Nói tới những công trình kiến trúc của Thiên Chúa giáo ở các tỉnh phía bắc, người ta thường nói tới nhà thờ Phú Nhai ở Hải Hậu, Nam Định, nhà thờ đá ở Phát Diệm, Ninh Bình … nơi có những tòa Thánh đường rất nổi tiếng. Do một bạn FB mách bảo, sau những ngày mưa dai dẳng, hôm qua, tôi đã vượt quãng đường hơn trăm cây số tới Đan viện Xito Châu Sơn (thuộc xã Phú Sơn, huyện Nho Quan, Ninh Bình). Ít người biết Tòa thánh đường này vì nó nằm sâu trong một làng quê hẻo lánh, xa trục đường chính, dưới chân núi. Ngay khi đã tới gần, cũng phải rẽ vào một lối đi khuất nẻo (phải có biển chỉ dẫn phía ngoài nếu không chắc chẳng ai để ý).


Nhưng chỉ cần đi thêm chừng vài chục mét sau cái góc khuất ấy, một khung cảnh thoảng đãng mở ra trước mắt. Tòa Thánh đường nằm sừng sững giữa cây xanh, hồ nước và phía sau là những ngọn núi cao.
Với phong cách kiến trúc Gothic, lại được xây bằng gạch mộc, không hề trát vữa quét vôi như các nhà thờ hoặc các công trình khác (không rõ do những nguyên nhân nào) nhưng chính cái thô mộc giản dị bên ngoài đã tạo cho nhà thờ có một vẻ đẹp khác biệt. Thật độc đáo khi gần ba phần tư thế kỷ đã trôi qua, những bức tường dãi dầu nắng mưa vẫn thắm màu son, không hề một chút rêu phong.
Ngôi thánh đường theo dòng Khổ Tu này được xây dựng vào năm 1939, hoàn thành năm 1945 bởi sự khấn nguyện và tiền cúng của cha Phêro Trần Đức Trường. Hiện tại có tấm bia khắc ngay dưới chân nhà thờ ghi nhận ca ngợi công đức của cha Phêro.
Cùng tham gia xây dựng còn có kiến trúc sư chính là một vị linh mục trong Đan viện: Cha Placiđô Trương Minh Trạch chưa từng học qua trường lớp kiến trúc hay xây dựng nhưng ông tự mình nghiên cứu, mày mò thiết kế và trực tiếp chỉ huy thi công nhà thờ này. Ông không thiết kế cụ thể trên bản vẽ như những kiến trúc sư khác mà tất cả chỉ hình dung trong trí óc. Từng đường nét, từng viên gạch đã được hình thành dần dần trong trí tưởng tượng và ông đã chỉ bảo rất chi tiết cho những người thợ xây dựng nên. Trong cuộc đời cha Placiđô (khi đó là một vị tu sĩ trẻ), ngôi nhà thờ Châu Sơn là kiệt tác đã được ông dồn hết tâm huyết để kiến tạo.
Thánh đường quay về hướng Đông, bức tường bao quanh dày tới 0,6 m, chỗ có cột dày 1,2 m, tạo sự ấm áp về mùa đông và mát mẻ về mùa hè đồng thời, đảm bảo sự tĩnh lặng gần như tuyệt đối giúp con người chỉ hướng về Đấng Tối cao. Tường được trang trí hài hòa bởi các cửa sổ chia thành hai tầng trên và dưới, phía trong là cửa kính gỗ, phía ngoài chính là những bức tranh “chạm thủng” họa hình các Thánh, hình Chúa Giêsu vác Thánh giá và cầu nguyện.
Nóc nhà thờ có những tầng tháp nhỏ xinh xắn nhưng tỉ mỉ chi tiết, chính giữa là cây thánh giá màu trắng sừng sững trên nền trời xanh. Bề mặt và những khung cửa sổ chính là những nét duyên dáng trang điểm cho ngôi nhà thờ những nét riêng chẳng giống nơi nào.
Nhìn từ hai bên, suốt chiều dài 64 m chính là những cột nhà được thiết kế thành những tháp nhỏ cân xứng
Phía trong, ánh sáng tự nhiên lọt vào hai hành lang rộng qua những cửa sổ lớn, tôn lên những hàng cột tròn và họa tiết trang trí hay những bức phù điêu đơn giản, nhưng đẹp đẽ.

Bước vào ngôi thánh đường, phải một lúc ta mới thấy những hàng ghế nằm im lìm trong bóng tối. Phía đằng trước chính điện là Đức Chúa Giêsu dưới ánh sáng mờ màu xanh nhạt. Ngoảnh lại phía sau, chỉ thấy hé một vài tia sáng lọt qua khe cửa. Thật thú vị khi được biết điểm khác biệt tại Đan viện này chính là trên mỗi khung cửa ra vào của thánh đường đều có hình một chữ cái La tinh như lời nguyện tắt, nhằm giúp các vị tu sĩ hướng lòng tới đức Chúa. Mái vòm trắng cao 21m là đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc ở đây, làm nổi bật gian cung thánh với các bức phù điêu màu tuyệt tác (biểu tượng Chúa Ba Ngôi, tượng Đức Mẹ, các Thánh).

Khách viếng thăm như lạc vào một thế giới khác, thế giới của các thiên thần, của những đứa trẻ mặc váy trắng muốt đang ngước mắt lên nghe lời kinh với đôi mắt sùng kính và ngưỡng mộ. Ngoài các tượng thánh còn có nhiều bức phù điêu chân dung các thiên thần, các hoa văn quanh cửa sổ. Trong không gian tĩnh lặng, trong bóng tối, giữa những hàng ghế mênh mông và Chúa ở trên cao, giây phút thật thiêng liêng khi được cùng lặng im, trong một dòng thời gian như ngưng đọng. Tiếng chim ríu rít trên vòm mái tòa Thánh đường chỉ khiến cho ta cảm thấy cái nhỏ bé hữu hạn của kiếp người trong khoảng không bao la của vũ trụ.

Phía sau nhà thờ, trên ngọn núi mà nhà thờ tựa lưng vào còn có hang Đức Mẹ Maria. Muốn tới hang đá phải trèo lên 299 bậc và dọc đường có rất nhiều cây thánh giá. Đó chính là những ngôi mộ chôn cất các vị linh mục đã mất tại đây. Cách tượng đài Đức Mẹ không xa là khu vực nuôi bốn cây Sồi và hai cây Olive. Sáu gốc cây này được đích thân Đức tổng Giuse Ngô Quang Kiệt nhờ người đưa trực tiếp từ Mỹ về, để sau khi lớn lên sẽ đặt vào Vườn Fatima. Khí hậu nơi cây sồi và cây Olive sinh trưởng rất giống với khí hậu Việt Nam nên khi đem về Đan Viện chỉ trong thời gian ngắn chúng đã phát triển rất xanh tốt.

Được biết đây là nơi tu hành của các tu sĩ dòng Khổ tu. Họ xa lánh cảnh đời phồn hoa, đô hội, tìm đến chốn thanh vắng để sống gần thiên nhiên, chăm chú vào việc chiêm niệm, cầu nguyện và tập rèn các nhân đức. Họ hoàn toàn cách biệt với cuộc sống bên ngoài. Cuộc sống của họ hoàn toàn không có đài, báo hay ti vi, việc giao tiếp với xã hội chỉ thông qua một số ít người đặc trách. Hàng ngày họ chăm chỉ công việc vườn ruộng, chăn nuôi để đảm bảo những nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống và một lòng hướng về Đức Chúa trong những buổi cầu nguyện. Một ngày mới của các tu sĩ bắt đầu từ lúc 3 giờ 40 sáng và đúng 4 giờ, tất cả đã có mặt trên Thánh đường cầu nguyện trước khi bắt tay vào những công việc quen thuộc hàng ngày.

Trên đường trở về, suốt hơn trăm cây số, tôi cứ mãi băn khoăn, vì sao, cùng là tới chốn linh thiêng, ở đây, mỗi bước chân, con người được đắm mình trong hương hoa đồng nội, còn ở một nơi khác, cũng trong quần thể những dãy núi đá vôi này, đường đi treo đầy những con vật hoang dã bị xẻ thịt?

cũng là tín ngưỡng mà nơi đây người ta hướng về Đấng tối cao trong âm thầm tĩnh lặng giữa cái bao la của đất trời, còn ở đâu đó, con người phải đua nhau trong sắc màu rực rỡ, trong xô bồ đua chen của những cái gọi là kỷ lục để câu khách?

cũng là tu hành, sao có những con người âm thầm đổ giọt mồ hôi lao động, sống cảnh đạm bạc khổ tu để theo đuổi chân lý, luyện rèn phẩm hạnh; lại cũng có những kẻ mang lốt tu hành nhưng theo đuổi những ảo ảnh với những khuôn mặt phủ phê mãn nguyện trong lụa là bằng những đồng tiền lẻ nhàu nhĩ từ các hòm công đức?

13 BÌNH LUẬN

  1. cãm ơn bài viết của ông Giao. Xitô phiên âm từ chữ Cistersien. Tôi hơi ngạc nhiên dưới chế độ CSCN mà đan viện này tồn tại, trong khi ở NhaTrang các tu viện Franciscain, Bénédictin thì các tu sĩ bị đuổi đi chỗ khác.

  2. Hôm Chủ nhật vừa rồi, cháu hứng lên nên ăn mặc đẹp hơn thường ngày. Rất nhiều người địa phương hỏi cháu vừa đi lễ về hay chuẩn bị đi lễ. Sau khi nhiều người hỏi quá, cháu ngạc nhiên nên hỏi vì sao họ lại hỏi cháu vậy; họ nói rang vì thấy cháu ăn mặc đẹp. Tự nhiên cháu lại nghĩ nhiều lúc ở Việt Nam, nhiều người (mà có khi ngay cả mình) đi lễ nhưng ăn mặc chưa được nghiêm túc lắm. Cũng vì mình vẫn cho rằng đi lễ chỉ để cầu lấy lộc, chứ ko phải đi lễ vì coi trọng tôn giáo, tín ngưỡng.

  3. Hay quá bác ah. Mặc dù không theo đạo nhưng đã từng thăm quan nhiều nhà thờ, nói chuyện với cha. Bây giờ được xem ảnh, đọc bài của bác thấy thú vị lắm. Chỉ tiếc ở chổ cháu, Đồng hới, Quảng bình mặc dù có di tích Tam toà mà không được xây nhà thờ.

  4. Một tìm tòi, trải nghiệm thật bổ ích và thú vị.
    Có lẽ từ Am, anh qua Xuân Mai, qua Phú Thành, qua Chi Nê, gần tới Nho Quan thì rẽ vào Đan viện…
    Nhớ lần vừa qua Têt, anh cùng tôi rong ruổi gần mạn đó, từ Xuân Mai, qua bìa rừng Cúc Phương,qua Cẩm phong, Cẩm Thủy, thành Nhà Hồ, tới Hà Trung rồi đi ngược lên…
    Nhớ lần anh đi xóa đói giảm nghèo, quá giang anh tới Hòa Bình, tôi đi xe khách qua Nho Quan, tới Chi Nê rồi ngược về Hà Nôi….
    Cả hai lần đó đều đi gần Đan viện…
    Có lẽ tôi phải qua nơi tuyệt vời đó…

  5. Gần sân bay Cam Ranh quê con cũng có một dòng Xi Tô như thế. Nhưng sau năm 1975 người ta đuổi các tu sỹ đi chỗ khác chỉ còn lại nhà thờ thôi. Nhà thờ xây bằng đá rất đẹp nên các đôi uyên ương thường vào chụp hình cưới.

  6. Qua bài viết của ông Giao, mình nghĩ tới vẻ đẹp của những ngôi chùa bình dị, xa đường quốc lộ, xa chốn phồn hoa đô hội. Ở những nơi như thế, người ta mới thấy hết sự thuần khiết của tôn giáo có khả năng tác động tới đời sống tâm linh của con người như thế nào.

  7. Đời sống của tu sĩ Xito là “ORA et LABOR” (Cầu Nguyện và Lao động ‘.Xã Hội hiên tai nhiều người hô hào “LAO ĐO^NG5 là
    VINH QUANG “nhưng chằng làm gì cà chỉ lấy ngón tay”CHỈ ĐẠO”

  8. Xin chân thành cảm ơn tác giả bai viết đã tìm hiểu, giới thiệu về Đan Viện Châu Sơn. Bài viết rất hay, tuy nhiên xin đưa ra một vài đính chính như sau:
    Nhà thờ Phú Nhai thuộc về xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định chứ không phải nơi huyện Hải Hậu. Tác giả nói: “Muốn tới hang đá phải trèo lên 299 bậc và dọc đường có rất nhiều cây thánh giá. “Đó chính là những ngôi mộ chôn cất các vị linh mục đã mất tại đây”. Các thánh giá đó là các chặng mười bốn đàng Thánh Giá chứ không phải là nơi chôn cất các vị linh mục đã mất tại đan viện. Các đan sĩ đã mất được chôn tại nghĩa trang riêng cách nhà thờ khoảng 700 m về phía Bắc. Đoạn tiếp có câu: “Cuộc sống của họ hoàn toàn không có đài, báo hay ti vi, việc giao tiếp với xã hội chỉ thông qua một số ít người đặc trách”. Nơi đan viện vẫn có tivi nhưng không xem hằng ngày mà chỉ tuỳ hoàn cảnh mới xem. Đan sĩ vẫn được tiếp xúc với internet nhưng với giờ giấc nhất định. Đan sĩ là những người sống tách biệt thế giới nhưng không xa thế giới. Đan sĩ cùng sống với bước tiến của thế giới và chia sẻ những thao thức của con người trong xã hội hôm nay.

  9. Khi đọc qua bài “Ngôi nhà mơ uớc”, rồi đến bài này, nhìn thấy được cái “tâm” của người viết. Điều gì, cái gì có thể hướng dẫn con người, hướng thượng chọn lựa sống như một con người tử tế, để có được cái tâm an bình, nhìn thấy, hoà nhập và thưởng thức được cái kì diệu của đất trời. Một nơi chốn, một xứ sở, một gia ình mà những con người sống trong đó – như một con người tử tế – vấn đề tâm linh, không thể không đặt lên hàng đầu. Thiết nghĩ, những cái “nhố nhăng” mà thế hệ trẻ ngày nay được định hướng và bồi đắp, để “chết” dần trong thế giới vật chất, đi lùi về thời con người chỉ thuần tuý là một sinh vật, thiếu mất cái “tâm”, cái “linh” như là sự “sống” thật mà con người cần có. Đọc qua những bài trong trang web này, biết thêm về một con người, một đại gia đình qua nhiều thế hệ, sự giáo dục trong gia đình, tôi nghiệm ra một điều: ông bà mình ngày xưa dạy dỗ con cháu để trở thành một người tốt, có cái “tâm” chân thật của một người tử tế.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here