Cuốn  sổ điểm (Tên đầy đủ của nó là : Sổ gọi tên và ghi điểm) từ xưa tới nay về cơ bản vẫn như nhau. Khổ rộng để có thể ghi hết danh sách học sinh một lớp khoảng 50 người cùng kết quả học tập từng môn trong 9 tháng suốt năm học. Sổ gồm hai phần chính, phần kiểm diện và phần ghi điểm. Phần kiểm diện ghi chép những ngày nghỉ (có phép hay không phép) của học sinh. Phần ghi điểm là quan trọng nhất ghi chép toàn bộ kết quả học tập của học sinh trong năm học, từ điểm kiểm tra miệng, đến bài thi học kỳ, điểm trung bình của môn học từng học kỳ và cả năm, nên thường được gọi tắt là Sổ điểm. Cũng còn có tên “Sổ cái” vì đó là sổ gốc, có giá trị pháp lý, được lưu giữ ít nhất trong nhà trường 5 năm. Nó là căn cứ để ghi kết quả học tập của học sinh  vào học bạ hay các loại giấy tờ khác. Sau này, mỗi khi học sinh bị mất học bạ khi đã ra trường, căn cứ vào sổ điểm còn lưu giữ, người ta có thể cấp lại học bạ nếu cần thiết.

Nhưng cách sử dụng cuốn sổ này trước và nay có nhiều cái không giống nhau

Trước đây, sổ điểm do văn phòng nhà trường bảo quản. Hàng ngày, lớp trưởng hoặc một học sinh có tín nhiệm được phân công tới văn phòng nhận sổ mang về lớp để ghi vào phần kiểm diện những học sinh nghỉ có hay không phép, sau đó sổ được đặt trên bàn giáo viên để  giáo viên từng môn trực tiếp ghi điểm của học sinh vào sổ khi kiểm tra miệng hay sau khi trả bài kiểm tra viết. Vì điểm do giáo viên trực tiếp ghi ngay khi kiểm tra nên nó có tính chính xác cao. Nếu giáo viên ghi nhầm, nguyên tắc quy định phải sửa lại bằng mực đỏ và ký xác nhận. Cuốn sổ trước đây nhìn không được đẹp mắt vì sử dụng hàng ngày. Bìa mặc dù được bọc thường bằng một tờ báo, nhưng các  trang nhiều khi không được phẳng phiu, có trang quăn góc,  có trang có những vết gấp. Điểm cũng ghi hàng ngày bởi nhiều người, màu mực không đồng nhất, nét chữ không giống nhau, nhưng về nội dung, nó đảm bảo chính xác, ghi lại trung thực kết quả học tập của học sinh.

Nhưng từ khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, cách sử dụng cuốn sổ này đã có nhiều thay đổi. Kinh tế khủng hoảng, số lượng học sinh tăng vọt, trường chẳng ra trường, lớp chẳng ra lớp, nhiều lớp học cái bàn giáo viên nhỏ quá, thậm chí không có, thiếu chỗ đặt cuốn sổ điểm, thế là không mang sổ tới lớp nữa. Lại thêm, học sinh quậy phá, hễ bị nhiều điểm kém là chúng sẵn sàng thủ tiêu sổ điểm, sổ đầu bài. Hiệu trưởng nhiều khi vô cùng đau đầu vì có nhiều sổ điểm bị thất lạc. Sổ điểm mà không còn thì làm sao theo dõi, đánh giá được học sinh?… Thêm một lý do chính đáng để không mang sổ lên lớp. Từ đó, điểm của học sinh chỉ được ghi vào sổ điểm cá nhân của giáo viên nên từng người có thể thay đổi, sửa chữa thoải mái tùy thuộc vào tình cảm của thầy với học trò, kể cả loại tình cảm trên mức bình thường. Có những thầy có lối cho điểm thấp để “dọa” học trò. Khi học trò đã biết “sợ” thì thầy chữa lại điểm.

Từ ngày phong trào thi đua sôi nổi thì việc không ghi điểm ngay vào sổ chính lại càng “tiện” vì giáo viên tha hồ điều chỉnh điểm số của học sinh cho bằng chỉ tiêu cấp trên giao cho. Nghĩa là, người ta có thể làm đủ mọi thứ trước khi ghi kết quả  học tập của học sinh vào sổ chính. Nhiều cuốn sổ điểm riêng của giáo viên trông như những cuốn vở nháp vì gạch xóa, sửa chữa rất lem nhem. Điểm chỉ được ghi vào sổ chính mỗi khi được nhắc nhở, thậm chí để cuối học kỳ, cuối  năm ghi một thể.

Rồi người ta còn đưa thêm tiêu chuẩn sạch đẹp cho sổ điểm. Thế là cuốn sổ có tính chất pháp lý trước đây giờ chỉ còn là một vật trang trí. Cuốn sổ bây giờ chỉ được xuất hiện trong các cuộc kiểm tra của cấp trên và chờ tới cuối năm, hiệu trưởng ký xác nhận vào trang cuối.

Mặc dù vẫn có giá trị pháp lý nhưng cuốn sổ điểm của các lớp trông vẫn cứ “thế nào ấy”. “Thế nào ấy” vì nó không thật, nó không còn giữ chức năng ghi lại trung thực kết quả học tập của học sinh. Sổ nào cũng không một nếp nhăn, cuốn nào cũng sạch đẹp, những dãy số thẳng tắp, những nét chữ không hổ với danh hiệu “vở sạch chữ đẹp”. Nhưng những nội dung ghi trong đó phần nhiều là giả. Từ phần kiểm diện ghi ngày nghỉ của học sinh tới những cột điểm số. Tất cả đều đã được “mông má” cho đúng với yêu cầu của phong trào thi đua, đúng với ý muốn chủ quan của những người cần đến nó.

Sự ra đời và quy tắc sử dụng, bảo quản sổ điểm tôi tin chắc không phải là sản phẩm của các giáo sư tiến sĩ và chuyên viên đã cho ra đời những quy định kiểu như “cộng thêm điểm ưu tiên cho các bà mẹ Việt Nam anh hùng” của Bộ Giáo dục. Nó là kết quả của sự đúc rút kinh nghiệm tổ chức và quản lý giáo dục của một quốc gia có lịch sử lâu đời về lĩnh vực này là nước Pháp. Người Pháp đã đưa vào nước ta nền giáo dục mới, ngoài chương trình, sách giáo khoa còn có khoa học tổ chức và quản lý nhà trường trong đó có các loại sổ sách giấy tờ. Thật đáng tiếc khi những thành tựu của nền văn minh ấy đã bị loại bỏ phần nội dung đáng trân trọng, chỉ còn giữ lại cái vẻ ngoài rỗng tuếch.

Nghĩ cho cùng, ở nước ta hiện nay, có cái gì còn giữ được sự tốt đẹp, chân thực đàng sau cái hình thức bóng bảy hào nhoáng kia?

2 BÌNH LUẬN

  1. Bây giờ GV có thêm một “cuốn sổ” ghi điểm trên mạng nữa đó thầy ạ, sở GD buộc GV trung học cập nhật điểm vào mạng của sở để cán bộ sở ngồi máy lạnh kiểm tra việc ghi điểm của GV. Như vậy mỗi GV có đến 3 sổ ghi điểm, thêm rách việc cho GV thầy ạ.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here