Tôi vốn làm nghề dạy học, lại dạy Văn, nên những cái gì thuộc về kỹ thuật, công nghệ đều gần đạt tiêu chí “dốt đặc cán mai”.

Tuy thế, trong đời cũng đã có đôi lần phải làm nhà nên cũng như nhiều đàn ông Việt Nam khác, tôi hiểu muốn có ngôi nhà bề thế, vững chắc, không thể không có nền móng vững vàng. Nhà càng cao, càng kiên cố, nền móng phải càng  chắc chắn. Chỉ vì một điều đơn giản, nền móng không chắc chắn, ngôi nhà khó tồn tại bền lâu, chưa nói tới còn có thể lún, nứt và tới khi ấy, đành đập đi làm lại, khiến tốn kém không biết bao nhiêu mà kể.

Mà cũng chẳng phải chỉ trong chuyện làm nhà. Bất cứ làm việc gì, người ta cũng cần cái nền tảng phía dưới cho chắc chắn, có như thế mới hy vọng thực hiện được những ước muốn  vươn lên trong tương lai. Vận động viên muốn có thành tích cao, không thể không có nền tảng thể lực; học sinh giỏi, không thể không có kiến thức cơ sở lớp dưới vững vàng. Điều ấy chắc không cần phải bàn cãi.

Ngôi nhà giáo dục mà Bộ Giáo dục – Đào tạo sắp xây dựng cho các thế hệ tương lai được nói nhiều tới đổi mới chương trình, sách giáo khoa, thi cử, phương pháp, … nhưng Quý Bộ chưa hề nói tới chuyện xây dựng cái nền móng cho tòa nhà nguy nga tráng lệ ấy. Trong khi, cái yếu nhất, cái tạo nên mọi lực cản cho công cuộc đổi mới, thậm chí phá hoại toàn bộ những cố gắng về tiền bạc và sức lực của việc đổi mới chính là những yếu kém từ nền móng từ nhiều năm nay.

Nền móng trong ngôi nhà giáo dục không phải là trường lớp khang trang, không phải là thiết bị hiện đại, cũng chưa phải là chương trình, sách giáo khoa, và nhiều thứ khác. Đó phải là con người.

Chương trình, sách giáo khoa có hay đến mấy nhưng cái nền với tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp như hiện nay, hy vọng gì họ có thể tiếp thu được những cái hay, cái tốt mà tác giả của cuộc cải cách kỳ vọng?

Trình độ và thái độ làm việc của các thầy cô giáo hiện nay (do sự bất cập của việc đào tạo trong các trường sư phạm, do mức đãi ngộ không đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu, do thiếu cơ chế kiểm tra giám sát hữu hiệu) là cái móng rất khó tin tưởng, liệu có thể đáp ứng nổi những đòi hỏi của tất cả những đổi mới sắp tới?

Cách làm việc quan liêu, giấy tờ, trình độ rất hạn chế thể hiện ngay ở việc ban hành những văn bản khiến người dân dở khóc dở cười, những hoạt động chủ yếu phục vụ các nhóm lợi ích của các cấp quản lý giáo dục từ trung ương tới địa phương sao có thể đáp ứng được những đòi hỏi của việc cải cách?

Một khi nền móng chưa được gia cố vững vàng, cụ thể là củng cố những vấn đề đã nêu trên, hy vọng Bộ Giáo dục không nên vội vàng thực hiện những thay đổi, dù đã có nhiều công phu nghiên cứu. Bài học của chương trình dạy ngoại ngữ tới năm 2020 nên được coi là tấm gương tầy liếp.

 Mới đây, một nhà báo đã giới thiệu cho tôi “một bài viết  rất hay” “Niềm tin vào công cuộc đổi mới giáo dục” đăng trên báo Giáo dục & Thời đại nhằm “khẳng định sự đúng đắn, sự tiến bộ tất yếu” của công cuộc cải cách giáo dục sắp tới. Tôi đã đọc kỹ bài viết được nhà báo cho rằng do Bộ trưởng Bộ Giáo dục chấp bút. Cảm giác chung của tôi là sự thất vọng và vô cùng ngạc nhiên về thái độ quan liêu của tác giả bài viết cũng như các tác giả của công cuộc cải cách. Tất cả các lý luận, giải thích đưa ra trong bài báo đều “đúng như sách”, khó có thể phản bác. Nhưng nếu soi vào tình hình dạy và học trong các nhà trường hiện nay sẽ thấy đây hoàn toàn là những điều viển vông. Hình như đây là sản phẩm của người ngồi trong phòng lạnh bàn thảo cùng các chuyên viên cũng ngồi trong những phòng lạnh khác. Không có thời gian để phản bác từng điều, tôi xin nêu ra một số những điều thoát ly thực tế như sau:

1. Chắc cũng đã nghĩ tới cái nền móng không thể tin tưởng là con người trong guồng máy do mình cầm lái, Bộ trưởng Bộ Giáo dục buộc nhìn nhận thực trạng: “Thời nào cũng thế, bộ phận cán bộ nào cũng có người tha hóa, biến chất, nhưng không vì vài cá nhân mà nghi ngờ cả đội ngũ”.

Không hiểu cái “vài cá nhân” mà  ông nói là ông đã dùng hệ đếm nào trong khi nói về những kẻ  tha hóa biến chất này, ngay Chủ tịch nước cũng đã phải thừa nhận “sâu cả một bầy”. Tâm lý hành động theo đám đông và thái độ thờ ơ chỉ cho xong chuyện  cũng rất phổ biến khiến nhiều khi cái sai trái công nhiên thao túng mọi việc, biểu hiện rõ nhất trong việc cho điểm và tổ chức các kỳ thi.

  1. Bộ trưởng cũng nói: “Phải từ từ bẻ lái, người ngồi sau không có cảm giác sốc. Khó là như vậy! Và chính giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục là người bẻ lái”. 

Vậy lái sẽ được bẻ như thế nào? Và giáo viên cùng những cán bộ quản lý giáo dục sẽ được học những gì để có khả năng bẻ lái? Họ được học khi nào để chỉ chưa đầy một năm nữa, việc đổi mới sẽ bắt đầu.

  1. Bài báo viết: “Đổi mới thi cử, từ thi 6 môn, bây giờ học gì thi nấy, kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp với điểm học của quá trình – mỗi phần 50%: Một phần quốc gia tổ chức thi với kỳ thi tốt nghiệp do Bộ trưởng chỉ đạo; một phần giao Giám đốc Sở GD&ĐT địa phương chỉ đạo với kết quả của cả một quá trình học tập. Về phần thi quốc gia, đã giảm từ 6 môn xuống 4 môn. Bộ trưởng đề cập đến một vấn đề “nóng” của đổi mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014: Thay đổi xét tốt nghiệp, kết quả thi chỉ chiếm 50%, còn lại là 50% là kết quả học tập của học sinh để tránh việc học tài thi phận, tránh việc gian dối.

Cái mà bài báo nói “kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp với điểm học của quá trình” chẳng có gì là mới. Điều này thực ra là “xưa như Trái đất”. Ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi kỳ thi tốt nghiệp Phổ thông không còn yêu cầu thi tất cả các môn (trước đó, có thời gian còn yêu cầu cả thi vấn đáp cùng với các bài thi viết), những môn không thi đã được lấy kết quả học tập trong năm làm cơ sở xét tốt nghiệp cùng với điểm các môn thi. Trong Bảng ghi tên ghi điểm của mỗi phòng thi, đều có tên thí sinh cùng kết quả học tập từng môn trong năm học của họ cùng những cột trống để chờ ghi điểm của các môn thi trước khi ký duyệt danh sách tốt nghiệp.

4. “Không thể giáo dục toàn diện khi Bộ GD&ĐT quyết định môn thi: Năm nay thi Địa lý thì học sinh học Địa lý, nhưng sang năm không thi thì học sinh không học nữa, thầy cũng không chuyên tâm dạy môn Địa.  Như vậy là có sự lệch lạc của cả một thế hệ học sinh theo hướng chỉ huy của Bộ, lệch theo tác động bên ngoài”.

Như vậy, Bộ trưởng cho rằng học sinh sẽ tự giác học các môn không thi để đảm bảo yêu cầu toàn diện. Thực tế trong các nhà trường hiện nay (từ tiểu đến trung, đại học) đều phổ biến tình trạng “thi gì học nấy”. Hàng năm, các trường đều chỉ chờ tới những ngày cuối tháng 3, khi Bộ công bố các môn thi, chưa đầy một tuần lễ sau, tất cả các môn không thi sẽ được kết thúc, khổ cho biết bao học sinh chuẩn bị thi đại học, phải tìm thầy để học nốt chương trình đang dang dở. Cái hiện thực này đã diễn ra rất nhiều năm nay, lẽ nào ông Bộ trưởng không dám nhìn nhận? Cho nên, nếu thi 6 môn, học sinh còn có được kiến thức của 6 môn; nếu thi 4 môn như vừa qua, cả quá trình suốt 12 năm chỉ còn đọng lại nhiều nhất ở 4 môn ấy. (tôi nói nhiều nhất vì không ít học sinh đầu óc rỗng tuếch, làm bài thi nhờ phao đem theo hoặc lời giải sẵn ném vào.

  1. “Giáo dục sẽ thay đổi ở cách dạy, cách học để học sinh yêu tất cả các môn hoặc yêu một số môn. Đổi mới đề thi để chạm được vào trái tim của học sinh, các em làm bài có sự xúc động, có kỷ niệm, ấn tượng, để từ đó tác động ngược trở lại thay đổi cách dạy – cách học, không chỉ lớp 12 mà là cả hệ thống”.

 Có cảm giác người viết câu này trong trí não đầy cảm hứng nghệ thuật chẳng khác gì một đại biểu quốc hội đòi hỏi “giáo dục của ta phải mang hồn thời đại”. Làm sao để đề thi “chạm vào trái tim học sinh”? Và có nhất thiết người ra đề thi cần làm việc này? Đề thi nhằm kiểm tra kiến thức của thí sinh sau một số năm học tập. Người học có thể có hoặc không có hứng thú với một  môn học nào đấy. Nhưng đó là những tri thức cần thiết trong quá trình đào tạo nhằm đáp ứng với đòi hỏi của cuộc sống vẫn phải học, phải thi. Một học sinh có năng khiếu và say mê văn  chương  cũng vẫn phải học toán vì ngoài những tri thưc toán học, môn học còn giúp con người rèn luyện tư duy logic, điều không thể thiếu với một nhà văn cũng như con người nói chung trong cuộc sống tương lai. Chỉ làm việc truyền thu tri thức cho đầy đủ và tổ chức thi cử sao cho nghiêm túc, quý Bộ còn đang chưa làm nổi, sao còn phải chuốc thêm cái điều khó ai có thể làm được? “Chạm vào trái tim” e rằng đó là chức năng của người nghệ sĩ, hy vọng sẽ được thấy điều này khi Bộ trưởng hết nhiệm kỳ.

6. Điều cuối cùng tôi muốn nói là ý định “tổ chức kỳ thi “hai trong một”, nghĩa là vừa thi tốt nghiệp, vừa thi tuyển chọn vào đại học. (Điều này không có trong bài báo nêu trên nhưng là một ý định đã được ông Thứ trưởng công bố gần đây). Mới nghe, thấy đây quả là một sáng kiến, vì nó tiết kiệm hẳn chi phí cho một kỳ thi, đồng thời cũng giảm nhẹ một nửa gánh nặng cho các thí sinh.  Nhưng việc tổ chức thi tuyển vào đại học ở các địa phương đã được thực hiện từ lâu, sau đó đã  phải bãi bỏ đưa về một số trung tâm chỉ vì mỗi khi tổ chức kỳ thi, khắp nơi đồng khởi nổi dậy phong trào “toàn dân đi thi” kể cả các lực lượng chức năng hỗ trợ cho an ninh kỳ thi cũng trở thành những “kiêu binh” không ai có thể kiềm chế. Kỳ thi tốt nghiệp hiện nay được tổ chức ra sao không ai còn lạ. Giờ đây kỳ thi ấy còn mang ý nghĩa quan trọng rất nhiều, thậm chí mang ý nghĩa sống còn với không ít người, liệu nó còn nghiêm túc khi mối quan hệ giữa thí sinh và những người làm nhiệm vụ trong kỳ thi vô cùng đa dạng, nhiều mối quan hệ khó ai có thể kiểm soát.

Lại chỉ sợ, người đáng được vào đại học  phải đứng xa  ngước nhìn kẻ đầu rỗng tuếch ngồi chễm chệ trên các giảng đường để chẳng học hành  gì, chỉ mải thầm cười nhạo cách tổ chức thi cử của nền giáo dục nước Việt.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here