Năm 1917, giai cấp vô sản và nhân dân lao động nước Nga dưới sự lãnh đạo của Lênin và đảng Bônsêvich đã dùng bạo lực lật đổ ách thống trị phản động của giai cấp tư sản, trên thế giới lần đầu tiên thiết lập nên một nhà nước xã hội chủ nghĩa   giai cấp vô sản chuyên chính. Thắng lợi của cách mạng tháng Mười đã chấn động cả thế giới, cũng khiến cho nhân dân Trung Quốc có hy vọng  giải phóng dân tộc Trung Hoa, khích lệ nhân dân Trung Quốc nhiệt tình đấu tranh để giải phóng dân tộc.

 Hoàn cảnh tư tưởng của vận động Ngũ Tứ

      Sau cách mạng Tân Hợi, Viên Thế Khải đồng thời với những hoạt động phục hồi đế chế, còn ra sức đề xướng “tôn Khổng đọc kinh”, lên ngôi báu Tổng thống lại làm việc “tôn Khổng tế Trời”. Tháng 6 năm 1913, Viên trực tiếp phát biểu “lệnh tôn Khổng”, cổ suý “Khổng học bác đại”. Năm 1914 lại công bố “tế Thánh cáo lệnh”, thông cáo cả nước “điển lễ tế Khổng”. Để ủng hộ Viên Thế Khải hoạt động  phục hồi đế chế, phái phản động trong ngoài dấy lên một dòng chảy ngược “tôn Khổng phục cổ”. Trong tình hình này, những người Dân chủ chủ nghĩa đại biểu là Trần Độc Tú, Lý Đại Chiêu, Lỗ Tấn đã phát động một cuộc vận động văn hoá mới chống phong kiến, tuyên truyền giương cao ngọn cờ tư tưởng dân chủ của giai cấp tư sản, đồng thời triển khai cuộc đấu tranh quyết liệt với tư tưởng tôn Khổng phục cổ phong kiến. Cuộc vận động  này mở đầu trên tờ “Tạp chí thanh niên” ở Thượng Hải ngày 15 tháng 9 năm 1915. Trần Độc Tú là chủ biên, Lý Đại Chiêu là người biên soạn chủ yếu và tham gia công tác biên tập. Tờ tạp chí này đến tháng 9 năm 1916 xuất bản quyển thứ hai, kỳ thứ nhất, khi chuyển vè Bắc Kinh đổi tên thành “Tân thanh niên”.  Các phần tử trí thức tiến bộ đoàn kết xung quanh “Tân thanh niên”, giương cao hai ngọn cờ lớn dân chủ và khoa học, từ quan điểm chính trị, tư tưởng học thuật, đạo đức luân lý, văn học  nghệ thuật… nhiều mặt đều tiến hành công phá mãnh liệt vào thế lực phục cổ phong kiến. Họ tập trung đả kích cái gọi là ủng hộ học thuyết Khổng Tử, cơ sở tư tưởng thống trị chuyên chế phong kiến, dấy lên trào lưu “đả đảo Khổng gia điếm”. Họ còn chủ trương bình đẳng nam nữ, giải phóng cá tính.

    Từ năm 1917, họ lại giương cao ngọn cờ “cách mạng văn học”, đề xướng văn bạch thoại, phản đối văn văn ngôn, đề xướng văn học mới, phản đối văn học cũ. Cùng với sự phát triển của cuộc vận động văn hoá mới, “Tân thanh niên” thực tế đã trở thành trung tâm lãnh đạo tư tưởng của cuộc vận động văn hoá mới. Đặc biệt là nhà văn, nhà tư tưởng và nhà cách mạng  vĩ đại Lỗ Tấn, tháng 5 năm 1918, trên tờ “Tân thanh niên” đã cho ra mắt tiểu thuyết bạch thoại đầu tiên của lịch sử văn học hiện đại Trung Quốc “Nhật ký người điên”, quất một ngọn roi vào lễ giáo cũ, đạo đức cũ, chỉ ra ẩn đàng sau đạo đức nhân nghĩa phong kiến toàn là  chữ “ăn thịt người”, số người “ăn thịt người” đó “trong lời nói toàn là độc, trong nụ cười toàn là dao”, lịch sử 2000 năm thống trị của phong kiến Trung Quốc chính là lịch sử “ăn thịt người” này, tuyên cáo “tương lai không thể dung cho lũ người ăn thịt người  sống trên đời được”. Thiên tiểu thuyết này đã đặt nền móng của cuộc vận động văn hoá mới. Do ảnh hưởng của tờ “Tân thanh niên” , một số sách báo tiến bộ cũng chuyển sang dùng văn bạch thoại. Ảnh hưởng này còn lan tới các sách báo dùng văn văn ngôn trong cả nước, các sách báo này bắt đầu xuất hiện phụ trương dùng văn bạch thoại, sau đó các loại bình luận ngắn, thông tấn, xã luận, cũng đều dùng văn bạch thoại và cách chấm câu mới. Mỗi cải cách văn học này đã làm cho sách báo trong cả nước mang một diện mạo mới.

    Dưới sự lãnh đạo của Trần Độc Tú, Lý Đại Chiêu cuộc vận động văn hoá mới đề xướng khoa học, phản đối mê tín, đề xướng dân chủ, phản đối độc tài, đề xướng văn bạch thoại, phản đối văn văn ngôn, tuyên truyền văn hoá tiến bộ của phương Tây, sau đó lại truyền bá tư tưởng xã hội chủ nghĩa, phản ánh yêu cầu của cách mạng giai cấp kiểu mới gây một tiếng vang lớn trong xã hội.

    Sự phát triển sâu rộng của cuộc vận động này đã tác động đến nhiều người trẻ tuổi, đặc biệt là thanh niên học sinh tập hợp dưới ngọn cờ chống đế quốc, phong kiến, để bước vào  cuộc đấu tranh chính trị chống đế quốc phong kiến cần làm tốt việc chuẩn bị tư tưởng. Cuộc vận động này về chính trị tư tưởng lần đầu tiên đã giáng cho chủ nghĩa phong kiến một đòn nặng xưa nay chưa từng có, trong giới tư tưởng đã hình thành một trào lưu giải phóng tư tưởng mới  đầu tiên đặt nền tảng cơ sở về tư tưởng cho cuộc vận động Ngũ Tứ.

 Diễn biến của cuộc vận động

     Ngày 7 tháng 11 năm 1918, chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc. Để giải quyết những vấn đề của thế giới sau chiến tranh, tháng 1 năm 1919,  tại Pari, các nước chiến thắng đã triệu tập hội nghị hoà bình, Trung Quốc đã đến dự Hội nghị này và đề xuất với Hội nghị ba yêu cầu: 1/ Thủ tiêu đặc quyền của chủ nghĩa đế quốc tại Trung Quốc; 2/ Thủ tiêu điều ước bất bình đẳng “21 điều” Nhật Bản đã ký với Viên Thế Khải; 3/ Trả lại các quyền lợi của nước Đức xâm chiếm Sơn Đông bị Nhật Bản tước đoạt. Nhân dân Trung Quốc đã có những hy vọng và ảo tưởng với hội nghị hoà bình, tin rằng “công lý” có thể chiến thắng “cường quyền”, yêu cầu của Trung Quốc có thể được  đáp ứng đầy đủ. Nhưng hội nghị hoà bình Pari với sự thao túng của các nước Anh, Pháp, Mỹ không hề thảo luận hai yêu cầu trên, nói gì đến việc thảo luận yêu cầu thứ ba, Nhật Bản có thái độ rất ngang ngược coi như chính phủ Bắc Kinh đã biểu thị sự  “nghiễm nhiên đồng ý” với văn bản đã thay đổi tháng 9 năm 1917 vì lý do đã từ chối văn bản cũ. Hội nghị hoà bình đã đồng ý với yêu cầu của Nhật Bản, chuyển những quyền lợi cho Nhật Bản ghi vào hoà ước với Đức. Thế mà chính phủ quân phiệt Bắc Dương vẫn chuẩn bị ký vào hoà ước. Ảo tưởng đã tan vỡ, “nào là công lý, nào là hoà bình vĩnh viễn, tất cả đều chỉ là lời nói suông”. Thế là tâm lý của nhân dân lâu nay ẩn chứa ngọn lửa phẫn nộ giống như ngọn núi lửa bùng phát.

    Buổi chiều ngày 4 tháng 5, hơn 3.000 học sinh của 13 trường trung, đại học Bắc Kinh tập trung ở Thiên An Môn phản đối sự xâm lược của chủ nghĩa đế quốc và hành động bán nước của chính phủ quân phiệt Bắc Dương. Họ phát biểu tuyên ngôn, rải truyền đơn, hô to “ngoại tranh quốc quyền, nội trừng quốc tặc” (bên ngoài đấu tranh đòi quyền lợi, bên trong trừng trị bọn giặc nước), “thà chết cũng phải lấy lại Thanh Đảo”, “cự tuyệt ký vào hoà ước”, phản đối hoà ước Pari, yêu cầu trừng phạt lũ giặc bán nước Tào Nhữ Lâm, Lục Tông Dư, Chương Tông Tường rồi cùng nhau diễu hành. Đội ngũ tuần hành trước tiên đến phản đối ở công dân sự ngoại ô phía đông khu sứ quán nước ngoài, nhưng mới đi đến cửa tây đã bị quân cảnh chặn lại không cho qua. Học sinh phẫn nộ, quyết định đi tìm tên giặc bán nước Tào Nhữ Lâm để tính sổ. Họ qua phố Phú Quý, phố Đông Hộ Độ, đại lộ cửa Đông Tam Toạ vượt qua cầu Ngự Hà, theo phố đông Trường An qua lầu Đông Đơn Bài, qua đại lộ Mễ Thị, Thạch Đại Nhân Hà Đồng (nay là phố Bộ ngoại giao) đến Triệu Gia Lâu nhà ở của Tào Nhữ Lâm. Cửa lớn nhà họ Tào đóng chặt, mấy học sinh chui qua ống thông hơi vào trong phá cửa lớn, đám đông học sinh nối nhau ùa vào. Tào Nhữ Lâm phải đi trốn, đám học sinh phẫn nộ phóng hoả đốt Triệu Gia lâu, đánh Chương Tông Tường từ nhà họ Tào chạy ra. Hành động yêu nước của học sinh bị chính phủ quân phiệt trấn áp, hơn 30 học sinh bị bắt. Ngày hôm sau, học sinh của các trường chuyên khoa trở lên toàn thành phố tổng bãi khoá, biểu thị sự phản đối mạnh mẽ, điện báo cho cả nước. Ngày thứ 3, các trường trung học trở lên ở Bắc Kinh thành lập hội liên hiệp học sinh kêu gọi nhân dân cả nước đứng dậy đấu tranh. Hiệu trưởng    trường  đạihọc Bắc Kinh Thái Nguyên Bồi bị áp lực của chính phủ phản động tuyên bố từ chức. Lý Đại Chiêu và một số người đại biểu cho các giáo viên tích cực tìm cách cứu thoát số học sinh bị bắt, yêu cầu giữ nguyên chức với hiệu trưởng Thái Nguyên Bồi, tiến hành đấu tranh với chính phủ phản động đương thời. Ngày 7, học sinh Thiên Tân tiến hành tuần hành thị uy. Cùng ngày hôm đó học sinh các trường trung học trở lên ở Tế Nam cũng  tuần hành thị uy. Ngày 26, học sinh Thượng Hải tuần hành bãi khoá. Cùng lúc ấy, học sinh các thành phố Vũ Hán, Trường Sa, Quảng Châu  cũng đồng lòng nổi dậy. Các phần tử trí thức mang tư tưởng cộng sản chủ nghĩa Lý Đại Chiêu, Trần Độc Tú, Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai… chia nhau chỉ đạo cuộc vận động yêu nước chống đế quốc vĩ đại này ở Bắc Kinh, Trường Sa, Thiên Tân. Học sinh Bắc Kinh châm ngọn đuốc yêu nước, rất nhanh chóng, ngọn lửa lan toả khắp các trường trung, đại học ở các thành phố trong cả nước.

    Sau ngày 3 tháng 6, cuộc vận động yêu nước bước vào giai đoạn mới, giai cấp vô sản Trung Quốc đã tham gia cuộc đấu tranh. Đầu tiên, công nhân Thượng Hải đã khởi xướng bãi công, tiếp theo là thương nhân bãi thị. Công nhân ở Đường Sơn, Trường Tân điếm, Cửu Giang cũng tiến hành bãi công và tuần hành thị uy. Từ đó, cuộc vận động yêu nước đột phá vào các phần tử trí thức, phát triển trở thành cuộc vận động cách mạng  của mặt trận thống nhất do giai cấp vô sản, giai cấp tiểu tư sản và giai cấp tư sản dân tộc cùng tham gia. Trung tâm của cuộc vận động yêu nước cũng từ Bắc Kinh chuyển về Thượng Hải, giai cấp vô sản trở thành chủ lực của cuộc vận động đã chứng tỏ là một lực lượng vĩ đại.

    Cuộc vận động yêu nước của quần chúng có tiếng vang rộng khắp, rất nhanh chóng mở rộng đến hơn 20 tỉnh, hơn 150 thành phố. Trước quần chúng rộng lớn đặc biệt là áp lực mạnh mẽ của giai cấp vô sản, ngày 6 tháng 10, chính phủ quân phiệt Bắc Dương cuối cùng buộc phải phóng thích các học sinh bị bắt, bãic miễn chức vụ của ba tên bán nước Tào Nhữ Lâm, Lục Tông Dư, Chương Tông Tường. Ngày 28 tháng 6, đại biểu Trung Quốc đến dự hội nghị hoà bình ở Pari, trước áp lực trong nước và sự bao vây của đám công nhân, học sinh đã không tham dự hội nghị, cự tuyệt ký hoà ước với Đức. Đến đây, cuộc vận động  Ngũ Tứ đã thực hiện được các mục tiêu cơ bản mà cuộc đấu tranh chính trị đã đề ra.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here