Hồi ấy đang ở nơi sơ tán, cán bộ mỗi người ở nhờ và làm việc tại nhà một người dân địa phương. Ai có chức thì ở nhà ngói, sân gạch, có bể nước mưa, cổng ngõ đàng hoàng, còn loại “èng èng” hay “lính mới tò te” như bọn tôi thì ở nhà tre tuềnh toàng, sân đất, mỗi khi mưa cũng khó phân biệt là sân hay là ruộng… nhưng hình như kể cả lớp người đã nhiều tuổi đều coi sự “bất bình đẳng” ấy không cần bàn cãi!

Mỗi bữa đi ăn cơm trưa lại thấy cái sự phân thứ hạng khá sâu sắc ngay người trong một cơ quan gọi là “giáo dục”, nhất là ở Phòng Tổ chức cán bộ. Đúng là Phòng Tổ chức, họ không kẻ trước người sau như những Phòng khác mà đi ăn cơm cũng có tổ chức quy củ dù  cũng ở nhiều nhà khác nhau. Bao giờ cũng thế, ngày nào cũng thế, dù mưa hay nắng, ông Trưởng phòng cũng đủng đỉnh đi trước. Để tỏ ra bình dân, chan hòa với quần chúng, ông thường mặc quần “âm lịch” nâu, ống rộng thùng thình với cái áo sơ mi dài tay không bao giờ thấy cài đủ khuy. Theo sau ông là ông Phó phòng, đầu đã bạc, người lại thấp bé trông khá khập khiễng so với Trưởng phòng.  Rồi sau nữa là các cán bộ dăm bảy người, bao giờ cũng có một anh mang một chồng bát ăn cơm, một anh cầm nắm đũa. Chả là nhà ăn chỉ nấu ăn và dọn dẹp bát đĩa đựng thức ăn chung, còn cá nhân thì tự mang bát đũa, sau khi ăn thì tự rửa. Nhưng Phòng Tổ chức thì Trưởng Phó phòng thường được nhân viên giúp cho việc này.

Làm việc ban ngày, tối ai về nhà ấy trừ mỗi phòng phân một người ở lại “trực”. Cũng đã “trực” nhiều lần nhưng tôi vẫn không biết “trực” để làm gì, vì nào có công lên việc xuống gì, chỉ khác ở cái chỗ ngủ,  ngủ ở nơi sơ tán. Mới ra trường nên ngay công việc của mình cũng chưa hiểu được tường tận, còn những việc khác của cơ quan thì “mù tịt”, luôn luôn phải lắng nghe, quan sát tìm hiểu mong sao nhanh chóng hòa nhập với mọi người, với công việc. Thường mỗi khi  gặp nhau ở nhà ăn vào buổi trưa, tôi thường thấy mấy anh lớn tuổi, có nhiều người đáng tuổi cha chú hay nói nhỏ với nhau: “Hôm nay ở lại họp chi bộ nhé!”. Đảng viên ở cơ quan rất nhiều (dù sao cũng là cơ quan đầu não của ngành giáo dục tỉnh), phần lớn đều là những người đã lớn tuổi, được chọn lọc kỹ càng từ các trường, các Huyện nên hầu hết là đảng viên cũng là điều dễ hiểu. (Cũng nói thêm là mấy đứa chúng tôi mới ra trường nhưng được giữ lại đưa về làm việc ở Phòng Bổ túc văn hóa chuẩn bị cho một hình thức học Bổ túc mới không biết do ai nghĩ ra, tôi sẽ nói kỹ khi có dịp). Mỗi phòng là một chi bộ, cho nên cơ quan có đến mấy chi bộ. Chi bộ nào cũng hay họp cả! Người ngoài đảng có lẽ chỉ có mấy đứa bọn tôi cùng ít người làm việc cấp dưỡng (nấu ăn) và một ông nhân viên đánh máy (có ba người đánh máy nhưng hai người cũng đã là đảng viên, riêng ông này được “đặc cách” vì có thể đánh mười ngón, hai bàn tay khi nào cũng như múa. Nhưng vì chưa phải đảng viên nên ông chỉ được đánh những công văn mang nội dung chuyên môn của các phòng Phổ thông, Bổ túc, Đào bồi (Đào tạo – Bồi dưỡng), … còn những công văn có nội dung thuộc về đường lối chính sách, về kế hoạch hay thanh kiểm tra, nhất là của phòng Tổ chức thì không bao giờ được ngó tới.

Với cánh trẻ chúng tôi khi ấy, đảng, rồi trở thành đảng viên là điều luôn ngưỡng mộ và  hằng mơ ước. Trong công việc hàng ngày, hầu như ai cũng luôn luôn tâm niệm cố gắng phấn đấu để trở thành đảng viên. Cho nên, thấy mấy anh lớn tuổi rỉ tai nhau nói chuyện họp chi bộ thì tôi ngưỡng mộ lắm và luôn ao ước đến khi nào mình được nghe lời rỉ tai  quan trọng, thiêng liêng như thế. Lại thấy buổi chiều hôm ấy, cái đèn măng-xông được lau chùi cẩn thận, đổ đầy dầu thì càng thấy việc họp chi bộ là hết sức hệ trọng. (Dầu hỏa hiếm lắm, buổi tối, muốn đọc sách cũng chỉ dám thắp cái đèn Hoa kỳ mà cũng không được để “bấc” cao, dù có sáng hơn nhưng tốn dầu). Quả đảng viên là những người quên mình vì quần chúng, lẽ ra các anh ấy có thể về với gia đình, vợ con vào buổi tối. Ban đầu, nghe nói về những cuộc họp như thế, tôi chỉ có ngưỡng mộ, nhưng sau thì hơi thắc mắc. Dĩ nhiên chi bộ là quan trọng rồi, hàng tuần phải họp để bàn việc lãnh đạo thì đúng rồi, nhưng sao có tuần thấy họp đến hai ba lần? Mà rõ ràng có ông đảng viên lại không thấy họp, hết giờ làm việc vẫn đạp xe về nhà?

Một hôm, tôi hỏi anh Mai là Phó phòng, người làm việc cùng nhà với tôi. Gọi bằng anh nhưng cũng hơn tôi dễ tới hai mươi tuổi:

  • Sao chi bộ ở các phòng của Ty hay họp thế?

Anh cười, bảo tôi:

  • À, học nghị quyết 120 mà!

Cái lý do ấy thuyết phục tôi ngay, vì đảng là nhiều nghị quyết lắm. Các nghị quyết đều được đánh số, chắc chỉ có các đảng viên mới nhớ được từng nghị quyết mang số nào thì nói về chuyện gì. Tôi cũng không dám hỏi “vì sao cũng là đảng viên mà anh không ở lại họp?’ vì sợ mang tiếng là tò mò tới các “bí mật” của đảng. Và trong tôi, luôn giữ vững niềm tin vào đảng, vào các nghị quyết của đảng và các đảng viên.

Một hôm, đã hết giờ làm việc, tôi thấy anh nhân  viên đánh máy không phải đảng viên ở lại, không ra về như mọi khi. Tôi hỏi, anh trả lời:

  • A, hôm nay ở lại họp chi bộ!

Tôi mừng cho anh, thì ra anh cũng đã được kết nạp lúc nào mà tôi không biết. Rồi lại tự trách mình, sao một nhân viên đánh máy cũng đã trở thành đảng viên mà mình thì… Thật kém cỏi quá!

Sau đó tới mấy tháng, khi đã gần gũi, hay trò chuyện, một hôm, tôi nói xa nói gần có ý hỏi anh Mai rằng  có vấn đề gì mà không thấy tham gia các cuộc họp chi bộ. Anh cười, bảo tôi:

  • Cậu ngây thơ  quá! Cái chi bộ ấy là một hội tổ tôm. Họ nói họp chi bộ là lấy cớ để lấy dầu của phòng hành chính thắp đèn măng xông. Cái nghị quyết 120 ấy là tên gọi cỗ bài tổ tôm vì nó có 120 quân.

Thật quá bất ngờ! Đấy có lẽ là một trong những bài học đầu tiên tôi được học về chi bộ, về nghị quyết khi mới chập chững vào đời.

Quả là “cây đời luôn mãi mãi xanh tươi”.

 

 

 

 

 

4 BÌNH LUẬN

  1. Cán bộ có học nhưng không tập. Và những thứ không học mà vẫn tập rất thường xuyên

    1-Hống hách,
    2-Tham ô,
    3-Bênh vực cho nhau.

Trả lời Đinh Ba Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here