Con đường tơ lụa nổi tiếng thế giới là con đường buôn bán trên đất liền được mở ra từ triều Hán, thương nhân Trung Quốc đem những đặc sản nổi tiếng như tơ lụa, đồ gốm (1) qua Tây Vực, mang đến Tây Á và châu Âu, sau đó lại đem hàng hóa từ những nơi đó trở về. Họ là những người rất giàu có.

Con đường tơ lụa là do ai khai phá? Và nó đã được khai phá như thế nào?

Đầu đời Hán Vũ Đế, người Hung Nô nhiều lần xuống phía nam xâm lăng triều Hán. Để hiểu rõ kẻ địch, Hán Vũ Đế thường gặp gỡ một số người Hung Nô đã đầu hàng, từ đó, đã có nhiều tin tức có ích. Khi mới đánh bại nước Nguyệt Thị, Mạo Đốn Thiền Vu đã rất man rợ, dùng xương sọ của vua Nguyệt Thị làm bô đựng nước tiểu. Vì thế, người Nguyệt Thị rất thù hận người Hung Nô. Nhưng vì lực lượng ít, lại không có người giúp đỡ, họ đành phải bỏ chạy về phía tây mặc dù trong lòng rất muốn báo thù.

Hán Vũ Đế nghĩ: Thật là hay! Những lần trước đây, khi đánh Hung Nô, người Hung Nô thua là bỏ chạy, không thể nào tóm gọn. Bây giờ phải liên hợp với nước Nguyệt Thị, từ hai phía cùng đánh Hung Nô, khi đó chúng sẽ hết đường chạy.

Nghĩ vậy, nhà vua thảo chiếu thư (2) tìm người có khả năng liên lạc với Nguyệt Thị. Lúc ấy, chẳng ai biết nước Nguyệt Thị ở đâu, càng chẳng thể biết xa hay gần. Để làm được việc này phải chọn được người rất có dũng khí. Có một thanh niên tên gọi Trương Khiên, rất dũng cảm, biết đây là một công việc có ý nghĩa đã tình nguyện đảm đương. Có người dẫn đầu, số người can đảm tình nguyện cũng nhanh chóng tăng thêm, tất cả có tới hơn trăm dũng sĩ ứng cử. Có một người Hung Nô ở Trường An lúc ấy là Đường Ấp Phụ, có tài bắn cung cũng tình nguyện cùng Trương Khiên lên đường đi tìm nước Nguyệt Thị.

Năm 138 trước CN, Trương Khiên cùng hơn trăm người xuất phát từ Trường An. Khi tới Lũng Tây, Trương Khiên thấy đồng ruộng xanh mướt, nông dân đang cần cù làm lụng, cảnh vật mới lạ khiến  ông càng thầm hạ quyết tâm phải hoàn thành nhiệm vụ.

Không lâu sau, họ đã đi vào khu vực thuộc phạm vi hoạt động của người Hung Nô. Trong khi Trương Khiên đang cùng mọi người tìm cách nhanh chóng vượt qua, không ngờ bị binh lính Hung Nô phát hiện. Hơn một trăm người sao có thể là đối thủ của đại quân Hung Nô?

Thiền vu Hung Nô nghe nói bắt được sứ thần của triều Hán, hỏi Trương Khiên:

– Các ngươi đi tới nước nào?

Trương Khiên trả lời:

– Chúng tôi đến nước Nguyệt Thị.

Thiền vu chưa nghĩ tới việc sứ Hán liên lạc với nước Nguyệt Thị để đánh Hung Nô, nhưng ông ta không cho phép sứ Hán đi qua nước mình. Trương Khiên bị giữ lại làm con tin, cùng những người đi theo phải làm việc chăn dê cho Hữu Hiền Vương của Hung Nô.

Trương Khiên không cam chịu thất bại, nghĩ đến việc bỏ trốn. Một hôm, ông cùng bàn bạc với Đường Ấp Phụ và mấy người nữa, nhân lúc lính canh Hung Nô mất cảnh giác, trộm mấy con lạc đà và ngựa rồi chạy về phía tây.

Đại sa mạc nhìn không thấy bờ, không có cây cối và nước, bọn Trương Khiên vừa khát vừa đói, liền trong mười mấy ngày, mệt đói tới mức không cất nổi bước chân. Trong khi mọi người dường như đã tuyệt vọng, thì tất cả tìm tới một nơi có cây cỏ tươi tốt, lại có rất nhiều chim và dã thú. Lúc này, Đường Ấp Phụ bắt đầu trổ tải của mình. Những  mũi tên bắn ra, nhiều chim và thú bị hạ, ban đầu họ chỉ kịp ăn sống.

Qua Thông Lĩnh (cao nguyên Pa-mia ngày nay), họ tới nước Đại Uyển (3). Đây là nơi có phong cảnh đặc biệt. Con người ở đây có sống mũi cao, mắt xanh, râu dài, hoàn toàn không giống với người Hán. Nghe nói Trương Khiên từ triều Hán tới, họ rất hâm mộ, vì với họ :”triều Hán vừa lớn vừa đẹp, rất đông người, đúng không?”. Họ vừa hỏi, vừa mang rượu thịt tới mời khách quý.

Vua nước Đại Uyển đã sớm nghe ở phương đông có một đất nước thần kỳ, vàng bạc châu báu nhiều dùng không hết, rất muốn tới thăm triều Hán từ lâu, nghe nói sứ Hán đến, tất nhiên vô cùng vui sướng. Trương Khiên đưa sứ tiết, nói với vua Đại Uyển:

– Tôi phụng mệnh của Hoàng đế triều Hán, đi đến nước Nguyệt Thị, giữa đường bị Hung Nô giam giữ. Bây giờ đến quý quốc, nếu đại vương có thể cho người đưa chúng tôi tới nước Nguyệt Thị, Hoàng đế triều Hán chúng tôi nhất định sẽ vô cùng cám ơn các ngài.

Vua Đại Uyển nói:

– Tất nhiên là có thể. Đến nước Nguyệt Thị còn phải qua nước Khang Cư (4). Sứ Hán cứ yên tâm, ta sẽ cho kỵ binh và phiên dịch đưa các ngươi đi.

Sau khi  tới được nước Khang Cư, Trương Khiên và những người cùng đi cũng được vua Khang Cư đón tiếp rất nồng hậu rồi cử người đưa họ tới nước Nguyệt Thị.

Lại nói nước Nguyệt Thị từ sau khi khi bị Hung Nô đánh bại, chạy về phía tây đến Thông Lĩnh, liên hợp với nước Đại Hạ xây dựng một quốc gia, gọi là nước Đại Nguyệt Thị. Từ đó đến nay, họ vô lo vô nghĩ, cày ruộng chăn dê, cuộc sống rất mỹ mãn. Thời gian dài trôi qua, họ không còn nghĩ tới chuyện báo thù nữa.

Trương Khiên sau khi tới nước Nguyệt Thị, tỏ rõ ý của mình, khuyên họ nên liên hợp với triều Hán để đối phó với Hung Nô. Nhưng người Nguyệt Thị mượn cớ đường quá xa, lực lượng không đủ, rồi nói sang việc khác. Trương Khiên vô cùng thất vọng.

Qua hơn một năm, Trương Khiên thấy không thể tiếp tục thuyết phục họ đã quyết định trở về.

Cuối cùng ông cũng đã về tới Trường An. Tuy không hoàn thành được nhiệm vụ nhưng Hán Vũ Đế vẫn rất vui vẻ và trọng thưởng.

Chuyến  đi về phía tây này dù thất bại nhưng có ý nghĩa lịch sử sâu sắc và to lớn. Việc giao lưu về kinh tế, văn hóa giữa Trung Quốc với Tây Á, châu Âu đã bắt đầu phát triển. Con đường tơ lụa sau đó cũng chính là con đường thông thương duy nhất giữa phương đông và phương tây khi giao thông trên biển chưa phát triển.

 

Chú thích:

  1. Có người cho rằng tiếng Anh gọi Trung Quốc là China, chính là dịch âm chữ “sứ”. Từ đó có thể thấy tầm quan trọng của đồ sứ trong buôn bán đông tây.
  2. Chiếu thư: tên văn thư, ý ban đầu là “trên cáo dưới”. Sauk hi Tần thống nhất Trung Quốc, ban đầu định Thiên tử gọi là Hoàng đế, lệnh gọi là chiếu. Sau cứ thế mà dùng.
  3. Đại Uyển quốc: tên nước cổ ở Tây Vực.
  4. Khang Cư quốc: tên nước cổ ở Tây Vực.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here