Ở mỗi trường thường xuyên có các cuộc “thi đua chào mừng”.  

Chào mừng Quốc khánh, chào mưng ngày Phụ nữ Việt Nam 20 tháng 10, rồi ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11, … Hầu như tháng nào cũng có (trừ có tháng 5, tháng kết thúc năm học). Trò thì thi đua có nhiều tiết học tốt. Các tiết học vẫn thế thôi, nhưng cứ gọi là hưởng ứng phong trào thi đua thì có chết ai! Thầy thì thi đua có nhiều tiết dạy tốt mà điển hình là nhiều tiết dạy trong Hội giảng.
Không hiểu cái trò  này có từ bao giờ?. 

Vốn dự giờ, thăm lớp là một hoạt động nghiệp vụ cần thiết, bổ ích và diễn ra một cách tự nhiên từ xưa. Hiệu trưởng thỉnh thoảng đột xuất dự giờ của giáo viên, nhất là giáo viên mới về trường để nắm được trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để góp ý, cũng là một cách nhắc nhở những người dưới quyền. Giáo viên trong từng bộ môn dự giờ lẫn nhau để học tập, rút kinh nghiệm. Người mới vào nghề, dự giờ của đồng nghiệp đi trước nhất là những bài khó dạy,…Việc có người tới dự giờ bất cứ lúc nào khiến mỗi giáo viên luôn luôn phải có ý thức chuẩn bị bài giảng tốt  khi lên lớp. Không chú ý dạy dỗ cẩn thận, soạn bài chu đáo sẽ để lại tiếng xấu.

Nhưng dần dần, một phần do đời sống khó khăn, Hiệu trưởng không muốn “hành” để “gây thù chuốc oán” với giáo viên (nhất là từ khi giáo viên có quyền bỏ phiếu tín nhiệm Hiệu trưởng mỗi khi có yêu cầu của cấp trên), một phần làm Hiệu trưởng nhưng không hiểu nghiệp vụ, bỏ qua những công việc cần thiết hàng ngày của người lãnh đạo, rồi trình độ kiến thức phổ thông của Hiệu trưởng cũng rơi vãi quá nhiều (nhất là mấy ông hàm thụ tại chức thì còn chưa được học), không hiểu được khi ngồi nghe các tiết ngoài môn dạy của mình, việc dự giờ bị bỏ qua. Mỗi khi có thi đua, người ta làm lại chuyện này nhưng hoàn toàn mang tính hình thức.

Trong tổ, những người có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng thường không ngại những giờ dạy có đồng nghiệp hoặc cấp trên tới dự. Có hay không có người tới dự, họ vẫn dạy như thế. Nhưng với những người chuyên môn nghiệp vụ yếu kém (mà số này hình như ngày càng nhiều do tình trạng bằng thật học giả không ngừng phát triển), để có một giờ dạy cho mọi người tới dự không đơn giản. Họ cần phải có sự chuẩn bị, thậm chí phải “bài binh bố trận” rất công phu.

Trước hết phải chọn bài phù hợp (thường gọi là bài “tủ”), rồi mời vài người thân cận tới dự giờ trước, góp ý kiến. Có người cẩn thận, dạy tới vài ba giờ ở những lớp khác nhau để “thuộc bài”. Sự thành công của một tiết dạy phụ thuộc khá nhiều vào học sinh trong lớp nên đây cũng là một công đoạn được chú ý cẩn thận. Những câu hỏi sẽ sử dụng trong tiết dạy được báo trước cho học sinh, thậm chí cả cách trả lời (có người cẩn thận còn cho học sinh chép câu trả lời để về nhà học thuộc trước). Có khi những học sinh học kém, đặc biệt là ý thức kém, hay mất trật tự, nói chuyện riêng thường được cho nghỉ học với cái cớ lớp có đông người tới dự, không đủ chỗ ngồi. Rồi học sinh được căn dặn, khi thầy đặt câu hỏi đều phải giơ tay để chứng tỏ tiết học diễn ra sôi nổi, cuốn hút được tất cả học sinh trong lớp tham gia. Học sinh nào đã thuộc câu trả lời thì bàn tay duỗi thẳng, các ngón tay hướng lên trên, còn ai không thể trả lời được thì giơ tay nhưng bàn tay nắm lại. Cho nên mới có chuyện thầy chỉ một học sinh đứng lên phát biểu thì nghe em học sinh đó trả lời:

–          Thưa thầy, em “quắp” ạ!

Những chiêu trò giả dối thật không tài nào kể xiết.

Công bằng mà nói, chuẩn bị kỹ càng như thế nhưng không ít tiết dạy vẫn chỉ dừng ở mức tạm chấp nhận. Nhưng để động viên phong trào các tiết dạy dù thế nào cũng đều được công nhận là tiết dạy tốt (nếu không lần sau đừng hòng bảo người ta dạy). Rồi tổ báo cáo lên trường chào mừng ngày nọ ngày kia, tổ tôi đã có bao nhiêu tiết dạy tốt, Trường lại báo cáo lên Sở có bao nhiêu tiết dạy tốt. Phong trào thi đua ngày càng sôi nổi và tất nhiên đã thành công rực rỡ. 

Không biết nên gọi là Hội giảng hay cần gọi là Hội diễn?

Rất lạ là ai cũng biết, từ cấp trên đến cấp dưới, nhưng cứ năm nào cũng diễn. Nhiều hôm, ngồi ở dưới nghe mà da mặt cứ có cảm giác như đang dầy lên, xấu hổ với học trò.
Thầy giả dối, trò biết thừa điều ấy và cũng bị lôi cuốn vào cái guồng giả dối theo sự chỉ đạo của thầy. 

Đó chính là kết quả của phong trào thi đua.

8 BÌNH LUẬN

  1. Tư tưởng của cả một hệ thống, nó là niềm vui, là công việc của lãnh đạo, nó là chỗ để cho những người kém năng lực đánh bóng mình….cho nên nó biến tướng từ mục đích này sang mục đích khác!

  2. Ở Đại học còn cái trò lấy phiếu tín nhiêm giáo viên mới bi hài làm sao! Có cô giáo năm thứ nhất hay điểm danh, khắt khe với học sinh. Đến khi chúng bỏ phiếu tín nhiệm thầy cô thì đã là năm thứ ba, chúng quyết rửa mối “thù muôn đời muôn kiếp không tan” nên cho toàn điểm thấp. Có những đứa nghịch ngơm, trong phiếu gạch theo hình chữ N hOẶC chữ M. Đến khi tổng kết thằng sếp bảo như vậy là khách quan, công bằng. Thật hết biết!

  3. Ngày trước cháu đi học, cô giáo có tiết dự giờ thì hôm trước đã giảng bài đó cho cả lớp rồi. Cô dặn dò cẩn thận: Ngày mai, để cho lớp mình là lớp học tốt, dạy tốt khi cô hỏi thì cả lớp đều phải giơ tay nhé. Bạn nào biết câu trả lời thì giơ cả bàn tay, còn không biết câu trả lời thì chỉ giơ bốn ngón thôi (gập ngón tay cái vào) để cô chỉ gọi bạn giơ tay năm ngón. Hehehe. Cháu biết nhưng vẫn giơ bốn ngón thôi vì chưa bao giờ được giơ tay bốn ngón cả.

Trả lời nhu Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here