Xuất phát từ tâm lý “có kiêng có lành”, đầu năm mới, rồi trong suốt cả năm, nhiều người dù làm việc gì, đi đâu cũng rất chú ý xem ngày xem giờ để mong mọi việc được hanh thông, thuận lợi, tránh trắc trở, tai họa. Nếu ở mức độ vừa phải, như một nét đẹp văn hóa thì không cần bàn, nhưng nhiều người hơi lạm dụng, trở thành phụ thuộc. Xin ghi lại vài câu chuyện:

     1. Nhóm bạn chúng tôi bắt đầu đi chơi bằng xe máy từ năm 2000. Thực ra, ý muốn đã có từ lâu, nhưng chưa hội đủ điều kiện. Nay, chúng tôi  đã rong ruổi khắp 63 tỉnh, thành phố sang năm thứ 14. Đủ mọi cung đường hiểm trở, đèo dốc từ Việt Bắc, Tây Bắc tới Trường Sơn, Tây Nguyên đều đã qua. Cũng không ít lần phải xúm nhau cùng khiêng xe vì cây đổ, lăn đá dọn đường do lở đất.  Đồng hồ cây số trên cái xe máy của tôi hôm nay đã đếm tới con số hơn 142.000. Nhưng trong suốt thời gian ấy, mỗi chuyến đi, chúng tôi chưa bao giờ tính toán để tìm ngày lành tháng tốt. Dù không còn cảnh “vợ dại con thơ”, nhưng hẹn nhau được để thực hiện một chuyến đi cũng không phải là dễ dàng. Vì thế, cứ hẹn nhau được là lên đường, bất kể ngày tháng hay thời tiết nắng mưa. Chuyến đi ngắn chừng dăm ba ngày, chuyến dài tới cả tháng, nhưng dù ngắn hay dài, buổi sáng cứ khoảng 4 giờ rưỡi sáng là thức dậy, chuẩn bị rồi lên đường. Đi khoảng bảy, tám chục cây số mới dừng lại ăn sáng. Đi sớm đường vắng, không khí  trong lành rất thú vị. Dù chẳng chọn ngày lành tháng tốt, nhưng suốt thời gian ấy, cả mấy anh em chúng tôi không một ai bị va quệt hay tai nạn gì trên suốt hành trình. Chuyến đi nào cũng thuận buồm xuôi gió cả, những trục trặc chỉ đủ để khiến chuyến đi thêm thú vị.  Có được như vậy do chúng tôi biết lo xa: xe chạy khoảng nghìn cây số là vào cửa hàng sửa chữa bảo dưỡng, thay dầu. Còn đi trên đường, luôn có ý thức tuân thủ luật giao thông, cẩn trọng khi xe lăn bánh trên những đoạn một bên là vách núi cao, một bên là vực thẳm. Những đoạn đường bằng phẳng, êm thuận cũng không dám chủ quan.  Không những không dám coi thường luật pháp, anh nào cũng rất có ý thức tôn trọng “gia pháp”. Chẳng là, những chuyến đi của chúng tôi chưa bao giờ được vợ con đồng tình, nhất là các bà xã. Chỉ cần một sơ xuất, một tai nạn dù nhỏ, không những khổ sở, thiệt thân mình mà chắc chắn mọi chuyến đi sẽ bị các bà “rút thẻ đỏ”. Chính cái “oai” của các bà đã khiến những chuyến đi của chúng tôi được an toàn chứ chẳng phải do thần thanhs ma quỷ gì.

Cũng có một chuyện vui: Lần ấy, đi Hà Giang, chỉ có 2 người. Bạn đồng hành với tôi chuyến này là người thích ngày lành tháng tốt. Buổi tối trước khi đi ngủ ở Hà Giang để hôm sau đi Lũng Cú, rồi về Đồng Văn,  anh bấm bấm ngón tay rồi bảo tôi:

–         Mai phải xuất phát trước 5 giờ.

Tôi ngần ngại:

–         Sớm quá, trời lạnh và tối, cần gì phải đi sớm thế, có chưa đầy 300 cây số mà, thừa sức tối mai ngủ ở Đồng Văn.

Anh khẳng định:

–         Không, phải ra cửa trước 5 giờ.

Chỉ có hai anh em, thôi thì “đất phải chịu trời” vậy.

Sớm hôm sau, đẩy xe ra khỏi cửa khách sạn trời đang mưa, đường phố không một bóng người, chỉ thấy ánh đèn đường nhòe nhoẹt. Anh bảo vệ khách sạn còn ngái ngủ chỉ đường cho chúng tôi hướng đi Quản Bạ:

–         Các bác cứ thẳng đường này mà chạy.

Lên xe, nhưng sương mù, chỉ có thể đi với tốc độ 10 km/giờ, không thể chạy nhanh vì tầm nhìn hạn chế. Chạy một lúc thì thấy đường chia làm hai ngả. Không biết đi theo hướng nào, đành dừng lại, xuống xe, lấy đèn pin, soi tìm biển chỉ đường. Tìm mãi cũng chẳng thấy. Đành đứng đợi,  chờ có người đi qua hỏi thăm. Gió thổi hun hút, lạnh tê người mà mãi chẳng thấy bóng dáng ai. Chẳng lẽ cứ đứng giữa đêm tối lạnh giá mãi. Cả hai đành quay lại, chạy quanh quẩn giết thời gian. May quá, lát sau thì tới bến xe ô tô. Có vài hàng nước cùng mấy người chờ chuyến xe đầu. Phải tới khi trời sáng, chúng tôi mới có thể hỏi thăm rồi quay lại đường cũ. Có thể là may mắn, chính trong lúc ngồi chờ trời sáng, chuyện tào lao mà chúng tôi được biết cuộc chiến đấu giữa bộ đội ta và quân Trung Quốc xâm lược năm 1984, hơn 500 chiến sĩ ta đã hy sinh. 

Đây là lần đi duy nhất có tính toán để tìm giờ tốt khởi hành.

 

  1. Năm 1994, tín ngưỡng lúc này đã được coi trọng cùng với kinh tế có phần khởi sắc. Bà thím tôi mất khi mới ngoài 40 tuổi. Gia đình đi xem, ông thầy chỉ cho giờ khâm liệm, giờ chuyển cữu và dặn phải hạ huyệt trước 1 giờ chiều. Quan trọng lắm, đừng có lơ mơ. Tất nhiên lệnh của thầy được chấp hành nghiêm chỉnh. Nhưng khổ nỗi, khi đoàn xe tang tới Văn Điển chuẩn bị rẽ phải hướng về nghĩa trang  thì có đoàn xe hỏa bị sự cố gì không biết, nằm chắn ngang đường. Mọi loại xe dồn lại dài hàng cây số. Giữa buổi trưa, trời nắng nóng (khi ấy chưa phổ biến loại xe có điều hòa như bây giờ). Cả nhà ai cũng như có lửa đốt trong lòng vì cái hẹn “phải hạ huyệt trước 1 giờ”. Mãi gần hai tiếng đồng hồ sau, đường mới thông. Thế là tới gần 3 giờ mới tiến hành việc chôn cất.

Việc xảy ra tới nay vừa đúng 20 năm. Chú tôi năm nay 83 tuổi, hàng ngày vẫn đi bơi và đạp xe khắp phố phường thăm bè bạn. Hai người con đều làm ăn khấm khá, các cháu đều học hành  giỏi giang.

  3. Trước đây, tôi cũng như nhiều người, tổ chức mọi việc cưới xin thường chọn vào ngày nghỉ, ngày lễ để tiện việc cho người được mời tới dự. Nhưng từ ít năm nay, người ta cầu kỳ phải đi xem đủ các ngày giờ, từ chạm ngõ, ăn hỏi, đón dâu tới lại mặt, …Nhưng xem ra, các đám cẩn thận xem ngày giờ thường dễ tan vỡ.

Cuối năm 2007, con tôi chuẩn bị cưới. Sau khi làm việc “tích hợp” mọi yếu tố từ việc học hành, việc làm ăn, rồi hò hẹn bè bạn khắp nơi tới dự lễ cưới, hai  đứa  bảo: chúng con chỉ có thể tổ chức đám cưới vào một trong hai ngày. Ngày nào thì Bố mẹ tùy ý chọn. Trước tình hình ấy, bà ngoại các cháu đã trên 100 tuổi khuyên,  đại ý: chẳng cần xem xét ngày giờ gì vì nếu đi xem, người ta bảo cái ngày không trùng với hai ngày chúng dự định thì lại thêm lo lắng. Thế là cả hai họ nhà trai, nhà gái đành thực hiện phương châm hiện đại “con cái đặt đâu, cha mẹ ngồi đấy”. Chúng tôi để cho hai cháu tùy nghi định ngày giờ ăn hỏi, đón dâu, … miễn sao tiện cho công việc của chúng. Đám cưới rất vui vẻ.

Hơn một năm sau, các cháu sinh được một cháu trai. Giờ cả gia đình nhỏ của chúng rất hạnh phúc, tất cả đều khỏe mạnh, công việc thuận lợi, cuộc sống đàng hoàng cả tinh thần lẫn vật chất, không có gì phải phàn nàn.

        Nhớ hồi năm 1989 (cách nay 25 năm), nhờ võ vẽ mấy bài thơ Thiền thời Lý – Trần, tôi được trò chuyện với một vị sư trụ trì ở chùa Thiên Trù (chùa Hương). Ông hơn tôi đúng một giáp (sinh năm Nhâm Thân). Trả lời câu hỏi của tôi về việc cầu cúng, về  phúc họa, tốt xấu, lành dữ mà khi ấy người ta bắt đầu quan tâm nhiều khi tới mức thái quá, ông nói đại ý: Nếu anh tin thì nó là đúng, còn anh không tin thì tất nó là sai. Nhưng có tin cũng đừng mê đắm, không tin cũng đừng nên coi thường. Làm gì cũng nên thận trọng, suy xét.

Thế ra đó không phải là những chân lý tồn tại khách quan. Đó chỉ là những tín niệm hoàn toàn phụ thuộc  vào chủ quan của con người.

 Năm nay tôi mới 70 tuổi chưa đạt ngưỡng tuổi thọ của người dân nước ta vừa công bố (74 tuổi). Không dám gọi là từng trải, cũng chẳng dám gọi là kinh nghiệm. Chỉ xin ghi lại vài mẩu chuyện có thật để mọi người tham khảo, giúp cho cuộc sống tự chủ, tự tại, thêm được chút tự do trong cuộc đời vốn đã có quá nhiều ràng buộc.

4 BÌNH LUẬN

  1. Đi chơi kiểu “kỵ binh” như thế, tôi phục ông quá,ông bạn già ạ. Thời còn khá trẻ (mới ngoài 50 ), một ông bạn dạy Toán cùng trường rủ tôi làm một chuyến xuyên Việt kiểu ấy. Chưa kịp thực hiện giấc mộng “giày cỏ, gươm cùn, ta đi đây” thì ông bạn ấy bị cú đột quỵ, rồi mất.Tiếc quá ! Cầu mong ông ấy tiếp tục rong chơi ở cõi Vĩnh hằng …

  2. Bài này Ông giáo làng viểt hay quá. Toàn chuyện thật 100/100. Làm gì cũng nên cẩn thận là tốt lắm rồi.

  3. Bài Thầy viết quá thấm thía.Tu tại gia,Phật trong tâm thầy ạ.Cứ làm điều tốt sẽ gặp nhiều may mắn.Em chúc Thầy mãi khỏe mạnh để viết,viết và viết giúp cho đời sáng thêm.

Trả lời Vũ Xuân Túc Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here