế nào là “tự do” và thế nào là “bổn phận” và “trách nhiệm”. Cứ vậy mà gào “banana generation”. Khoác cho mình cái nhãn “du học sinh” là có quyền lên mặt dậy về sống thế nào như Tây rồi. Mà họ quên Tây đã phải làm gì để có ngày nay.

    Người thấy việc xấu mặt hổ ngươi không ai muốn nhắc nữa vì không bị đánh thời cũng bị chửi. Làm phúc phải tội !

    Đầu năm dương lịch chúc cho bác và toàn gia đình an lành và tiếp tục viết Ông Giáo ạ.

  3. Ông Giáo ơi ,Chuyện ở Myanmar cũng từng đã có ở Việt Nam rôi.
    Ở Hanội trước năm 1954 ,ở Miền Nam trước năm 1975.
    Ông Nguyễn Tuân kể năm 1975 lần đầu vào SaiGòn ngồi trên xe xích lô,khi đến ngã tư ,đèn giao thông chuyển sang màu đỏ ,ông xích lô và người đi Honda dừng lại dù đương cắt ngang không có xe.Ông xích lô nói đó là luật dù không có cảnh sát

  4. Tât cả những khuyết tât đều do dân Viết không được Giáo Duc
    Các nươc phương Tây cung như Hàn Quốc ,NHÂT bAN,SINGAPORE
    trẻ em được dạy cách ưng xử ngay trong Gia Đình và Học Đương.
    Ông Bà ,Cha Mẹ ,Thày Cô Giáo và nhà Cầm Quyền phải làm GƯƠNG

  5. Trước năm 75 các ông Quận Trương 3 đều phải học trường
    QUỐC GIA HÀNH CHANH (ở đ7ờng #/@ TP HCM.Giao Dịch giữa Chính Quyền và Người Dân đều qua Giấy Tờ (cac công chức dùng “BÚT PHÊ “để hường dẫn ngườ Dân làm đung LUẬT

Trả lời Vũ Xuân Túc Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here