Mấy hôm nay, mạng xã hội loạn hết cả lên chuyện các trường Sư phạm tuyển thí sinh chỉ cần trung bình 3 điểm một môn. Có người gọi là “thảm họa”, có người gọi là “thất bại”, thậm chí có người còn gọi là giáo dục Việt Nam đã xuống tới đáy, …

Nhưng theo dõi giáo dục Việt Nam mấy chục năm nay, tôi cho rằng đây chính là một việc đúng quy trình, là việc tất yếu, chẳng có gì phải bàn cãi.

Từ hơn 70 năm nay, nhìn một cách tổng thể, giáo dục Việt Nam ngày càng xuống cấp, luôn trong tình trạng năm sau yếu kém hơn năm trước. Cứ so sánh trình độ, năng lực của học sinh qua nhiều thế hệ là đủ rõ. Ngoài một số ít người do sự quan tâm của gia đình được dạy dỗ một cách tử tế (tìm thầy giỏi trong nước hoặc du học nước ngoài), phần lớn học sinh đều được thụ hưởng một nền giáo dục lạc hậu, mấy năm trước đã thua cả Cam-pu-chia (đến năm nay không biết còn hơn được ai nữa không). Nhưng kết quả thi cử hàng năm thì luôn luôn năm sau cao hơn năm trước, cho tới kỳ thi vừa qua, nơi nơi đều đỗ trên 99%. Thử hỏi, còn cần thầy giỏi để làm gì?

Chẳng cần nói tới học trò, ngay các giáo sư tiến sĩ viết một chữ còn sai chính tả, hành văn một câu còn sai ngữ pháp. Vậy thì cần gì phải có thầy giỏi?

Ngước lên tầm cao, ngay những người đã từng tốt nghiệp đại học, đã qua những lớp chính trị cao cấp mà ăn nói còn ấp úng như ngậm hột thị, không bao giờ thoát khỏi những trang giấy do thư ký soạn sẵn; làm tới Bộ trưởng mà còn nói ngọng; làm tới “tứ trụ” mà trước các quan khách quốc tế vẫn “cờ lờ mờ”, thế thì còn cần thầy giỏi để làm gì?

Giáo dục rất phát triển về số lượng, trường lớp mở khắp nơi, nay đã phổ cấp trung học, có thể sẽ phổ cập đến cử nhân, thạc sĩ. Nhưng cái triết lý giáo dục thì gần một thế kỷ vẫn không thay đổi: cho học thật nhiều để ai cũng tự hào, để “sánh vai với các cường quốc năm châu” nhưng hạn chế hiểu biết đến mức thấp nhất có thể.

Tóm lại cái quy trình ấy là: nếu thầy giỏi, đào tạo được người giỏi giang, tài trí sẽ có ích cho đất nước nhưng “bọn chúng” sẽ rất khó cai trị, phải tìm cách tống hết ra nước ngoài; cần có thầy càng dốt càng tốt để nhào nặn những người có ngu ngốc, dốt nát nhưng sẽ dễ sai khiến. Người xưa đã bảo “nhân bất học bất tri lý”. Cho gọi là đi học để trở thành một lũ cừu vừa dễ “chỉ đâu đánh đấy”, vừa chẳng còn biết gì là luân lý lễ nghĩa, trước cái đê tiện của đám quan chức, họ không những không dám phản ứng mà thậm chí còn nhắm mắt làm theo. Thế là “cá mè một lứa” đưa xã hội trở về thời kỳ hỗn mang, mà trong cái láo nháo ấy, các quan chức tha hồ mà bòn rút, kiếm chác.

Cho nên đừng lo lắng hay thắc mắc.

Giáo dục chúng ta đang đi rất đúng hướng, rất đúng quy trình.

5 BÌNH LUẬN

  1. Thế thì Ngành GD đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ,cần được thưởng thêm vài Huân chương nữa?

  2. Thật lòng mà nói thì từ sau khi nghe tin 9 điểm 3 môn chính được vào học sư phạm để vài năm sau 21 tuổi đầu trở thành một giáo viên dạy bậc THCS thì con em VN chúng ta sẽ học được cái gì và sẽ trở thành một công dân ra sao? Nói đúng qui trình theo tác giả là quá đúng vì như chúng ta thấy kết quả của kỳ thi vừa qua đã nói lên điều gì?Tổ chức một kỳ thi với bao nhiêu lần họp báo,rồi thì tiếp sức mùa thi,rồi tư vấn khắp nơi trên toàn quốc,nơi nào cũng “rộn ràng”như lễ hội,nghe báo đài nói về cuộc thi gần như đây là kỳ thi khó khăn vô cùng và người vượt được vũ môn sẽ có cơ hội trở thành nhân tài của đất nước.Thế nhưng rốt cuộc rồi tỉnh thành nào cũng trên 90% ,có nhiều nơi nhiều trường đều đỗ 100%.Bỏ ra hàng tỷ tỷ đồng để đi tìm một vài phần trăm thí sinh trượt thì có phải vừa ngu muội vừa lãng phí chăng? Phải hạ điểm chuẩn để tìm cho đủ số sinh viên theo chỉ tiêu phân bổ thì các trường CĐ,ĐH của chúng ta đào tạo làm sao cho được những con người hữu dụng cho xã hội.?Nói mãi mà sao chẳng ai chịu nghe và càng ngày nền GD Việt Nam càng đi vào ngõ cụt thì chúng ta phải làm gì bây giờ?Thôi thì hãy nói theo tác giả mọi việc đều “đúng qui trình”!

  3. ” ta tuyển người dốt thì có thể dạy họ giỏi lên, chứ dùng người giỏi mà không trung thành thì rất nguy hiểm cho chế độ”. Mình nghe câu này từ 40 năm về trước từ một vị truỏng phòng chính trị của trường sp. đến bây giờ người ta vẫn áp dụng, dốt càng tốt miễn biết nịnh, biết cúng, biết vâng lời.

  4. Cháu xin trích lại một đoạn:
    Tóm lại cái quy trình ấy là: nếu thầy giỏi, đào tạo được người giỏi giang, tài trí sẽ có ích cho đất nước nhưng “bọn chúng” sẽ rất khó cai trị, phải tìm cách tống hết ra nước ngoài; cần có thầy càng dốt càng tốt để nhào nặn những người có ngu ngốc, dốt nát nhưng sẽ dễ sai khiến. Người xưa đã bảo “nhân bất học bất tri lý”. Cho gọi là đi học để trở thành một lũ cừu vừa dễ “chỉ đâu đánh đấy”, vừa chẳng còn biết gì là luân lý lễ nghĩa, trước cái đê tiện của đám quan chức, họ không những không dám phản ứng mà thậm chí còn nhắm mắt làm theo. Thế là “cá mè một lứa” đưa xã hội trở về thời kỳ hỗn mang, mà trong cái láo nháo ấy, các quan chức tha hồ mà bòn rút, kiếm chác.
    Vâng, chính xác quá bác ạ!

Trả lời NGUYEN HOAI TRAN Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here