Những năm trước Công Nguyên, Hàng Châu mang tên Tiền Đường, tên của dòng sông chảy qua đây. Thành phố mang tên Hàng Châu từ năm 589, sau khi con kênh Đại Vận hà nổi tiếng được vua Tùy Dạng Đế hoàn thành để tiện hành trình về vùng đất Giang Nam hưởng lạc. Ngày nay, Hàng Châu là thủ phủ tỉnh Chiết Giang, cách Thượng Hải 180 km về phía tây nam. Cũng như Tô Châu, đây là thành phố  có nhiều phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Trong khoảng nghìn năm gần đây, Hàng Châu là một trong những  thành phố nổi tiếng nhất Trung Quốc về sự thịnh vượng.

Hàng Châu được biết tới là nơi có những di tích lịch sử và thiên nhiên tươi đẹp. Thành phố được xếp vào danh sách 10 thành phố đẹp nhất Trung Quốc. Mặc dù, trong thời gian gần đây nhiều khu đô thị mới được xây dựng, nó vẫn giữ được nhiều di sản lịch sử – văn hóa có giá trị. Tới thành phố đã từng là thủ đô của Trung Quốc trong quá khứ, du khách không thể không thăm Tây Hồ rộng tới hơn 6 km2 . Cảnh quan văn hóa Tây Hồ đã được UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa thế giới năm 2011, và nó được miêu tả là có “ảnh hưởng tới việc thiết kế vườn ở phần còn lại của Trung Quốc cũng như ở Nhật Bản và Triều Tiên trong nhiều thế kỷ”. Cùng với Tây Hồ, Hàng Châu còn có rất nhiều di tich thắng cảnh khác như miếu Nhạc Phi, nơi thờ nguời anh hùng trong công cuộc chống giặc Kim do bị Tần Cối hãm hại mà chịu án tử hình; có tháp Lôi Phong, một ngôi chùa năm tầng hình bát giác nằm ở bờ nam Tây Hồ được xây dựng từ năm 975 (ngôi chùa hiện nay được trùng tu năm 2002). Hàng Châu còn nổi tiếng về tơ lụa và Long Tỉnh là tên loại trà đặc biệt được sản xuất ở đây đã được du khách bốn phương ưa chuộng.

Những thông tin về danh lam thắng cảnh hay sản vật đặc sắc ở Hàng Châu chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy trên các trang thông tin du lịch bằng nhiều thứ tiếng lâu nay. Những năm gần đây, ở Hàng Châu còn nổi tiếng với Tống Thành, một  công viên chuyên đề nổi tiếng toàn Trung Quốc, hàng năm có tới 6 triệu lượt nguời đến thăm. Nó được xây dựng theo phương châm “kiến trúc vị hình, văn hóa vị hồn” (cái hồn văn hóa sau hình dáng kiến trúc). Hàng Châu (tên cũ: Lâm An) là kinh đô triều Nam Tống (1127 – 1279) sau khi nhà Tống chịu mất vùng đất phía bắc vào tay tộc Nữ Chân nhà Kim. Mặc dù đã mất quyền cai quản khu vực nền móng của nền nông nghiệp Trung Hoa quanh dòng sông Hoàng Hà, nhưng nền kinh tế nhà Tống không suy sụp. Với dân số  chiếm gần 60% toàn bộ dân số Trung Hoa thời bấy giờ tập trung canh tác trên vùng đồng bằng sông Trường Giang màu mỡ, nền nông nghiệp Trung Quốc lúc này có rất nhiều thành tựu. Trên diện tích 3,2 ha, Tập đoàn Tống Thành (do Hoàng Xảo Linh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị)  đã xây dựng một công viên văn hóa đồng thời là phim trường bao gồm các khu vui chơi ấn tượng trong  không gian văn hóa, kiến trúc cổ thời Tống được tái hiện đầy đủ. Từ những góc nhà, những góc cổng thành, những đường phố, những khu sinh hoạt văn hóa, đến những chi tiết trang trí, hoa văn hay trang phục của người bán hàng, của lính canh, của các viên thư lại, …. tất cả đều mang phong cách đặc trưng thời Tống sau lời đón chào ngay từ cổng vào: “Cho tôi một ngày, tôi sẽ trả lại bạn một nghìn năm”. Đây là “một nghìn năm” trước vào thời Tống. Ở đây, du khách có thể trực tiếp tham gia những sinh hoạt trong cuộc sống của nguời Trung Quốc đời Tống như “ném tú cầu kén rể”, “rước kiệu cô dâu”, … thăm một ngôi nhà bề thế, một thư phòng với những “giá”, “kệ” sách của gia đình giàu truyền thống thư hương tới những căn nhà xuềnh xoàng với cái cổng vào đã hư hỏng tưởng chừng sắp đổ của nguời bình dân từ hơn nghìn năm trước; tận mắt chứng kiến những nguời thợ thủ công làm đồ gốm, rèn dao kéo, chế biến các món ăn đường phố… theo lối cổ truyền  cùng với nhiều trò chơi mới lạ, hấp dẫn đặc biệt với giới trẻ. Ở đây, các nhà làm phim “cổ trang” đã có sẵn mọi điều kiện để đưa nguời xem trở về với quá khứ hàng ngàn năm về trước một cách chân thực hiếm có.

Hấp dẫn nhất trong Tống Thành là màn trình diễn “Tống thành thiên cổ tình”, một màn biểu diễn gần như “tạp kỹ” ở nước ta trong nhà hát chứa được gần  năm nghìn chỗ ngồi. Tống Thành Thiên Cổ Tình của Hàng Châu được xếp ngang với show “0” của Las Vegas (Mỹ) và show Paris Lido (Pháp) và thuộc nhóm những chương trình nghệ thuật hoành tráng và đáng xem nhất trên thế giới.

“Tống thành thiên cổ tình”, tái hiện những giá trị văn hóa đặc sắc nhất của Hàng Châu qua 5 màn biểu diễn mà nguời xem hoàn toàn cảm nhận bằng thính giác và thị giác thông qua âm nhạc, vũ đạo và ánh sáng. Chương trình  kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ, tái hiện một cách hoành tráng lịch sử hình thành và quá trình phát triển, đi kèm với những giai thoại nổi tiếng của vùng đất Hàng Châu tươi đẹp và hiền hòa. Tống Thành Thiên Cổ Tình tái hiện đất Hàng Châu từ thời nguyên thủy khi con người tìm ra lửa, giúp nguời xem chứng kiến lễ mừng thọ nhà vua với bao lễ vật khắp nơi đưa về cùng những màn múa vô cùng đặc sắc; phô diễn nhiều giai thoại nổi tiếng của Trung Hoa đời Tống như chuyện vị tướng tài Nhạc Phi, chuyện tình Lương Sơn Bá -Chúc Anh Đài, truyền thuyết Thanh Xà – Bạch Xà… Thưởng thức buổi  diễn, bạn sẽ phải kinh ngạc với những tiếng súng đại bác nổ đinh tai ngay trước mắt, những chú ngựa thảo nguyên hùng dũng chạy nước kiệu trên sân khấu, đến cả lửa cháy ngút trời trong chiến tranh tàn khốc, cảnh tuyết rơi trắng xóa, thác nước đổ ào ào mà những khán giả ngồi cách sân khấu chừng 20 hàng ghế có thể cảm nhận những hạt bụi nước lạnh toát cùng ánh sáng muôn màu sắc đầy lãng mạn… Những nguời thực hiện chương trình đã khéo léo kết hợp tài nghệ của diễn viên cùng âm thanh đa dạng dựa trên những nét nhạc cổ truyền và công nghệ ánh sáng hiện đại để cuốn hút nguời xem trong suốt buổi diễn. Trong phòng diễn 4.700 chỗ ngồi, hàng ngày, Tống thành thiên cổ tình biểu diễn 9 buổi. Từ khi ra đời đến nay đã biểu diễn hơn 18.000 buổi (buổi biểu diễn hôm tôi tới xem ngày 4.11.2015 là buổi thứ 18.060, đã tiếp đón hơn 56 triệu khán giả. Bảng điện tử phía trên sân khấu có hiển thị nội dung này nhưng số khán giả đã xem tôi không kịp nhớ).

Lần đầu tiên tôi được xem xiếc Trung Quốc  khi đoàn xiếc Tề Tề Cáp Nhĩ sang biểu diễn ở Hà Nội sau Tiếp quản thủ đô (1955) ở Nhà hát Nhân dân (địa điểm Cung Văn hóa Việt – Xô bây giờ). Đây là đoàn xiếc cấp tỉnh ở Trung Quốc (Tề Tề Cáp Nhĩ là thành phố thuộc tỉnh Hắc Long Giang, một tỉnh thuộc dạng “vùng sâu vùng xa” ở đông bắc Trung Quốc). So với đoàn xiếc tư nhân Tạ Duy Hiển của ta lúc bấy giờ, trình độ của đoàn xiếc Trung Quốc không quá chênh lệch (theo cảm nhận của tôi là một bảy hoặc tám, một mười). Lần này sang Trung Quốc, được xem xiếc ở Bắc Kinh, tôi đã thấy sự chênh lệch khó tin. Mặc dù được giới thiệu là đoàn xiếc địa phương, nhưng nhìn vào cái rạp khá bình dân, tôi có cảm giác đây chỉ là một đoàn xiếc cấp quận, huyện của Bắc Kinh. Một ngày,  biểu diễn 6 suất với khoảng 9 – 10 lựa chọn trong 14  tiết mục và buổi nào cũng kín chỗ trong rạp hơn nghìn ghế ngồi. Xem diễn viên họ nhảy múa, nhào lộn, đu dây, đi xe đạp, .. những tiết mục quả thực không xa lạ nhưng vô cùng điêu luyện, thành thục, tôi ngậm ngùi vì không biết tới thế kỷ thứ bao nhiêu, xiếc Việt Nam mới có thể sánh vai. Ở Hàng Châu, Tống thành thiên cổ tình cũng là một tiết mục do địa phương dàn dựng. Tác giả và đạo diễn là Hoàng Xảo Linh, đồng thời là Chủ tập đoàn Tống thành. (trong nhiều bài viết về Tống Thành thiên cổ tình ở ta, thấy ghi đạo diễn là Trương Nghệ Mưu. Nhưng trong pa-nô quảng cáo tại chỗ và cuốn sách  giới thiệu về Hoàng Xảo Linh, Tống Thành và Tống Thành thiên cổ tình bán 20 “tệ”, không có một chữ nào nhắc tới đạo diễn họ Trương. Tìm hiểu thì được biết Trương Nghệ Mưu chỉ là nguời có những góp ý. Cuốn sách nói Hoàng Xảo Linh được giới doanh nghiệp coi là “ Trung Quốc lữ du diễn nghệ đệ nhất nhân”). Ông là nguời sinh ra ở Hàng Châu năm 1958, đã từng tham gia quân đội, sau đó giải ngũ và hiện được coi là một thương nhân thành đạt của Trung Quốc. Gần năm trăm diễn viên cũng chủ yếu là các nam thanh nữ tú của Hàng Châu, của Chiết Giang. Tuổi của họ còn rất trẻ nhưng vì được đào tạo bài bản, có ý thức nghề nghiệp cao nên những tiết mục ca, múa, xiếc, võ thuật, … do họ thể hiện đều không thể chê vào đâu được! Ý tưởng độc đáo, nghệ thuật điêu luyện, kỹ thuật siêu việt, … nhưng nguời Trung Quốc rất biết tiết chế cho nên khán giả luôn luôn trong trạng thái thèm thuồng, nuối tiếc và chờ đợi. Đưa được 3 khẩu đại bác lên sân khấu quả không phải đơn giản, nhưng họ chỉ cho nổ có ba phát làm chuyển rung cả khán phòng, khiến khán giả đinh tai nhức óc rồi chấm dứt; đưa 4 chú ngựa của thảo nguyên lên trình diễn cũng đâu dễ dàng, nhưng cả 4 chú ngựa cũng chỉ xuất hiện khoảng chưa tới 15 giây đã khuất bóng sau cánh gà; rồi cảnh những thác nước ào ào, những trận mưa tuyết trắng xóa, .cảnh hàng trăm vũ nữ với xiêm áo lộng lẫy, hàng trăm chiến binh với mũ giáp, kiếm đao tề chỉnh, … đều cần sự chuẩn bị công phu nhưng tất cả đều trong tình trạng khán giả chưa kịp cảm nhận đã chuyển sang những cảnh hấp dẫn hơn.

Sau những đêm thưởng thức biểu diễn nghệ thuật, sau khi chứng kiến những tuyến đường giao thông đủ mọi loại, những phố phường sạch sẽ và  ngăn nắp cùng nhiều mặt trong đời sống ở những nơi đã qua, tôi cứ băn khoăn tự hỏi: cái nước Trung Quốc, cái nguời Trung Quốc mà ta đang coi là bạn vàng  để ôm hôn thắm thiết, để kết giao nghĩa tình bền chặt hình như đó không phải là những nguời của đất nước có hơn 5.000 năm lịch sử, không phải là nhân dân Trung Quốc với những phẩm chất tốt đẹp đã làm nên biết bao kỳ tích. Những kẻ đang tìm mọi cách lấn biển đảo của cha ông chúng ta để lại; những kẻ nhận thầu bao công trình xây dựng trên khắp đất nước ta mà cố tình chây ì, không chịu hoàn thành để lại biết bao hệ lụy cho nguời Việt Nam phải gánh chịu; những kẻ phun tẩm  chất kích thích tăng trưởng, chất bảo quản độc hại để đầu độc, để ngầm hãm hại nguời Việt Nam chúng ta; … đó đâu phải là nguời Trung Quốc chân chính lương thiện. Đó có lẽ chính là những kẻ cặn bã nhất của đất nước Trung Hoa vĩ đại mà không hiểu sao nguời ta cứ cố kết giao!

Hay “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”?

 

 

5 BÌNH LUẬN

  1. Bạn thắc mắc là “tại sao người ta vẫn kết giao” vì bạn chưa học lịch sử và chính trị đến nơi đến chốn, bạn cũng không biết thế nào là “địa chính trị” và bạn càng ngây thơ không hiểu thế nào là hai chữ Hòa Bình, có lẽ lúc đất nước trải qua 10 ngàn ngày Chiến tranh bạn còn nhỏ ngây ngô chửa biết gì…hay bạn đang học ở nước ngoài…tôi đóan thế !

    • Vâng, xin cám ơn cái lịch sử xuyên tạc, cái chính trị nô bộc và cả cái địa chính trị cùng cái hòa bình trong đớn hèn của bạn. Những điều bạn đoán đều sai cả, tôi đã trải qua cả 3 cuộc kháng chiến, trong đó có cuộc chống Tàu năm 1979. Ai cũng hiểu, chẳng qua là “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã thôi”.

  2. cảm ơn chia se của bác ạ.
    Tôi đang ở Nhật, 90% đồ dùng hàng ngày (trừ rau cỏ, thực phẩm…) là đồ xuất xứ từ Trung Quốc.
    Bài của bác nhiều điều , nhiều nội dung đó. Tôi chỉ xin chia se 1 ý, đó là về đoạn cuối, vì sao đồ kém chất lượng Trung Quốc lại vào Việt Nam.
    Tôi cho rằng, đó là do phía Việt Nam chúng ta, chứ không hẳn do phía bạn Trung quốc. Hàng Trung Quốc rất nhiều hàng xịn, tàu cao tốc chạy 300km giá vé chỉ khoảng 300nghin Vnd… Nên đặt câu hỏi khách quan hơn, là tại sao dân ta/ nước ta /hải quan ta chỉ nhập đồ kém chất lượng?
    Nước Nhật cũng như nhiều nước khác cũng rất nhiều đố Trung Quốc đó.
    Mong nhận được phản hồi của bác về ý kiến của tôi ạ.

    • Rất cám ơn và xin chia sẻ những suy nghĩ của bạn. Trong loạt bài về Trung Quốc nhân dịp đi thăm 4 năm trước (đã đăng) tôi cũng có những nhận xét như vậy.

  3. @Bác Bim Pham.

    Thương nhân Việt nhập khẩu hàng TQ về, có thế nào thì bà con dùng thế. Hàng rẻ tiền thì dễ bán, quay vòng vốn nhanh, vừa thu nhập của người lao động nhất là ở nông thôn (có nơi người dân còn so sánh khẩu phần lương thực của tù nhân còn hơn của người dân, theo phát biểu của một vị chức sắc đứng đầu ngành đầy quyền lực).

Trả lời Trung Hiếu Chế Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here