Nhiều người, nhất là các bạn trẻ chưa thật rõ thế nào là  “người tử tể”?

Từ điển tiếng Việt giải thích từ “tử tế”: 1.Có được tương đối đầy đủ những gì thường đòi hỏi phải có để được coi trọng, không phải sơ sài, lôi thôi hoặc thiếu đứng đắn; 2. Tỏ ra có lòng tốt, có sự quan tâm, coi trọng trong đối xử với nhau (Từ điển tiếng Việt – Nhà xuất bàn Khoa học xã hội – Hà Nội – 1988, trang 1108).

Thực ra, cách giải thích này chưa thật ổn, nhưng cũng thông cảm với tác giả cuốn từ điển vì khó có thể nói thế nào là “người tử tế” trong một vài câu. Cái tử tế của con người thể hiện qua đường ăn ý ở, qua cách đối nhân xử thế với rất nhiều đối tượng vô cùng phong phú và đa dạng trong cuộc sống.

Hôm nay thu dọn lại tủ sách, thấy một truyện của nhà văn Nguyễn Khải viết từ cuối thế kỷ trước. Ông viết về người cô của  mình, một con người khá điển hình cho “người Hà Nội”, cho “người tử tế” mà rất tiếc đến nay đã nhiều thưa vắng.

Xin “chép” lại  với mong muốn góp phần nhỏ bé lưu giữ một lối sống đẹp.

 

NẾP NHÀ

Nguyễn Khải

 

Mỗi lần ra Hà Nội, việc đầu tiên là tôi phải tới thăm bà cô tôi. Chẳng có quà cáp gì cả, đến tay không, nhưng vẫn cứ phải đến. Vì bà là cái túi khôn của tôi mà. Năm nay, các con bà sẽ làm lễ mừng thọ mẹ tám mươi tuổi. Người tám mươi tuổi lại vẫn minh mẫn, khôn ngoan, không chừng hiểu được cả then máy Tạo hóa. Nói chuyện với bà, tôi vẫn trờn trợn  như ngày nào được hầu chuyện cụ Nguyễn. Nghĩa là vẫn phải uốn lưỡi trước khi hỏi, trước khi trả lời. Một ngôi nhà đẹp, một cửa hàng tuyệt vời ngay giữa một đại lộ trung tâm trông thẳng ra hồ Hoàn Kiếm mà chỉ bày bán lèo tèo mấy mặt hàng sơn mài, tượng gỗ thì uổng quá, coi khinh thiên hạ quá. Bà cụ cười:

– Anh đã bắt đầu có con mắt thương mại rồi đấy nhỉ?

 Con mắt thương mại thì chả dám, nhưng với con mắt của người bây giờ thì ngôi nhà, nói cho chính xác hơn là miếng đất của bà cô tôi cũng phải đáng giá một triệu… tất nhiên là triệu đô. Cũng chẳng phải do mình đặt giá mà là đại diện các công ty nước ngoài tới trả giá.

Ngày nào cũng có vài nhóm người tới hỏi, nhưng bà cụ chỉ nhã nhặn trả lời:

– Tôi không có ý định bán hoặc cho thuê cái nhà này.

Cho thuê cũng nhiều tiền lắm. Đã có người chỉ hỏi thuê mấy chục mét vuông của gian ngoài thôi, mỗi tháng trả năm ngàn đô, trên mười cây vàng. Vẫn là không, không bán nhà cũng không cho thuê. Tại sao cụ lại gàn thế? Vì các em anh không muốn thế, cho đến hôm nay, chúng nó vẫn đi làm cho nhà nước, không buôn bán gì cả, không mánh mung gì cả. Lương tiêu không đủ thì tôi bù. Bán các mặt hàng vớ vẩn như anh nói, nhưng mỗi tháng cũng kiếm được khoảng trên dưới dăm triệu. Này, dăm triệu không phải là ít đâu anh nhá! Theo tôi được biết từ trẻ đến già, cô tôi sống theo một số nguyên tắc, thời thế có thể thay đổi nhưng cách sống của bà dứt khoát không thay đổi. Đó là: sống thẳng thắn, sống lương thiện và sống theo pháp luật hiện hành. Những năm Pháp tạm chiếm Hà Nội, chú tôi vẫn mở trường dạy học tư như thời trước, còn cô tôi ấn hàng sách giáo khoa cấp tiểu học do chú tôi soạn. Có một tác giả đưa tập  thơ “Đồi thông hai mộ” bán cho bà. In tập thơ đó chắc chắn sẽ thu lãi nhiều, bà biết, nhưng vẫn từ chối. Vì nhà xuất bản Nguyễn Du do bà chủ trương chỉ in có sách giáo khoa, đúng như trong giấy phép. Năm 1956, cán bộ thuế tới kiểm tra kho giấy của bà để đánh thuế tồn kho, khoảng hai chục triệu. Chú tôi tính vốn nhát, vui vẻ bằng lòng ngay. Cho đỡ phiền. Nhưng bà vợ không chịu vì giấy in sách giáo khoa xưa nay không phải đóng thuế. Đã được miễn thuế thì làm gì có thuế tồn kho. Bà bướng bỉnh đến nguy hiểm, ai cũng sợ, nhưng bà vẫn thản nhiên “Lý của mình đúng, việc gì phải sợ?” Quả nhiên bà đúng thật. Bà luôn luôn đúng, vì bà rất tỉnh táo trong mọi mối quan hệ, chỉ nhận những gì đáng có, có quyền được có, tuyệt đối không để bị dụ hoặc về tiền bạc cũng như về tình cảm. Một cái đầu hơi lạnh, lắm lúc tôi đã nghĩ về bà như thế. Nói cho ngay, nếu như không có cái đầu lạnh, làm sao bà giữ nổi một ngôi nhà quá ngon lành, quá quyến rũ trong bấy nhiêu năm, không gặp một chuyện rắc rối nào. Cho đến bây giờ, đã sang tuổi tám mươi, bà vẫn biết từ chối những đồng tiền bất hợp pháp, ắt phải có một tính toán khôn ngoan nào đó. Cái khôn ngoan cao siêu chứ không phải khôn vặt.

Mùa xuân ở Hà Nội bao giờ cũng đẹp. Với tôi đã nhiều năm không được sống ở Hà Nội vào mùa xuân lại càng thấy đẹp. Một chút lạnh trong hơi gió tạt qua mặt. Một chút mưa bụi bay lây rây như có như không. Trời hơi tối, mặt đường hơi sẫm, nhưng mặt người và quần áo rét họ mặc cứ sáng bừng lên những màu sắc tươi tắn. Đã có mùi son phấn và nước hoa bất chợt thoảng qua ở một góc phố, trong một đám đông. Nói nhỏ đi, cười nhỏ hơn, ít nghe những câu chửi tục, những tiếng đệm tục. Giàu hơn trước nhiều, sang hơn trước nhiều, cứ cho là bề ngoài thì cũng rất đáng mừng. Chỉ có bà cô tôi là ít thay đổi. Vẫn mấy chiếc xe máy đã cũ, và cũng còn nhiều xe đạp, loại xe đạp cà tàng từ những năm nào. Trời nắng, các em đi xe máy, trời mưa, đi xe đạp, đỡ phải rửa xe. Cái mặc của bà cụ, của các em cũng chẳng có gì sang hơn, như trước đây, ngày trước với Hà Nội đã là sang, bây giờ là quá thường. Bây giờ con gái Hà Nội mặc quần chẽn đen, gót xẻ, có dải buộc dưới bàn chân, mặc măng tô lửng, hoặc đi bít tất đen dài, quần cộc, áo vét tong các kiểu, thắt cà vạt đủ màu, giày đen, cứ như họ từ các đại sảnh bước ra. Không phải đâu, chỉ là quần áo thường ngày thôi, cũng giống như trước kia họ mặc áo bông xanh, quần kaki  vàng và đi dép nhựa. Chưa bao giờ tôi thấy người Hà Nội ăn mặc sang trọng như bây giờ. Chưa bao giờ tôi thấy phố xá chói lòa những tủ kính, những bảng hiệu và ánh sáng như bây giờ. Vậy mà một nhà giàu ở Hà Nội có dư điệu kiện để thay đổi. Một đại gia đình gồm hai con trai, hai con dâu, một gái, một rể và những đứa con của họ vẫn sống chung dưới một mái nhà, ăn chung một bếp ăn. Thiên hạ thì chia ra, bà cụ thì gom vào. Vẫn rất êm thấm mới lạ chứ! Nếp nhà đã thắng được tự do của cá nhân sao? Phải nói thêm, cái nếp nhà này cũng ít ai theo kịp. Người con dâu cả vốn là con gái Hàng Bồ, đỗ đại học, là một cô gái kiêu hãnh, tự tin, không dễ nhân nhượng. Ai cũng nghĩ hai người đàn bà, một già một trẻ, cùng sắc sảo sẽ rất khó chấp nhận nhau. Vậy mà họ ăn ở với nhau đã mười lăm năm chả có điều tiếng gì. Người chị của cô con dâu đến nói với bà cô tôi:

– Bác chịu được tính nó thì con cũng phục đấy!

Bà cải chính:

– Đúng là tôi có phần phải chịu nó nhưng nó cũng có phần phải chịu tôi, mỗi bên chịu một nửa.

Bà bảo con dâu là vàng trời cho, mình không có công đẻ ra nó, cũng không nuôi nó ăn học ngày nào, bỗng dưng nó về nhận mình là mẹ, sinh con đẻ cái cho dòng họ, cáng đáng mọi việc từ trẻ đến già, không lễ sống nó thì thôi còn hoạnh họe gì.

Bà chiều quý các con dâu thật lòng nên cả hai nàng dâu đều tâm sự với mẹ chồng: “Con ở với mẹ còn thoải mái hơn ở nhà với mẹ con”. Con rể và con gái được nhận nhà ở một khu tập thể, nhà chật, lại xa, con còn nhỏ. Nhưng anh con rể không muốn nhờ vả mẹ vợ, tự mình thấy không tiện mà người ngoài nhìn vào càng không tiện. Bà biết thế nên bảo con rể:

–         Trong cái nhà của tôi có một phòng dành cho vợ anh. Của vợ anh tức là của anh. Chẳng lẽ anh bảo không phải?

Năm ngoái, khu phố có yêu cầu bà cụ báo cáo về nếp sống gia đình cho hàng phố học tập. Bà từ chối, khi tôi lại thăm, bà nói riêng:

– Cái chuyện ấy ai cũng biết cả, chỉ khó học thôi!

Tôi cười:

– Lại khó đến thế sao?

Bà cụ nói:

– Trong nhà này, ba đời nay, không một ai biết tới câu mày câu tao. Anh có học được không?

À, thế thì khó thật. Theo bà cụ, thời bây giờ có được vài trăm cây vàng không phải là khó, cũng không phải là lâu, nhưng có được một gia đình hạnh phúc phải mất vài đời người, phải được giáo dục vài đời. Hạnh phúc không bao giờ là món quà tặng bất ngờ, không thể đi tìm mà cũng không nên  cầu xin. Nó là cách sống, một quan niệm sống, là nếp nhà, ở trong tay mình nhưng nhận được ra nó, có ý thức vun trồng nó lại hoàn toàn không dễ.

Trở lại câu chuyện cũ, tại sao bà cụ không chịu bán  nhà, chia tiền cho các con để họ lập cơ nghiệp riêng? Lớn rồi thì phải ở riêng, nó thuận với sự phát triển . Con cái trưởng thành vẫn bắt ở chung ăn chung như trại lính, đâu có phải là chuyện tính toán khôn ngoan. Bà cụ nghe tôi nói cười tít cả mắt, ra cái vẻ mọi sự bà đã tính cả rồi, đâu có đợi một thằng nhà văn ngây ngô mách nước. Bà nói, hiện nay các con bà vẫn thích làm cho nhà nước bằng cái nghề chuyên môn đã được đào tạo của mình. Ngoài giờ đi làm, bọn nó đọc sách, dạy con học, bù khú với bạn bè. Họ thích sống như thế và có điều kiện để sống nhàn nhã như thế. Họ không có óc kinh doanh. Không cần đến tiền thì không nên một lúc cầm quá nhiều tiền. Đồng tiền do may mắn mà có, do thời thế thay đổi mà có rất dễ là mầm mống của nhiều tai họa. Vì người có tiền chưa học được cách tôn trọng đồng tiền, sai khiến đồng tiền. Ở cái nhà này, theo tôi biết, chưa bao giờ họ mua vé số. Cũng không thờ ông thần bà thánh nào, ngoại trừ ngày giỗ để anh em con cháu có dịp gặp gỡ nhau. Họ không cầu gặp may mắn, không săn đón may mắn. Họ chỉ nhận những cái đáng nhận. Bà cụ vẫn đi lễ các chùa miếu đền phủ với bạn bè nhưng bà không khấn. Bà cũng chưa từng xem tướng, xem bói, xin xăm,

Ngày chú tôi mất, mọi việc hậu sự chỉ mình cô tôi lo liệu, không hỏi han bất cứ ai, không xem giờ xem ngày gì cả. Việc cưới xin của các con cũng thế. Đưa con gái đi, đón con dâu về, tuyệt đối không có xem tháng xem ngày. Trong một lần trò chuyện, bà hỏi tôi:

– Anh có phân biệt được người giàu lương thiện và kẻ giàu bất lương không?

 – Trong bao lâu?

– Trong một lần tiếp xúc.

– Thế thì khó.

Bà bảo, bà vẫn phân biệt được. Những đứa giàu lên do cướp đọat, lừa đảo nói chuyện một lúc là bà biết. Bọn họ khinh người rẻ của lắm. Họ không tin một ai cả, càng không tin còn có lòng tốt ở đời. Họ chỉ tin có tiền. Tiền là quân của họ. Một đội quân giặc cướp, sẵn sàng tàn phá tất cả, tiêu diệt tất cả để đạt được những cái đích phù phiếm của chủ nó. Bà nói, bà là người biết quý trọng đồng tiền từ trẻ tới già, nhưng mấy năm gần đây bà lại sợ tiền. Nghe chuyện của thiên hạ mà sợ. Càng ít sờ mó đến tiền càng tốt. Nó có độc đấy! Bàn tay thương vợ, bàn tay yêu con, bàn tay nắm bàn tay của bạn bè đếm mãi tiền nhiễm độc lúc nào không hay, sẽ không còn là bàn tay của con người nữa. Các con bà cũng không ỷ eo nài ép bà bán nhà. Thế là may. Nhưng cái may này còn kéo dài được bao lâu? Bà vốn không tin vào sự may rủi. Bà chỉ tin vào sự chuẩn bị của mình, chuẩn bị trong cái khả năng có thể, chứ liệu hết thế nào được những việc của chục năm sau.

Bữa tôi sắp trở vào thành phố Hồ Chí Minh, tôi có lại chào bà. Cũng như mọi lần, tôi nói nửa vui nửa buồn:

– Mong cô khỏe mạnh mãi để mỗi lần ra, cô cháu mình có dịp bàn chuyện thế sự văn chương.

Bà cụ cười rất hồn nhiên:

– Nếu được sống mươi năm nữa thì vui lắm đấy. Nhưng mà khó.

Vì biết là khó nên ngay từ năm ngoái, bà đã làm chúc thư, phòng khi đột nhiên phải ra đi thì các con đã có cẩm nang hành động. Làm chúc thư là khó lắm, sống làm sao chia của làm vậy. Chia khéo thì trai gái dâu rể mãi mãi là con của mình, mãi mãi là anh em ruột thịt của nhau. Chia vụng thì sẻ đàn, tan nghé ngay tức khắc, càng đông con cháu càng lắm mối họa. Trước hết, bà gặp riêng năm người con của mình vào một buổi chiều, con dâu con rể không được tham dự. Nguyên tắc làm chúc thư của bà công khai và công bằng, không phân biệt trai gái, trưởng thứ. Tài sản chia làm sáu phần bằng nhau, năm con năm phần, mẹ một phần. Phần của mẹ hoặc gửi ngân hàng, hoặc đem kinh doanh, tùy số lãi hàng năm lại chia làm sáu. Con trai đầu phải giữ việc hương khói được nhận hai phần. Bốn phần còn lại sẽ bỏ vào một quỹ riêng để chi các việc tu bổ nhà thờ, sửa sang phần mộ, góp giỗ tết với các chi khác và cấp đỡ cho bà con nghèo của hai họ nội ngoại. Đồ gỗ và đồ sứ trong nhà thì cho hai con trai. Đồ trang sức của mẹ thì cho ba con gái. Sau buổi họp, bà cụ phân công cho con gái lớn viết lại chúc thư làm sáu bản, viết tay, không đánh máy, cả sáu người đều ký, mỗi người giữ một bản, có giá trị trước pháp luật. Từ nay bán nhà hay cho thuê nhà, bà cụ coi như không biết, đám thừa kế cứ theo nguyên tắc chia sáu mà xử sự. Bà cụ nói xong, nhìn tôi một lúc lấu rồi bà cười ý nhị:

– Con người ta ai cũng có phần thiện phần ác, diệt ác thì trong nhà phải có gia pháp, ngoài xã hội phải có luật pháp. Trong gia pháp, có phần truyền thống và danh dự của dòng họ, có phần đạo đức của người trên và nghĩa vụ của kẻ dưới. Gia pháp cũng phải theo thời mà điều chỉnh, quá ngược với thời thế thì con cháu khó theo, quá xu mị thời thế thì bỏ mất gốc rễ. Theo chỗ tôi biết gia pháp của nhiều danh gia vọng tộc ở Hà Nội đang gặp hồi khủng hoảng. Suốt mấy chục năm, anh dạy các con anh khinh miệt đồng tiền, lên án tư hữu và những người giàu có đều là phần tử bất hảo. Bây giờ anh tính sao? Bây giờ, các con anh đều lao vào kiếm tiền, đều nuôi mộng làm triệu phú tỷ phú trong chớp mắt. Khốn một nỗi, chúng lại chưa từng được ai dạy bảo cái cách ăn ở với đồng tiền. Đồng tiền vừa là đầy tớ, vừa là ông chủ, vừa là bạn đường vừa là giặc cướp, các con anh biết chọn cách nào? Chúng chỉ biết lựa chọn theo trực giác, theo kinh nghiệm tức thì, theo lợi ích trước mắt. Anh nghĩ xem, đã đến thế thì con người và nền văn minh của con người đã bị chúng gạt khỏi sự tính toán rồi.

Mấy hôm trước trời ấm, nhưng hơi nồm, chỗ nào cũng lép nhép, nhầy nhụa đến khó chịu. Đêm như có mưa, hơi nặng hạt thì phải, hạt mưa gõ trên mái ngói nghe rất rõ. Sáng ra, tất cả đã ráo khô, mảnh sân trắng toát, hè nhà trắng toát, trời khô và lạnh. Cái lạnh của mùa xuân thật dịu dàng, thở rất dễ, người rất nhẹ, mặc một cái áo len mỏng, khoác thêm một cái áo ngoài, đạp xe ra đường nhìn vào cái gì cũng đẹp. Huống hồ bây giờ Hà Nội lại đang đẹp, mỗi ngày một đẹp ra, trẻ ra. Lắm lúc nghĩ cũng tiếc đã trót đưa vợ con vào sống trong Sài Gòn. Tiếc thì tiếc, chứ không thể làm lại được. Một chân đã thõng vào cõi hư vô rồi thì không nên bắt đầu bất cứ việc gì nữa. Không còn cả thời giờ để ganh ghét, để hờn giận. Chỉ còn đủ thời gian để làm lành, có thua thiệt vẫn cư nên làm lành. Văn chương làm lành cố nhiên là không hay rồi, thôi kệ, vì cũng chẳng còn hơi sức đâu gây sự, dầu chỉ gây sự vặt.

Tôi đạp xe thong thả đường Phan Đình Phùng bất chợt gặp một ông già khoảng tuổi tôi chạy bộ buổi sáng từ đường Cổ Ngư về. Ông chạy bên kia đường, tôi đạp xe bên này đường, lại có một thằng cha cưỡi xe Dream chạy chậm cùng chiều với tôi. Bỗng thấy hắn hét lên:

– Chạy lộn đường rồi! Văn Điển đi lối kia cụ ơi!

Ông già đứng sững lại, thằng cha vừa hét quay mặt lại nhìn tôi nhăn răng cười. Chớ có ngạc nhiên! Rác của Hà Nội đấy! Hàng hóa nhiều tất nhiên rác rưới phải nhiều chứ nghèo quá, đói quá, lấy đâu ra rác.

 

1 BÌNH LUẬN

  1. Người Hà Nội coi trọng nếp nhà lắm. Không có nếp nhà, làm sao có phép nước ? Bây giờ, than ôi … !

Trả lời vũ xuân túc Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here