Không ngờ, vào những năm cuối đời, trước khi lên chuyến tàu đi vào vô tận, tôi lại có được một ngôi nhà như thế, nếu có gọi đó là “ngôi nhà mơ ước” cũng chẳng ngoa.

Gần nửa thế kỷ trước, năm 1968, lúc ấy tôi 24 tuổi, đang dạy học ở Quảng Oai. Một ngày chủ nhật, về thăm học sinh ở xã Tân Lập (nay đã được trở lại tên gọi cũ là Cổ Đô, thuộc huyện Ba Vì). Cổ Đô vốn xưa có nghề truyền thống dệt lụa. Ca dao địa phương có câu:

Lụa này thật lụa Cổ Đô

Chính là lụa cống, các cô hay dùng.

để ghi nhớ lụa Cổ Đô là loại lụa thường được chọn để tiến vua.

Nhưng vào những năm ấy, cũng như bao miền quê khác, Cổ Đô nghèo lắm. Cả làng nằm ven triền đê sông Hồng, bên kia là Việt Trì, lúc ấy đã được gọi là “thành phố công nghiệp” nhưng lèo tèo vài cái ống khói, uể oải thả khói lên trời cao. Hầu hết nhà cửa trong làng là nhà tranh vách đất, (đúng theo nghĩa đen). Một học sinh đưa tôi đến thăm nhà người ông, một cán bộ về hưu. Vừa qua chiếc cổng tre đơn sơ, tôi bất ngờ vì một ngôi nhà không giống với nhiều ngôi nhà khác. Cũng là nhà tre thôi, nhưng lợp lá cọ, và đặc biệt không phải là vách đất mà là vách tooc-xi, (bên trong là tre đan, ngoài trát vôi trộn với cát, được xoa nhẵn, loại vách này bền chắc hơn vách đất, trộn bùn với rơm). Màu vôi trắng quét trên các bức vách đem lại vẻ sáng sủa khác hẳn với những ngôi nhà xung quanh xám xịt. Ngôi nhà cao hơn hẳn mặt vườn, còn có một cái hiên rộng dễ đến hơn một mét, điều rất hiếm gặp ở nông thôn xưa kia. (Tôi mới thấy một ngôi nhà ngói có cái hiên rộng như thế là nhà của nhà thơ Tú Mỡ ở làng Láng, Hà Nội trước đây.) Ngôi nhà của một cán bộ về hưu (có lẽ đã được coi là “tầng lớp trên” trong làng) nhưng đơn sơ. Trong nhà kê một cái giường gỗ, một bộ bàn ghế gỗ, ngoài hiên rộng kê một cái chõng tre, có thể ngồi hóng mát, đọc sách hay tiếp khách. Lúc tôi bước vào, trên cái chõng, thấy có một cái đài bán dẫn “Xiongmao” chứng tỏ “đẳng cấp” của ông khi làm cán bộ. (Một chi tiết cần phải nói để các bạn trẻ bây giờ hiểu giá trị của cái đài bán dẫn. Bây giờ chỉ cần vài trăm nghìn ta đã có thể có một cái đài còn tốt hơn thế. Nhưng lúc ấy, cái đài có giá trị như cả một gia tài. Năm 1967, ở nơi sơ tán, gần nhà tôi ở, có một anh cán bộ của Tổng cục thống kê, đi học ở Liên Xô về, mang theo một cái đài. Tôi rất hay sang nhà anh chơi, để nghe nhờ tin tức và ca nhạc, nhất là chiều chủ nhật, có chương trình giao hưởng thính phòng của đài phát thanh tiếng nói Việt Nam. Một hôm, nghe anh ấy nói có ý định bán cái đài để lấy tiền giúp cha mẹ  ở quê làm nhà. Tôi vẫn mơ ước có cái đài như thế, kín đáo hỏi giá tiền. Nghe xong thì “hú vía” vì  may quá, mình đã hỏi kín đáo. Anh ấy bảo bán với giá 700 đồng (mà lương tháng của tôi lúc ấy chỉ có 55 đồng. Cán bộ phải cỡ từ tương đương với Giám đốc Sở bây giờ mới may ra có một cái.) Quanh nhà là vườn. Vườn không rộng nhưng cây cối xanh tốt, có vài luống rau, có một đàn gà con, mẹ đang dẫn đi kiếm mồi dưới các gốc cây.    

Một ý nghĩ ập đến, sau này nhất định mình sẽ phải có một ngôi nhà như thế, ngôi nhà có thể đảm bảo cho tôi một cuộc sống bình yên và thanh thản.

Hôm sau, tôi nói chuyện này với một anh bạn thân, anh ấy nhìn tôi như nhìn người từ hành tinh khác, bảo : “Đồ điên! Thế thì có gì mà mơ?”

Suốt mấy chục năm, mặc dù không dám nói với ai nữa, nhưng tôi vẫn luôn mơ ước, dù chưa có điều kiện thực hiện.

Những năm cuối của thế kỷ trước, tôi sắp về hưu. Hình ảnh ngôi nhà của ông cụ ở Cổ Đô cũ lại lại luôn luôn trở lại trong ký ức. Thêm một lý do nữa để tôi mong ước: Lúc ấy, đời sống của viên chức về hưu vô cùng khó khăn. Lương hưu không đủ sinh hoạt tối thiểu, chỉ đủ tiêu khoảng nửa tháng. Thật trớ trêu là việc đầu tiên mà người về hưu phải nghĩ đến là tìm việc làm, tìm một công việc để tăng thu nhập nhằm đảm bảo cuộc sống tối thiểu. Lại còn phải đề phòng lúc “trái gió trở trời” nữa. Người thì xin làm bảo vệ cho cơ quan, hợp tác xã, người mở quán bán nước, người chữa xe đạp, người bán vé số… Kho tàng dân gian đã truyền bá câu ca dao:

      Đầu đường đại tá bơm xe,

Giữa đường trung tá bán chè đỗ đen,

      Cuối đường thiếu tá bán kem,

Còn anh đại úy thổi kèn đám ma.

Cả đời đã bị ràng buộc bởi đủ thứ, chẳng lẽ đến những năm cuối đời còn chịu lệ thuộc? Nếu có được một ngôi nhà ở làng quê, tôi sẽ không phải theo vết chân của những người đi trước. Cuộc sống ở nông thôn chắc chắn không tốn kém như ở thành phố. Ở nơi thôn dã, lương hưu có thể  đủ cho một cuộc sống đạm bạc, trồng rau, nuôi gà sẽ phụ thêm vào bữa ăn hàng ngày. Ở đó, tôi  hoàn toàn có một cuộc sống tự chủ, tự lập. Và ở chốn làng quê, tôi có thể có được cuộc sống bình yên thanh thản, được làm những công việc mình hằng ưa thích mà trước đây chưa có điều kiện thực hiện.

Dịp may đến thật bất ngờ, đúng cái năm bước vào thế kỷ mới, nhờ một người bạn cũ giới thiệu, tôi mua được một mảnh đất. Giá đất lúc ấy chưa quá đắt đỏ như hiện nay. Với một khoản tiền bằng khoảng 20 tháng lương của một “ông giáo làng”, tôi đã có gần ba sào đất, cách Hà Nội  38 km. Mảnh đất trên một sườn đồi nên không được bằng phẳng, rất nhiều hố, có hố to bằng cả gian nhà, kết quả của việc chủ cũ “đánh” đá ong để bán. Giá trị nhất lúc ấy chỉ là một cái giếng vẫn còn dùng được. Giếng nước vùng đất đá ong đảm bảo chất lượng nước “tuyệt hảo”, vừa trong vừa mát. Gần đây, tôi đã lấy một chai đem kiểm nghiệm, được cơ quan có trách nhiệm kết luận: “đủ tiêu chuẩn nước uống nếu được chiểu tia cực tím.” Còn cây cối toàn là cây tạp, tự mọc, không được chăm sóc. Có thể gọi là một mảnh vườn hoang. Duy chỉ có một cây mít, chưa ra quả, nhưng càng ngày tôi càng thấy có giá trị. Mới nhìn mảnh đất tôi đã ưng ngay vì dưới chân đồi là một cái ao rộng, người địa phương gọi là ao Cò. (Có lẽ vì bờ ao có một rặng tre, trên đó đến bây giờ vẫn có một tổ cò, hàng ngày vào buổi sáng sớm và chiều muộn, những cánh cò vẫn chấp chới đi về.) Từ đó, địa chỉ của tôi là “Ao Cò”. Ao là của hợp tác xã, nhưng tôi đâu có cần sở hữu, tôi chỉ cần sự thoáng đãng, cần cái vẻ đẹp mênh mang sông nước ao hồ và chức năng điều hòa khí hậu của nó. Từ đó, tôi rất “hãnh diện” khi được coi cái mảnh đất hoang ấy là “vườn của nhà mình”. Trong hai năm, hầu như ngày chủ nhật nào, tôi cũng “lên vườn”. Lên vườn để bỏ công cải tạo, quy hoạch nhà cửa, vườn tược theo ý mình, nói hoa mỹ là để “kiến tạo tương lai”. Lên vườn để được hưởng thụ ngay cái bình yên thanh thản mà mình đã mơ ước từ mấy chục năm trước sau một tuần vất vả kiếm sống. Sau gần một trăm ngày chủ nhật, mảnh vườn hoang đã ra vẻ có chủ. Các loại cây đã được trồng vào các hố đào sẵn, có bón lót bằng phân gà mua của mấy trại nuôi gà trong xã. Những cái hố to đùng đã được san lấp, để có được một mặt bằng tương đối bằng phẳng chuẩn bị làm nhà làm sân.

Năm 2002, với số tiền cũng khoảng bằng 20 tháng lương, tôi đã dựng được một ngôi nhà ba gian với một cái hiên rộng 2 m. Ngôi nhà hơn hẳn ngôi nhà hình mẫu của tôi ở Cổ Đô hơn 30 năm trước. Tường xây đá ong, vật liệu đặc trưng của vùng bán sơn địa xứ Đoài, mái lợp ngói, có khu vệ sinh trong nhà. Một cái cổng đơn sơ nhưng đậm chất quê tôi “học mót” được trong Tạp chí Nhà Đẹp cũng hoàn chỉnh. Nhớ lại bao vất vả đã phải trải qua trong hai năm: Bữa trưa của gần một trăm ngày chủ nhật hầu như toàn mì ăn liền. Có những hôm đang làm vườn thì mưa to, chưa có nơi trú, phải mặc áo mưa đứng dưới gốc cây đợi cơn mưa tạnh. Có hôm đã trở về Hà Nội, đang ăn cơm tối, chợt nhớ bỏ quên cái đồng hồ dưới gốc cây, phải quay lên rồi lại trở về, trả giá bằng quãng đường gần trăm cây số. Nhưng bây giờ tất cả đã sẵn sàng để chờ 2 năm nữa, khi tôi về hưu.

Nhưng nào ngờ, phải đợi đến 7 năm, đầu năm 2009, sau khi làm tròn chữ “hiếu” với bậc sinh thành, tôi mới có thể về để hưởng thụ cái thanh thản của cuộc sống nơi làng quê. Nhà văn Nguyễn Khải có một đúc kết mà tôi rất tâm đắc. Ông nói đại ý, con người ta, dù là ai cũng có ba tật xấu: lười, tham và hèn, chỉ khác nhau ở mức độ. Ở nơi đây, trong cuộc sống bình lặng, tôi có thêm điều kiện hạn chế đến mức thấp nhất những tật xấu cố hữu của con người.

Đến lúc này, tôi mới có thể được nghe tiếng gà gáy, vịt kêu, nhặt quả trứng gà còn nóng  hổi trong ổ sau tiếng “cục tác” của mấy con gà mái.  Bây giờ, vừa thức dậy, tôi đã có thể nghe tiếng chim hót mà không phải làm cái việc tước đọat tự do của chúng, tôi mới có thể suốt ngày sống  dưới tán cây xanh, nằm võng đọc sách, nghe nhạc dưới gốc cây trong làn gió nồm nam, ngồi nghỉ dưới ánh trăng vào buổi tối trong làn hương của nguyệt quế, dạ hương, bày những bông ngọc lan, sói, ngâu vừa hái trong vườn nhà lên đĩa thắp hương vào những ngày sóc, vọng.

Trong vườn rất nhiều cây, nhưng hai cây tôi quý, trồng ở nơi tôi luôn luôn có thể nhìn thấy. Đó là cây ngọc lan do học sinh khóa cuối cùng trong cuộc đời dạy học trồng tặng năm 2004 khi chia tay, họ tốt nghiệp ra trường và tôi về hưu. Cây thứ hai là một cây lộc vừng do học sinh một trong những khóa đầu tiên của đời dạy học trồng kỷ niệm khi họ gặp mặt nhân 40 năm ngày ra trường ở khu vườn của tôi năm 2010.

Cách đây hai năm, được con gái “đầu tư” với số tiền gấp 10 lần, tôi đã “nâng cấp” “ngôi nhà mơ ước” thành “ngôi nhà siêu mơ ước” với đầy đủ tiện nghi có thể đón cả nhà về sum họp mỗi dịp cuối tuần, có thể đón bạn bè của mọi thành viên trong gia đình trong mỗi ngày nghỉ.

Người xưa có câu “Bần cư trung thị vô nhân đáo, Phú tại sơn lâm hữu khách tầm” (Nghèo ở ngay nơi phố xá cũng chẳng ai đến, Giàu thì ở nơi rừng núi vẫn có người tìm). Nghe thật chua chát. Tôi được cái may mắn ở nơi hẻo lánh vẫn được đón bè bạn khắp nơi. Có nhiều người là học trò cũ (bây giờ chỉ dám coi là bạn), có người quen qua mạng do cùng chí hướng, có bạn từ thuở cắp sách tới trường. Nhiều cuộc gặp gỡ, thăm nom rất cảm động. Có người bạn sau khi đến chơi, thấy tôi tiếp khách bằng hai chiếc ghế gấp đã chở hai cái ghế xa-lông cũ bằng xe máy vượt gần 15 km tới cho; có người bạn không gặp nhau đã 40 năm, nghe tin, đi xe đạp vượt quãng đường hơn hai mươi cây số đến chơi, cho một cân gạo nếp và một chai mật ong, “cây nhà lá vườn”. Có hai người bạn mới quen hơn tôi vài tuổi đã từ Hà Nội lên thăm bằng xe máy, chuyện trò rất tâm đắc.  

Được đón bè bạn ở khắp nơi vượt quãng đường không phải là gần tới thăm, thật vui không gì bằng. Nhưng cũng thật may mắn, ngay khi không có bạn, sống một mình, tôi cũng chưa bao giờ thấy buồn, thấy cô đơn, thấy những ngày “dài hơn thế kỷ”.

Nói đến thơ Đường, người ta thường nói đến Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị. Nhưng từ lâu, tôi vẫn  thích Vương Duy. Từ khi về Ao Cò, càng hay đọc Vương Duy. Ngồi nhìn mặt nước phẳng lặng in bóng những đám mây bên  bờ ao, dưới bóng mát trong vườn, đọc những vần thơ của nhà thơ họ Vương thật thú vị:  

 

Dạo chơi khi hứng đến

Vui thú chỉ mình hay

Đến tận cùng nước chảy

Ngồi ngắm phút dâng mây

 

(Hứng lai mỗi độc vãng

Thắng sự không tự tri

Hàn đáo thủy cùng xứ

Tọa khán vân khởi thì)

( Chung Nam biệt nghiệp)

                                                                          Ao Cò, tháng 5.2013

10 BÌNH LUẬN

  1. “ Một mai một cuốc , một cần câu
    Thơ thẩn dầu ai vui thú nào
    Ta dại , ta tìm nơi vắng vẻ
    Người khôn người dến chốn lao xao
    Thu ăn măng trúc đông ăn giá
    Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao
    Rượu đến cội cây ta sẽ uống
    Nhìn xem phú quí tựa chiêm bao.”

  2. Từ lâu cháu đã có cảm nhận về điều này, đó là lớp trẻ như chúng cháu so về tài năng và đức độ không thể nào bằng các bác các chú lúc còn trẻ. Đọc Ngôi nhà mơ ước của bác cháu thấy một cách cảm, cách rung động rất chậm nhưng cực kỳ sâu lắng. Văn là người. Văn hiền, giản dị, đầy ký ức,trân trọng giá trị tinh thần. Người viết hẳn cũng như vậy. Cháu rất thích và rất mong bác tiếp tục lắng đọng cuộc sống trong những trang viết, để cháu được đọc và cảm nhận theo một cách Thiền như bác ạ.

  3. Mỗi lần đọc bài thầy viết là cảm thấy nhịp thời gian chậm lại, bình yên và dễ chịu vô cùng. Chủ nhật tới cho em đăng kí đến thăm ngôi nhà siêu mơ ước của thầy nhé. Em sẽ gọi điện hẹn thầy từ hôm trước ạ!

  4. Nhà bác là nơi yêu thích nhất của cháu ở Hà Nội ạ. Chỉ tiếc là công việc rồi bạn bè nên cháu không lên đó thường xuyên được.

  5. Chào Ông giáo làng,
    Con cháu làng xóm nào may mắn đc học cùng ông giáo chắc chắn sẽ thành người tử tế, có ích cho đời.
    Đọc những trang viết nhẹ nhàng như viết cho riêng mình, người ta cảm nhận đc một tấm lòng thơm thảo, dân dã nhưng tiếc thay ngày càng hiếm vì bị trộn lẫn với những áp phích chữ nghĩa, vô hồn, xoang xoảng nhuốm vị “đồng”.
    Trang web. của ông giáo làng như một hồ lớn, điều tiết khí hậu cho cả một vùng, ko ồn ào, ko mời chào, chỉ thích hợp với những cánh cò lẻ loi.
    Cám ơn Ông rất nhiều, mong ông khỏe tiếp tục cung cấp những giọt nước mát lành cho cả xã hội đang hấp hối.
    Kính thư.
    Một ngưòi cùng nghề

  6. Thế nào mà em cũng có cái mơ ước giống bác. Tiếc rằng đến tuổi “nghỉ hưu” rồi mà vẫn phải lo mưu sinh tiếp.
    Vài người em có thể “nhiều chuyện” thời còn trẻ thì đã làm quan chức bự hét rồi. Bọn họ làm quan, mình mất bạn luôn.
    Nhưng nhờ có sách và mạng internet mà cả tuần em không ra khỏi nhà cũng vẫn “không thấy buồn”. Em nghĩ “không buồn + không vui = thanh thản”.
    Mặc dù vậy, thỉnh thoảng qua tivi vẫn thấy “tức”. Vì thấy có kẻ nó cứ cố gắng bịp mình.

Trả lời Nguyễn Văn Đại Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here