Sự vô nghĩa của kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông trung học vô cùng tốn kém hàng năm kéo dài từ lâu nay khiến dư luận vô cùng bức xúc. Gọi là kỳ thi quốc gia (nghe rất trang trọng) nhưng gian lận tràn lan từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài có lẽ chỉ những người lãnh đạo trong ngành giáo dục không biết (nói đúng hơn là cố tình nhắm mắt làm ngơ), nên luôn luôn tổng kết bằng những câu chữ xáo mòn “đã được tổ chức đúng kế hoạch, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Nhưng có lẽ chút ít lương tâm còn le lói của những người có trách nhiệm không thể thờ ơ trước những lời lên án của công luận. Không thể bỏ kỳ thi này giống như đã phải bãi bỏ hai kỳ thi tốt nghiệp Tiểu học và Trung học cơ sở (cũng vì gian dối tràn lan) vì chẳng lẽ suốt 12 năm học, nhà trường không có một kỳ thi kiểm tra trình độ, Bộ Giáo dục đành bãi bỏ kỳ thi này bằng cách chủ trương tổ chức một kỳ thi gọi là “hai trong một” bắt đầu từ năm học tới.

Hai trong một, ba trong một, thậm chí năm trong một hiện nay không phải là cái gì xa lạ. Mới nghe, có thể coi đây là một sáng kiến để tiết kiệm được khoảng một nửa số tiền bạc, thời gian và công sức, giảm nhẹ gánh nặng đặt lên những đôi vai gầy của học sinh và cha mẹ họ. Nhưng e rằng, Bộ Giáo dục  chỉ mới nghĩ tới yêu cầu giảm áp lực của dư luận trước những đòi hỏi gay gắt ngày càng gia tăng.

1. Hai kỳ thi Tốt nghiệp PTTH và Tuyển sinh vào đại học hiện nay hoàn toàn có những mục đích và bản chất khác nhau. Kỳ thi Tốt nghiệp nhằm kiểm tra trình độ của học sinh sau 12 năm đèn sách. Một học sinh có thể chỉ đạt kết quả trung bình yếu trong kỳ thi vẫn có thể tốt nghiệp; nhưng kỳ thi Tuyển sinh nhằm lựa chọn những học sinh có trình độ tốt nhất để tiếp tục học các trường đại học và cao đẳng, nhằm đáp ứng yêu cầu lao động có chất lượng cao của xã hội. Hai kỳ thi do mục đích không giống nhau nên từ cách ra đề, coi thi, chấm thi, xét kết quả … phải tiến hành khác nhau. Do đó, mới nghe chủ trương “hai trong một” này, nhiều trường đại học đã tuyên bố sau đó họ sẽ phải có những cách kiểm tra riêng đối với những thí sinh vừa trúng tuyển, nghĩa là những nơi được nhận cái kêt quả của kỳ thi “hai trong một” này ngay lập tức đã thể hiện thái độ không tin cậy kết quả của kỳ thi, liệu kỳ thi đó còn nên diễn ra? Hơn nữa, một khi các trường phải tự tổ chức kiểm tra đầu vào sau kỳ thi chung, tình trạng “phân phong cát cứ” ở các trường đại học từ nhiều năm trước sẽ có điều kiện tái diễn. Trường nào cũng sẽ có những trung tâm luyện thi, và thí sinh muốn vượt qua kỳ kiểm tra này có lẽ buộc lại phải tới ghi tên ở các trung tâm đó. Lúc đó, tình trạng sẽ còn phức tạp hơn nhiều.

2. Về mặt tổ chức thi, nghiệp vụ thi, một kỳ thi “hai trong một” không phải khó thực hiện. Việc ra đề thi có hai phần, một phần được 4 đến 5 điểm để đủ điểm tốt nghiệp, phần sau mới là phần để phân thắng bại trong việc tuyển chọn, tôi nghĩ nhiều người có thể làm được. Nhưng cái khó của mỗi kỳ thi, nhất là thi tuyển đòi hỏi sự công bằng và muốn thế, phải nghiêm túc. Trước đây, kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học và cao đẳng đã được tổ chức ở các địa phương (thí sinh các trường trong tỉnh tập trung về thi ở thành phố hoặc thị xã). Nhưng rồi cách thi này phải bãi bỏ vì do tổ chức ở các địa phương, tình trạng “toàn dân đi thi” khiến kết quả kỳ thi không đảm bảo tính trung thực. Tôi còn nhớ hồi ấy, lực lượng đảm bảo an ninh cho kỳ thi lại trở thành những người “đi tiên phong” trong gian lận vì họ được quyền “bất khả xâm phạm”, thêm nữa, giữa những người làm nhiệm vụ trong kỳ thi và thí sinh có quá nhiều mối quan hệ ràng buộc và gắn bó. Các trường đại học có cử một số người về giám sát và tham gia vào việc coi thi nhưng về số lượng chỉ là muối bỏ biển, lại thêm cảnh “lạ nước lạ cái”, phần lớn đều bất lực đứng nhìn, những ai còn có đôi chút trách triệm, muốn vãn hồi trật tự cho kỳ thi, không những chẳng có kết quả gì mà tới lúc ra về, phải có lực lượng cảnh sát hộ tống mới ra được ô tô để “thoát thân”. Đó là chưa kể không ít trường hợp người của các trường đại học cũng vì nhiều lý do khác nhau đã trở thành đồng lõa.

Có người đề xuất làm sao tạo lối thoát cho nhiều thí sinh để với họ, vào đại học không còn là con đường duy nhất, hy vọng từ đó, sự gian lận sẽ bớt đi. Nhưng điều này hoàn toàn không thể vì đua tranh bằng đủ mọi cách kể cả gian lận trong các cuộc thi (đua) đã trở thành phong cách sống của hầu hết người Việt Nam hiện nay. Không ai có thể tin vào sự nghiêm túc của các kỳ thi (trừ các quan chức của Bộ Giáo dục), vì thế, tâm lý “người ta còn đúng hơn”, “người ta sẽ có điểm cao hơn”… là một gánh nặng tâm lý khiến ngay những thí sinh giỏi nhất cũng khó có thể tự tin vào năng lực của bản thân để độc lập làm bài nếu còn có thể “nhờ cậy” vào sự trợ giúp bên ngoài. Ba mươi năm trước, việc tổ chức kỳ thi ở các tỉnh đã thất bại, nay, sự gian lận, dối trá không còn phải giấu mặt, phao thi, ném bài giải, mua giám thị, …  đã trở thành chuyện thường ngày, liệu một kỳ thi mang tầm quan trọng với cuộc đời một con người như thế tổ chức ở một cụm xã (không phải là huyện), liệu sự nghiêm túc còn được bao nhiêu?

Trong thi cử hiện nay, thi đại học vẫn được coi là kỳ thi tương đối nghiêm túc hơn cả (kể cả so với các kỳ thi trên đại học). Bộ Giáo dục nên cố giữ kỳ thi này để hy vọng còn được đôi chút tin cậy trong chuyện thi cử.

Để giảm bớt gánh nặng cho mọi đối tượng, tôi xin đề nghị:

1.Không tổ chức kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông trung học mà thay vào đó bằng việc xét tốt nghiệp do nhà trường tổ chức, sau đó, học sinh đủ điều kiên tốt nghiệp sẽ được Giám đốc Sở Giáo dục cấp một Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình Phổ thông trung học để có thể sử dụng đi học nghề. Suốt 12 năm học mà cuối cùng không có được một kỳ thi đánh giá kết quả học tập để có một tấm bằng quả là điều đáng tiếc. Nhưng trong tình trạng gian lận tràn lan, nơi nào cũng đỗ tới 99% thì việc tổ chức thi chỉ làm phong phú thêm những chuyện bi hài trong lịch sử của nền giáo dục nước nhà. Khi nào sự nghiêm túc được đảm bảo, kỳ thi sẽ được tổ chức, kể cả có phải đợi đến cuối thế kỷ. Tôi xin nhắc lại, đây chỉ là một cách buộc phải chấp nhận vì trước mắt, chúng ta không thể tổ chức một kỳ thi nghiêm túc. Thà không thi còn hơn để cho sự gian trá lộng hành.

  1. Để cuộc thi đỡ phần nặng nề, cần giảm bớt số thí sinh dự thi, trong đó không thiếu các thí sinh “bất đắc dĩ” (thi cho biết, thi vì sĩ diện, thi vì chẳng lẽ không thi, …), mỗi thí sinh chỉ được nộp tối đa 2 (hoặc 3) bộ hồ sơ dự thi (thay vì nộp bao nhiêu cũng được như hiện nay, tạo nên tình trạng thí sinh “ảo”, các trường chuẩn bị dư thừa dẫn đến lãng phí cơ sở vật chất cho kỳ thi. Và, chỉ có những học sinh đạt danh hiệu học sinh khá trong 3 năm học phổ thông mới được nộp hồ sơ dự thi tuyển chọn. Quy định này không chỉ giảm bớt số thí sinh dự thi, khiến việc tổ chức thuận lợi hơn, nó còn có tác dụng thúc đẩy việc học tập và ngăn chặn học sinh học tủ, học lệch. Một thực tế hiện nay trong nhà trường là, có không ít học sinh, bắt đầu từ lớp 10 chỉ chuyên chú vào học ba môn để dự thi đại học, các môn còn lại, họ chỉ “ứng xử” (tôi dùng chữ “ứng xử” chứ không dùng chữ “học”) để không phải ở lại lớp. Hậu quả là không ít người, sau đó có bằng đại học, nhưng kiến thức phổ thông của nhiều bộ môn chỉ tương đương trung học cơ sở. Có người cho rằng việc thi cử nên tạo điều kiện để mọi học sinh đều có cơ hội. Nhưng trong khi việc tổ chức thi cử còn bao khó khăn, có nên tạo cơ hội cho những người hy vọng chỉ có thể trông vào sự may rủi? Trong khi chính những thí sinh “làng nhàng” này là những người thường “gây nhiễu” nhiều nhất, khiến sự nghiêm túc bị đe dọa nhất trong các kỳ thi. Vả chăng, trong thi cử (hay trong mọi chuyện) đều có yếu tố may mắn, nhưng nói chung, thi cử đòi hỏi mỗi người có những kiến thức đã được chuẩn bị chu đáo, chứ đây hoàn toàn không phải là  may rủi như trò lô đề.

 

Không thể có một  kỳ thi hoàn hảo khi mọi sự của giáo dục nước ta còn đang trong tình trạng gần với sự “hỗn mang” như hiện nay. Hy vọng việc chấn chỉnh mọi mặt mà trước hết là sự thay đổi về  con người được thực hiện trong tương lai sẽ có thể đưa đến một mô hình thi cử có thể tiếp cận với cách thi cử của các nền giáo dục tiên tiến.

6 BÌNH LUẬN

  1. Xin phép bác cho em vào “nhà” và hóng hớt một chút.
    Ông bạn em có thằng con học dốt đến nỗi không thể mô tả bằng lời. Thế mà nó sang Xinhgapo học 4 năm vẫn có bằng đại học mang về và đang tấp tểnh học cao học trong nước. Loại dốt như thằng cu ấy mà vẫn lấy được bằng của Xinh, Mỹ , Úc,…,ở đất mình có mà hàng vạn.
    Giáo dục nước nào cũng có mảng tối.
    Vì vậy, em cho rằng vấn đề quyết định là cách sử dụng sản phẩm (con người đã được đào tạo) của ngành giáo dục chứ không phải phương thức giáo dục. Mỗi cách sử dụng nhân lực sẽ có một nền giáo dục tương ứng.Cứ sử dụng lao động như ở phương Tây đi chắc chắn sẽ có nề giáo dục tiên tiến, vì cái không thích hợp sẽ bị đào thải.

  2. Những bài viết của bác rất hay và sâu sắc,
    xin bác cho địa chỉ email để tiện liên hệ.
    cám ơn

  3. Bác nhận xét quá chuẩn! Những người quan tâm đến vấn đề thi TNPT và thi đại học đều thấy rất rõ, thế mà “”có lẽ chỉ những người lãnh đạo trong ngành giáo dục không biết (nói đúng hơn là cố tình nhắm mắt làm ngơ), nên luôn luôn tổng kết bằng những câu chữ xáo mòn “đã được tổ chức đúng kế hoạch, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế””. Trong 2 đề nghị của bác thì tôi hoàn toàn nhất trí đề nghị 1. Còn đề nghị 2 không cần thiết. Cứ để tự do như trước nay để học sinh đỡ ấm ức. Số hồ sơ ảo các năm nay giảm dần còn khoảng 20%. Các trường cúng đã dự tính được việc này nên sắp xép phòng thi ổn thỏa.Bỏ ra ít tiền để học sinh cuối cấp có được “trải nghiệm không khí kỳ thi quốc gia” và đi du lịch một chuyến cũng ko sao bác ah! Chúc bác khỏe và có nhiều góp ý cho giáo dục-đào tạo.

  4. Tôi đồng ý với anh nhưng xin góp thêm .
    2 kỳ thi này bản chất khác nhau . Thi TNPT là kỳ thi để xác nhận . Còn kỳ thi ĐH là kỳ thi phân loại chọn lọc . Nên không thể dùng chung kết quả được . Theo tôi để xác nhận thì làm như đề xuất là hợp lý .
    Riêng thi ĐH nên tổ chức các trung tâm khảo thí cụm khoang 200 km (để giảm đi lại ) tổ chức thi theo ban ,quanh năm ( để phân tán số lượng thí sinh , nhằm giảm bức bối phương tiện đi lại , chổ ăn ở …) Thì sinh đủ điểm trung bình được cấp giấy chứng nhận , có ghi số điểm , mang đi xin tuyển , các trường xét tuyển quanh năm ( giấy chứng nhận chỉ nên có giá trị 5 năm , vì sau 5 năm kiến thức đã rơi rụng đi nhiều ) .

  5. Tất cả những người thâm niên trong ngành đều thấy đây là một ý kiến chính xác nhưng Bộ ta như điếc và mù.Tôi đã từng tham dự những lớp bồi dưỡng thay SGK in ra hằng chục ngàn sách thí điểm,mời các giáo sư diễn giảng,đưa giáo viên cả nước ra Hà nội tập huấn nhưng rốt cuộc lặng lẽ tắt hơi không kèn không trống.Phí phạm tiền nhân dân khôn cùng.Thi tốt nghiệp có bao giờ nghiêm túc đâu,đặc biệt là với chất lượng của các trung tâm GDTX.Sẽ là một đại họa nếu nhập hai kì làm một.Chao ơi!Nói như Tú Xương,nhà tiên tri thời đại: “Cái học ngày nay đã hỏng rồi!”Bộ Giáo dục ơi!!!

Trả lời Giao Dương Đình Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here