Một nhà báo hỏi tôi, cách đổi mới môn Văn vừa qua có khiến giáo viên và học sinh hoang mang và lo lắng? Câu hỏi hàm ý những đổi mới chắc là cần thiết, nhưng vì sao vẫn không được ủng hộ.

 Muốn trả lời câu hỏi này, xin nói lại một chút về chuyện thi cử trong quá khứ:

Những năm 70 trở về trước, số kỳ thi mà một học sinh phải vượt qua trong đoạn đời cắp sách chắc nhiều hơn số kỳ thi hiện nay. Nhưng việc học hành thi cử vẫn diễn ra bình thường, năm nào cũng như năm nào, có lo lắng chút ít cũng không có gì đặc biệt về mặt tâm lý của cả thầy giáo, cha mẹ lẫn người đi học. Còn thì có gì mà hoang mang vì cả thầy và trò đều dạy và học như cái nếp từ ngàn xưa, cái tỷ lệ đỗ trượt cũng vẫn được thống kê nhưng dùng nó để đánh giá thi đua thì vẫn chưa là nỗi ám ảnh.

Người ra đề thi luôn có mục đích kiểm tra việc dạy và học ở các trường đã diễn ra như thế nào, có đúng với chương trình của Bộ đã ban hành? Có bị cắt xén hay không? Chuẩn để ra đề là CHƯƠNG TRÌNH chứ không phải sách giáo khoa, vì sách chỉ là những gợi ý để thầy dạy. Nó không ngừng được mở rộng nhờ những tri thức thầy tích lũy được, dựa vào đó, người ta đánh giá người thầy. Bên cạnh kiến thức, đề thi rất chú ý đến việc kiểm tra việc vận dụng (và đây mới là cái thiết thực với đời sống).Thí dụ, các tác giả, tác phẩm, người ra đề cũng chỉ hỏi tới các tác giả và tác phẩm có trong chương trình (dù người thầy có cung cấp thêm cho học sinh nhờ những buổi ngoại khóa), nhưng với các kỹ năng, các kiến thức lý thuyết, người ra đề có quyền yêu cầu học sinh vận dụng một cách độc lập: trong chương trình đã có kiểu bài bình luận, người ra đề có quyền ra một đề bình luận tục ngữ, danh ngôn, hay một vấn đề nào đó bất kỳ dù chưa có trong sách giáo khoa …. Chương trình đã có  bài dạy “các biện pháp tu từ”, người ra đề có quyền đưa ra một bài (đoạn) thơ, văn và yêu cầu học sinh phải chỉ ra và phân tích được hiệu quả của biện pháp tu từ đã được sử dụng trong bài (đoạn) thơ, văn đó. Chương trình có dạy cách viết một đoạn văn thì đề cũng có thể yêu cầu viết một đoạn văn thể hiện một nội dung nào đó. (Tất nhiên, đối tượng để vận dụng phải phù hợp với trình độ của học sinh). Cái từ “tích hợp” gần đây mới xuất hiện nhưng một câu hỏi kiểm tra được nhiều tri thức, nhiều kỹ năng thì cũng đã có từ lâu. Cuối năm học, hoàn toàn không có những hướng dẫn ôn tập, hạn chế chương trình hay ra thử các dạng đề như đòi hỏi hiện nay của người dạy và người học. Cách tổ chức thi cử nghiêm túc và ra đề hoàn toàn khách quan ấy khiến thầy và trò  không thể dạy hay học “tủ” và đặc biệt, nó đòi hỏi người thầy phải luôn học hỏi,  tích lũy kinh nghiệm. Đã có nhiều giáo viên, bước lên bục giảng khoảng chục năm, nhưng vẫn chưa được tín nhiệm dạy lớp cuối cấp chính vì cái kinh nghiệm ấy còn non. Bởi vì dạy lý thuyết không khó lắm, nhưng cái khó là dạy sao để học sinh có thể mang lý thuyết vận dụng thực hành. Thuộc lý thuyết cũng đơn giản hơn nhiều so với vận dụng nó vào cuộc sống một cách thành thục. Cho nên mới có chuyện luyện thi, cho nên, người xưa mới có câu “thầy già, con hát trẻ”.

 

Những đòi hỏi của giáo viên và học sinh như ngày nay xuất hiện từ những năm 80 khi giáo dục xuống cấp. Trò chẳng thiết học, thầy chẳng thiết dạy, nhưng các cấp quản lý vẫn cứ muốn tỷ lệ đỗ cao để chứng tỏ cuộc sống vẫn đang đi lên, dù có khó khăn nhưng giáo dục vẫn phát triển vượt bậc. (Hàng năm,  trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, cứ vào buổi sáng là phải tổng hợp kết quả chấm thi hôm trước của cả mấy Hội đồng chấm thi để lãnh đạo Sở báo cáo với Ủy ban, chờ xin ý kiến chỉ đạo. Thường được chỉ đạo là “phải vận dụng đáp án một cách uyển chuyển”, chắc cũng giống như cái “đường cong mềm mại” bây giờ.) Ai cũng hiểu “uyển chuyển” nghĩa là “phiên phiến” thôi, đừng vận dụng đáp án của Bộ đưa xuống chặt chẽ, các nơi họ thế cả (thì cứ tỉnh nọ nói tỉnh kia như thế, “đoán mò” nhưng hóa ra đúng cả).

 Thế là người ra đề chịu rất nhiều “sức ép”. Ra đề dễ quá thì sợ giáo viên “cười” (nhất là những người còn đôi chút tâm huyết), và lãnh đạo cũng chẳng thích vì “thiên hạ” đọc cái đề là biết ngay được trình độ học sinh thế nào. Ra đề khó thì sợ học sinh trượt nhiều. (Chuyện này chắc chỉ có ở xứ ta!) Mà cái lo sau chắc chắn nhiều hơn vì nó gắn liền với cái ghế đang ngồi (khi ấy chưa có chuyện dùng phong bì để “gia cố” cho những cái chân ghế). Thế là một biện pháp được sáng tạo: trước khi thi, Bộ tuyên bố chỉ hỏi thi những điều có trong SÁCH GIÁO KHOA (và ba cái chữ SÁCH GIÁO KHOA này ngày càng được hiểu một cách máy móc, phiến diện). Bộ gửi hướng dẫn trong đó có hạn chế chương trình, rồi dạng đề, …thậm chí Bộ còn phát hành tài liệu Hướng dẫn ôn thi cho các môn. Những tài liệu này bán với giá không hề rẻ, nhưng vẫn được thầy và trò săn đón vì ai cũng hy vọng tìm được ở đó những cái “tủ” sẽ hé lộ, nhất là sau một năm, đề thi đã không sai một dấu phẩy so với cái đề có trong cuốn Hướng dẫn. Một mũi tên mà bắn trúng được mấy đích: nội dung thi đã được thu hẹp lại đảm bảo thầy và trò sẽ rất “nhàn nhã” mà kết quả thi vẫn như ý cấp trên; tỏ ra với lãnh đạo rất có trách nhiệm với công việc; thêm thu nhập nhờ cái Hướng dẫn độc quyền phát hành. Cứ xem Bộ đã tuyên bố không làm cái Hướng dẫn này từ hàng chục năm trước đây nhưng đến nay đó vẫn chỉ là những lời tuyên bố có thể hiểu được phần nào giá trị của nó.

 Từ việc chủ động, tìm tòi cách dạy, cách luyện để học sinh không chỉ nắm vững lý thuyết mà còn vận dụng thành thạo, học là để tiếp thu, tích lũy tri thức mong sau này vận dụng vào đời sống, việc học giờ đây chỉ còn tập trung vào việc làm theo những Hướng dẫn của Bộ để thi cử đạt thành tích cao. Giáo viên thế nào cũng vẫn có thể dạy lớp cuối cấp vì thay cho cần  tích lũy kinh nghiệm, người thầy giờ đây chỉ cần ngồi chờ Bộ “cầm tay chỉ việc”. Khi chưa được “cầm tay chỉ việc” nếu có “hoang mang lo lắng” thì cũng là điều dễ hiểu.

Một chiếc xe đang chạy với tốc độ rùa bò (nhất là lại đang nằm ì ra đấy), khi tăng tốc, chắc chắn không tránh khỏi hiện tượng khách ngồi trên đó bị giật, lắc. Những cái rung lắc sẽ nhanh chóng qua đi. Đừng vì tiếng kêu nhất thời của hành khách mà nao núng. Suy cho cùng, lên xe là để đi tới đích.

 P/S: Xin phép cô giáo Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Văn trường PTTH Chu Văn An, Hà Nội giới thiệu một đề Văn theo hướng mở Cô đã ra cho học sinh của mình để những người quan tâm tham khảo. Một đầu bài rất đổi mới và cũng rất thời sự. Chủ động như thế này thì có gì mà phải hoang mang với lo lắng!

Đọc đoạn trích sau đây trong bài thơ Tổ Quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến và trả lời các câu hỏi:

Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển

Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng

Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa

Trong hồn người có ngọn sóng nào không? (4/2009)

Câu 1: Anh/chị hiểu như thế nào về nhan đề Tổ quốc nhìn từ biển? Trong cả bài thơ, những câu thơ: Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển… Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo.. Nếu Tổ quốc nhìn từ bao thương tích…. Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm họa.. Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát luôn lặp lại như một điệp khúc. 

Điệp khúc cho thấy tác giả đã chọn một điểm nhìn khá đặc biệt để gợi cho người đọc những suy ngẫm về Tổ quốc. Đó là góc nhìn nào, góc nhìn ấy đưa đến cho anh/chị những xúc cảm, suy ngẫm như thế nào?

 Câu 2: Theo anh/chị, còn có những góc nhìn nào về Tổ quốc bên cạnh góc nhìn của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến?

 Câu 3: Hình ảnh “sóng” trong hai câu cuối khổ thơ được thể hiện trong tầng ý nghĩa nào? Chỉ rõ biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong hai câu thơ này?

 Câu 4: Trong bài viết Nhà thơ, Tổ quốc và tự do, 6/2009, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến có viết: “Chúng ta là con dân của đất Việt, ông cha ta từ ngàn năm trước đã lên rừng, đã xuống biển để khai phá, dựng xây non nước này. Và, biển – đảo ấy là một phần gia tài nghèo khó mà ông cha ta tự ngàn xưa đã không tiếc máu xương, công sức để giữ gìn, để truyền đời lại cho cháu con hôm nay.”

Ngày 1/5/2014, Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan HD981 cùng hơn 80 tàu có vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào sâu tới 80 hải lý trong thềm lục địa và khu Đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đó là “sự kiện 1/5” gây phẫn nộ sâu sắc triệu triệu tấm lòng con dân đất Việt.

Ngày 11/5/2014, nhân dân Việt Nam khắp ba miền đất nước đã xuống đường phản đối hành vi bất hợp pháp của Trung Quốc ở khu vực biển đảo Tổ Quốc.

Từ quan điểm của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, từ những sự kiện trên, anh/chị hãy viết một bài luận khoảng 600 từ, trình bày suy nghĩ của mình về chủ quyền dân tộc.

2 BÌNH LUẬN

  1. Đọc bài thấy rất tâm đắc với những ý đề cập, nhưng vẫn thấy có gì đó? Nghĩ mãi, nhìn ra, bài viết rất chân tình, sâu sắc theo chân ý của người dạy (thầy). Còn người học nghĩ gì? viết gì đây? Có thể thế này không? Thưa thầy! Em rất kính trọng kiến thức và khả năng truyền dạy của Thầy, nhưng Em vẫn chưa đồng ý với lời bàn ra đề thi tốt nghiệp (không bàn đến đề thi kiểm tra kiến thức để lượng giá) của Thầy. Theo em với môn văn thi tốt nghiệp chỉ nên là một bài viết về một hoặc vài đề tài nào đó và chỉ nên vậy. Cái gọi là “các biện pháp tu từ” rất cần cho người viết báo, viết văn và đặc biệt cần cho người nghiên cứu chuyên sâu, nhưng không cho tất cả những thí sinh dự thi tốt nghiệp. Lấy ví dụ thế này, hàng năm có khoảng một triệu thí sinh thi tốt nghiệp, bao nhiêu thí sinh cần thành thạo “các biện pháp tu từ”, mấy phần, mười mấy phần, hai mấy phần triệu đây? Vả trong bài viết của mỗi thí sinh đã chứa “các biện pháp tu từ” phải không Thầy. Có lẽ hiểu thế này đơn giản, trò nào cần “các biện pháp tu từ” thì Thầy bồi dưỡng thêm (cái phân biệt này để ở phân ban đi), còn đại đa số không cần thì mất thời gian làm chi, uổng lắm, thi tốt nghiệp “phổ thông”, đại chúng ở cấp độ “trung học” mà, hãy phổ thông đi, hãy vì người học đi.
    Bây giờ xin thưa thớt cùng Bác thế này, Em tuổi Giáp Ngọ, đã hưu, nghề trước hưu không dính tí nào đến giáo dục, nhưng muốn đọc để được vui cùng con, cháu. Đọc hợp thì thấy thích, thích nhiều hơn là hay, Em sẽ đưa blog của Bác vào theo rõi.
    Chúc Bác sức khẻo, viết được nhiều.

Trả lời Trinh The Tuong Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here