Lẽ ra, bài “Người tử tế” của tôi đã kết thúc ở phần 2 (với nội dung thế nào là người tử tế) sau phần 1 (đạo đức xuống cấp nhưng vẫn còn người tử tế). Nhưng mấy hôm nay, thấy có nhiều việc liên quan, xin viết thêm phần 3 này.

Trước hết, cần phải khẳng định rằng, đã có bao giờ đạo đức xã hội xuống cấp như thế này không (nói theo cách của một bác) trong lịch sử dân tộc, phần lớn các bậc cha mẹ đều mong muốn, thậm chí là mơ ước con cái trở thành những người có danh vọng, chức tước, thành những đại gia, tỷ phủ, … vẫn có không ít người mong cho con ăn học để trở thành người tử tế trong tương lai. Mong ước này rất đáng trân trọng và mục đích của bài viết chính là nhằm khuyến khích và góp một phần nhỏ bé vào việc hình thành những người tử tế cho xã hội.

Lâu nay, trên các diễn đàn, thường có nhiều người đặt ra những câu hỏi, đại loại: sao cái con người ấy đã từng đi học ở nước ngoài, thậm chí đã có bằng nọ bằng kia ở những trường đại học nổi tiếng mà vẫn có những cách hành xử, lời ăn tiếng nói không được đàng hoàng.  Thậm chí mọi người không thể hiểu nổi khi thấy cặp vợ chồng một doanh nhân nọ ở Hà Nội, đi du lịch châu Âu lại bị người ta bắt quả tang làm một việc không mấy lương thiện khi vào siêu thị; một cán bộ của một cơ quan văn hóa, con một viên chức cấp cao cũng lại hành xử một cách gian trá không chỉ một lần mà vẫn nghiễm nhiên là người lãnh đạo của một cơ quan truyền thông. Hay gần đây nhất, trong khi công luận đang lên án việc ở Hà Tĩnh, người ta huy động các cô giáo có nhan sắc đi tiếp khách, mời rượu, hát karaoke thì ngay chính có cô giáo trong số ấy coi việc mời rượu và hát hỏng với các quan khách là rất bình thường, thậm chí còn nói đó là việc :”chúng tôi tự nguyện và rất vui vẻ”; rồi việc ông Bộ trưởng nói ngọng bị nhiều người phê phán, kêu gọi ông nên từ chức thì cũng không ít người cho rằng “có sao đâu!” vì việc nói ngọng đâu có ảnh hưởng gì đến lập trường tư tưởng, đến tầm vóc của người lãnh đạo.

Tôi không hề dài dòng khi nói tới những chuyện tưởng như không liên quan gì đến sự tử tế chúng ta đang bàn tới.

Từ những câu chuyện ấy, tôi muốn nhấn mạnh, trong sự hình thành nên tính cách, nhân phẩm của con người, rất nhiều điều trong đó có sự “tử tế” phải được giáo dục, rèn cặp ngay từ khi còn nhỏ. Từ khi còn tuổi ấu thơ, nếu đứa trẻ luôn bị mắng nhiếc, đối xử thô bạo, … thì khi lớn lên, khó có thể trở thành người giàu lòng nhân ái; từ nhỏ, sống trong môi trường con người ít quan tâm tới nhau, bản thân không được người khác quan tâm thì sau này, chắc khó có thể trở thành người sẵn sàng chia sẻ với  mọi người xung quanh. Mới sinh ra, đã sống cùng những người coi đồng tiền là trên hết, hành xử, ăn nói thiếu tinh tế, thậm chí thô tục thì sau làm sao trở thành người văn minh lịch sự? Tất cả những trường hợp vừa nêu ở trên chính bắt nguồn từ nguyên nhân  ngay từ nhỏ, những con người ấy không được hưởng một sự giáo dục đầy đủ, không được sống trong môi trường tử tế nên khi lớn lên tất cả mọi chuyện họ đều coi là bình thường  “có gì mà phải lăn tăn”. Tiêu chí tốt/xấu, dở/hay, … nhiều khi không có ranh giới thật rõ ràng, nó phụ thuộc vào cái người ta được giáo dục từ tấm bé.

Nhớ hồi còn nhỏ, một lần nghe thầy dạy: “Đi qua ruộng dưa thì đừng sửa giày, đi qua vườn táo thì đừng sửa mũ”, tôi cũng chỉ hiểu lơ mơ, không nên làm cái gì dễ bị người ta nghi kỵ. Nhưng càng lớn, càng thấy lời khuyên là chí lý với người trọng danh dự. Tôi tin những người đã được dạy như thế khi còn nhỏ, sống trong một gia đình cẩn trọng như thế trong cách hành xử, sau này, khó có thể làm những việc sai trái, thấy điều chưa cần “xấu”, chỉ là không đúng đắn thôi cũng đã tránh cho xa để đỡ “mang tiếng”. Cho nên, cô giáo có nhan sắc đi tiếp rượu, hát karaoke với “quan trên” mà chỉ coi là việc “vui vẻ”, lại “rất tự nguyện và vui vẻ” thì đúng là những người quen với việc …  “vui vẻ” như thế từ tấm bé.

Hồi năm 1965 tôi có dịp công tác ở Hưng Yên. Một ấn tượng “không phai mờ” là đi đâu cũng thấy người nói ngọng (l/n), nhưng học sinh thì ít hơn (lúc ấy chưa có chuyện “phổ cập giáo dục”). Tôi có hỏi chuyện một thầy giáo già dạy cấp 1(đáng tuổi cha chú tôi lúc ấy). Thầy bảo, mất công rèn giũa lắm! Đi dạy học, tôi cũng đã mất không ít thời gian để yêu cầu học sinh của mình sửa cái lỗi phát âm này, nhất là ở vùng xa xôi. Khi ấy, trong xã hội còn phổ biến quan niệm đã là người có học (dù chỉ là tiểu học) thì không thể nói ngọng (và đó chính là phần nhỏ trong thành tựu cụ thể của giáo dục một thời đáng nuối tiếc). Nhưng chẳng biết từ bao giờ, giáo dục đua nhau “phổ cập” các kiểu, thậm chí không phải chỉ có các cấp học phổ thông mà ngay giáo dục đại học cũng dễ dàng hơn cả việc nuôi con gà con lợn. Cho nên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục nói ngọng mà người ta vẫn thấy rất bình thường thì cũng chẳng có gì khó hiểu.

Nói đi nói lại, chỉ có điều, muốn con cái sau này trở thành người tử tế thì phải dạy dỗ ngay từ khi còn nhỏ. Chẳng phải ngẫu nhiên mà giáo dục Nhật Bản quan niệm, cái cơ bản nhất trong giáo dục ở bậc Tiểu học không phải là kiến thức mà là rèn cặp về nhân cách. Các bậc làm cha mẹ nếu ai cũng quan tâm đến điều này thay cho việc mong muốn con mình trở thành thần đồng, thành học sinh giỏi, rồi ưu tú, xuất sắc, … xã hội sẽ ngày càng nhiều người tử tế như ngày xưa. Ngay từ khi còn nhỏ, nếu được dạy dỗ, những thói quen tốt về tính cách, hành vi sẽ đi theo suốt cuộc đời. Còn nếu để lứa tuổi này qua đi, sau có làm thế nào, dùng cách gì, những thói quen xấu sẽ rất khó, nếu không muốn nói là không thể thay đổi. Cứ nhìn vào rất rất nhiều người từ nước ngoài về sẽ thấy điều đó. Ở nơi văn minh, pháp luật chặt chẽ, họ buộc phải chấp hành, nhưng khi về nước, cái “bản năng  gốc” lại trỗi dậy, đàng sau cái vẻ sang trọng, lịch lãm do bộ cánh đắt tiền, cái xe ô tô bóng loáng là những hành vi, thói quen kết quả của lối “chăn thả tự nhiên”.

Và tất nhiên, muốn con cái trở thành “người tử tế”, chắc chắn bố mẹ không thể không là “người tử tế”.

Vì không ai có thể thay được cha mẹ.

5 BÌNH LUẬN

  1. Cách nay 10 năm môt cháu SV Sư Pham ở Hưng Yên hỏi GS Nguyễn Lân Dũng,ông trả lời SV SP phải phat âm cho đung Tôi thây trong cuốn sách ‘Let’s Learn English”mở đầu người ta dạy cách phát âm (phonation).
    phat âm chữ L :đặt lưỡi lên Khẩu Cái ,sau răng hàm trên miêng mở rông
    phát âm chữ N lưỡi giưa hai hàm răng

  2. Bác dạy văn, chắc ít nhiều cũng được học về ngô ngữ.
    Cho bác cho em hỏi ngu tý: thế nào là người nói ngọng hả bác?
    Câu hỏi này em đã hỏi tay bạn quen, từng là viên trưởng viện ngôn ngữ, nhưng hắn lấp lửng, chắc cho rằng em không học văn, dân ngoại đạo biết gì mà nói.
    Kính bác.

    • Trên tv có mục “việc tử tế” chỉ thấy đưa tin những thường dân “thấp cổ bé họng” làm được những việc tử tế, cón các “ông lơn” thì sao, họ có làm được việc nào tử tế không?

  3. Trên tv có mục “việc tử tế” chỉ thấy đưa tin những thường dân “thấp cổ bé họng” làm được những việc tử tế, cón các “ông lơn” thì sao, họ có làm được việc nào tử tế không?

  4. Họ tưởng rằng bằng những lời lẽ tự giác ” vô tư ” của các cô giáo sẽ giúp cho việc làm của họ trở nén trong sáng đẹp đẽ chứ không nhem nhuốc,xấu xa. Thật là dại dột! Dựa vào sự dai dot cả tin của kẻ yếu để minh chứng cho việc làm mờ ám không khác gì: ông bố ăn vụng dăn con,về mẹ có hỏi thì bảo bố con ăn nhưng không được mách mẹ! Ngờ đâu thằng bé về nói lại y nguyên lời bố dặn ! Có điều mấy cô giáo này vừa có vẻ vô tư nhưng lại dại dột chứ không ngay thơ như đứa trẻ kia! Khốn nạn hí hửng làm cái việc ” qua ruộng dưa cúi xuống sửa giày” dẫu không hái một trái nào nhưng ai mà tin được! Đàng này các cô lại cúi nhiều lần,mà cúi lâu thì biết đâu được “Cái tổ con chuồn chuồn” ! Liệu các cô còn yêu nghề dạy học hay thích làm công việc vinh dự hơn ?

Trả lời Nguyễn Hữu Tuý Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here