Sang Băng côc đúng dịp nhà vua Thái Lan băng hà, tôi được tận mắt chứng kiển tấm lòng của người dân với Đức Vua của mình. Thông cáo chính thức của Chính phủ quy định ngoài Lễ Quốc tang kéo dài một tháng, cả nước treo cờ rủ, không tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí; viên chức để tang (mặc trang phục đen một năm), còn dân chúng được tự do bày tỏ thái độ tùy theo tín ngưỡng.

Vì thế, suốt một tuần ở đây, tôi không thấy cảnh “đồng phục” trong cách tỏ bày tình cảm với Nhà Vua, người được muôn dân xứ sở này kính trọng. Chiều ngày 14, truyền hình Thái Lan đã trực tiểp cho mọi người theo dõi việc đưa thi hài Đức Vua từ bệnh viện về Hoàng cung. Trên đường phố và những cơ quan, công sở lớn, ảnh Đưc Vua với dải băng đen trắng đã được lập. Điều khiến tôi ngạc nhiên đầu tiên là chiếc xe 12 chỗ chở thi hài. Một chiếc xe đã cũ như trăm nghìn chiếc xe vẫn chạy trên đường phố. Ngoài lá cờ Hoàng gia nhỏ cắm ở đầu xe và một (chỉ một thôi!) mô tô hộ tống, không có gì đặc biệt. Phía sau là một hàng dài xe đủ loại 4 chỗ, 12 – 15chỗ, chắc của các thành viên trong Hoàng gia và quan chức cấp cao nhưng cũng không thấy bất cứ một chiếc nào “láng coóng” như đã thấy trong các đám tang ở nước ta. Dọc hai bên đường, dân chúng nhiều người trong bộ đồ tang màu đen chờ đợi tỏ niềm thương tiếc một cách thành kính, không it người đã khóc. Tiêu binh trong lễ phục trắng đứng suốt dọc đường xe chạy đều quỳ một gối khi đoàn xe qua.
Chiều tối ngày hôm sau, những đường phố quanh Hoàng cung đông nghịt. Bên trong, Hoàng gia đang tổ chức lễ cầu siêu cho Đức Vua, bên ngoài dân chúng cũng đứng kín trên hè phố, nhiều người trong tang phục đen, tất cả đều chắp tay hướng vào Hoàng cung im lặng. Không cần nhà nước chuẩn bị, dân chúng đã tự tổ chức nhiều hình thức hỗ trợ cho những người tới thành kính tỏ niềm thương tiếc. Trên đường, không ít xe cấp cứu của các tổ chức y tế tư nhân và từ thiện luôn trong tư thế sẵn sàng. Trên hè phố, nhiều nơi phát nước uống, cơm, … miễn phí cho bất cứ ai.
Điều làm nhiều người phải bất ngờ là việc lưu thông trên các đường phố quanh Hoàng cung vẫn diễn ra bình thường, hoàn toàn không có bất cứ sự hạn chế nào mà sự lưu thông vẫn rất trật tự như cái trật tự vốn có. Suổt 70 năm trị vì, Ngài đã lo lắng muôn mặt cho các thần dân của mình, chắc vì thế, Chính phủ và cảnh sát cũng phải tôn trọng, không được phép để cuộc sống người dân bị gặp những trở ngại, dù nhỏ. Những nơi phát nước uống (kể cả nước ngọt), cơm đĩa, mỳ, … miễn phí đều vắng khách. Bên cạnh giơ cao những tấm biển đề “Chúng tôi vì Đức Vua”, những người tình nguyện  còn đem từng chai nước đặt vào tay người qua lại hoặc mời chào mọi người tới để phục  vụ. Hoàn toàn không có cảnh chen lấn, tranh giành như khi xảy ra mỗi khi  “miễn phí” bất cứ cái gì ở xứ sở được vinh danh là nơi có cuộc sống hạnh phúc nhất thế giới.

Các nghi thức tang lễ Nhà nước để cho nhân dân hoàn toàn tự nguyện nên các hoạt động như cầu siêu hay lập bàn thờ có ở khắp nơi nhưng rải rác ở mọi thời điểm khác nhau. Có nơi kết băng tang ngay từ ngày 14 nhưng có nơi mãi tới ngày 21 mới thực hiện, và chắc hình ảnh này sẽ còn được diễn ra trong nhiều ngày sau. Ảnh Đức Vua to hay nhỏ, dải băng tang dài hay ngắn, chẳng đâu giống đâu. Có nơi đặt ảnh ngang một tấm pa-nô khổ lớn, băng đen trắng chạy suốt chiều dài của khuôn viên hàng dăm ba chục mét; có nơi tấm ảnh khiêm nhường và băng tang dài vài ba mét; thậm chí có nhà, dải băng tang đen trắng chỉ dọc theo cầu thang lộ thiên từ tầng một lên tầng hai. Hoàn toàn không có cảnh theo một quy định từ trên xuống, không có cảnh “đua nhau” hay muốn “hơn người”. Các địa phương ngoài Băng côc cũng vậy. Có ngôi chùa treo cờ quanh khuôn viên cùng với băng tang, nhưng cũng nhiều nơi mọi việc vẫn diễn ra bình thường, không có cảm giác gì đang trong những ngày tang lễ. Cuộc sống vẫn tiếp diễn như mọi ngày, đường phố vẫn đông đúc cảnh xe cộ ngược xuôi hối hả, giờ cao điểm vẫn tắc đường ở nhiều nơi, các siêu thị vẫn tấp nập cảnh ra vào mua bán, chỉ thấy có nhiều người đeo một “nơ” đen trên ngực áo, một băng đen trên cánh tay, buổi trưa, nhận thấy các viên chức đều mặc tang phục trong các quán ăn, …Có siêu thị, đặt một khay nơ đen ngay lối ra vào để khách tự cài lên ngực áo khi cần.  Cảm thấy thương tiếc Đức Vua, người đã quan tâm tới cuộc sống của mỗi người trong suốt 70 năm, nhưng họ cũng thấy sự ra đi của Ngài là tất yếu nên không thấy những biểu hiện thái quá tới mức ngu muội. Hoàng gia cũng như chính quyền hình như đều  không muốn có bất cứ điều gì làm cuộc sống của người dân bị xáo trộn.

Về tới Hà Nội, một người bạn tôi hỏi tình hình bên ấy, nói báo chí trong nước đưa tin dân buồn thương khóc lóc, rồi “cháy” tang phục vì cung không đủ cầu, … Chắc do các phóng viên của ta quen với cảnh quốc tang thường thấy thỉnh thoảng lại diễn ra nên từ đó mà ra sức tưởng tượng.  Các “bố” nhà ta khi còn sống đã khiến dân tình đói khổ vì bao chủ trương sai lầm,  vì sự tranh đoạt giữa các nhóm lợi ích; khi nhắm mắt xuôi tay, tưởng dân đã được thoát nợ, còn biết bao nghi thức tốn kém, nhiêu khê, ngăn đường cấm phố. Mà nào đã yên, sau đó còn biết bao tượng đài, nhà lưu niệm, …  tốn kém không biết bao nhiêu tiền của chỉ để có cớ bòn rút, sau đó mặc cho dãi dầu mưa nắng trong khi còn biết bao người dân cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc.

 

1 BÌNH LUẬN

Trả lời NGHUYÊNVĂNOÁNH Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here