Hôm trước, trên FB thấy một bạn đưa hình ảnh một cái thiếp mời rất đẹp, kèm theo lời than viết bằng chữ in hoa “NIỀM VUI CỦA BẠN – NỖI LO CỦA TÔI!”. 

Tôi biết “nỗi khổ này chẳng của  riêng ai”. Một cậu hàng xóm vừa tốt nghiệp đại học, nhờ cha mẹ bán sào đất chạy được một chân trong cơ quan nhà nước, khi tôi hỏi han tình hình đời sống, lương thưởng, trả lời:

– Lương không đủ tiền đám cưới con các “sếp”, bác ạ!

Rất thông cảm và xin chia sẻ đôi điều.

 Xưa, đám cưới cần qua 5 lễ chính: chạm ngõ, ăn hỏi, xin dâu, đón dâu và lại mặt. Nay do hoàn cảnh mới nên có thể tinh giản. Nhưng nhiều gia đình cũng vẫn cố giữ theo lệ xưa. Cưới là việc lớn trong đời. Lại là việc “hỉ”, việc vui nên hầu như ai cũng muốn tỏ niềm vui hết “cỡ”. Nhà phong lưu đã vậy, nhà còn eo hẹp nhiều  khi cũng phải vay mượn để cho khỏi thua kém bè bạn, cho con cháu khỏi tủi. Thôi thì việc  của  từng nhà, chẳng dám lạm bàn.

 

 Nhưng, trước hết là các con, các cháu trong nhà xin lưu ý, dù vui hay buồn người tử tế cũng khiêm nhường, biết tự tiết chế tình cảm. Trong hoàn cảnh nào, cũng không nên chỉ biết có mình. Làm gì cũng cần chú ý nhìn xung quanh, đừng ồn ào, tránh nổi trội gây sự chú ý không cần thiết và hết sức hạn chế làm phiền người khác. Đó chính là cái “khiêm”. Việc buồn, việc vui đều vậy. Việc hiếu, vì quan niệm “nghĩa tử là nghĩa tận” nên người ta dễ bỏ qua, nhưng việc “hỉ” thì không phải như thế. Nhớ hơn bốn mươi năm trước, có đám cưới, nhà gái yêu cầu nhà trai khi đón dâu về phải đốt một tràng pháo dài từ trên hiên nhà hai tầng thả xuống để mừng đón cô dâu mới. Bố mẹ chú rể là người cũng có danh phận rất không muốn. Không phải vì không có tiền mua pháo, mà  vì điều  đó trái với nếp sống giản dị, khiêm nhường của gia đình vốn được làng xóm kính trọng,  nhưng nể không biết làm thế nào để  từ chối. Mình được cử đi “thương thuyết”. Sau nhiều lần trình bày vẫn chưa được chấp nhận, mình lấy lý do khi đón dâu về đã khuya (khi ấy, vùng ngoại ô chỉ khoảng 9 giờ tối đã vắng bóng người, mà đám cưới chỉ tổ chức theo lối đời sống mới vào buổi tối ngày thứ bảy hay chủ nhật) mình xin nhà gái bỏ qua cho cái yêu cầu ấy, sợ làm kinh động đến bà con xóm giềng. Nhà gái thấy hợp lý nên bằng lòng “tha”, thế là mấy hôm, cứ được gọi là Kit-xinh-gơ (chả là vừa ký Hiệp định Pa-ri xong!.)

 

Người xưa vẫn coi cưới hỏi, tang ma, giỗ chạp là việc của mỗi gia đình. Ở cấp độ thông thường gia đình là chỉ  những người sống chung một nhà, “đại gia đình” là con cháu cùng chung một ông bà, cha mẹ. Những công việc trên chính là của cái “đại gia đình” này. Người ngoài có được mời cũng chỉ là hãn hữu: bạn rất thân (tất nhiên không kể bạn của cô dâu chú rể) hoặc người trong họ nhưng ở xa về, lâu ngày chưa có dịp gặp mặt, … Thế thôi! Chẳng có ai mời đến cả nghìn người, đưa thiếp mời được gọi là “đi rải truyền đơn” như ngày nay.

Ban đầu cũng là từ các vị quan chức. Quan chức mới nhiều mối quan hệ, quan chức nên mới có nhiều người muốn làm thân. Sợ nhất là đám cưới của con cái các quan chức sắp về hưu. Các vị muốn “gặt hái  một trận cuối cùng” trước khi hạ cánh. Tháng trước, gần nhà  có một đám cưới con của quan chức. Hai ngày, bốn trăm mâm. Ô tô đỗ dài mấy trăm mét. Người ta phải huy động cả một trung đội học viên trường nọ có xe biển xanh đưa đón trong hai ngày về làm cái việc  bưng bê  dọn dẹp. Cứ thế,  dân tình cũng học theo.

Xin mở ngoặc  một chút: dân ta thường theo gương các vị chức sắc hay các gia đình giàu có nhất là những người gần gũi trong làng xã hay họ mạc.  Quen coi họ là những người sang trọng nên hành xử của họ luôn được coi là tấm gương. Học làm sang mà!  Xưa, những người có quyền thế  hay phong lưu thường là những người tử tế, họ biết trọng người và trọng mình nên ít cái kệch cỡm, nhố nhăng. Nay thì khác, sang nhưng phần lớn là quan tắt, thăng tiến bằng cách khom lưng hoặc “nhờ bác dẫn đường”; giàu nhưng chủ yếu  do trúng mánh, do bất chấp luật pháp. Quan chức đa phần bằng cấp cao ngất ngưởng, muốn đọc hết các chức danh của các vị phải lấy hơi đến vài lần nhưng văn hóa thì chỉ một mẩu.  Giàu có, đi xe bốn bánh loại xịn  nhưng tư cách không biết  thuộc loại gì. Lãnh đạo, nhưng cái văn hóa, cái tư cách  của người lãnh đạo khí thấp nên luân thường đạo lý mới suy bại. Nhớ lại cái “thời xa vắng”, cả bàn dân thiên hạ chỉ cần nhìn một bà nữ hộ sinh để học cách ăn ở sạch sẽ, hợp lối sống văn minh; trong làng ngoài xóm nhìn vào một ông giáo tiểu học để theo gương sống có đạo lý tình nghĩa,  mà tiếc!

 Đám cưới con nhà quan chức thì “ăn ra”, nhưng đám cưới con dân lành  thì không khéo là vay nợ. Nhưng khổ là nhiều người không biết thân biết phận.  Mà chết cái trong cái “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” mọi dịch vụ luôn luôn biết cách chiều người để “kích cầu”,  có tổ chức đông thế nào cũng ít phải lo sự tốn kém vì cuối cùng “mỡ nó rán nó” cả. Nhiều nơi bây giờ, làm đám cưới cho con, trai hay gái cũng chỉ cần một số tiền tối thiểu mua sắm mấy thứ thiết yếu. Còn mọi chuyện  đã có dịch vụ các loại các kiểu lo tất tần tật, từ việc trang điểm cô dâu, xe hoa đưa đón, căng rạp, loa đài, phông màn, kê dọn bàn ghế, ca sĩ, (kể cả các siêu sao,  nếu muốn), đủ loại thực phẩm được nấu nướng bầy biện theo yêu cầu gia chủ (mà toàn theo mốt sang trọng cả!). Chủ nhà chưa cần có tiền, chỉ việc “phán”, mọi thứ được phục vụ tới tận chân răng. Xong việc, chủ nhà mới cần thanh toán sau khi đã “thu hoạch”. Nhìn chung, người chủ trì cứ tùy thích, tiền đã có khách mời chi hộ, tội gì mà không làm cho hoành tráng để khỏi thua anh kém chị? Cuối cùng thế là chỉ khổ cho người được (hay bị) mời.

 

May cho tôi mấy người bạn thân đều cùng chung ý tưởng. Nhà ai có việc, bè bạn đều biết. Nhưng biết là để tránh không làm phiền, không rủ đi chơi  trong những ngày ấy, không bao giờ được mời vì chúng tôi  đều hiểu, mời chính là làm phiền nhau. Xưa các cụ đã có câu “kính chẳng bõ phiền” là thế! 

 

Từ khoảng hơn hai mươi năm nay, sau khi được chứng kiến có khi tới năm bảy cái thiếp mời chềnh  ềnh như biểu tình nằm trên bàn trong một tuần, tôi bèn phải có kế sách đối phó.  Chẳng lẽ nhiều khi đứng trước một cuốn sách hay còn phải lưỡng lự vì túi tiền eo hẹp, lại mất số tiền gấp đôi gấp ba như thế để ngồi ăn với những người ngay cái tên mình còn chưa biết, trong cái không khí ồn ào, thậm chí đến chát chúa và hấp thu vào cơ thể những nguồn dinh dưỡng rất  đáng ngờ?  Rồi “vui đâu chầu đấy” cũng là việc ông cha khuyên nên tránh. Vả lại, anh giáo làng lại muốn sánh vai cùng thiên hạ thì chỉ có đường  bán nhân cách (vì có gì để bán?)  Thôi thì chẳng “cả gan cầm đuốc đốt trời” nhưng cũng phải “độc hành kỳ đạo” (tìm con đường riêng).

 

Cho nên, tôi chỉ vui vẻ mừng rỡ với đám cưới của con cháu trong đại gia đình; các cháu từ đời thứ tư (không phải trực hệ), chỉ vợ hoặc chồng đại diện. Với những người quen biết, khi nhận thiếp mời, tôi cám ơn và nói ngay lời từ chối. Với bè bạn không thân nhưng đã cùng “chung lưng đấu sức” trong những ngày gian khổ, tôi tới dự đám cưới khi nhận thiếp mời lần đầu (không phân biệt trai gái, thứ bậc), từ lần thứ hai thì xin phép. Với những trường hợp “bất khả kháng” (con “sếp” chẳng hạn), thì tới nhà riêng chúc mừng, dĩ nhiên cũng kèm theo phong bì ở mức khiêm tốn (vừa vẫn giữ được “lễ” vừa tiết kiệm cho cả hai bên). Kiên trì “đối sách” ấy trong suốt hơn hai chục năm qua mặc cho ai “nói ngả nói nghiêng”. Ban đầu, cũng có lúc phải suy nghĩ, nhưng xét cho cùng không thể có cách khác nếu không muốn tư cách bị biến dạng. Và sau đó luôn cảm thấy rất nhẹ nhàng thoải mái!

Biết là mời sẽ làm khổ, làm phiền người được mời, lại cứ nghĩ, khi nhận được cái thiếp mời, “khổ chủ” nở nụ cười buồn kèm theo lời than: “Lại thiếp moi”, “Lại cơm bụi giá cao!”  là mình đã đỏ mặt, không còn đủ can đảm để mời bất kỳ ai (trừ họ hàng) khi cưới con. Nhưng để chu đáo, khỏi bị trách quên bạn quên bè, đã có thiếp báo thay cho thiếp mời (cái này chẳng có gì mới, người ta đã áp dụng từ rất, rất  lâu rồi!). Tất cả bè bạn và những người quen đáng trân  trọng xa gần đều được gửi thiếp báo bằng phát chuyển nhanh. Cũng phải mất một buổi để đi kiểm tra địa chỉ của nhiều người vì số nhà, tên phố phường, ngõ ngách thay đổi theo năm tháng (để đảm bảo không thất lạc). Thời gian có nửa ngày cộng với số tiền khoảng chục bát phở trả cho  bưu điện mà đỡ được cái khó xử của  năm mươi người mình vốn trân trọng, chẳng phải nên làm lắm sao!

Đã chuẩn bị tinh thần nghe những lời trách móc sau đó. Nhưng thật kỳ lạ, trong số 50 Thiếp báo gửi đi, mình chỉ nhận được toàn những  phản hồi tốt lành. Gặp nhau sau hơn tuần lễ, một người bạn vồn vã sau cái bắt tay:

–         Chúc mừng ông bà và các cháu. Ông làm một việc văn minh quá. Nói thật với ông, nhiều khi muốn nhưng không làm được.

Còn những người khác, khi có dịp gặp mặt đều có lời thăm hỏi, tuyệt nhiên không có lời trách móc nào.

Tôi cũng chẳng phải anh hùng dũng sĩ gì đâu! Chẳng qua chỉ là tôn trọng  cái tôi cá nhân của bè bạn, những người tôi thực sự quý mến. 

8 BÌNH LUẬN

  1. Cảm ơn thầy cho chúng em thêm “dũng khí” để thực hiện điều nghĩ mà băn khoăn chưa dám thực hiện

  2. Xưa, những người có quyền thế hay phong lưu thường là những người tử tế, họ biết trọng người và trọng mình nên ít cái kệch cỡm, nhố nhăng. Nay thì khác, sang nhưng phần lớn là quan tắt, thăng tiến bằng cách khom lưng hoặc “nhờ bác dẫn đường”; giàu nhưng chủ yếu do trúng mánh, do bất chấp luật pháp. Quan chức đa phần bằng cấp cao ngất ngưởng, muốn đọc hết các chức danh của các vị phải lấy hơi đến vài lần nhưng văn hóa thì chỉ một mẩu. Giàu có, đi xe bốn bánh loại xịn nhưng tư cách không biết thuộc loại gì. Lãnh đạo, nhưng cái văn hóa, cái tư cách của người lãnh đạo khí thấp nên luân thường đạo lý mới suy bại. Nhớ lại cái “thời xa vắng”, cả bàn dân thiên hạ chỉ cần nhìn một bà nữ hộ sinh để học cách ăn ở sạch sẽ, hợp lối sống văn minh; trong làng ngoài xóm nhìn vào một ông giáo tiểu học để theo gương sống có đạo lý tình nghĩa, mà tiếc!

  3. Em khi lấy vợ không trẻ người nhưng non dạ. Mời hẹp chỉ những người đang “động chạm” với mình. Những người quen cũng lờ luôn. Mấy ông anh hay buôn chuyện với nhau, vài ngày sau hỏi: “Sao cậu (ông) không mời tớ?” “Ồi, chuyện nhỏ không dám kinh động đến anh”.
    Dư luận bảo được mời thì lo, không được mời thì trách. Em nói: trách cho lấy lệ thôi. Lấy lệ thì không chấp! Quan trọng là “biết bụng” nhau rồi.
    Có bà chị đáng kính bảo: Cậu có mời ông nhà tớ không? – Không ạ! Ờ thằng này láo. Vâng, thế em viết thiếp mời ngay đây!
    Em luôn luôn sợ làm phiền người khác, chỉ thích cặm cụi với công việc thôi.

  4. He he, chừng nào mờ bên chủ nhà có việc vui, coi cái sự phải “báo cáo” và “khao” bạn bè một bữa liên hoan “miễn phí” như là một “trách nhiệm” của mình, còn bên được mời thì coi cái sự đến chia vui và muốn “mừng” cho đôi bạn trẻ thế nào thì tùy – 2 cái sự nầy là 2 cái sự khác nhau hoàn toàn và hông liên can gì đến nhau, thì khi đó, Lừa đã thoát được Lừa!

    Còn chừng nào mà cả bên mời lẫn bên được mời đều cùng có ý nghĩ phải “gộp” 2 cái sự nầy thành 1 và cảm thấy nó hơi bị… nặng quá – thì chừng đó, Lừa vẫn còn là Lừa, nhẻ cụ giáo?! Há há há!

  5. Kinh doanh kiểu này vẫn đậm nét trong một nhiều người ở xã hội.
    Nếu là quan thì mời càng nhiều càng lãi. Nếu dân thường còn tùy…
    Tôi rất ngại bị mời ép và ép mời ai đó. Thà nói không …cho lành.
    Tôi đã thấy tình huống chủ nhà tính toán không mời nhưng đổ tại …vì thấy ít đi đám cho đỡ áy náy trong lòng.

  6. Em nhớ là năm 2000 ở một chợ trời biên giới giữa Séc-Đức có khoảng gần 2000 người VN buôn bán(đông nhất là người Hải dương).Có một đám cưới của người VN.Họ mời tới gần 500 khách(có cả những người chỉ quen sơ sơ).Sau đám cưới đó họ thu về một món tiền mừng khổng lồ.Và cứ như thế thành lệ bất thành văn là cứ mời khách cho rõ nhiều để kiếm lời. Công nhận người VN khôn thật hi.hi.hi…..(đây gọi là khôn lỏi)

Trả lời Anh Tran Tuan Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here