Ngày 20 tháng 11 vốn chỉ là ngày tổ chức một cái Hội nghị của Công đoàn giáo dục thế giới vào năm 1957, nghe nói là để đấu tranh cho các nhà giáo ở các nước tư bản bị bạc đãi (thật hư “bạc đãi” thế nào không biết!). Hội nghị ấy được tuyên truyền ở Việt Nam để nói lên cái ưu việt của chế độ XHCN. Khi ấy tôi học lớp 6, thấy một số thầy giáo đeo cái huy hiệu trước ngực. Huy hiệu có hình cuốn sách mở rộng, phía trên có ngọn đuốc màu đỏ. Hai trang sách có bốn chữ FISE (viết tắt  Fédération Internationale Syndicale des Enseigmants, nghĩa là Liên hiệp công đoàn giáo dục thế giới). Học sinh thời này đều biết vì được nghe các thầy nói nhân một lần tập trung đầu tuần. Sau ngày này chỉ còn “dư âm” là một số trường học ở Hà Nội  làm huy hiệu riêng đều lấy ý tưởng từ cái huy hiệu FISE này. Cái nào cũng trên là bó đuốc, dưới là cuốn sách (có cuốn mở, có cuốn đóng), dưới là tên trường. Suốt cho đến tận cuối những năm 70 thế kỷ trước, không thấy ai nói gì đến cái ngày này nữa.

Đầu những năm 80, giáo dục sa sút quá, cả thầy lẫn trò chẳng ai tha thiết gì với công việc của mình, thầy thì trở thành “người nuôi lợn giỏi và cũng biết dạy học”, người “ngoài việc  dạy học còn thạo nhiều nghề khác”, còn trò thì chẳng thiết học vì cũng chẳng no bụng hơn thầy,  các cấp có thẩm quyền muốn “lên dây cót” tinh thần cho các thầy mới làm cái việc “phục sinh” cho ngày 20 tháng 11. Thế là sau “bọn trẻ con” có ngày 1 tháng 6, mấy ông thương phế binh có ngày 27 tháng 7,  nghề dạy học cũng có ngày được tôn vinh.

Từ đó mới có việc học sinh chung tiền mua quà cho thầy, các trường cờ hoa kỷ niệm. Cấp cao không vừa ý với cái ngày này nên chấn chỉnh, đưa ra ngày 15 tháng 10 kỷ niệm “Bác Hồ gửi thư cuối cùng cho ngành giáo dục (1968)” để thay thế. Nhưng được một, hai năm rồi phải bỏ ngày 15 tháng 10. Vì chính quyền  kỷ niệm ngày 15 tháng 10 nhưng đến ngày 20 tháng 11 “dân gian” vẫn kỷ niệm. Thế là tốn kém, rắc rối gấp đôi!

Từ đó, ngày 20 tháng 11 là dịp người ta thi nhau bộc lộ tình cảm với các thầy. Dĩ nhiên, có tình cảm tốt đẹp và cũng có những ý đồ không trong sáng. Không biết cái nào nhiều hơn?

1 BÌNH LUẬN

  1. Hôm nay đọc bài của ÔNG GIÁO mới biết nguồn gốc,xuất xứ của ngày 20/11.Vì ngày xưa đi học tôi còn nhớ người ta gọi ngày này là ngày “hiến chương các nhà giáo “,tôi nghĩ như vậy mới đúng bản chất của ngày này-Bây giờ 1 số nơi gọi ngày này là ngày Nhà giáo Việt nam-Ngộ nhận-Thé mới biết : học thầy chưa bằng học ban !

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here