Những năm đầu tiên tổ chức ngày 20.11, người ta vẫn quen gọi là ngày “Hiến chương các nhà giáo” như cách gọi  từ  năm 1957. (Hiến chương là “điều ước ký kết giữa nhiều nước quy định những nguyên tắc, thể lệ trong quan hệ quốc tế” theo Từ điển tiếng Việt. Nhưng chắc các “bố” chẳng suy nghĩ gì, cứ bê nguyên xi). Kinh tế đang khủng hoảng. Thầy chẳng thiết dạy, trò  không thiết học. Đói dài cả. Nghèo lắm. Nhưng bọn trẻ cứ có cái gì khang khác một tý là thích., đua nhau tới chúc mừng thầy cô. Cũng quà cáp, tíu tít như đi hội.

Đúng  dịp này, mấy nông trường trồng cam ở vùng Thanh Nghệ vào mùa thu hoạch. Vốn là sau khi giải phóng miền Nam, đảng ta chủ trương sản xuất lớn để tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Ông Lê Duẩn nói với dân về tương lai sáng ngời, đến năm 1980, mỗi gia đình sẽ có ti vi, tủ lạnh, cuộc sống sẽ chẳng khác gì thiên đường nở hoa. Để  có thứ cho vào tủ lạnh, từ mấy năm trước, các nông trường trồng cam đã được xây dựng.

Mùa quả chin vào tháng 11, cam rụng đầy gốc, công nhân trồng cam đói cũng chẳng thiết ăn vì ăn cam xót ruột lắm. Cam được chở ra Hà Nội, bán đầy trên vỉa hè, giá rất rẻ. Có lẽ hiếm lắm mới có mặt hàng mua dễ, không phải xếp hàng lại không phải tem phiếu như thế này. (vì cam trồng để phục vụ cho nhà máy chế biến hoa quả, nhưng nhà máy xây chưa xong, còn người ta  cơm  chưa no bụng thì đâu có thể nghĩ đến hoa quả). Cha mẹ học sinh, rồi ngay cả học sinh cũng có thể chung tiền nhau mua một cân cam đến thăm thầy mà không sợ ảnh hưởng đến ngân sách gia đình. So với nải chuối, với mấy tấm mía, thì trông cân cam cũng có vẻ “sang” hơn. Ai cũng cam. Cam để trên bàn, trong bếp,  lăn lóc khắp nhà. Nhà mình hai vợ chồng dạy học, có năm cam đầy có ngọn cái rổ “xảo” (loại rổ to đựng rau, bèo cho lợn ăn), phải nhờ  hàng xóm ăn đỡ. Dân gian bèn gọi là “Ngày hiến cam các nhà giáo”.

Không biết có phải vì thế mà từ “Ngày hiến chương các nhà giáo” sau được đổi thảnh “Ngày Nhà giáo Việt Nam” để dân gian khỏi xuyên tạc?

4 BÌNH LUẬN

  1. Đọc bài này làm tôi nhớ ngày còn đi học phổ thông, đến ngày 20/11 là lũ học trò chúng tôi ai có gì góp ấy, cho nên có cam, có quýt và nhiều thứ khác nữa, có cả hoa dâm bụt, chỉ khác là không mang đến nhà cô giáo mà mang đến trường chúc mừng các thầy cô, xong cả thầy và trò cùng xơi rất vui. Ngày đó (nói chung là trước năm 1982) gọi là Ngày quốc tế hiến chương các nhà giáo. Nhưng hình như cả thế giới chỉ có Việt Nam kỷ niệm ngày này thôi. Khi đó ở Liên Xô (cũ) họ cũng có ngày nhà giáo riêng, không có cái ngày quốc tế. Có lẽ vì thế mà năm 1982 Chính phủ quyết định lấy ngày 20/11 làm ngày Nhà giáo Việt Nam, không có chữ hiến chương, nhưng nhiều người do thói quen nên vẫn nói Ngày hiến chương các nhà,giáo Việt Nam. Buồn thiệt.

  2. Ngày xưa em suốt ngày bị mẹ em bắt vác 1 gói mì chính gói giấy báo đến biếu cô nhân ngày 20/11. Hồi đấy thấy ấm ức vì tưởng phải “hiến” cam mới là xịn, mình không có cam để “hiến” vì nhà nghèo. Đọc bài của thầy mới hiểu :))

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here