Đó là tên gọi một trò chơi dân gian xưa, chỉ nghe tên, ai cũng có thể hình dung được cách chơi. Người chơi bịt mắt, tay cầm một cái gậy ngắn, bước tới để đập một cái niêu đất được treo phía trước. Đập trúng đích, cùng với tiếng niêu vỡ là tiếng hò reo tán thưởng của những người đứng xem xung quanh. Người thắng trong trò chơi có thể được nhận một phần thưởng vật chất, nhưng đó không phải là quan trọng. Cái đáng vui là được người xem công nhận cái tài ghi nhớ vị trí, khoảng cách và khả năng phán đoán. Trong những cuộc vui gần đây cho học sinh, người ta cũng hay tổ chức trò này nhất là trong các buổi tham quan Lò gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) trò vui này thường dùng để kết thúc trước khi ra về.

Quan sát những trò vui này được tổ chức ở nhiều nơi, kể cả ở Làng gốm Bát Tràng, tôi thường nuối tiếc vì thấy nó chỉ mô phỏng một cách hoàn toàn hình thức trò chơi cũ mà tất cả những biểu hiện phong phú mang tính giáo dục đã không được chú ý một cách kỹ lưỡng, thậm chí ngay cái tên gọi có khi cũng được rút gọn một cách tùy tiện: “đập niêu”. Qua trò chơi này, trước hết có thể dạy cho các em về một đồ dùng để nấu nướng và tập quán sinh hoạt  xưa kia. Khi đồ kim loại (chủ yếu bằng đồng, sau đó thêm gang, nhôm và bây giờ là i-nốc) còn hiếm và đắt, người nghèo chủ yếu sử dụng đồ dùng bằng đất nung, cùng với cái ấm đất để đun nước, cái nồi đất (nồi bình thường để nấu cơm, canh; nồi đình (ý to như cái đình) để đựng nước sinh hoạt, hoặc gánh nước cùng với đôi quang gánh…), nồi đất nhỏ để kho cá tôm, thịt, … được gọi là cái “niêu”. Từ cái “niêu”, có thể dạy cho các em những câu thành ngữ  “cơm niêu nước lọ”, “ăn xó mó niêu”, “vắng chúa nhà, gà vọc niêu tôm” (mà có nhiều người do không rõ nên đọc thành “vắng chúa nhà gà mọc đuôi tôm”, …) và ý nghĩa của nó, …

Tiếc là những người tổ chức trò chơi hiện nay rất ít khi mất công đi tìm cái niêu (mặc dù không phải không thể tìm được vì rõ ràng nhiều hàng ăn hiện nay vẫn có để bán món “cơm niêu”). Lẽ ra, cái để đập là cái niêu được thay bằng một vật bất kỳ có trong tay: lon nước ngọt, chai nhựa, … Ngay ở Bát Tràng, nơi sản xuất “niêu” người ta cũng thay bằng một cái “cốc”  bằng đất chưa nung, lại có sẵn hai cái lỗ ở đáy để luồn dây cho tiện (quả thực không biết gọi là cái gì vì nó hoàn toàn không có trong đời sống). Khi cái gậy đập trúng, cái “cốc” ấy vỡ nhưng hoàn toàn không phát ra một tiếng kêu nào. Xem ra, trò chơi đã không còn mang ý nghĩa của trò chơi cũ.

Từ sự cẩu thả trong tổ chức một trò chơi, tôi thấy sự cẩu thả trong những cuộc tổ chức dã ngoại cho học sinh hiện nay. Thầy cô mất công tổ chức, đưa học sinh đi và quản lý; cha mẹ tốn tiền cho con tham gia (tiền ô tô, tiền ăn tất nhiên không thể như bình thường, tiền cho con tiêu vặt, mua quà, …) nhưng hiệu quả thật chẳng là bao. Học sinh lên xe, khi xe chạy, các em trò chuyện với nhau, rồi chơi game trên điện thoại; nhiều em ngủ cho tới khi tới đích, … Tới nơi, các em được chạy  nhảy leo trèo thỏa sức (tất nhiên vẫn có sự quản lý của thầy cô). Và đây có lẽ là cái được duy nhất với các em trong các chuyến đi này. Bởi vì, đường về cũng chẳng khác mấy khi đi, hầu hết đều ngủ vì đã thấm mệt.

Nếu như trước khi đi, các em được giới thiệu đích tới trên bản đồ, hành trình của chuyến đi với những đặc sắc cần lưu ý: dòng sông, dãy núi, cây cầu, đường cao tốc, các địa danh trên đường, …chắc chắn, sau mỗi chuyến đi, hiểu biết của các em về địa lý, cảnh quan của đất nước sẽ thêm một chút. Cùng với việc đôn đốc thu tiền, bàn bạc chuyện ăn uống, … thầy cô giáo để thời gian giới thiệu cho các em những nét đặc sắc của điểm đến về địa lý, về lịch sử, về phong tục tập quán, …nó đã được nói tới trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật nào, …chuyến đi sẽ thú vị hơn rất nhiều.

Đó là chưa kể tới chuyện để chuẩn bị cho chuyến đi, hầu như mọi thứ đều được mua bằng tiền. Lẽ ra, việc này cần để các em tự làm. Có thể chưa tốt, chưa đẹp, chưa như ý, … nhưng có ích. Kỹ năng sống phải học từ đâu nữa?

Trong hoàn cảnh hiện nay, những chuyến đi thường được tổ chức trong một ngày. Như vậy, số điểm để mỗi trường có thể  đưa học sinh tới hàng năm không nhiều. Vì thế, nếu để thời gian chuẩn bị, chỉ cần một số ít năm, nhà trường đã có đủ tư liệu cơ bản để giới thiệu cho học sinh, sau đó nếu có thêm chỉ là bổ sung.

Tài liệu đã có sẵn, cùng với sự cố gắng thêm chút ít của các thầy cô giáo, những chuyến đi của học sinh mới thực sự bổ ích.

Mỗi năm ít nhất cũng một chuyến đi. 12 năm, 12 chuyến đi. Hiểu biết về lịch sử, địa lý, phong tục tập quán của đất nước, dân tộc đâu phải là ít?

Và quan trọng hơn, nhà trường đã tập cho các em thói quen tìm tòi để hiểu biết những vùng đất mình đã đặt chân tới. Khao khát hiểu biết để học hỏi không ngừng, học suốt đời chẳng phải bắt đầu từ những điều tưởng như đơn giản đó sao?

5 BÌNH LUẬN

    • Đến bây giờ thì các thầy cô không biết cái niêu và hình thù của nó ra sao, vì họ là các thế hệ 7x-8x của thế kỉ 20. Làm sao họ biết cách giải thích như “Ông Giáo Làng” được

  1. Cac cháu Học Sinh khi đi thăm làng gôm Bát Trang đã hoc đươc những gì? Các cháu co biết đươc thành phân HÓA HỌC của Đất Set là gì,nguồn gốc trong cấu tạo vỏ trái đất,khi nung ở nhiệt đô
    bao nhiê thì thành GẠCH ,NGÓI,nhiệt độ bao nhiêu thành SÀNH(Gôm).Nguồn gốc cac loại MEN (oxit kim loai)
    Chu trình chế tạo Gốm sứ ,cácloại lò nung của Viêt Nam ,của cac nươc khác

  2. Các cháu học sinh học đươc gì khi thăm làng gốm BAT TRÀNG.
    Các cháu co biết ở Miền Bac Viêt Nam cò có những làng gốm
    khác nhu làng Gốm CHU ĐÂU ,THỔ HÀ ,miền Trung có Gốm BẦU TRÚC
    Miền Nam có Gốm BIÊN HÒA ,BÌNH DƯƠNG
    Thế Giới có Gốm Sứ Trung Quốc ở Trấn Cảnh Đưc ,tỉnh Giang Tây

  3. Ở Hàn Quôc khi cac cháu Hoc Sinh đi thăm 1 nhà mày làm GÔM SỨ
    các cháu đuơc thuyết trình :Lịch Sử nghề GÔM ,SỨ.Những CÔNG ĐOAN trong quà trình chế tác:từ chọn đât,loãi tạp chât,tao hính
    ,phơi khô đưa vào lò nung,cách xêp đăt trong lò,l6ỳ ra ,phủ men,nung lai.Hai công đoan cac chau thich nhât là TAO HÌNH
    và TÔ VẼ MEN . Men PHÁP LAM là BÍ QUYÊT của người HÀN
    Nhưng lang GÔM nổi tiêng ơ miên Băc nhu THỔ HÀ ,PHÙ LÃNG ,CHU
    ĐÂU

Trả lời NGHUYÊNVĂNOÁNH Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here