Từ hai năm nay, đi lại trong thành phố, trừ những khi tiết trời mát mẻ hay ấm áp có thể đi xe đạp, còn thường ngày tôi đi xe buýt. Trải nghiệm qua hai năm, thấy xe buýt quả là tiện lợi. Thường xe chạy khá đúng tuyến, đúng giờ nếu không bị tắc đường. (Còn khi đường đã tắc thì chắc chỉ còn cách đi trực thăng may ra mới không bị lệch giờ, sai hẹn). Khi mưa gió hay rét mướt, ngồi trên xe buýt được ấm áp. Khi nắng hè đổ lửa, ngồi trên xe buýt rất mát mẻ. Giá xe buýt, nhất là sử dụng vé tháng, thật rẻ. Hàng ngày đi làm, tôi phải đi 2 tuyến, nếu cứ “đằng thằng” phải mất 28.000 đ. Nhưng nhờ mua vé tháng (100.000 đ/tháng) mỗi ngày tính ra mất có chưa đến 5.000 đ.

Đi xe buýt còn có cái thú ngắm phố phường. Nếu sử dụng xe đạp, xe máy làm phương tiện di chuyển, người ta như phải “cắm” mặt xuống đường phố, luôn cảnh giác đề phòng, tay “ga”, chân “phanh”, không một chút lơ là nếu không muốn “đo đường”, sự cố. Nhưng ngồi trên xe buýt, ở thế cao hơn, đôi mắt có thể phóng ra xa ngắm nhìn, và không ít lần, tôi đã bỗng như phát hiện được những điều mà hàng chục năm không nhận ra. Và tất nhiên, nếu đường phố quá đông đúc, cảnh vật nhàm chán, người ngồi trên xe lại có thể tha hồ “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” mà đố ai dám nếu dang ngồi trên xe máy.
Có người phàn nàn về thái độ cư xử của những người phục vụ trên xe buýt. Tôi không dám bác bỏ, nhưng qua hai năm tôi thấy những biểu hiện thiếu văn hóa là quá nhỏ, có lẽ chỉ dưới 1%. Mà ở đâu chẳng vậy, có người thế này kẻ thế khác. Người đi xe buýt đâu cũng đã trọn vẹn cả trăm phần trăm? Ngay hiệu trưởng một trường đại học còn buông những lời thô lỗ tục tằn như kẻ đầu đường xó chợ thì trách sao ở chốn tàu xe xô bồ.
Người có tuổi đi xe buýt thường được “cánh trẻ” nhường chỗ. Có những người rất “tự giác”, thấy người cao tuổi bước lên xe là đứng dậy, nhường. Nếu có ai thiếu tự giác đã có phụ xe nhắc nhở, thậm chí là “cưỡng chế”. Dù đã ngoài 70, nhưng tôi chưa bao giờ dám coi chuyện được nhường chỗ nơi công cộng là một đặc quyền. Khi được nhường, nếu đi chặng ngắn, tôi thường cám ơn rồi từ chối. Nếu đi chặng dài ra ngoại thành, để tránh người khác phải nhường, tôi thường đi tới đầu bến dù phải đi xa hơn. Lên xe từ đây, chắc chắn sẽ có chỗ ngồi. Vì tôi cứ “suy bụng ta ra bụng người”, đứng trên xe dăm ba cây số còn có thể, chứ đứng vài ba chục cây số thì rõ ràng chẳng ai muốn, dù đó là những người đang tuổi “sức dài vai rộng”.
Mỗi khi được nhường chỗ, tôi thường “cám ơn” hai lần. Một lần khi thấy dấu hiệu người nhường sẽ đứng lên, và một lần sau khi đã yên vị trên cái chỗ được nhường. Phải nói tới hai lần vì muốn tỏ rõ lòng biết ơn thực sự chứ không phải lời đãi bôi, nói theo thói quen. Người nhường chỗ cho tôi, có khi đứng lên ngay bên cạnh, có khi bước ra xa rồi đứng để đi tiếp. Hai năm, tôi đã được nhường chỗ bao nhiêu lần, không thể nhớ hết. Nhưng xin thú thật, có nhiều lần, được người khác nhường chỗ, ngồi trên cái ghế êm ái, hưởng gió mát lạnh từ điều hòa trên xe mà tôi vẫn áy náy suốt cả chặng đường, đôi khi đã xuống xe mà đầu óc vẫn còn “vương vất”. Đó là khi người nhường, có khi hoàn toàn không phải do phụ xe nhắc nhở, nhìn thấy tôi thì lập tức đứng lên, hầu như vô cảm, mặt không biến sắc, quay nhìn chỗ khác. Những khi ấy, tôi luôn có cảm giác hình như mình đã “cướp” một tiện nghi của người khác lẽ ra mình không được hưởng. Người đã nhường chỗ cho tôi có khi cũng chẳng “thèm” nghĩ ngợi gì, nhưng người được nhường chỗ như tôi không khỏi những áy náy.
Thích nhất là gặp người trước khi hay đồng thời với động tác đứng lên, nói một câu nhỏ nhẹ: “Bác ngồi đây ạ!” hay: “Mời ông ngồi!”. Chỉ khi ấy, tôi mới thấy sự tự nguyện để tiếp nhận được nhường nhịn của người đi cùng một chuyến xe.
Và cùng với lời nói nhẹ nhàng ấy, nếu người nhường chỗ lại nở một nụ cười thì thật là “tuyệt vời ông mặt trời”!

4 BÌNH LUẬN

  1. Tôi cũng rất áy náy và ngượng ngùng khi có người nhường chỗ cho mình, vì cứ nghĩ người ta đi làm đi học còn mình là lão già về hưu chịu khó đứng cũng được mà.
    Vì thế tôi nghĩ các cụ nên tránh đi vào giờ cao điểm.

  2. Tôi cũng sử dụng xe buýt hơn 2 năm nay rồi. Trong tất cả các phúc lợi công cộng mà nhà nước hiện nay đang cố gắng đem lại cho người dân thì có lẽ hệ thống xe buýt công cộng ở Hà Nội là đáng khen nhất. Trong tp HCM cũng khá tốt nhưng không hiểu sao nó chỉ được phục vụ đến 7g30 tối. Khi được nhường ghế, tôi không bao giờ quên câu cám ơn và nếu đi một đoạn ngắn tôi cũng cám ơn rồi từ chối và còn nói đùa “Cháu để cho bác làm thanh niên, chưa muốn già đâu”. Đùa như thế, mình cũng thấy vui và các cháu cũng nở những nụ cười thân thiện.

  3. He he, thành phố hiện đại nào người dân chả dùng các phương tiện giao thông công cộng. Chỉ có cái xứ mình mới mỗi người một xe máy phóng ào ào, làm cho không thể nào phát triển được hệ thống xe buýt công cộng, dồi thì lại đổ tội cho xe buýt chạy chậm nên phải dùng xe máy! Há há há!

  4. Bác Duong Dinh Giao có nhận xét rất tinh tế: sự nhường nhịn của người trẻ cho người già trên xe bus & nơi công cộng hiện nay thường là ko thực tâm, họ vô cảm & ko nghĩ ngợi gì, có chăng vì họ sợ bị phụ xe nhắc nhở hoặc mọi ánh mắt mọi người nhìn vào thôi…

Trả lời Duc Hanh Nguyen Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here