Cách mạng Tân Hợi tuy đã lật đổ được ách  thống trị của vương triều nhà Thanh, nhưng lại bị một kẻ gian hùng là Viên Thế Khải cướp mất thành quả thắng lợi. Viên Thế Khải là một kẻ ngoan cố mang giấc mộng đế vương, khi đã nắm được quyền lực đã tìm cách lật đổ nền Cộng hoà, phục hồi chế độ phong kiến. Để tranh thủ sự ủng hộ của các nước đế quốc, ông ta đã ký “21 điều” bán rẻ chủ quyền của đất nước. “21 điều” là một tổn thương và nỗi nhục lớn đối với Trung Quốc và dân tộc  Trung Hoa, có ảnh hưởng quan trọng với lịch sử cận và hiện đại.

Giấc mộng làm vua của Viên Thế Khải  cuối cùng cũng bị tiếng pháo của  cuộc chiến tranh Hộ quốc làm tan vỡ,khái niệm về nền Cộng hoà thêm một bước đi vào lòng người. Việc Viên Thế Khải phục hồi chế độ phong kiến thất bại một lần nữa chứng tỏ lịch sử luôn luôn tiến về phía trước, những kẻ đi ngược lại sẽ chịu những hậu quả khó lường.

 Con người Viên Thế Khải

     Viên Thế Khải (1859 – 1916) tự là Uý Đình, hiệu Dục Am, người Hạng Thành tỉnh Hà Nam, là cháu họ của Viên Giáp Tam, quân phiệt hệ Hoài, hai lần thi Hương đều không đỗ, phẫn chí mà vào quân đội. Năm 1881, Viên Thế Khải đến Sơn Đông vào quân Hoài của Ngô Trường Khánh, làm Doanh vụ xứ hội biện. Năm sau, ông ta theo quân đội đến Triều Tiên, phụ trách Tiền địch doanh sự vụ, giúp Quốc vương Triều Tiên huấn luyện “Tân kiến thân quân”, đàn áp cuộc binh biến ở Hán Thành. Năm 1885, Viên Thế Khải được Lý Hồng Chương tiến cử với chính phủ Thanh làm đại biểu Toàn quyền “Trú trát Triều Tiên Tổng lý giao thiệp thông thương sự nghị”. Năm 1894, ông ta điện xin triều đình nhà Thanh đưa quân đến Triều Tiên đàn áp cuộc khởi nghĩa  của đảng Đông Học. Sau khi chiến tranh Giáp Ngọ giữa hai nước Trung Nhật bùng nổ, Viên Thế Khải phụ trách Biện lý quân Thanh tiền địch doanh vụ sứ kiêm Trù truyền vận sự nghi. Sau chiến tranh, Viên từ Triết Giang Ôn Xứ đạo về kinh làm Hầu sai uỷ. Ông ta được lệnh cùng nhân viên trong Mạc phủ biên soạn 12 quyển “binh pháp”, nhờ có người đưa cho Vinh Lộc xem nên được thưởng chức. Sau chiến tranh Giáp Ngọ, chính phủ Thanh thấy quân Tương Hoài là chỗ dựa chưa tin cậy, muốn thay đổi huấn luyện Tân quân. Được Vinh Lộc tiến cử, Viên dần được Từ Hy Thái hậu coi là người thân tín, đến tháng 12 năm 1885 được cử đến Thiên Tân Tiểu Trạm tiếp quản mười tiểu đoàn “Định Vũ Quân”. Dựa vào đây, Viên tìm thêm người huấn luyện, biên chế thành “Tân kiến lục quân” hơn 7.000 người. Năm 1897, triều đình nhà Thanh thấy Viên Thế Khải có công trong luyện quân, thăng chức lên Trực Lệ tiếp sát sứ, chuyên phụ trách huấn luyện quân đội.

    Tháng 9 năm 1898, được sự ủng hộ của vua Quang Tự, cuộc  vận động Duy Tân đạt tới đỉnh cao, phái ngoan cố phản động do Từ Hy Thái hậu và Vinh Lộc cầm đầu bí mật âm mưu phát động chính biến đàn áp. Phái Duy Tân thấy Viên Thế Khải từng tham gia vào Cường học hội, hiểu ngoại giao, nắm chắc quân đội, ngày 16 tháng 9, vua Quang Tự gặp Viên Thế Khải, thưởng cho chức Binh bộ thị lang chuyên làm việc huấn luyện quân đội. Trong lúc tình thế nguy cấp, phái Duy Tân muốn Viên “giết Vinh Lộc, trừ cựu đảng” giúp, Viên nói đồng ý. Nhưng sau khi về Thiên Tân, Viên lập tức mật báo cho Vinh Lộc, bán đứng phái Duy Tân, đẩy phái Duy Tân vào vũng máu. Từ đó, Viên Thế Khải càng được Từ Hy Thái hậu tin cậy, đường làm quan hanh thông, như diều gặp gió.

    Tháng 6 năm 1899, Viên Thế Khải được thăng Công bộ hữu thị lang, tháng 12 tạm thay Tuần phủ Sơn Đông, đưa quân đi đàn áp Nghĩa Hoà Đoàn; khi liên quân 8 nước chiếm được Bắc Kinh Viên tham gia “Đông Nam hỗ bảo”. Tháng 11 năm 1901, Lý Hồng Chương bị bệnh chết, trên thực tế, Viên Thế Khải trở thành người kế nhiệm, tạm thay Tổng đốc Trực Lệ kiêm Bắc Dương đại thần. Đầu năm 1902, Viên kiêm thêm Chính vụ xứ, tham dự Chính vụ đại thần, Luyện binh đại thần, lại sáng lập Bắc Dương quân chính ty ở Bảo Định (sau đổi thành Bắc Dương đúc luyện công sở), tự kiêm Đốc biện, bắt đầu tổ chức luyện tập quân thường trực Bắc Dương (gọi tắt là Bắc Dương quân), nắm quyền cả trong ngoài kinh đô của triều Thanh. Sau đó, Viên lại kiêm nhiệm Đốc biện thương vụ đại thần, Điện chính đại thần, Thiết lộ đại thần… Năm 1905, Viên đã huấn luyện thành công 6 trấn quân Bắc Dương, quân số đến hơn 6 vạn, trừ một trấn ở bên ngoài, 5 trấn còn lại đều là tâm phúc của  ông ta. Đến đây, về cơ bản, tập đoàn quân phiệt Bắc Dương do Viên cầm đầu đã xây dựng thành công lực lượng vũ trang, trở thành vũ khí đắc lực để sau này Viên Thế Khải giành được quyền lực tối cao của Trung Quốc. Nhưng quyền thế của Viên tăng lên quá nhanh đã làm cho giới quý tộc Mãn Thanh nghi ngờ. Đến cuối năm 1907, triều đình nhà Thanh đã dùng biện pháp thăng chức giảm quyền, cho Viên giữ chức Quân cơ đại thần kiêm Ngoại vụ bộ đại thần, hạn chế quyền chỉ huy trực tiếp của Viên với quân Bắc Dương. Năm 1909, Viên bị Nhiếp chính vương Tải Phong bãi miễn, về “dưỡng bệnh”.

    Nhưng trên thực tế, Viên Thế Khải chưa mất ảnh hưởng với quân đội Bắc Dương, trong thời gian “dưỡng bệnh”, Viên vẫn chăm chú theo dõi những thay đổi của tình hình chính trị Trung Quốc, chuẩn bị lật lại thế cờ. Đồng thời, Viên Thế Khải cũng dần dần được lãnh tụ cách mạng  Tôn Trung Sơn chú ý. Năm 1908, sau khi Từ Hy Thái hậu mất, Tôn Trung Sơn cho rằng “thần số mệnh chưa rời bỏ Viên, không lâu nữa, ông ta sẽ làm chúa tể đất nước chúng ta”. Ông gửi gắm kỳ vọng vào Viên Thế Khải. Viên lợi dụng tình hình này, chiếm đoạt thành quả thắng lợi của cách mạng Tân Hợi.

     Sau khởi nghĩa Vũ Xương, chính phủ Thanh phát hiện quân đội Bắc Dương do Viên Thế Khải huấn luyện không thể chỉ huy được  đã một lần nữa, mời Viên Thế Khải tiếp tục công việc, đảm nhận việc tiêu diệt những người của đảng cách mạng. Viên Thế Khải lợi dụng cơ hội này, một mặt ép triều đình nhà Thanh cho mình quyền lớn về quyết và hành chính Xuất nhậm nội các Tổng lý đại thần, một  mặt ép những người thuộc đảng cách mạng thừa nhận ông ta là người làm chủ tình thế. Trong hoàn cảnh ấy, tháng 2 năm 1912, Viên dùng thủ đoạn  kết hợp uy hiếp và đàm phán, giành được chức vụ Đại Tổng thống lâm thời của Trung Hoa Dân Quốc. Tuy đế quốc Thanh đã diệt vong, nhưng thành quả của cách mạng  đã rơi vào tay quân phiệt Bắc Dương do Viên Thế Khải cầm đầu.

 Viên Thế Khải phục hồi chế độ phong kiến và thất bại

     Sau khi cướp được thành quả của cách mạng Tân Hợi, tháng 3 năm 1913, Viên Thế Khải cho người đi Thượng Hải giết Tống Giáo Nhân một con người cứng rắn thuộc đảng cách mạng, cầu xin các nước đế quốc giúp đỡ, phát động nội chiến phản cách mạng. Trong thời gian chưa đầy hai tháng, Viên đã đàn áp những người thuộc Quốc dân đảng phát động “Cách mạng lần thứ hai”, Viên Thế Khải tích cực chuẩn bị phục hồi chế độ phong kiến. Viên cưỡng bức Quốc hội thay đổi Hiến pháp, trình tự lập pháp khi bầu Tổng thống, ngày 6 tháng 10 năm 1913 tiến hành chính thức bầu Đại Tổng thống. Hôm đó, Viên Thế Khải dựa vào quân cảnh và hơn một nghìn côn đồ lưu manh  mua chuộc được, giương cao ngọn cờ “Công dân đoàn” bao vây Quốc hội, doạ dẫm “Hôm nay mà không bầu Đại Tổng thống theo ý của chúng ta, các người đừng có ra khỏi Quốc hội”, bên ngoài hội trường rất lộn xộn. Các nghị viên từ 8 giờ sáng đến 10 giờ tối chịu đựng đói khát, bầu đến ba lần, cuối cùng chịu khuất phục trước vũ lực của Viên Thế Khải, đưa hắn ngồi vào ghế Đại Tổng thống. Viên Thế Khải đã qua được cầu, ngày 10 tháng 1 năm 1914 hạ lệnh giải tán Quốc hội. Tháng 2, theo gợi ý của Viên Thế Khải “Ước pháp hội nghị” được thành lập, cái gọi là “Trung Hoa dân quốc ước pháp” dưới bàn tay của Viên Thế Khải được làm qua loa cho xong, đến ngày 1 tháng 5 thì công bố thi hành thay cho “Ước pháp tạm thời”. “Ước pháp” mới quy định, “Đại Tổng thống nắm toàn quyền cai trị”, tất cả mọi việc nội chính, ngoại giao, quân sự, lập hiến pháp và quan chế, bổ nhiệm và bãi miễn… tất cả đều do Viên Thế Khải thâu tóm. Tháng 12, “Ước pháp hội nghị” thông qua bản sửa chữa “Cách thức bầu cử Tổng thống”, quy định nhiệm kỳ của Đại Tổng thống là vô hạn, người kế thừa Đại Tổng thống do Đại Tổng thống tiến cử. Như vậy, Viên Thế Khải không chỉ nắm quyền thống trị suốt đời mà còn có thể truyền cho con cháu. Ngoài chiêu bài “Trung Hoa Dân Quốc”, tất cả những  điều Viên Thế Khải nêu ra đều chẳng khác gì một ông vua chuyên chế. Để làm mất tên hiệu “Dân Quốc”, Viên Thế Khải tích cực dựa vào các nước đế quốc, bán rẻ chủ quyền quốc gia. Theo thống kê chưa hoàn toàn đầy đủ, trong mấy năm cầm quyền, Viên Thế Khải đã ký kết hơn một trăm hợp đồng, hiệp định và điều ước bất bình đẳng với các nước đế quốc. Đặc biệt nghiêm trọng là ngày 9 tháng 5  năm 1915, Viên Thế Khải chấp nhận “21 điều” của Nhật Bản làm Trung Quốc diệt vong.

    Sau một thời gian dài chuẩn bị, Viên Thế Khải cho rằng điều kiện đã chín muồi, bắt tay vào những hoạt động phục hồi chế độ phong kiến. Tháng 8 năm 1915, cố vấn nước ngoài đầu tiên cho Viên Thế Khải  Cổ Đức Nặc (người Mỹ) và Hữu Hạ Trường Hùng (người Nhật)  đã lộ mặt, lần lượt phát biểu “Tân ước pháp luận”, “Cộng hoà dư quân chủ luận”… cổ vũ Trung Quốc nên theo chế độ quân chủ, hiện chưa thích hợp với chế độ Cộng hoà”, công khai kêu gào trả ngôi vua cho Viên Thế Khải. Viên Thế Khải lại giao cho Dương Độ tập hợp người của đảng Lập hiến và những kẻ phản bội của phái cách mạng thành lập “Trù an hội” ở Bắc Kinh, công khai đặt kế hoạch hoạt động phục hồi. Từ tháng 10 đến tháng 11, dưới sự chỉ huy thống nhất của Viên Thế Khả , sự giám sát của các tỉnh trưởng, các tỉnh đã bầu 1993 đại biểu, khi tiến hành bỏ phiếu, tất cả đều ủng hộ chế độ quân chủ, đến ngày 11 tháng 2, tất cả đã dâng “Thư suy tôn”: “theo ý nguyện của quốc dân, kính mong Đại Tổng thống Viên Thế Khải  lên ngôi Hoàng đế đế quốc Trung Hoa”. Viên Thế Khải còn ra vẻ không muốn nhận, chiều hôm đó, “Thư suy tôn” lại dâng lên lần nữa, mãi đến ngày 12 tháng 12 Viên Thế Khải mới lên tiếng chấp nhận ngôi vua, lại còn hợm hĩnh với giọng cũ rích “dân đã muốn, trời cũng phải theo” chính thức tiếp nhận ngôi báu. Nguyên đán năm 1916, Viên lên ngôi, trước khi lên ngôi đã phong tước vương cho nhiều người, trước hết phong cho Lê Nguyên Hồng là Võ Nghị Thân vương, lệnh cho Lục Chinh Tường cùng văn võ bá quan đến nhà Lê Nguyên Hồng chúc mừng. Lê Nguyên Hồng trả lời: “Không có công không dám nhận tước.”, mọi người chào rồi lui. Chiều hôm ấy, Viên lại hạ lệnh cho mang vương phục đến, Lê Nguyên Hồng lại từ chối, nói: “Tôi không phải thân vương, sao dám nhận chế phục?” Viên Thế Khải lại phong Thanh Thế Tôn hoàng Phổ Nghi là Y Đức Thân vương, làm vua các chư hầu, lệnh cho Phổ Luân làm Viện trưởng tham chính thay L:ê Nguyên Hồng, lại thưởng cho các Thân vương nhiều bổng lộc.

    Viên phát biểu “mệnh lệnh các bạn cũ, kẻ địch và người cao tuổi không được xưng thần”. Bạn cũ có 7 người Lê Nguyên Hồng, Dịch Nghi, Tải Phong, Thế Tục, Na Đồng, Tích Lương, Chu Phức; kẻ địch có 4 người Từ Thế Xương, Triệu Nhĩ Tốn, Lý Kinh Hy, Trương Kiển, hai người cao tuổi là Vương Khải Vận, Mã Tương Bá không xưng thần. Triều đình mới dùng cờ ngũ sắc, các màu xoay quanh mặt trời đỏ biểu thị “năm tộc người cùng tôn một vua”. Đại Tổng thống phủ trước đây đổi thành Tân Hoa cung. Viên cho người chuẩn bị ngự toạ, ngự án, long bào, mũ bình thiên, ngọc tỷ, kim ấn cũng đầy đủ,  phí tổn đến 20 triệu đồng.

    Ngày 21 tháng 12, Viên Thế Khải hạ lệnh đại phong văn võ, Long Tề Quang, Trương Huân, Phùng Quốc Chương, Khương Quê Đề, Đoan Chi Quý, Nghê Tự Xung được phong tước Công, Thang Hương Minh, Lý Thuần, Chu Thuỵ, Lục Vinh Đình, Triệu Thích, Trần Thất, Đường Kế Nghiêu, Diêm Tích Sơn, Vương Chiêu Nguyên được phong tước Hầu; Trương Tích Loan, Chu Gia Bảo, Trương Minh Kỳ, Điều Văn Liệt, Cận Vân Bằng, Dương Tăng Tân, Lục Kiến Chương, Mạnh Tư Viễn, Khuất Ánh Quang, Tế Huy Lâm, Tào Côn, Dương Thiện Đức được phong tước Bá, còn lại là tước Tử và Nam, cộng tất cả 128 người. Các sư, lữ trưởng, trấn thủ sứ, khinh quân hơn 70 người.

    Trong lúc Viên Thế Khải đang làm lễ nhận tước, phong vương, nhiều quan viên bất mãn với việc phục hồi chế độ phong kiến liền từ chức hoặc xin nghỉ phép đi khỏi kinh đô. Việc ra đi của những người này gây bất lợi, Viên Thế Khải liền cho quân cảnh mặc thường phục đến hai ga Đông và Tây cấm các quan viên tự tiện đi khỏi kinh đô. Một điều Viên Thế Khải không lường đến đã xảy ra, ngày 23 tháng 12, một tiếng sấm vang động, quân Hộ quốc ở Vân Nam khởi nghĩa.

    Sau đó, Quý Châu, Quảng Tây cũng hưởng ứng hợp thành “quân Hộ quốc” tiến hành chiến tranh diệt Viên Thế Khải. Nội bộ quân  phiệt Bắc Dương cũng nảy sinh sự phân hoá, hai viên đại tướng thủ hạ của Viên Thế Khải  là Đoàn Kỳ Thuỵ và Phùng Quốc Chương đều có thái độ tiêu cực với đế chế, Phùng Quốc Chương thậm chí còn bí mật liên lạc với quân Hộ quốc.

    Trước tình hình ấy, Viên Thế Khải ngày 22 tháng 3 năm 1916 không thể không tuyên bố thủ tiêu đế chế, bỏ niên hiệu “Hồng Hiến”, vẫn lấy danh nghĩa Đại Tổng thống để ban bố mệnh lệnh. Từ khi Viên Thế Khải xưng đế đến khi đế chế bị thủ tiêu tổng cộng có 83 ngày. Nhưng quân Hộ quốc vẫn không dừng tay kiên quyết bắt Viên Thế Khải hạ đài; Tôn Trung Sơn cũng tiếp tục phát động cuộc  đấu tranh vũ trang chống Viên Thế Khải; các địa phương trên cả nước dồn dập phát biểu tuyên ngôn, gửi điện yêu cầu trừng trị Viên Thế Khải. Phùng Quốc Chương liên tiếp gửi điện báo, thúc giục Viên Thế Khải thoái vị. Nanh vuốt của  Viên Thế Khải ở phương nam để bảo vệ địa vị của bản thân cũng tuyên bố độc lập. Trước tình thế trong ngoài đều bị tấn công, Viên Thế Khải cảm thấy đầu choáng mắt hoa, vô cùng lúng túng, từ đó mà phát bệnh. Ngày 6 tháng 6 năm 1916, trong lời nguyền rủa của hàng vạn người, Viên Thế Khải chết. Ngày 29 tháng 6, Lê Nguyên Hồng kế nhiệm Đại Tổng thống tuyên bố khôi phục “Ước pháp lâm thời” và Quốc hội. Lực lượng chính trị các phái tham gia vận động Hộ quốc tuyên bố thành công. Ngày 14 tháng 7, Đường Kế Nghiêu tuyên bố xoá bỏ Quân vụ viện.  Sau đó, đảng Cách mạng Trung Hoa cũng tuyên bố chấm dứt tất cả các hoạt động. Việc Viên Thế Khải khôi phục chế độ phong kiến cuối cùng đã thất bại.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here