Những năm gần đây, nhiều người nhận thấy phẩm chất  đáng trân trọng và gìn giữ trong biểu tượng “người Hà Nội” từ nghìn xưa ngày càng thưa vắng. Người ta tiếc nuối cho nếp sống của mảnh đất “nghìn năm văn hiến” nói riêng và đất nước nói chung đã dần bị lãng quên, và ở nhiều nơi nó đã bị chìm khuất sau lối sống xô bồ, chụp giật, bon chen nặng tính thực dụng. Đó không chỉ là tình trạng chỉ diễn ra ở một nơi nào, đó là hiện tượng phổ biến ở nước ta từ hơn nửa thế kỷ nay.

Sau cách mạng tháng 8, toàn dân nô nức ủng hộ chính quyền mới vì hân hoan được thoát kiếp sống nô lệ. Nhiều gia đình tử tế và giàu có đã ủng hộ cách mạng không chỉ bằng tinh thần mà còn bằng cả gia sản của mình. Nhiều trí thức đã theo cách mạng, thậm chí có những người đang ở nước ngoài với cuộc sống thành đạt cũng trở về tham gia kháng chiến để bảo vệ đất nước  với niềm tự hào là công dân một nước tự do. Nhưng thật đáng tiếc, cùng với những thành quả đạt được, cách mạng đã dần loại bỏ lối sống tử tế ra khỏi đời sống xã hội dẫn tới hiện trạng của ngày hôm nay.

Ban đầu là yêu cầu “quần chúng hóa sinh hoạt” cùng “cách mạng hóa tư tưởng” với những trí thức từ Hà Nội tham gia kháng chiến. Tư tưởng khó chứng minh đã được “cách mạng hóa” như thế nào,  người ta đành phải thể hiện cái “quần chúng hóa sinh hoạt” để được đánh giá là đã thành thật cái tạo. đã đoạn tuyệt với quá khứ phong kiến thực dân. Những cử chỉ, thái độ hào hoa được thay bằng cách giao tiếp xô bồ, lời ăn tiếng nói, lối sống thanh lịch, tinh tế của những người có học thức bị phê phán là tiểu tư sản, là tàn dư của chế độ cũ được thay bằng lối  bỗ bã,   “nói ít hiểu nhiều” kiểu “dùi đục chấm mắm cáy”. Và để thích ứng với cuộc sống mới, họ phải “tự lột xác” để hòa mình với quần chúng công nông.

Ban đầu quần chúng công nông là những người nông dân thật thà chất phác mặc áo lính hoặc ở những vùng căn cứ địa cách mạng và kháng chiến mà các cơ quan đang được họ cưu mang  sau khi rời khỏi Hà Nội. “Lột xác” để làm công tác dân vận,  để được lòng dân. Từ đó hy vọng được người dân bao bọc, che chở, ủng hộ.  Sau cải cách ruộng đất, quần chúng công nông không chỉ còn là những người dân bình thường, giúp đỡ khi cách mạng có khó khăn, họ nay đã là những cán bộ được tin cậy, dù trình độ hạn chế  nhưng vẫn được đánh giá cao hơn những trí thức tiểu tư sản luôn bị nghi ngờ vì lập trường dễ dao động và tư tưởng tình cảm phức tạp. Các trí thức phải tiếp tục lột xác, thậm chí biến thành những con kỳ nhông đổi màu để phù hợp với lớp hoàn cảnh  mới kể cả việc phải “nói một đàng làm một nẻo”, một biểu hiện của thói lưu manh (như cách hiểu của nhà văn Trung Quốc Lỗ Tấn). Những nhà lãnh đạo cách mạng lớp trước dù sao cũng ít nhiều ảnh hưởng  nền giáo dục  phong kiến, đối với họ,  những phẩm chất của người tử tế vẫn được coi trọng (dù nhiều khi chỉ ở phần hình thức), nhưng tới lớp sau, những “nhà cách mạng” thoát thai từ những cuộc đấu tố địa chủ cường hào gian ác mà trong đó không ít người đã ngoi lên bằng đủ mọi thủ đoạn  đê tiện  không những dốt nát còn mang rất nhiều phẩm chất của những kẻ bất lương. Họ là đảng viên, họ là lãnh đạo nên lối sống của họ  được đề cao và có sức mạnh lấn át những phẩm chất tốt đẹp của những người có giáo dục. Có không ít các cán bộ tuyên huấn cấp trung ương, sử dụng ngôn từ của “bố cu mẹ đĩ” văng tục văng rác  trên diễn đàn mà vẫn được coi là có tác phong quần chúng thì lối ăn nói ấy được truyền bá rộng rãi chẳng  có gì lạ.  Có thể thấy những cuộc “tự lột xác” đầy trăn trở này qua những trang viết của Nam Cao, Tô Hoài, Xuân Diệu, Phạm Duy, …Có những trí thức đã đành phải “bỏ của chạy lấy người” giữ nhân cách, rồi mang tiếng “dinh tê”, “quay đầu”, “phản động”, còn phần lớn những người đành cam chịu với tâm trạng “thôi đành nhắm mắt đưa chân” tới những năm gần đất xa trời mới vội ân hận để quay về “đi tìm cái tôi đã mất” (Nguyễn Khải) nhưng đã quá muộn.

Sau 1954, nhiều gia đình có cốt cách tử tế rời Hà Nội vào Nam hoặc sang Pháp. Và đồng thời, nhiều cán bộ, bộ đội từ những vùng nông thôn về Hà Nội tiếp quản. Theo sau là vợ con, rồi anh em, họ hàng và lối sống tiểu nông làng xã vào thẳng Hà Nội mà không gặp một cản trở nào. Không ít gia đình giàu có hoặc có đôi chút can dự đến quan hệ với Pháp thời tạm chiếm ở lại Hà Nội vì yêu nước cũng phải có những biểu hiện thay đổi  không dám giữ lối sống cũ để thích nghi với đời sống mới, tránh ác cảm của những người mới nắm giữ quyền hành. Lại thêm số cán bộ miền Nam tập kết, (những năm 1955 – 1960, bờ hồ Hoàn Kiếm là nơi tập hợp đông đảo các hội đồng hương của họ vào ngày chủ nhật) họ phần lớn cũng  là những người thuộc “quần chúng công nông” nên cũng có sức mạnh vô địch. Họ là những người được tin cậy, lại thêm được ưu tiên (vì sự nghiệp cách mạng mà phải xa gia đình, quê hương), nhiều người nắm những cương vị quan trọng trong guồng máy tổ chức, nghĩa là họ có quyền sinh quyền sát. Ngoài việc “dè bỉu” chê bai sau lưng, những người tử tế khi ấy cũng chưa hiếm, ai dám phê phán lối sống của họ, những người đang ở thế thượng phong? Ngược lại, lối sống ấy còn được “quảng bá” vì rõ ràng, đó là cách sống của những người đang thành đạt, đang có vị trí “cầm cân nẩy mực”.

Những căn biệt thự được thiết kế và xây dựng công phu nay vắng chủ (do chủ nhà đã bỏ đi Nam) được  chia năm xẻ bảy cho các cá nhân và gia đình cán bộ cùng với con em họ từ mọi vùng quê tới. Những nhà còn chủ nhưng bị quy là tư sản thì gia đình chủ nhà  bị lùa vào một căn phòng vài ba chục mét vuông, diện tích còn lại cũng được chia cho đủ mọi hạng người. Thế là một ngôi nhà mang vẻ đẹp hiện đại của kiến trúc, vẻ đẹp thanh lịch của lối sống giờ đây trở thành một thứ “tả pí lù” với đủ mọi cách cơi nới cho thêm diện tích và đủ mọi phong tục tập quán, thói quen mà  phần đẹp đẽ hình như chẳng có bao nhiêu còn phần lạc hậu, thậm chí xấu xa tha hồ bành trướng, chưa kể rồi còn được thêm những chuồng gà, chuồng lợn để cải thiện đời sống ngày. Có thể nói, hình ảnh những ngôi biệt thự ở Hà Nội sau 1954 là biểu tượng của sự đổi thay trong lối sống của người Việt Nam ta thời gian này.

Để thực hiện những chính sách không hợp lòng người, những người có trách nhiệm đã không từ một thủ đoạn nào. Họ lợi dụng đám trẻ con quàng khăn đỏ để biết được cha mẹ chúng, những tư sản đang bị cải tạo đã phân tán tài sản ra sao, có những thủ đoạn gì để chống lại  những người làm nhiệm vụ kiểm kê tài sản, đánh thuế vào số hàng tồn kho bằng cách khen chúng là những “người cộng sản trẻ tuổi” đã bày tỏ thái độ đấu tranh không khoan nhượng  với giai cấp tư sản. Thế là, ngay từ tuổi ấu thơ, con trẻ đã được tiêm nhiễm tư tưởng đấu tranh “ai thắng ai”, coi những người có công sinh thành dưỡng dục là kẻ thù giai cấp.

Cách cư xử với những người đồng chí một thời nay có khác  biệt về quan điểm như Nguyễn Hữu Đang, Vũ Đình Huỳnh, Hoàng Minh Chính …, với những người đã góp nhiều công của trong những ngày cách mạng còn trứng nước như gia đình ông bà Trịnh Văn Bô đã nêu một tấm gương xấu bội tình bạc nghĩa.

Rồi chiến tranh, khi ấy tất cả chỉ còn là mạng sống. Rồi khủng hoảng kinh tế, khi ấy tất cả chỉ còn chuyện miếng ăn khiến người với người hoàn toàn không còn là bạn.…Để tồn  tại, con người đã phải chấp nhận tất cả moi sự nghiệt ngã. Trong cuộc sống, người ta bảo nhau: “Mất dạy lái xe, ba que tổ chức” để tránh xa. Nhưng để khỏi phải cuốc bộ trên những chặng đường dài với bao đồ đạc lỉnh kỉnh trên lưng, nhiều người đã phải thỏa hiệp với  cái vô giáo dục của bọn người nắm phương tiện vận tải; để giữ một việc làm (mà việc làm đồng nghĩa với hộ khẩu, với các loại tem phiếu mà thiếu nó gần như chính mình và mọi thành viên trong gia đình sẽ lâm vào bước đường cùng),  không ít người đã phải ngậm đắng nuốt cay với những yêu cầu hoặc ít nhất cũng phải “nhắm mắt làm ngơ” trước những thói tật xấu xa của những kẻ nắm quyền sinh quyền sát. Người xưa, để giữ nhân cách trước kẻ  bạo ngược, thất nhân tâm còn có thể về ở ẩn, sống đạm bạc, thanh bạch “Một mai một cuốc, một cần câu” (thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm) nhưng nay, dù thế nào vẫn phải chấp nhận tất cả, vì “không chốn dung thân”.

Đến những năm gần đây, đời sống có những cải thiện nhưng cùng với những cuộc đua tranh để giành giật những tiện nghi vật chất mà không biết thế nào là đủ, đạo đức, lối sống tử tế mà cha ông vẫn trân trọng ngày càng xuống cấp. Những người  suy đồi đạo đức và lối sống nhất  lại chính là những cán bộ, đảng viên, đang giữ vai trò cầm cân nẩy mực, vẫn được coi là những tấm gương cho quần chúng noi theo. Quả họ đang ở vị trí tiên phong, dẫn đường.

Trên cái đà ấy, những người có nếp sống hào hoa thanh lịch ngày càng ít, nhiều lắm họ cũng chỉ truyền dạy được cho lớp cháu con ngày càng thưa vắng. Còn phần lớn vẫn ở trong một vùng hỗn mang, mất phương hướng, chủ yếu vẫn chỉ biết sống theo bản năng. Các cơ quan tuyên huấn và văn hóa mải mê với việc xuất bản các loại sách “người tốt việc tốt”, làm theo lời dạy, noi theo tấm gương, …mà trong đó hàm lượng  sự thật rất khiêm tốn, không thể hấp dẫn mọi người đang ngày càng ít đọc. Khoảng vài chục năm gần đây, một số người tâm huyết đã có chủ trương cho ra đời những cuốn sách hay những bài viết nói về những thói hư tật xấu của người Việt với hy vọng rung một tiếng chuông cảnh tỉnh nhằm cứu vãn cho một nét đẹp của văn hóa dân tộc nhưng những ý muốn tâm huyết ấy hoặc không được ủng  hộ,  hoặc bị vô hiệu hóa. Gần nghìn phương tiện truyền thông trong cả nước luôn có thái độ mơn trớn với những thói hư tật xấu tràn lan giống như người ta “khiển trách nghiêm khắc” tội  tham những đang phổ biến từ các cấp cao  nhất,  nhưng đồng thời, họ cũng ra sức đưa những tin giật gân về những chuyện cướp của giết người, hãm hiếp dã man…để tăng lợi nhuận dù biết đó chính là “vẽ đường cho hươu chạy”. Thế là cái thanh lịch, hào hoa ngày càng bị chim trong quên lãng hoặc lẩn khuất sau lối sống chắc không phải của loài người.

Ngài Bộ trưởng Bộ Giáo dục gần đây đã phải công khai thừa nhận một sự thật phũ phàng: những kẻ có bằng giả hoặc bằng thật nhưng học giả chỉ có thể chui được vào các cơ quan hay doanh nghiệp nhà nước. Cái lạ ở đây không phải là điều được ngài Bộ trưởng phát hiện  mà chính ở chỗ ngài đã không thể nhắm mắt trước sự thật nhưng  hoàn toàn  với thái độ dửng dưng như đang nói chuyện của một hành tinh khác. Và đồng thời, ngài quyết định xóa điểm sàn trong kỳ thi đại học để hợp thức hóa cho những kẻ đang kiếm tìm cái bằng thật nhưng chỉ cần học giả và tạo nguồn cho biết bao các trường đại học đang thiếu đủ mọi thứ kể cả thầy lẫn học trò. Vài  chục năm nay, người ta phải mất nhiều năm tiền lương để lo lót, “chạy” lấy một suất biên chế nhà nước, rồi hàng tháng nhận đồng lương “còm”, không đủ trang trải những nhu cầu tối thiểu. Nhưng thời gian cứ trôi, hiện tượng lạ lùng ấy không khiến bất kỳ một quan chức có trách nhiệm nào đặt dấu hỏi. Người ta họp biết bao nhiêu đại hội, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, …cuộc họp nào cũng đông nghịt những người và rực rỡ cờ hoa cùng các loại khẩu hiệu nhưng những vấn đề nóng bỏng ấy của cuộc sống luôn ở bên ngoài chương trình nghị sự. Sự thờ ơ ấy phải chăng chính là để dung dưỡng cho lối sống tồi tệ, để nó ngày càng phát triển “năm sau cao hơn năm trước” khiến các vị được rảnh tay,  tha hồ làm mưa làm gió?

 Khi mang bom đạn phát động cuộc chiến tranh phá hoại ở nước ta, một Tổng thống Mỹ đã lớn tiếng cảnh báo sẽ đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá. Nghe những lời đe dọa ấy, nhiều người trong chúng ta không khỏi cười thầm cái ngang ngược của ông chủ Nhà Trắng. Nửa thế kỷ sau mới thấy, chúng ta đang ở thời đại đồ… gì chứ không phải  thời đại đồ đá, thời đại này không biết trước hay sau thời đại đồ đá bao nhiêu thiên niên kỷ.

Và trong cái thời đại ấy, “người Hà Nội” sao có chốn dung thân!

30 BÌNH LUẬN

  1. Những người Hà Nội thứ thiệt vẫn còn, nhưng quá ít. Họ bị đánh bật ra khỏi môi trường sống và không gian văn hóa quen thuộc để trở thành “con người mới xhcn” . Ô hô ..!Những người HN di cư vào Nam năm 1954 và những người HN đang phiêu dạt nơi chân trời góc biển , chính những người ấy đang lưu giữ phẩm chất của Thủ đô ngàn năm văn hiến đấy.

  2. Bài viết của bác rất hay,chắt lọc từ những bề dày kiến thức. Hà Nội bây giờ hỗn mang, không còn bóng dáng giáo dục xưa: trường ra trường, thầy ra thầy. Đồng tiền đặt lên trên những giá trị tinh thần. Ngay cả những người được coi là tử tế nhất bây giờ cũng hoài nghi,và buộc phải chấp nhận việc đồng tiền mua được mọi thứ. Dường như nếu không họ sẽ bị lạc lõng trong chính ngôi nhà của họ. Kết quả là ai cũng chỉ lo bản thân. Ngoài đường người ta có hắt nước bẩn hay vứt đầy rác, cũng phải quen, đạp lên mà đi. Trong nhà cúng bái mê tín dị đoan lẫn lộn hết mọi giá trị. Người Hà Nội xưa biến đi rồi, biến đi ngay trong bản thân mỗi người. Còn rất rất ít người Hà Nội được như Vương Trí Nhàn, Dương Trung Quốc hay Ông Giáo Làng.

  3. Người Sài Gòn ngày nay cũng đâu giống người SG trước 1975, nét thanh lịch của người SG đã bị chụp cho cái mũ tiểu tư sản và dần bị đè bẹp, bóp méo. Thay vào đó là lối sống dung tục được mang danh là tác phong đạo đức giai cấp vô sản . Đến thời nay thì hàng loạt trưởng giả học làm sang xuất hiện, mang đến cho SG một lối sống phô trương hào nhoáng nhưng không có nét thanh lịch của ngày xưa. Tiếc cho những nét đẹp của SG thuở nào.

  4. Để bài trừ cho hết cái nét đẹp đó. Nên khi ta hành xử theo lối sống đó bạn phải thật kín đáo nhất là khi ở nơi đám đông. Nhưng ánh mắt khó chịu, cái bĩu môi, ánh mắt thiếu thiện cảm. Đám đông nháy nhau thâm chí là những câu “Đồ dở hơi – Ngộ chữ -L ũ mọt sách _TRí thức dở….”. Đám đông có lúc không thích Người cư xử một cách có Văn Hóa. Những năm 1980 ngồi quán nước vùng Xuân Đỉnh rất dẽ bị trai Làng gây sự đánh vì hành vi khác lạ đó. Tới giờ mới nghĩ ra. Họ oán người Hà Nội lấy đất của họ quanh Hồ Tây. Trên đó có mấy trường và doanh trại quân đội mà. Giờ mới hiểu sau gần 40 năm.

  5. Chẳng có gì lạ khi 1 thời người ta xoá bỏ hết “tàn tích của chế độ phong kiến” để xây dựng “con người mới, con người XHCN”, bác Duong Dinh Giao nhỉ…

  6. Bác thật là một người Thầy đúng với từ Thầy cao quý. Em rất thích bài viết này vì bài viết phân tích cặn kẽ nguyên nhân đã dẫn đến hậu quả là ngày hôm nay.

  7. Đọc bài của nhà giáo Dương Đình Giao mới biết,không cần tới trăm năm trồng người thì đã biết cái loại người ấy ra sao rồi.
    Cho nên,chỉ có thể xóa bỏ,không thể sửa chữa!

  8. Khái niệm “người Hà Nội” là rất mơ hồ. Ta dễ dàng thấy được ở mảnh đất ( HN) này, đang có đủ các hạng người, từ khắp các vùng, miền đến sinh sống và hầu hết đều có tâm lý thích nhận mình là “người HN”, thậm chí không ít người nói ngọng, nói tiếng địa phương vẫn tự nhận mình là “người HN”. Đặc biệt, với bộ máy nắm quyền đều được cho là tinh hoa, là đỉnh cao trí tuệ và đại diện cho cái gọi là “người HN”.

  9. Thầy ơi, em đã khóc khi đọc tuỳ bút này. Gia đình em cố gắng giữ “nếp nhà” theo phong cách được dạy. Em từng bị mắng vào mặt: “Cứ tưởng người HN là ghê à… Cảnh giả tiểu tư sản, kênh kiệu à… Lịch sự à… Cho chết” khi em dạ vâng, nhất định ko “quần chúng hoá” giao tiếp kiểu dân dã văng tục. Và bị ghét bỏ cô lập. Nhưng em tự hào vì những gì em có, và em dạy con em: mình là người Hà Nội, ko được tự cho phép “bần cùng hoá giao tiếp”. Em cảm ơn thầy ạ.

  10. Thưa thầy, người HN chỉ còn trong tâm tưởng mà thôi. Chúng em ngậm tăm mà ẩn cái tông tích HN bởi bị ghét và dè bỉu bởi cách sống ko được “công nông hoá”. Thôi thì… chép miệng tặc lưỡi cho thời thế “quần chúng hoá” và “nông thôn hoá HN” ạ

  11. Đọc lại bài viết này vẫn thấy thich. Căn kẻ, rất có lý. Mình chỉ bổ sung thêm một chút : người HN “chính hiệu” còn là những người dân ngoại ô, làng ven đô nữa. Họ cũng mất mát dần!

  12. Ngưỡng mộ bác đã nói thẳng ra một vấn đề mà truyền thông nhà nước né tránh. Thôi thì ta cũng nên rộng lượng với hậu sinh tứ xứ lôm côm về thủ đô. Năm 2010 kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, ở bờ Hồ hoàn kiếm đắp một quyển sách bằng xi măng trên đề chữ nho “thiên”遷 (có nghĩa là di dời) nhưng người ta lại đúc chữ “thiên”天 là trời.!!!

  13. Lại phải tấm tắc rằng Thầy Giao luôn xé ra được những chủ đề đáng ngẫm. Tôi sinh ra ở Hà nội vào ngày giải phóng, sau này không dám tự nhận là người Hà nội vì một ký ức đậm.
    Sau hơn mười năm xa Hà nội,lớn lên ở Nam định, một ngày nhân tiện học ở Thanh xuân, tôi ghé thăm Bà ngoại ỏ phố ĐộiCấn,nơi Bà nuôi tôi sáu năm đầu. Bà sọn một mâm cơm với những thứ mua tự do ở chợ Ngọc Hừ. Năm chiếc đĩa, một bát chiết yêu và hai bát con cho hai bà cháu. Trên những chiếc đĩa có hai con cá nhỏ kho tương, rau muống luộc, ba miếng đậu phụ, một ít dưa củ cải, vài quả cà. Đĩa nào đựng thứ đó, nhìn đẹp mắt, sạch sẽ, đặt trên một cái mâm gỗ, đậy lồng bàn.
    Dân Nam định nhà tôi vốn ăn tạp, không chú trọng bày biện, nhưng có bao nhiêu để hết lên bàn. Tôi thật ngưỡng mộ Bà, đó mới là một nét của người Hà nội.

  14. Những khái niệm như người saigon, người hanoi đã trở thành xưa, lịch sử trong thời di cư dễ dàng. Sẽ mất dần những khái niệm tương tự như quê… Những giá trị mới bắt đầu nổi lên và đang định hình. Bảo tàng cuộc sống dầy lên, và người ta vẫn có nhu cầu tới thăm

  15. He he, bạn lão Cẩm kể chiện hồi còn ở bộ đội, đơn vị đóng trong một cái hang…
    Bữa đó, có máy bay Mẽo đến, lồng chí trung đội trưởng chạy ra đứng trước cửa hang, ngửa mặt lên zời chửi:
    – Đuỵch mẹ thằng Mẽo nhế! Chúng mầy đừng có hòng mờ đưa chúng tao về được thời kì đồ đá nhế! Là vì chúng tao đã ở trong hang đá từ lâu dồi!
    Há há há!

  16. Bài viết thật chí lý. Nhìn thấy đạo đức xuống cấp như vậy người biết suy nghĩ chỉ có ngậm ngùi lắc đầu thôi chớ biết làm gì đây. Vào thời điểm này lên tiếng chống lại cả cái hệ thống như vậy chắc chỉ là dã tràng xe cát thôi. Hy vọng là một ngày nào đó một ngọn gió mới thổi đến cùng với một giới lãnh đạo trung thực làm cho người Việt tự thức tỉnh lại.

  17. Thật chua xót , cả một dân tộc ,một nền văn hiến với bao mất mat hy sinh để đổi lấy mớ văn hoá hổ lốn này sao ?

  18. Bài viết dài nhưng ko thể khác.Rất chuẩn ! . Ai đã sinh ra và lớn lên trong những thập niên trước thì ko thể bỏ qua bài viết này . Ước gì chỉ có vài con phố để tụ lại những con ng muốn và mong sg lại cái ngày của xa xưa .

  19. Bác viết thật hay và thật cảm động. Người Hà Nội giỏi đi hết rồi. Họ nhớ Hà nội xưa nhưng không thiết sống ở Hà nội nay. Hà nội ô hợp và mất hết vẻ Tràng An lãng đãng trật tự xưa. Thật tiếc!

  20. Thật buồn, cảm ơn nhà giáo đã nói lên tiếng lòng. Tôi chẳng dám nhận mình là người Tràng An, dù tổ tiên đã sống nơi đây từ năm Tự Đức thứ 2,nên xin được nói thẳng :thời đồ đểu đã lên ngôi.

  21. Văn hóa ững xử Hà Nội cội nguồn là văn hóa kinh kỳ, từng trải qua đô thị của một xứ thuộc địa. Dẫu có biến đổi nhưng trước đây vẫn là nơi kết tinh của văn hóa trung tâm đồng bằng Bắc Bộ. Một nếp sống giản dị mà nền nã, thanh đạm bởi xứ Bắc vốn nghèo, nhưng vẫn trong trẻo, không cầu kỳ phô trương, từ tốn trong giao tiếp, không ồn ã đại ngôn khoe khoang. Quanh cách cũng không khệnh khạng, nghênh ngang, có chăng chỉ là đám trương tuần hoặc tuần đinh, cai lệ ít học mới nhiễm cái thói lấy thịt đè người. Trong mọi gia đình, nếp sống có quy củ mà không hoàn toàn gia trưởng khi đã tiếp nhận văn hóa phương Tây, … cái trật tự văn hóa ngàn xưa ấy được xem alf lịch lãm, thơm tho cho nên mới có câu:
    Chẳng thjowm cũng thể hoa nhài
    Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.
    Hoa nhài giản dị, gần gũi, không phải loài hoa quý nhưng thơm. Đó là người Hà Nội. Lý giải về sự thiếu vắng của văn hóa thanh lịch hiên nay của Thầy Giao rất đúng. Chúng ta đã hồ đồ và ngộ nhận do lý luận giai cấp thực dụng và biển lận chi phối, đã biến văn hóa đẹp đẽ của người Hà Nội thành kẻ thù mà chống phá và truy quét gắt gao. Để rồi dựng nên một lối ứng xử cá mè một lứa. Cứ nghĩ đồng chí là hay. Biết đâu đồng chí mà chẳng đồng lòng. Một lối sống biển lận, giả dối được xem là thủ đoạn tinh khôn được che lấp bởi cái tình đồng chí. Mà thực ra chỉ là chí đoản, mưu hèn. Một thứ văn hóa đầy thủ đoạn và ma mãnh thì đó là văn hóa của những kẻ lưu manh, đầu đường xó chợ len lỏi tỏng mọi mối quan hệ ứng xử, vậy còn tìm đâu ra thanh lịch. Có câu cóc nhái lên ngôi, chó ngồi bàn độc. Đó là thứ văn hóa tao loạn?

  22. Ông Giao lý giải rất đúng và rất sâu điều mà người Hà Nội bấy lâu nay chỉ còn biết than thở cùng nhau. Nhiều năm nay mình đã cho rằng chính những người Hà Nội ra đi từ năm 1954 lại là những người bảo tồn nhiều nhất cái chất Hà Nội, cái “sắc hương phai ngày xa…”. Than ôi!

Trả lời Vu Thi Mai Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here