Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, Hòa bình (1954), đại gia đình tôi trở về Láng. Ông Bà ngoại cho Bố Mẹ và anh em chúng tôi ở ngôi nhà  một tầng, bên cạnh biệt thự Song an xưa, nay chỉ còn là ngôi nhà hai tầng đổ nát do tiêu thổ kháng chiến.

    Ngôi nhà này Ông Bà  làm theo kiểu Tây từ năm 1942 bằng những vật liệu thừa khi xây dựng biệt thự Song An, lúc ấy đã có ý định sau này cho Bố Mẹ tôi. Tôi đã được sinh ra chính ở ngôi nhà này. Trước 1945, nhà có 3 gian, Bố Mẹ tôi chỉ ở có một gian, còn hai  gian cho ông Thế Lữ và bà Song Kim ở nhờ. Ở đây, ông bà Thế Lữ – Song Kim đã tổ chức tập kịch, những vở kịch nói đầu tiên của nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Trong cuốn Hồi ký của mình, bà Song Kim có nói đến ngôi nhà rất thoáng mát này. Nó được ông Thế Lữ đặt tên là “Biệt thự Gió bốn phương”.

     Khi cả đại gia đình nhà tôi đi tản cư tham gia kháng chiến, khu nhà đã có nhiều gia đình người Hoa tới ở. Khi chúng tôi trở về, họ dần cũng tìm được chỗ ở mới, duy có gia đình ông Phiêu nói không tìm được nhà. Bà Ngoại tôi đề nghị ủy ban xã giải quyết thu xếp chỗ ở cho ông ấy để trả nhà cho chúng tôi, thì được trả lời, đại ý:

– Mối tình đoàn kết Việt Hoa,

Vừa là đồng chí, vừa là anh em.

Gia đình cách mạng đã theo kháng chiến nên giữ mối tình đoàn kết ấy.

 

    Ông Bà tôi để đảm bảo cho cuộc sống của đại gia đình đã bố trí để ông Phiêu ở một gian trong căn nhà gia đình tôi đang ở. Ông Phiêu sửa chữa, làm thêm một ít ra sân cho vợ chồng Chi Lăng (người con trai) mới cưới. Phía trước, ông Phiêu dọn một hàng nước nhỏ. Còn nhà tôi sửa chữa căn nhà phụ để thêm diện tích ở. Thế là ổn. May cả hai ông bà dù khác chủng tộc nhưng cũng là người tử tế (tôi đã nói tới họ khi nhớ về “Ông Bà tôi”). Trong suốt nhiều năm ở chung, hai nhà thân thiện, không có điều tiếng gì.

    Đến năm 1979, xảy ra vụ “nạn kiều”, người Hoa không còn được “ưa chuộng” nữa. Họ chuẩn bị rời khỏi Việt Nam.

     Một hôm, có  bà dưới làng lên nói với Mẹ tôi là ông Phiêu đang gọi người bán nhà. Mẹ tôi hỏi, ông Phiêu xác nhận là đúng, người ta đang trả 6.000 đồng. Mẹ tôi tỏ ý không hài lòng, vì nhà là của Ông Bà tôi, cho gia đình ông ở, bây giờ ông đi thì phải trả lại nhà cho gia đình tôi, sao có thể bán được. Ông Phiêu nói, thực ra ý định này là của Chi Lăng, người con trai chứ ông bà ấy cũng không muốn làm thế. Nhưng cũng đang cần tiền đi đường, lênh đênh nơi biển khơi cũng cần nhiều tiền lắm. Bố Mẹ tôi và ông bà Phiêu đã thương lượng và cùng thỏa thuận: Bố Mẹ tôi sẽ gửi ông bà Phiêu một số tiền bù đắp vào việc ông bà ấy đã sửa chữa, làm thêm diện tích khi mới tới  ở  (thời gian này đất rất rẻ, có thể dễ dàng xin được 100 m2 đất ở ngay các xã nay thuộc quận Đống Đa, Cầu Giấy hay Tây Hồ, …, vật liệu gạch, ngói, xi măng làm nên ngôi nhà mới có giá trị rất lớn), đồng thời, giúp đỡ một số tiền để  ông bà ấy thêm vào chi phí đi đường. Ông bà ấy cũng biết gia đình tôi toàn là viên chức nhà nước, rất nghèo, nên cũng không có đòi hỏi gì cụ thể, Bố Mẹ tôi chỉ hứa sẽ cố thu xếp để có nhiều tiền nhất đưa cho họ. Sau đó, nhờ bán mảnh đất Ông Bà cho từ trước (bây giờ là số nhà  1210 và 1212), được 2.000 đồng, Bố Mẹ tôi đưa cả cho ông Phiêu. Ông Phiêu vui vẻ nhận và ra đi.

    Hôm gia đình ông bà ấy lên đường, Mẹ tôi cũng mua quà bánh đưa tiễn chu đáo. Gia đình tôi chỉ cần phá mấy hàng gạch bịt cái cửa ra vào trước đây tạm ngăn cách giữa 2 nhà. Hôm đi dạy học về, thấy nhà rộng hẳn ra. Đồ đạc chẳng có gì. Những cái gì không mang đi được, gia đình nhà vợ Chi Lăng bên Cót đã mang hết về. Chỉ thấy mấy tảng đá to đùng trước đây, ông Phiêu dùng để đập thiếc. Sau này, khi sửa chữa nhà, không làm thế nào chuyển đi được, chúng tôi đành vùi nó xuống dưới nền nhà. Nói để mọi người biết, nếu có dịp đào thấy sau này. Không cẩn thận lại tốn khối giấy mực để tranh cãi xem đây có phải là di tích kiểu như Hoàng thành hay không. Các nhà khảo cổ và sử học Việt Nam khá giàu trí tưởng tượng, đã có biết bao việc biết là nhầm lẫn mà nhất định không chịu cải chính.

    Việc tưởng như thế là xong. Nhưng không phải!

    Ở trong làng lúc ấy hình thành hai phe (chưa gọi là phường, cơ quan hành chính được gọi là Ban đại diện hành chính tiểu khu, trụ sở làm việc còn phải nhờ Chùa Láng), một phe ông T., người địa phương làm  chủ tịch và phe ông Ch., người miền nam tập kết làm rể làng, bí thư chi bộ. Nguyên nhân tại sao thì tôi không quan tâm. Phe ông T. vì là người địa phương, biết ngọn ngành câu chuyện cho rằng ông Phiêu trả lại nhà cho gia đình tôi là hợp lý, gia đình tôi có quyền nhận và đã cư xử chu đáo. Còn phe ông Ch. thì buộc gia đình tôi vào “tội” lấn chiếm trái phép nhà của người Hoa. Cứ mỗi lần đi họp chi bộ về là Mẹ tôi nước mắt ngắn nước mắt dài, rồi phải ngồi viết bản kiểm điểm. Kiểm điểm cứ viết đi viết lại vì Mẹ tôi luôn bị coi là chưa thành khẩn. Chi bộ buộc Mẹ tôi nhận “tội lấn chiếm”,  phải trả lại nhà cho nhà nước. Chi bộ có quyết định chính quyền phải niêm phong nhà nhưng ông T. chủ tịch nhất định không thực hiện. Cứ lằng nhằng như thế suốt mấy tháng trời. Chỉ khổ cho Mẹ. Về hưu rồi nhưng không thể bỏ chi bộ được, vì tôi còn hai chú em đang đi học. Lôi thôi là “chết” ngay!

Một hôm, đi dạy học về, với vẻ rất nghiêm trọng Bố gọi tôi vào,  bảo:

– Phen này thì gay rồi con ạ!

     Và đưa cho tôi xem Thông báo của Ủy ban quận. Nội dung thông báo là: đến ngày 12 tháng 5 năm 1980 sẽ đến niêm phong gian nhà của ông Phiêu trước đây và giao cho Cửa hàng lương thực quận sử dụng làm nơi bán hàng. Dấu đỏ, chữ ký rõ ràng. Tôi cũng nghĩ phen này chắc không còn làm gì được. Uất mà phải chịu. Tôi hiểu mình “uất” một thì Mẹ “uất” mười. Vì không phải chỉ có mất tiền (2.000 bạc lúc ấy to lắm, lương tôi có 65 đồng một tháng), mà còn danh dự tiếng tăm trong làng xã. Gia đình Ông Bà tôi từ xưa vẫn được  tiếng tử tế trong làng. Cứ nói đến gia đình cụ Phán là cả dân bên Cót cũng kính trọng. Nhưng bất lực!

      Hôm sau, đi dạy học, tôi nói chuyện với T., một giáo viên cùng tổ. Cũng là để chia sẻ thôi! Nghe xong, suy nghĩ một lúc, T. cười cười bảo tôi:

–    Em “bán” cho ông anh  cái thông tin này nhé! Ở lớp anh dạy có một đứa bố nó là Phó chủ tịch quận anh đấy!  

    Tôi hỏi:

– Lớp nào?

     T. bảo:

– Em không biết! Nhưng khó gì, anh cứ vào lớp hỏi “chúng nó” là biết ngay!

 Tôi dạy 3 lớp. Hỏi cách nào bây giờ? Chẳng lẽ lại vào hỏi: “Em nào có bố là phó chủ tịch quận Đống Đa?” Sau tôi mới nghĩ ra một cách. Giờ nghỉ, tôi vào văn phòng, mượn sổ điểm của 3 lớp tôi dạy. Trang cuối mỗi Sổ điểm đều có phần Lý lịch học sinh. Rất nhanh chóng, tôi tìm ra ở cột Bố mẹ, nghề nghiệp tên một học sinh học lớp 8N có bố là Nguyễn Văn L. Phó chủ tịch ủy ban quận Đống Đa. Tôi gọi cậu ấy ra, hỏi nơi ở của gia đình. Tôi cũng nói để cậu ấy yên tâm là “tôi có chút việc nhờ bố em thôi!” Cậu ấy cho biết quê ở đây  nhưng bố mẹ ra ở ngoài Hà Nội, rồi cho tôi địa chỉ.

Chiều, biết là ông L. đi làm, nhưng tôi vẫn đến thăm dò trước. Đồng thời cũng muốn cho ông ấy có sự chuẩn bị  để khi đến gặp khỏi đột ngột. Có bà vợ ở nhà. Tôi tự giới thiệu và nói có việc muốn gặp ông L.. Bà ấy hẹn tôi buổi tối. Khoảng 8 giờ tối, tôi đến. Bà ấy bảo đã nói với chồng rồi, nhưng bây giờ ông ấy đang đi xem đá bóng ở sân Hàng Đẫy. Tôi hẹn sẽ quay lại. Nhà ông ấy ở phố rất gần sân vận động, nên sau khi trận đấu kết thúc khoảng nửa giờ, tôi đến. Ông ấy đang cởi trần trùng trục ngồi giữa nhà hóng gió mát từ cái quạt Nhật. Tôi chào, rồi tự giới thiệu. Ông ấy đứng lên mặc cái áo rồi lại ngồi xuống sàn,  hỏi tôi:

– Có việc gì thế thầy?

     Tôi nói đầu đuôi sự việc và khẳng định đây là nhà của gia đình tôi chứ không phải nhà của người Hoa. Điều này cả làng đều biết!

      Ông ấy ngẫm nghĩ một lúc rồi bảo tôi:

–     Thôi, thầy cứ về đi! Mai tôi xem thế nào.

    Thất vọng!

    Cả cuộc gặp gỡ có lẽ chỉ độ 15 phút kể cả “màn chào hỏi”. Ông ấy chỉ nói  đâu có 2 , 3 câu gì đó, chẳng hứa hẹn gì! Mời thuốc lá cũng không hút! Nhưng nói thêm gì nữa? Muộn quá rồi! Nhưng vẫn phải hy vọng.

     Mai là ngày 11, không thấy động tĩnh gì.

     Ngày 12, tôi đi dạy học mà trong lòng như lửa đốt. Xuống ô tô buýt, đi như chạy về nhà xem có việc gì không. Đến gần nhà, vẫn thấy im ắng như thường. Mừng quá!

     Nhưng chưa hết lo. Vẫn còn lo đến cả tháng sau.

    Và đến hôm nay tôi vẫn có thể lo, vì từ đó đến nay tôi chưa nhận được tờ giấy nào phủ nhận cái Thông báo mà Bố tôi đã nhận được, nghĩa là họ có thể đến niêm phong nhà tôi giao cho Cửa hàng lương thực làm nơi bán hàng bất cứ lúc nào!          Thì người ta đã thông báo rồi!

     Thế mới biết tại sao người ta thích quyền lực và bằng mọi cách để tranh giành quyền lực.

3 BÌNH LUẬN

  1. Cũng may là ông phó Quận thời ấy còn ” tôn sư trọng đạo” chớ giờ thì …toi nếu không có …phong bì.

  2. Gia đình Thầy đã gặp may vì thời xưa người ta còn biết phân biệt phải,trái,đúng,sai,còn giờ thì…

Trả lời Vu Xuan Tuc Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here