Lịch sử cận đại Trung Quốc có một người phụ nữ nổi tiếng, đó là Na Lạp Thị, tức Từ Hy Thái Hậu , năm 1861, Từ Hy  giữ quyền lực thống trị tối cao của vương triều Thanh, là Hoàng Thái hậu giữ vai trò buông rèm nhiếp chính, liên tục thao túng hai triều Đồng Trị, Quang Tự trong suốt 48 năm, mang đến cho nhân dân Trung Quốc nhiều thống khổ và tủi nhục không kể xiết, có ảnh hưởng rất lớn đến lịch sử Trung Quốc.

 Hoàn cảnh xảy ra chính biến Tân Dậu

     Năm 1860 đối với vương triều nhà Thanh có thể nói là một năm lắm tai nhiều nạn, ý chí của Hoàng đế  Hàm Phong phải đối mặt với khí thế hừng hực của cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc,               vương triều Thanh trong cơn gió táp mưa sa giống như một ông già nằm kề miệng lỗ, tắt thở đến nơi. Đang trong khi ấy, ngọn lửa của cuộc  chiến tranh Nha phiến lần thứ hai  đã thiêu đốt thủ đô Bắc Kinh của vương triều Thanh. Tháng 9 năm 1860, liên quân Anh Pháp uy hiếp Bắc Kinh, kinh thành chấn động. Hoàng đế Hàm Phong vội mang Na Lạp Thị và một số người thân tín chạy về Nhiệt Hà, chỉ để lại Cung thân vương Dịch Nghi cầu hoà với bọn xâm lược. Đối với bọn xâm lược, Dịch Nghi cầu cứu tất được, cuối cùng đã ký “Điều ước Bắc Kinh” nhục nhã, cho nên rất được bọn xâm lược có cảm tình.

Phải nói rằng, chính biến lần này xảy ra có bối cảnh đặc biệt: Hoàng đế Hàm Phong và em trai là Cung thân vương Dịch Nghi có mâu thuẫn. Trước khi Hoàng đế Hàm Phong lên ngôi, trong cuộc tranh giành ngôi báu, Dịch Nghi là đối thủ cạnh tranh chủ yếu. Sau khi lên ngôi, Hàm Phong đương nhiên không cho Dịch Nghi quyền lợi gì, chỉ tìm cách chèn ép. Lần này, khi Hoàng đế Hàm Phong chạy về Nhiệt Hà, để Dịch Nghi ở lại Bắc Kinh để cầu hoà với ngoại bang, chính là định dùng kế mượn dao giết người. Nhưng ông ta đã không lường đến việc Dịch Nghi đã xử lý rất tốt việc cầu hoà, giành được cảm tình của ngoại bang. Đến lúc này, Hoàng đế Hàm Phong đành đặt hết niềm tin vào một đại thần là Túc Thuận, hết lòng yêu nàng Na Lạp Thị mà sau này là Thái hậu Từ Hy.

Na Lạp Thị xuất thân từ một gia đình viên chức dân tộc Mãn đã sa sút, nhũ danh là Lan Nhi. Cha của bà là một Đạo đài hậu bổ của An Huy, con đường  làm quan không được hanh thông, vì thế, gia cảnh cũng có khó khăn. Bạn của ông là Ngô Đường thường nhận xét Lan Nhi  xinh đẹp, thông minh, linh lợi, tương lai cô sẽ là một quý nhân nên thường giúp đỡ. Lan Nhi đọc sách, học đòi bút nghiên đều do Ngô Đường chu cấp. Năm 17 tuổi, Lan Nhi được tuyển vào cung làm cung nữ, rồi được cử làm đầy tớ ở cung Khôn Ninh của Hoàng hậu Nữu Hộ Lục Thị. Sau khi gặp nàng, Hoàng đế Hàm Phong rất yêu quý, gọi là “quý nhân”; không lâu sau phong làm “Ý tần”; sau khi sinh Hoàng đế Đồng Trị mẹ tròn con vuông được gọi là “Ý phi”. Năm Hàm Phong thứ 6, nàng phụng chỉ về tỉnh Ninh, lại được gia phong là “Ý quý phi”.

    Trước việc Túc Thuận nắm đại quyền, Từ Hy và Dịch Nghi đều không muốn để yên, chỉ đợi thời cơ, liên minh của họ sẽ lật lại thế cờ.

     Vua Hàm Phong năm 31 tuổi đến Nhiệt Hà được một năm thì mắc bệnh, mỗi khi bệnh đỡ, ông lại lo lắng đến vấn đề chuyển giao vương quyền. Ông suy nghĩ: Hoàng hậu Từ An 26 tuổi, Ý quý phi 27 tuổi, Hoàng tử mới 6 tuổi. Nếu một ngày nào đó ông ra đi, ở lại sẽ là cô nhi quả phụ với thế đơn lực độc, ông phải tìm một cách vẹn toàn để vương quyền khong rơi vào tay kẻ khác.

 Cuộc đấu tranh trước chính biến Tân Dậu

     Kết hợp kinh nghiệm lịch sử và qua cân nhắc trước sau,  vua Hàm Phong thiết lập một ban cố vấn gồm tám người để họ giúp cho việc kiềm chế, miễn là vương quyền không bị mất. Các đại thần cố vấn nhiều như vậy  cũng là  do ý của Hàm Phong. Tuy thế, ông vẫn  chưa thể yên tâm, thấy cần phải cho Hoàng hậu và Hoàng quý phi những quyền lực đặc biệt, đó chính là  cho họ những khả năng tự vệ trong những thời khắc quyết định để bảo vệ Hoàng tử. Vì thế, trước khi chết,, ông để lại di chúc miệng, giao cho tám vị cố mệnh đại thần làm “Tán dương chính vụ”, đồng thời cho Hoàng hậu  một ấn “Ngự thưởng”, cho Tiểu Hoàng đế một ấn “Đồng đạo đường”, ấn này do Ý quý phi (Từ Hy Thái hậu sau này) quản lý. Ông lại nói rõ, phàm là các dụ chỉ, khởi đầu phải đóng ấn “Ngự thưởng”, tức là  mở đầu; tiếp theo đóng ấn “Đồng đạo đường” tức là ấn kết thúc. Chỉ khi đóng cả hai ấn này, dụ chỉ mới có hiệu  lực. Không thể coi thường hai ấn này, vì đó là tượng trưng cho vương quyền.

    Thiết chế phân phối quyền lực như vậy không phải là việc làm vội vã mà là kết quả của suy tính đắn đo kỹ càng của Hàm Phong. Hai vị Hoàng Thái hậu và ấu vương giữ một ấn, tám vị cố mệnh đại thần giữ một ấn, không thể tự nhiên thiếu một ấn, Dụ chỉ mà thiếu một ấn là không được. Đây không phải là buông rèm, cũng không phải là phụ chính, mà là “buông rèm phụ chính”, cả hai đều có. Bản thân vua Hàm Phong đã tính toán kỹ lưỡng, thấy không còn vấn đề  gì, ông có thể yên tâm mà ra đi. Nhưng không phải như vậy, vẫn còn vấn đề, lại  là vấn đề lớn mà vua Hàm Phong không nghĩ tới.

   Vấn đề là ở chỗ tám vị cố mệnh đại thần muốn thâu tóm quyền lực, ý đồ của  họ bộc lộ ra từ việc xử lý các chỉ dụ. Vua Hàm Phong tưởng mọi việc đã chu toàn, nhưng ông không biết vẫn còn sơ hở. Việc ban chỉ dụ ông còn chưa giao hẹn rõ ràng, ông chưa nói một câu nào về việc dự thảo, trình bày, sửa chữa và phân phát. Đây chính là  dịp may hiếm có để các vị cố mệnh đại thần mượn cớ soán quyền. Họ đưa ra cách hiểu của mình, thực chất là để hạn chế quyền lực của Lưỡng cung Hoàng thái  hậu. Họ ngông cuồng đòi hỏi: “chỉ dụ do các đại thần dự thảo, Thái hậu chỉ đóng ấn, không được sửa chữa, chương sớ không phải trình xem xét.” Như vậy chính là các vị cố mệnh đại thần đã nói: một là, tấu chương của họ dự thảo không phải trình để Hoàng thái hậu duyệt xem; hai là chỉ dụ của Hhoàng đế do cố mệnh đại thần dự thảo; ba là Hoàng thái hậu chỉ giữ ấn, không có quyền sửa chữa nội dung của dụ chỉ. Nếu như vậy thì Hoàng thái hậu chẳng qua là ông phỗng, là công cụ để sai khiến. Họ cho rằng quả phụ trẻ tuổi và đứa trẻ con ấu trĩ thì biết gì, chỉ có việc ban bố dụ chỉ, cúi đầu nghe theo họ sắp đặt. Họ không ngờ đã mắc một sai lầm đặc biệt, đó là đánh giá quá thấp Từ Hy vô cùng thông minh, tuy bà chỉ mới có 27 tuổi. Từ Hy quyết không chấp nhận, bà tất nhiên phải chống lại.

    Dụ chỉ là tượng trưng tất cả cho vương quyền. Ai khống chế được quyền ban bố dụ chỉ, người đó sẽ chiếm được vương quyền tối cao. Về điều này, cả hai bên đều biết rất rõ. Lưỡng cung Hoàng thái hậu kiên quyết bác bỏ tấu chương của cố mệnh đại thần. Họ lại đòi hỏi một cách rõ ràng, về dụ chỉ, họ có quyền đưa ra ý kiến, quyền thẩm duyệt, quyền sửa chữa, quyền đóng ấn và quyền phủ quyết, nghĩa là họ có đầy đủ vương quyền và coi đây là một vấn đề nguyên tắc, không thể nhượng bộ. Bàn bạc qua bốn ngày, hai bên giằng co không ai chịu lui. Cuối cùng, cố mệnh đại thần phải nhượng bộ, Lưỡng cung Hoàng Thái hậu giành được thắng lợi trong hiệp đấu thứ nhất. Cuộc xung đột này đã để lại trong họ những ký ức khắc cốt ghi xương. Từ đó, họ càng thấy rõ dã tâm muốn nhòm ngó vương quyền của các cố mệnh đại thần. Điều này khiến họ hạ quyết tâm phải diệt trừ nguy cơ  đến tận gốc rễ.

    Sau đó, Ngự sử Đổng Nguyên Thuần dâng sách lên Hoàng Thái hậu kiến nghị: một là, Hoàng Thái hậu tạm thời quản lý việc triều chính, mọi người tuyệt nhiên không được tham dự, tức là có ý nói, Hoàng Thái hậu đích thân nắm vương quyền, không người nào được phép can dự; hai là, chủ trương để Giản thân vương phụ chính. Điều này có ý nói, trong tám vị cố mệnh đại thần “Sàm sa tử” chỉ cử một hai vị thân vương làm việc này. Người tinh ý sẽ thấy ngay tấu chương này có ẩn ý. Sau này mới rõ, tấu chương này chính là do Cung thân vương Dịch Nghi chủ trương. Được tấu chương này, Lưỡng cung vui mừng khôn xiết, nó hoàn toàn thoả mãn mong ước lâu nay của họ. Các cố mệnh đại thần được biết có bản tấu  bèn xin Lưỡng cung  cho họ xem. Sau khi được  Lưỡng cung  cho xem, họ rất tức giận, kịch liệt phản đối, sau đó mang chỉ dụ vừa dự thảo đưa Lưỡng cung. Đọc xong, Lưỡng cung cũng kịch liệt bác bỏ, Đổng Nguyên Thuần vô cùng tức giận, đem dụ chỉ ấy gác lại, đợi lúc về kinh sẽ xử lý, nhưng cố mệnh đại thần không nghe, không chịu, thậm chí còn dùng thủ đoạn “các xa” tức là bãi công, đoạn tuyệt bất chấp hậu quả, muốn bắt bí Hhoàng Thái hậu. Hoàng Thái hậu cân nhắc, thấy không còn cách nào, đành tạm thời chấp nhận đồng ý chỉ dụ của họ dự thảo, giữ nguyên như thế mà ban bố. Các đại thần thoả mãn, nói cười hỉ hả, thậm chí còn chúc nhau thăng quan, cho rằng đã đánh tan ý chí nhu nhược của bọn goá phụ non nớt, từ đây thiên hạ có thể thái bình.

    Trong hiệp đấu tranh này, rõ ràng các cố mệnh đại thần đã ở thế thượng phong. Nhưng họ không biết rằng, đây là Lưỡng cung Hoàng Thái hậu dùng kế “thao hối”, tạm thời lùi bước, như là ở ẩn để chờ mặt trời sáng lại. Hiệp đấu tranh này, bên ngoài, các cố mệnh đại thần đã thắng lợi, nhưng thực ra là quả bom ngàn cân đang chờ họ. Ở hiệp đấu trước, Lưỡng cung Hoàng Thái hậu chưa quyết tâm hạ gục đối thủ, đến hiệp đấu sau, họ sẽ quyết không do dự, cuối cùng sẽ xoá bỏ cố mệnh đại thần vì thông qua sự kiện này, họ đã nhận rõ bộ mặt thật của các cố mệnh đại thần. Đây sẽ là cuộc đấu tranh một mất một còn. Vì thế, Lưỡng cung Hoàng Thái hậu và Cung thân vương Dịch Nghi đã liên kết chặt chẽ, trong ngày trở về kinh liền phát động chính biến, đây chính là chính biến Tân Dậu nổi tiếng  vì năm đó là năm Tân Dậu.

 Buông rèm nhiếp chính

     Dịch Nghi người ở Bắc Kinh nhưng lòng để hết ở Nhiệt Hà theo dõi mọi việc. Lúc  đến Nhiệt Hà chịu tang, với bọn Túc Thuận ông ta  vẫn thể hiện thái độ rất khiêm nhượng, dù  trong lòng đã trù định phương án cụ thể làm chính biến, sau đó lại trở về Bắc Kinh sắp xếp mọi việc.

Na Lạp Thị mượn cớ hộ tống linh cữu là việc quan trọng nhất, kiên quyết  yêu cầu Túc Thuận làm nhiệm vụ này, rồi bố trí Dịch Nghi ở lại Nhiệt Hà để bàn cách hành động. Túc Thuận hộ tống linh cữu vừa đi vừa nghỉ, chậm rãi chờ đợi. Na Lạp Thị làm như không biết gì, về Bắc Kinh trước. Dịch Nghi nói mọi việc đã lo sắp xếp đầy đủ, “chỉ cần Dịch thân vương, Trịnh thân vương, Túc Thuận tiếp tục nắm công việc, chúng ta sẽ không chấp nhận việc  Trung Quốc thừa nhận “Điều ước Bắc Kinh”.

    Túc Thuận đi cùng một đoàn đến Mật Vân, ở lại tại hành quán. Dịch Ngjhi nhận được  một chiếu của Na Lạp Thị, từ Nhiệt Hà trở về, nửa đêm, bất thình lình như sét đánh ngang tai, bao vây hành quán, bắt Túc Thuận. Lúc bị bắt đưa đi, Túc Thuận còn gào thét truy hỏi: “Cớ gì mà bắt ta?” Dịch Nghi trả lời: “Phụng chỉ bắt để xét hỏi!” Túc Thuận nói: “Ta còn đang là Tương tán chính vụ đại thần, chưa từng bị cách chức, lại dám bắt ta xét hỏi, thật là khó nghe!” Dịch Nghi lạnh lùng bác bỏ: “Tất nhiên có chỉ bắt để thẩm vấn, tất nhiên rồi sẽ  cách chức, ngươi không phải nhiều lời!”.

    Cuối cùng, Tương tán chính vụ đại thần do Hàm Phong giao cho, năm người bị cách chức, đưa đi Tân Cương chuộc tội. Tán Viên, Đan Hoa được lệnh tự xử. Túc Thuận lúc bị thẩm vấn tại phủ Tông Nhân còn sừng sộ hỏi: “Tân Hoàng thượng chưa đăng vị, chỉ dụ bắt hỏi ta do ai đóng ấn?” Tông Chinh, chủ trì thẩm vấn trả lời: “Dùng ấn của  Đông Tây Lưỡng cung Hoàng Thái hậu”. Túc Thuận giậm chân than: “Thôi, thôi! Tây Thái hậu giỏi lắm!” Lúc làm thủ tục ký vào lời khai, Tán Văn, Đoan Hoa chần chừ không muốn đặt bút ký, Túc Thuận ngược lại, rất điềm nhiên. Ông ta nói với Tán Văn, Đoan Hoa: “Nhận cũng  chết, không nhận cũng chết, Cố mệnh đại thần còn muốn chạy mệnh không?” Tông Nhân phủ xử Túc Thuận “lăng trì xử tử”, Na Lạp Thị làm ra vẻ khoan dung, chữa thành “trảm lập quyết”.

    Túc Thuận bị bắt vào nhà giam, lúc đưa ra pháp trường xử chém, hai bên đường người xem đông nghịt. Một số người còn lấy ngói, đá, gạch ném theo. Lúc đương nhiệm, ông ta là người  từng chủ trương giảm bớt tám loại bổng lộc, một số áo gấm, thức ăn quý cho bọn lười biếng, tất nhiên bọn này căm giận ông đến xương tuỷ.

    Sau chính biến giành được thể chế, Từ Hy nắm tình hình. Bà chọn cách “buông rèm nhiếp chính”. Từ An 26 tuổi, Từ Hy 27 tuổi, Tiểu Hoàng đế mới 6 tuổi. Kinh nghiệm lịch sử thức tỉnh họ, cuộc sống lại khuyên răn họ: Nếu không đích thân nắm lấy vương quyền thì sẽ có thể bước xuống Hoàng tuyền. Từ vương quyền chuyển thành hoàng tuyền cũng chỉ cách nhau một chút, không thể coi thường. Vì thế, Từ Hy chọn “buông rèm nhiếp chính”.

    Trong mưu tính của  Cung thân vương Dịch Nghi    377        khuyến cáo Lưỡng cung Hoàng Thái hậu buông rèm nhiếp chính. Một trong một ngoài, một văn một võ, trong ngoài kết hợp, văn võ có cả tạo thành thanh thế trong ngoài cùng mong Hoàng Thái hậu “buông rèm nhiếp chính”.  Nước chảy đến đâu, ngòi thành đến đấy, cứ thế mà làm. Dùng cách che giấu, thừa thế dâng thư,mượn danh nghĩa Hoàng đế, Lưỡng cung Hoàng Thái hậu cùng ban chỉ dụ, ra lệnh cho các đại thần dự thảo chương trình “buông rèm nhiếp chính” trình lên.

    Nhưng ở đây có một vấn đề thuộc về tiền lệ. Hoàng đế các triều Thanh không dám tuỳ tiện vi phạm các tiền lệ. Liệt tổ, Liệt tông triều Thanh từ xưa chưa có việc “buông rèm nhiếp chính”. Thế nào là “buông rèm” chưa có tiền lệ để làm theo. Các đại thần thủ cựu không dám đột phá làm trái các tiền lệ. Các đại thần dù vắt óc suy nghĩ cũng không tìm ra được điểm cốt lõi, trong sự thảo, không chỉ ra được “buông rèm nhiếp chính ” là thế nào. Thấy họ không làm được, Từ Hy đành tự làm, ban bố dụ chỉ, đề ra những điểm quan trọng trong chương trình “buông rèm nhiếp chính”. Từ đó, các đại thần suy nghĩ cởi mở hơn, mọi việc mới có thể tiến hành thuận lợi.

    Ngày 1 tháng 11 năm Hàm Phong thứ 11, cử hành nghi thức “buông rèm nhiếp chính”. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử triều Thanh, Hoàng Thái hậu chính thức “buông rèm nhiếp chính”.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here