Một người bạn điện thoại rủ đi chơi, anh thông báo “lúa ở Mù Cang Chải đã chin, năm nay có lễ hội to lắm!”.  Mù Cang Chải cũng đã tới bốn lần và lại rất dị ứng với những lễ hội quốc doanh nên tôi đã từ chối đồng hành. Nhưng cũng cám ơn bạn vì đã nhắc nhở  một chuyến đi có dự định từ đầu năm.

Tôi đã tới Hà Giang hai lần, nhưng cả hai đều chỉ mới đặt chân tới các huyện phía bắc và phía đông. Những Cổng trời Quản Bạ, Cột cờ Lũng Cú, dinh vua Mèo, chợ Đồng Văn, đèo Mã Pí Lèng, Phó Bảng, Sủng Là…đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng về sự kỳ vĩ của Thiên nhiên, về sức sống kỳ diệu của Con Người trên cao nguyên đá. Mấy năm gần đây, những chuyến đi vào mùa lúa chin trên các thửa ruộng bậc thang được biết qua những thông tin của các bạn “phượt” như những lời mời gọi tha thiết, dù vẫn chỉ trong cảnh “một người một ngựa”.

Ruộng bậc thang là một hình thức canh tác trên đất dốc của nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới. Do ở vùng cao, hiếm đất bằng phẳng để trồng trọt, nhất là trồng lúa nước, người ta khắc phục bằng cách chọn các sườn đồi, núi có đất màu bạt thành nhiều  cấp để tạo thành những mảnh đất bằng. Sự cần cù thầm lặng của biết bao thế hệ người Mông, người Dao, người Nùng, người La Chí, …từ vài  trăm năm đã tạo nên những tuyệt phẩm tôn vinh sức lao động thầm lặng của con người. Mỗi mảnh ruộng nhỏ chỉ cỡ dăm ba mét vuông, to cũng chỉ gấp mười lần diện tích đó, thế mà bà con các dân tộc ở đây đã tạo dựng được tới gần 750 ha (tức khoảng bảy triệu rưởi mét vuông) đất để nuôi sống mình. Hãy cứ tưởng tượng bạn ngồi đếm số tiền bảy triệu rưởi gồm toàn những tờ giấy bạc có giá trị chỉ bằng một phần trăm hay một phần mười  tờ “năm trăm đồng” màu đỏ  mà nay hầu như chẳng  còn  giá trị tiêu dùng sẽ thấy sự kiên nhẫn, bền bỉ đáng thán phục như thế nào? Đây thực sự là một công trình nhân tạo kỳ vỹ. Bà con sinh sống giữa những cánh đồng “treo” trên lưng chừng núi, trồng lúa nước và cả lúa nương vào mùa khô.

Rồi mỗi khi mùa gặt tới, dù chẳng một ai có ý thức, những cư dân nơi đây đã tạo nên những bức tranh đầy sắc màu cùng những vẻ dáng muôn hình muôn dạng của những thửa ruộng bậc thang, một tác phẩm nghệ thuật diệu kỳ mà không bất cứ một họa sĩ tài danh nào của nghệ thuật sắp đặt có thể sánh bước.

 

Hoàng Su Phì là một huyện ở phía tây của tỉnh Hà Giang, dọc theo tỉnh lộ 177 cách Hà Nội khoảng hơn ba trăm cây số. Nằm dưới chân dãy núi Tây Phong Lĩnh có đỉnh cao nhất 2.419 m, đồng thời là nơi xuất phát của dòng dông Chảy,  Hoàng Su Phì là huyện có địa hình tương đối phức tạp. Các dãy núi cao và trung bình, thấp dần về phía dòng chảy của sông Chảy và sông Bạc, tạo nên ba dạng địa hình chính là núi cao, đồi núi thấp – trung bình và thung lũng hẹp. 60 km từ quốc lộ 2 (Tân Quang) tới huyện lỵ Vinh Quang là điển hình của những cung đường miền núi. Một bên là vách núi cao ngất, một bên là vực sâu thăm thẳm; không có đoạn đường bằng phẳng nào kéo dài được  hơn trăm mét. Tất cả là dốc, dốc lên và dốc xuống. Dù đã được đầu tư để phục vụ du lịch, những con dốc vẫn còn ở mức 10%. Và đặc biệt hiểm trở là các cua “tay áo” với những khúc ngoặt bất ngờ. Cũng xin nói thêm để những người đang có dự định lên đường yên tâm: đi trên những con đường này, ai nấy đều có ý thức chỉ một sơ xuất dù nhỏ cũng có thể phải trả giá bằng cả tính mạng nên sự thận trọng của người tham gia giao thông đã khiến tỷ lệ tai nạn giao thông trên những nẻo đường hiểm trở này rất thấp. Ai cũng mũ bảo hiểm nghiêm chỉnh dù chẳng thấy bóng một cảnh sát áo vàng.

 

Khác với các nơi, ruộng bậc thang chỉ có tính chất “điểm xuyết”, ở một số xã nằm rải rác như Mù Cang Chải có La Pán Tẩn, Chế Cu Nha hay Dế Xu Phình;  ở Sa Pa có Lao Chải hay Tả Van, Mường Hoa… sản phẩm độc đáo này ở các huyện phía tây Hà Giang trải dài hàng trăm cây số. Suốt con đường 177 từ Tân Quang tới Cốc Pài (99 km), và đường 178 từ Cốc Pài tới Yên Bình (60 km), qua các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần và Quang Bình, chỗ nào cũng có thể thấy ruộng bậc thang, đó là chưa kể nếu có thời gian và sức khỏe từ hai con đường đó, đi vào các xã, các bản cách xa vài chục cây số trước mắt du khách cũng là những ruộng bậc thang trải  dài nhiều khi hết tầm mắt.

Hoàng Su Phì chỉ là nơi có mật độ ruộng bậc thang dày đặc nhất trong các huyện phía tây Hà Giang. Trong 24 xã và một thị trấn, ruộng bậc thang có đặc biệt nhiều ở các xã Bản Phùng, Bản Luốc, Sán Xả Hồ, Hồ Thầu, Nậm Ty, Thông Nguyên. Chỉ cần tới một nơi, con mắt thưởng ngoạn của du khách đã được một bữa tiệc thịnh soạn. Còn các nhà nhiếp ảnh, tôi tin một ngày cật lực, họ không thể kịp ghi lại cho hết những hình ảnh kỳ thú ở một điểm dừng chân. Tôi đã tới xã Thông Nguyên, xã đầu tiên của Hoàng Su Phì nằm dài trên tỉnh lộ 177 từ cây số 17 tới cây số 38. Vùng dân cư chủ yếu nằm trên một thung lũng và xung quanh, trên các sườn đồi, triền núi bao bọc là các ruộng bậc thang. Điều vô cùng thú vị và bất ngờ đối với tôi là con đường trục nối các thôn, bản đều đã được láng nhựa hoặc đổ bê tông. Qua thời gian, cũng đã có đôi chỗ bị hư hỏng nhưng nhìn chung, đi  lại bằng xe máy hoặc ô tô loại nhỏ rất êm thuận. Suốt hai mươi cây số, qua nhiều thôn, bạn có thể vừa ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang từ thấp lên cao, vừa được xem cảnh những người Dao nơi đây thu hoạch lúa. Cách làm ăn đã hoàn toàn khác trước. Họ không còn chỉ biết sử dụng loại dao “quai” nhỏ (dao dài khoảng 7 – 8 cm, có một vòng dây đeo vào cổ tay, cực kỳ sắc) để cắt từng bông lúa,  bó lại, gánh về nhà, … rồi vò bằng chân để tách những hạt lúa khỏi sợi rơm. Nay, họ đã cắt lúa bằng liềm, hái rồi cho tất cả vào máy tuốt lúa đặt ngay trên từng thửa ruộng, sau đó, thóc được đóng vào bao tải. Đi khắp xã, tôi hoàn toàn không thấy cảnh những căn lều tồi tàn, không thấy phân trâu bò vương vãi, không thấy cảnh lợn thả rông, …Khu trung tâm bên cạnh Ủy ban xã khá náo nhiệt với chợ lớn và dãy phố khoảng trăm mét có đầy đủ các cửa hàng buôn bán, dịch vụ của đời sống đô thị như làm đầu, chụp ảnh lấy ngay sau 5 phút, mua bán và sửa chữa điện thoại di động, …không thua kém nhiều so với các xã miền xuôi. Thôn Phìn Hồ của xã đang xây dựng làng du lịch văn hóa phục vụ du khách mỗi mùa lúa chín, ba bốn gia đình gần nhau xây chung lò đốt rác nên hoàn toàn không thấy cảnh rác rưởi hay bao bì nilon đủ màu sắc nằm vương vãi khắp nơi. Gần nhà máy chè mang tên “Phìn Hồ trà” có phòng nghỉ lại ban đêm, có tắm suối nước nóng, …

Trên suốt chặng đường, đâu cũng thấy những ruộng bậc thang. Có khi, chỉ mới vào một khúc “cua”, trước mắt đã hiện ra một bức tranh vô cùng ngoạn mục: trước mặt, bên  trái, bên phải, ngước lên cao, nhìn xuống thấp, từ gần tới xa, đâu đâu cũng thấy những sắc màu rực rỡ của vẻ đẹp no ấm. Thản hoặc còn đôi chút thửa ruộng có màu xanh cốm, xanh xậm chỉ khiến nổi bật hơn sắc vàng bao phủ: màu vàng chanh, vàng hoe của lúa sau lúc uốn câu, màu vàng ửng, vàng rực của những mảnh ruộng đang chờ đợi bàn tay của con người thu hoạch, rồi có những mảnh ruộng mang màu vàng xuộm, vàng nâu khi chủ nhân có đôi chút chậm trễ. Hơn đâu hết, cảm giác mùa thu vàng thật trọn vẹn khi con người đứng giữa thiên nhiên nơi đây.

 

Chỉ tiếc không có đủ thời gian và sức khỏe để dừng chân và đi cho hết những thửa ruộng bậc thang trải dài bất tận suốt mùa lúa chin. 

 

P/S: Những bức ảnh kèm theo chỉ để có “đủ lệ bộ”. Tôi không dám “múa rìu qua mắt thợ”, những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đã có tới hàng nghìn bức ảnh về ruộng bậc thang trên các trang mạng.

1 BÌNH LUẬN

  1. Nhìn cảnh núi đồi , ruộng bậc thang trùng trùng điệp điệp trông rất ấn tượng , nhưng nghĩ về việc “một nắng hai sương” cầy cấy trên mảnh đất này để làm ra hạt thóc hạt gạo thì rất “chua” ?

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here