Khoảng trước những năm 60 của thế kỷ XX, để chỉ người xấu có biết bao nhiêu từ ngữ mà tôi không tiện dẫn ra đây vì e bất nhã với mọi người, nhưng nói về người tốt, thậm chí kẻ cả để tỏ ý khen ngợi, thường chỉ có lời đánh giá: người tử tế. “Ông ấy là người tử tế”, “gia đình ấy tử tế”, thế là đủ để người ta tin cậy, kính  trọng. Tới nơi ở mới, được biết hàng xóm láng giềng đều là những người tử tế thì yên tâm; nghe con cái chơi với “con nhà tử tế” thì không còn điều gì phải lo lắng.

Nhưng khái niệm “tử tế”, “người tử tế” mất dần. Thay vào đó là những từ rất hoa mỹ, nào tiên tiến, nào xuất sắc, kèm theo đó là biết bao danh hiệu, những “nhân dân”, “ưu tú”, … nào “anh hùng”, “chiến sĩ”, … nhưng đều rỗng tuếch. Điều này thì không cần phải chứng minh, làm mất thời gian của người đọc. Mãi tới những năm 80, qua một bộ phim của đạo diễn Trần Văn Thủy, khái niệm tử tế được nhắc lại. Và càng ngày, khi đạo đức xã hội xuống cấp, những người mang học hàm học vị cao ngất ngưởng thì phần nhiều thuộc loại “lưu manh giả danh trí thức”; cán bộ, đảng viên, công an, bộ đội, …  ban đầu là những người gương mẫu về mọi mặt được quần chúng tin cậy noi gương dần trở thành “phẩm hàm cao ắt thấp hèn càng cao”, người ta càng hoài niệm với khái niệm tử tế, càng thấy trong cuộc sống hàng ngày thiếu vắng những con người tử tế, những cách ứng xử tử tế.

Thực ra, trong cuộc sống trước đây, sự tử tế không phải dành riêng cho bất cứ tầng lớp nào trong xã hội. Không chỉ các gia đình sung túc hay có học, ở thành phố hay nông thôn, ngay những gia đình khá nghèo túng, cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm, cách ăn ở “đói cho sạch, rách cho thơm”, cách sống trung thực, tôn trọng và sẵn sàng chia sẻ với những người xung quanh  không hiếm gặp. Suốt cả cuộc kháng chiến chống Pháp ròng rã 9 năm, rồi tới cuộc chiến tranh chống Mỹ, những gia đình sẵn sàng cưu mang, che chở cho những người xa lạ phần lớn đều có cuộc sống thiếu thốn, nhà cửa chật chội, đều trong tình cảnh “ăn bữa sớm lo bữa tối”.

Sự tử tế dần mất đi trong cuộc sống có lẽ bắt đầu từ trong cải cách ruộng đất. Những gia đình có nền nếp, có của ăn của để chủ yếu do cần cù chăm chỉ làm lụng bỗng chốc gặp tai họa, thậm chí chết chóc, tan nát; không ít kẻ nghèo đói do lười biếng bỗng chốc nhờ được “bắt rễ xâu chuỗi” trở thành “cốt cán”, được tin cậy nhờ “vu oan giáng họa” rồi ngày càng lên cấp lên chức thậm chí tới mức có thể khuynh loát được trong một phạm vi không hề nhỏ.

Đến thời chiến tranh, cuộc sống ngày càng khó khăn thiếu thốn, chết chóc do bom đạn, đói rách do tất cả dốc vào cuộc chiến, người ta vẫn giữ được cuộc sống lành mạnh về tinh thần. Nhưng sau ngày chiến thắng, những người đã hy sinh tất cả lâu nay trước một Sài Gòn hoa lệ chợt giật mình tiếc nuối khi nhìn lại cuộc sống của mình và vợ con mình ở hậu phương. Thế là họ lao vào những cuộc chiếm đoạt dù còn không ít ngại ngần do cái tử tế được nuôi dạy từ tấm bé vẫn tiềm ẩn. Rồi sau những năm 80 khủng hoảng, miếng ăn được ưu tiên hàng đầu; rồi bước vào thời kỳ đổi mới, cuộc sống tiện nghi sang trọng của tầng lớp thượng lưu khắp nơi khiến bao người lóa mắt, chỉ còn biết bằng mọi cách làm sao để có bằng được. Những hành vi, cách ứng xử không mấy lương thiện của những người đứng đầu kéo theo đám đông “khắp chợ cùng quê” ngày càng bất chấp tất cả. Cấp trung ương có thể gây “thất thoát” cỡ nghìn tỷ thì cấp địa phương cũng thi nhau bòn rút cỡ trăm tỷ, đến cấp thấp nhất là xã, thôn cũng có thể chiếm đoạt nhiều chục tỷ. (Mang tiếng là “thất thoát” nhưng số tiền khổng lồ chẳng chạy đi đâu, nó chỉ chạy từ ngân sách về với những két sắt riêng tư. Mà pháp luật thì ngày càng bất lực vì từ khi hình thành tới lúc được thực thi, nó nằm trong tay những kẻ làm hại cho xã hội, đất nước nhiều nhất, những kẻ bất lương nhất. Càng tử tế, càng thiệt thòi, đói rách. Thế là tất cả trở thành một mớ hỗn độn, tả pí lù của những cuộc tranh cướp và tình trạng “ăn bất cứ thứ gì” diễn ra khắp nơi.  Từ “con sâu bỏ rầu nồi canh”, giờ đây, những bầy sâu, đàn sâu nhung nhúc khắp mọi nơi.

Trong một xã hội mà những “phó cối, hoạn lợn”, những kẻ trộm chó, ma cô  nắm được quyền lực thì những người tử tế đâu còn chỗ dung thân. Tham gia cuộc cách mạng từ những ngày trứng nước hầu hết là những người xuất thân từ những gia đình tử tế. Hầu hết trong số họ đã lao vào cuộc sống gian khổ thậm chí cả hy sinh với lý tưởng cao đẹp: giành độc lập cho đất nước, công bằng cho mọi người cho  tới khi nhắm mắt xuôi tay (do mọi lý do) đều còn giữ được dòng máu tử tế chảy trong huyết quản. Nhưng tất cả, họ chỉ còn cách thở  dài ngao ngán lặng nhìn bao thành quả đã giành được bằng máu xương, lý tưởng được xây đắp bằng cả cuộc đời bị lũ lưu manh sâu bọ tàn phá từng ngày từng giờ trước mắt mà bất lực.

Thế hệ tiếp theo của họ cũng đã mang dòng máu tử tế ấy từ những ngày thơ ấu nhưng cùng với tiến trình đi theo cách mạng, phẩm chất lương thiện ngày càng mai một để có thể tồn tại và giành được vinh hoa phú quý. Đến một lúc nào đó, họ giật mình thấy nhiều phẩm chất tử tế đã trở thành hoài niệm, vội vàng “đi tìm cái tôi đã mất” thì đã muộn.

Càng những thế hệ sau, sự tử tế càng thưa vắng hiếm gặp. Có những gia đình tử tế trước đây, ông cha qua đời để lại gia sản mà con cái không thể phân chia được phải nhờ tới tòa án. Thậm chí có gia đình tranh chấp còn để lại đến đời các cháu, chắt về sau. Với những người cùng dòng máu còn như thế, hy vọng gì quan hệ tốt đẹp với “đồng bào, đồng chí”. Trước đây, khi cuộc sống còn nhiều thiếu đói, người ta vẫn hy vọng khi đời sống được cải thiện con người sẽ cư xử với nhau tử tế hơn. Nhưng thật thất vọng, khi cuộc sống của phần lớn mọi người đã no đủ, sự tử tế vẫn luôn thiếu vắng và hình như những người càng giàu có tiền tài và danh vọng càng sống bất lương.

Nhưng cũng thật may, sự tử tế trong cuộc sống chúng ta vẫn chưa hề lụi tắt. Không chỉ những người cao tuổi còn hoài niệm và mơ ước “bao giờ cho đến ngày xưa” để cái lương thiện được tôn vinh và trở thành chi phối đời sống xã hội, ngay những người trẻ tuổi được rèn cặp bởi  thế hệ cha ông tử tế, biết suy nghĩ về lẽ sống cũng đang thầm lặng tỏa sáng trong cái tăm tối của đạo đức thời đại. Lời nhắn để lại của một chú bé học lớp 11 ở Hải Phòng lỡ làm hỏng gương của một chiếc ô tô vắng chủ đã cho tôi niềm tin lối sống tử tế, cách hành xử lương thiện không thể mai một (1).

Nhưng thế nào là người tử tế? Không ít người nhất là các bạn trẻ còn đang mơ hồ. Xin “múa rìu qua mắt thợ” tạm đưa ra cách hiểu, trước hết giúp các bạn trẻ bước đầu có những tiêu chí để hành xử trong cuộc sống thường ngày. Rất mong được các bạn quan tâm đóng góp ý kiến để góp phần cho sự tử tế ngày càng lan tỏa, hy vọng sẽ chiếm  ưu thế trong đời sống tương lai không xa.

  • Sau khi làm vỡ gương xe ô tô, chú bé đã để lại tờ giấy trên đó viết: “Do vô tình nên cháu đâm vào gương ô tô. Cháu xin lỗi ạ! Liên lạc với cháu theo số đt để cháu đền ạ. (Do cháu không biết chủ ô tô là ai)”. Kèm theo số điện thoại.

2 BÌNH LUẬN

  1. Chúc bác luôn khỏe mạnh và gặp được nhiều người tử tế cho đỡ bực mình vì xã hội ngày nay

Trả lời Nguyễn Anh Chiến Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here