Trước năm 1954, ở Việt Nam có hai chương trình giáo dục. Vùng tạm chiếm (do Pháp kiểm soát) có chương trình giáo dục 10 năm. Vùng kháng chiến (hay vùng tự do), chương trình giáo dục chỉ là 9 năm.

Sau khi Thủ đô giải phóng, rất nhiều học sinh từ các vùng kháng chiến cùng gia đình trở về Hà Nội. Để giải quyết nhu cầu học tập cho đối tượng này, nhà nước phải mở một trường học mới, đó là trường Phổ thông cấp 3 Hà Nội. Hình như vội quá nên trường không  kịp đặt tên (trong khi các trường cấp 3 lúc ấy ở Hà Nội đều có tên: Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Trưng Vương.) Gọi là trường cấp 3 nhưng trường có cả nhiều  lớp cấp 2. Buổi đầu tiên tập trung (hình như vào tháng 3 năm 1955), trường chưa có địa điểm,  còn phải nhờ sân trường ở phố Hàng Bài, không nhớ lúc ấy đây là trường Nguyễn Trãi hay trường Trưng Vương. Sân trường còn có sân khấu mang tên Côn Sơn.

    Ban đầu, trường đặt ở số nhà 80 phố Hàng Bông Thợ Nhuộm (nay là phố Thợ Nhuộm). Đây vốn là một trường học tư. Hồi đầu, trên tòa nhà trông ra phố còn đắp nổi hàng chữ “Lycée Honoré de Balzac”. Lối ra vào cho học sinh ở trong ngõ. Ngôi trường này nhỏ, chỉ được có mấy phòng học ở ngôi nhà chính là rộng rãi, còn những lớp ở phía sau đều chật chội. Sân cũng chật, có một cây hoàng lan, đến mùa, thơm ngát cả trường. Phố Hàng Bông Thợ Nhuộm lúc ấy chưa phải là một phố buôn bán, chủ yếu vẫn là nhà ở cũng như nhiều dãy phố khác. Cái kiểu chỗ nào cũng là cửa hàng cửa hiệu bây giờ bắt đầu có từ hồi những năm 80 của thế kỷ trước. Kinh tế khó khăn, cơm chẳng có mà ăn nên nhà nào cũng “bung ra”, “toàn dân làm thương nghiệp”. Cái câu thành ngữ  “nhà mặt phố bố làm to” ra đời trong thời kỳ này.

    Còn nhớ buổi đầu tiên đến trường. Bố đèo xe đạp đến ngã tư Quán Sứ – Thợ nhuộm thì bảo xuống, chỉ về phía trước:

    – Con cứ thẳng đường này mà đi. Nhìn thấy số nhà 80 là trường.

    Rồi bố đi làm ở ngoài Ga. Tôi lững thững đi, mắt cứ nghếch lên để tìm số nhà. Đến đầu phố, lẽ ra phải băng qua đường để sang phía bên kia, tôi lại rẽ phải theo hè, không biết thế là mình đã đi  sang phố Lý Thường Kiệt, rồi lại cứ theo hè, rẽ phải về phố Quán Sứ. Mãi không tìm thấy số 80. Đi một lúc, lại thấy mình ở chỗ mà bố vừa đưa đến. Đang lúng túng chưa biết làm thế nào (phố lúc ấy còn vắng, không biết hỏi thăm ai, mà có người cũng chưa chắc dám hỏi,  ở “rừng” về, nhút nhát lắm). May quá, Bố quay lại, thấy tôi còn đứng đấy, hỏi. Tôi bảo “con chẳng thấy số nhà 80 đâu cả!” Bố không nói gì, bảo tôi lên xe đưa đến tận trường.

    Buồn cười nhất hồi học ở phố Thợ Nhuộm, buổi sáng, đang ngồi học, thế nào cũng có một ông bán tiết canh đi qua, cất tiếng “quát”:

    – Tiết canh đi! Tiết canh giải nhiệt nào!

     Phố vắng,  yên tĩnh, trong lớp đang im phăng phắc nghe giảng bài. Tiếng rao vang lên, rất to. Hôm nào cả lớp cũng cười. Thầy, cô giáo cũng cười. Nhưng rất nhanh chóng trở lại im lặng tiếp tục tiết học. Có hôm, giờ nghỉ, đang đứng ở “ban công” trông xuống đường, thấy ông bán tiết canh đi gần tới, cả bọn đồng thanh kêu lên: “Tiết canh đi!” Ông ấy nhìn lên, chẳng nói gì!

     Cũng may là thời gian học ở đây không dài. Sau đấy trường chuyển sang địa điểm mới: 47 Lý Thường Kiệt. Đây là một ngôi trường Dòng của đạo Thiên Chúa. Trường rộng lắm. Toàn bộ khu vực giới hạn bởi các phố Thợ Nhuộm, Quang Trung,  Lý Thường Kiệt, Bà Triệu, chỉ có những nhà mặt quay ra  phố Bà Triệu là không phải của trường. Ngay cổng vào là tòa nhà 3 tầng (nay vẫn còn hình dáng như cũ, bên trong chắc đã phải sửa chữa). Phía bên trái là nhà nguyện, sau được nhà trường sử dụng làm phòng chiếu phim. Dọc theo phố Quang Trung là Hội trường, có thể tập hợp được toàn thể học sinh. Phía phố Thợ Nhuộm là một ngôi nhà 2 tầng, chạy dài đến tận cuối phố (bây giờ hình như là cơ sở dạy nghề). Khu nhà này làm phòng thí nghiệm. Bên trong sân còn một khu nhà một tầng nữa, làm lớp học.

    Tòa nhà phía trước, có mấy phòng ở giữa tầng 1 làm văn phòng, phần còn lại cùng với tầng 2 làm lớp học. Các phòng học hơi thấp, hai bên đều có hành lang nên lúc nào cũng phải thắp đèn. Còn tầng 3 là chỗ ở của các thầy giáo. Phần lớn các thầy đều mới  ở Khu học xá Trung Quốc về, còn trẻ, chưa có gia đình riêng. Sau có một số học sinh miền Nam về học cũng ở trên tầng 3. Ăn uống thế nào thì không biết.

    Cũng không rõ lúc ấy trường có bao nhiêu lớp. Cấp 3 theo chương trình kháng chiến về chỉ có hai lớp 8 và 9. Học hết lớp 9 là thi vào đại học. Mỗi khối 8 và 9 chỉ có độ vài lớp. Các lớp cấp 2 thì đông. Khối 5 và 6 có đến lớp H (tôi học lớp G, lúc ấy còn gọi là “lớp giê”, đọc theo vần chữ cái tiếng Pháp, sau cứ nhầm với lớp D (đê) nên chuyển sang gọi là “gờ”. Các thầy gọi đùa là lớp “Gấu” vì mang tiếng nghịch ngợm nhất trường.

    Đến năm 1956, trường được đội thiếu niên Ten-lơ-man  (như đội thiếu niên tiền phong HCM ở ta) của CHDC Đức giúp đỡ.  Đó chính là lý do vì sao sau này trường được mang tên Việt Đức cho tới nay. (Cũng như sau đó vài năm, CHDC Đức lại giúp trang thiết bị cho bệnh viện Phủ Doãn, nên bệnh viện này sau cũng mang tên Việt Đức.) Trường được mang một khuôn mặt mới. Mỗi lớp học đều có bàn ghế mới (cả thầy và trò), bảng, giá treo bản đồ, tranh ảnh, …Loại bàn ghế học sinh có hai chỗ ngồi hình như lần đầu xuất hiện ở Việt Nam. Cái bàn cũng lạ!  Khi học sinh đứng dậy chào thầy hay phát biểu ý kiến, một phần mặt bàn được gấp lên để đứng cho thoải mái, nhưng khi ngồi,   mặt bàn hạ xuống tạo nên một “khoảng cách âm” giữa bàn và ghế,  có lợi cho tư thế ngồi viết của học sinh. Bàn ghế mỗi dãy liên kết thành một khối, không di chuyển được, lưng tựa của ghế trước gắn vào bàn sau, đảm bảo bàn ghế trong lớp lúc nào cũng ngay ngắn, tất cả đều đánh vecni bóng loáng (bàn ghế của ta  chỉ bằng gỗ để mộc, lâu ngày, mặt bàn đầy những nét khắc, viết, vẽ đủ kiểu bằng mực các màu). Trường còn có một phòng chiếu phim (đặt ở nhà nguyện cũ), nhiều tiết sử, địa lý, sinh vật chúng tôi đã được xem phim ở đây, và nhiều phòng thí nghiệm. Lần đầu tiên trong đời tôi được học ở phòng thí nghiệm là một tiết học môn vạn vật (nay gọi là sinh vật). Hôm ấy học về tế bào. Lúc xuống phòng thí nghiệm,  trên bàn đã để rất nhiều kính hiển vi, (hai học sinh  một cái),  bên mỗi  kính  đều có một cái âu bằng thủy tinh, trong đựng những lát hành. Cạnh mỗi bát có cái kẹp bằng inôc. Lần đầu tiên nhìn thấy một phòng thí nghiệm “choáng” như thế, nên giờ vẫn không quên. Sau này, khi học cấp 3, phòng thí nghiệm của trường Chu Văn An cũng không bằng. Trường còn có một chiếc ô tô chạy điện. Ấu trĩ viên (Cung văn hóa thiếu niên ngày nay) cũng được các bạn Đức cho một chiếc. Ngày Quốc khánh năm 1956, dẫn đầu đoàn thiếu niên diễu hành qua Quảng trường Ba đình là hai chiếc ô tô điện này. Người lái chiếc ô tô của trường là anh Nguyễn Kim Sơn, đội trưởng thiếu niên lớp tôi. Sau hình như anh Sơn đi học triết học. Chúng tôi sung sướng được học ở một ngôi trường đầy đủ trang thiết bị hiện đại, được tiếp thu tri thức trong một khung cảnh có thể coi là sang trọng. Hàng ngày, học tập trong môi trường ấy, mỗi học sinh dù còn ít tuổi cũng đã thấy việc học tập không phải là công việc có thể tùy tiện. Các thầy giáo cũng thấy mỗi người có một cái cặp mới.

    Đặc biệt, nước CHDC Đức còn cử sang một ông cố vấn giáo dục, chúng tôi vẫn gọi là ông Kenla. Ông Kenla đã ở Việt Nam  suốt năm học ấy. Bên cạnh việc giúp các thầy cô giáo trong trường sử dụng và bảo quản những thiết bị mới, ông còn giúp nhà trường xây đựng kỷ cương nền nếp của một ngôi trường. Đến nay, có những việc đã có vẻ lạc hậu, nhưng cũng có nhiều việc nghĩ còn thích hợp. Xin ghi lại để mọi người đọc cho vui và có thể tham khảo.

    Lớp học ở ta thường treo quốc kỳ và ảnh lãnh tụ, rồi còn khẩu hiệu,  thậm chí có khi treo cả tranh ảnh khác. Nhưng bây giờ, trong lớp, trên tường hoàn toàn không có gì cả. Phía trước học sinh chỉ có tấm bảng (lần đầu thấy bảng màu xanh, dưới có cái giá  nhỏ để một miếng “mút” và một xô đựng nước dùng  xóa bảng, những thứ này cũng được “viện trợ”.) Góc lớp là một giá để treo bản đồ, tranh ảnh khi cần. Ngoài ra không có bất cứ cái gì khác. Chúng tôi được giải thích là để tránh mất tập trung cho học sinh. (Thú vị là với mỗi quy định các thầy đều giải thích lý do). Khi chuyển tiết học, học sinh chỉ được ra hành lang, không được xuống sân để khi nghe “chuông”, có thể vào lớp ngay, Chuông điện gắn ở hai đầu hành lang báo vào lớp cũng reo hai lần, lần đầu chuông dài, học sinh phải vào lớp chuẩn bị sách vở, các thầy đến đứng trước cửa lớp. Vài phút sau, một tiếng chuông ngắn, thầy vào lớp, học sinh đã sẵn sàng, thầy cho học sinh ngồi xuống là vào ngay tiết học. Giờ ra chơi, tất cả học sinh phải xuống sân. Ở lại lớp chỉ có học sinh trực nhật và người nào ốm, mệt. Nhưng xuống sân, học sinh cũng chỉ được đi dạo, chuyện trò, không được chạy nhảy, (tránh mệt, ảnh hưởng đến tiết học sau) hay chơi những trò chơi có tính chất được thua như chơi bài (sợ còn “luyến tiếc” vì thua được khi vào học). Cũng không được mang theo sách vở ôn lại bài (để hoàn toàn nghỉ ngơi). Giờ học, ai cần xin ra ngoài thì không được vào học tiếp nữa, cũng như ai đi muộn, phải ngồi đợi ở văn phòng, chờ đến tiết học sau mới được vào lớp, sợ ra vào  ảnh hưởng đến việc học của người khác, …

    Học sinh không chỉ phải quét lớp, mà còn phải quét sân. Sân trường rất rộng nhưng được chia làm nhiều ô, mỗi lớp một ô. Tổ trực nhật phân công hai người quét lớp, số còn lại quét phần sân của lớp mình. Đến cuối buổi học, trong lớp hay ngoài sân đều vẫn sạch. Học sinh đi lại trên sân, trên hành lang, trong lớp, hễ có rác là nhặt cho vào thùng. Những năm ấy, học sinh Hà Nội có những thói quen rất tốt như đi trên đường, thấy cái vòi nào còn rỉ nước do vặn chưa chặt (vòi nước công cộng) đều tự dừng lại, vặn cái vòi cho chặt rồi mới đi tiếp (người đi xe đạp cũng xuống xe).

    Sáu mươi năm, vẫn không quên nhiều thầy, cô dạy hồi ấy. Thấy Hoán, thầy Trân dạy Toán, thầy Bào dạy vật lý, thầy Phúc dạy Vạn vật, cô Dung dạy Sử, …Các thầy là những người được tuyển chọn kỹ càng trước khi sang học ở Khu học xá Trung Quốc, vừa  được học tập ở một trường rất quy củ, nền nếp, lại mới ra trường, còn đầy nhiệt huyết. Chúng tôi từ khắp nơi tập hợp về, ngoài một số rất ít được học ở Trung Quốc, phần lớn đều từ các lớp học kháng chiến ở Việt Bắc và Khu 4, học trong rừng trong hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn nên không tránh khỏi tùy tiện, lộn xộn. Các thầy cô đã cho chúng tôi biết học tập là một công việc nghiêm túc, đòi hỏi sự cố gắng rất cao và chắc không ít vất vả đưa chúng tôi vào “khuôn phép”.

    Hiệu trưởng đầu tiên của trường là thầy Phạm Quang Hiểu. Đây là lần đầu tiên tôi biết ở trường còn có thầy hiệu trưởng. Mấy năm trước, học ở “rừng”, lớp nào biết lớp ấy, mỗi lớp một nơi, chỉ biết có thầy dạy lớp mình. Thầy Hiểu cũng “ngoài kháng chiến” về, phong thái giản dị. Cuối năm 1955, có dịch “cúm”. Ban đầu nghe nói người bị “cúm”, thấy buồn cười lắm, vì trước đấy, “cúm” là từ chỉ bệnh của chó. Con chó bị “cúm” tức là con chó ốm! Nhà trường tập trung học sinh để hướng dẫn cách phòng bệnh. Chiều hôm ấy, tất cả  tập hợp ở sân phía trước. Thầy nói những gì thì quên rồi, chỉ còn nhớ mỗi chi tiết: Thầy dặn trời lạnh, phải chú ý giữ ấm cổ. “Nếu ai không có “phu-la” (khăn quàng cổ) thì có thể lấy một cái quần đùi, gấp nhỏ lại quấn quanh cổ cũng được.” Và thầy lấy cái “khăn phu-la” của mình ra cho mọi người xem. Đúng là cái quần đùi. Không biết thầy nghèo, không có “phula” hay thầy chỉ cốt “làm mẫu” cho chúng tôi? (Lúc ấy, những cán bộ từ kháng chiến về nói chung còn nghèo. Nhà cửa cũ đã hư hỏng, nhiều người ở phải ở nhờ. Đồ đạc cũng chẳng có gì. Nhiều người còn trong cảnh “vẫn phòng tập thể, vẫn giường cá nhân”. Nếu không có họ hàng bà con ở Hà Nội giúp đỡ thì cuộc sống khá khó khăn.)

    Thầy có dáng người nhỏ, thấp nhưng nghe thầy hô “nghiêm” thì không đứa nào dám “lơ mơ”. Lệ thường, trước mỗi buổi học và sau giờ ra chơi, các lớp tập trung dưới sân. Sau khi dứt ba hồi trống là lớp nào phải vào vị trí ấy. “Anh” nào còn ở ngoài hàng ngũ sẽ được “mời” lên gặp thầy. Thấy còn ồn ào, thầy hô “nghiêm!”. Tiếng hô kéo dài cho đến khi tất cả im phăng phắc thầy mới dừng lại. Đúng là không một tiếng động, con muỗi bay qua chắc cũng nghe thấy. Bây giờ có lẽ chỉ có bộ đội khi duyệt đội ngũ may ra mới có thể im lặng như thế! Khi học sinh về lớp, thầy và ông Kenla, mỗi người đứng ở một chân cầu thang, theo dõi. Không được nói chuyện, không được bước nặng chân (cầu thang bằng gỗ, ai mạnh chân bước là biết ngay). Chắc vì ngôi trường làm đã lâu, sàn, cầu thang đều bằng gỗ nên cần phải nhẹ nhàng. Mỗi ngày hai lần như thế. Một lần, đang giờ học, chúng tôi thấy thầy đến lớp. Sau khi nói với thầy giáo đang dạy vài lời, thầy đưa cả lớp đi  xem một mảng trần ở hành lang phía trước trông ra đường Lý Thường Kiệt vừa bị sập. Trong giờ nghỉ, một học sinh nào đó chạy trên sàn gỗ, bất ngờ một thanh gỗ lát sàn bị gãy, chân tụt xuống, đạp sập mảng trần phía dưới (trần bằng vôi trộn rơm, cốt bằng tre đan, loại trần rất phổ biến của nhà ở thành phố trước đây). Thầy chẳng nói gì, sau đó chúng tôi về lớp tiếp tục học, thầy lại dẫn lớp khác đi xem. Cái người làm sập mảng trần ấy có bị kỷ luật gì không,  tôi không biết. Nhưng rõ ràng sau đó, mỗi khi đi lại, học sinh có ý thức nhẹ nhàng hơn.

    Ấn tượng sâu sắc nhất trong hai năm học ở trường là tôi rèn được tính kỷ luật. Mãi ít năm sau, các trường ở Hà Nội mới có khẩu hiệu “Kỷ luật như quân đội, đẹp như công viên, sạch như bệnh viện”. Nhưng ngay từ khi mới thành lập, thầy hiệu trưởng cùng với các thầy, cô ở trường, có sự trợ giúp của ông Kenla, cố vấn người Đức đã làm được việc ấy. Trong những năm đi dạy học, tôi đã rất tâm đắc với điều này và luôn noi theo vì coi kỷ luật là điều kiện trước hết để có thể tiến hành công việc dạy và học kết quả.  Không tránh khỏi bị một số học sinh coi  là “hà khắc”,  hy vọng được mọi người thông cảm.

     Tôi chỉ học ở Trường Phổ thông cấp 3 Hà Nội có hai năm (lớp 5 và lớp 6). Đến năm học 1957 – 1958, việc cải cách giáo dục để thống nhất hai chương trình học cũ đã hoàn thành. Học sinh lại được phân chia theo nơi ở. Nhà tôi khi ấy ở phố Yên Ninh nên được cho về học trường cấp 2 Nguyễn Trãi, ở 67 phố Cửa Bắc.

    Gần hai mươi năm sau, năm 1973, tôi mới có dịp quay lại trường với tư cách là một giáo viên “tỉnh ngoài” (Hà Tây) về chấm thi ở Hà Nội. (Trước đây, các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông đều phân công  giáo viên ở  tỉnh này đi tỉnh khác làm nhiệm vụ coi và chấm thi. Một bài thi của học sinh bao giờ cũng được một giáo viên của tỉnh ấy và một giáo viên của tỉnh khác chấm. Rất khó có thể tùy tiện. Không hiểu sao người ta lại bỏ cách làm này rồi “đẻ”ra nhiều quy định rất hình thức khác?) Năm ấy, trường lớp chưa có thay đổi gì nhiều lắm so với thời gian tôi còn học ở trường. Chỉ có những  thiết bị cũ hầu như không còn. Cũng không được gặp lại thầy giáo cũ nào. Đứng trên hành lang của tầng 3, lặng nhìn lại mảnh sân, quen thuộc, hồi tưởng lại bao kỷ niệm mà bâng khuâng vô hạn. Gần hai mươi năm xa trường, học ở trường khác, rồi lại dạy ở nhiều ngôi trường khác nữa, tôi càng thấy cuộc đời mình thật may mắn. Tôi đã được học ở một nơi “trường ra trường”, “thầy ra thầy” mà biết bao người ngay cả trong mơ ước cũng không hình dung nổi. Đó là những “hình mẫu” để khi theo nghề, tôi lấy làm gương.

    Ngôi trường đối với tôi vô cùng thân thiết. Tôi chỉ học ở đó có 2 năm, nhưng ngôi trường ấy đã đi cùng tôi suốt 40 năm theo nghề dạy học và cho đến nay, về hưu đã gần  mười năm nhưng mỗi khi nhớ lại mái trường xưa, lòng tôi vẫn không nén được bồi hồi.

 

                                 Hè 2013

2 BÌNH LUẬN

  1. Mới hồi nào dự 40 năm Trường cấp 3 Viêt-Đức, mà nay đã 60 năm rồi. Lại nhớ đến 100 năm Trường Bưởi-Chu Văn An. Trường Ams cũng sắp kỷ niệm 30 năm thành lập .Ôi, thời gian … !

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here