Khi Trung Quốc bước vào thế kỷ 16, dân tộc Hoa Hạ đã tới gần bước ngoặt của lịch sử, một mặt,  xã hội Trung Quốc dưới sự thống trị của triều Minh đã vượt qua đỉnh cao của chế độ phong kiến,  không còn phù hợp với sự phát triển của sức sản xuất, mâu thuẫn giữa các mặt ngày càng gay gắt, mặt khác, một  số đặc trưng của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đã bắt đầu manh nha xuất hiện.

Trong bước ngoặt của lịch sử, một nhà chính trị vĩ đại đã bước lên vũ đài của lịch sử, ông chính là Trương Cư Chính. Trương Cư Chính đã kiên trì thực hiện một loạt các cải cách về chính trị và  kinh tế, không hoà hoãn với các mâu thuẫn xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển, củng cố địa vị thống trị phong kiến của vương triều Minh, đồng thời cũng phù hợp với sự manh nha của  trào lưu tư bản chủ nghĩa trong kinh tế. Vì thế, ông đã trở thành “nhà kinh tế số một của Trung Quốc”, nhà chính trị và lý luận kinh tế của giai cấp tư bản phương Tây, được ghi vào sử sách của sự phát triển kinh tế thế giới.

 Hoàn cảnh của cải cách

     Những cải cách của Trương Cư Chính diễn ra  từ năm Vạn Lịch nguyên niên đến năm Vạn Lịch thứ 10 triều Minh (1573 – 1582), đây là khoảng thời gian đất nước có rất nhiều những diễn biến phức tạp.

Triều Minh là một vương triều mà chế độ chuyên chế phong kiến phát triển cực độ. Bản chất thống trị của nó đã tạo nên một chế độ lạm dụng quyền lực quân chủ tuyệt đối và một nền chính trị quan liêu, hủ bại.. Quyền lực quân chủ đời Minh mở rộng đến cao độ, vượt qua các vương triều trong lịch sử. Dương cực tất phản, do quyền lực tập trung cao độ vào trong tay hoàng thân quý thích, cuộc sống của họ càng kiêu ngạo, xa hoa, những năng lực tối thiểu để quản lý quốc gia của họ không còn, những ông vua mê muội liên tiếp xuất hiện qua các đời. Vào giữa đời Minh, hoàng đế không lâm triều trở thành một việc bình thường. Hoàng đế thường xuyên không quan tâm đến chính sự, công việc  chính tự nhiên rơi vào tay nội các, ai là Thủ phụ, người đó nắm chủ quyền, nắm quyền lực tối cao trên thực tế, đây chính là nguyên nhân diễn ra những cuộc đấu tranh quyết liệt trong nội bộ tầng lớp thống trị để giành chức Thủ phụ. Chỉ một chức Thủ phụ mà liên quan đến thăng giáng của quan lại, người này được thế, kẻ kia có thể bị hạ đài. Sự hủ bại, hỗn loạn làm mất lòng tin vào  tầng lớp thống trị vô cùng nghiêm trọng.

    Những khó khăn về tài chính  cùng với nguy cơ về chính trị ngày càng bức bách, ruộng đất là vấn đề  gay cấn nhất của kinh tế xã hội, từ sau giai đoạn giữa triều Minh, tình hình chiếm đoạt ruộng đất của quý tộc địa chủ tương đốị nghiêm trọng. Ở Giang Nam, đại địa chủ có người có tới 7 vạn khoảnh ruộng (1 khoảnh là 100 mẫu). Trong triều, một gia đình đại học sĩ Từ Giai đã chiếm đến 24 vạn mẫu ruộng. Một  nửa tô thuế ruộng đất cả nước là của đại địa chủ, việc từ chối nộp thuế của họ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập quốc gia. Năm Long Khánh thứ 5, tổng thu nhập tài chính cả năm chỉ có 250 vạn lượng, mà đã chi tới 400 vạn lượng, vượt số thu đến một phần ba. Sự tham ô, lãng phí của quan lại cùng với chi phí quân sự làm gia tăng thiếu thốn về tài chính. Tình cảnh kiệt quệ đã ở trước mắt.

    Thế mà, quý tộc, đại địa chủ vẫn ngông cuồng chiếm đoạt ruộng đất, lại tăng thêm một bước bóc lột phong kiến khiến cho các mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt, liên tiếp ở các địa phương nổ ra các cuộc khởi nghĩa của nông dân Đặng Mậu Thất, Lưu Thông, Lam Đình Thuỵ,… rồi đến Lưu Lục, Lưu Thất, …Vương triều Minh đứng trước nguy cơ từ bốn phía.

Nhưng cần chỉ ra một điều đặc biệt là: cứu vãn vương triều Minh ở thế kỷ 16 là một công việc của thời đại, nó không phải chỉ là sự cứu vãn cái chết của một dòng họ mà là sự cứu vãn cả chế độ phong kiến. Trong sự sa sút yếu hèn của vương triều Minh,  có một nhà chính trị cúc cung tận tuỵ với nó, trong xã hội phong kiến đã suy tàn, Trương Cư Chính đã thành công khi thổi được một luồng sinh khí mang lại sức sống cho một cơ thể đã già nua. Lịch sử Trung Quốc cuối thế kỷ 16 đã cho ông cơ hội và điều kiện  để ông tiến hành một cuộc cải cách mang tầm thời đại.

    Thể chế chuyên chế của phong kiến Trung Quốc từ đời Tần Hán đến cuối đời Minh đã trải qua 1600 năm. Bản thân nó không chỉ  đã trải qua quá trình sáng lập và hoàn thiện mà trong quá trình phát triển nó cũng đã trải qua quá trình mạnh lên và yếu đi. Phần lớn các cuộc khởi nghĩa nông dân  lật đổ một vương triều này lại để dựng nên một vương triều khác, ách chuyên chế phong kiến vẫn mặc nhiên tồn tại và phát triển, càng đến cuối mỗi triều đại phong kiến  sự suy tàn càng trầm trọng. Đến triều Minh, chế độ tập quyền về chính trị đã ở mức độ chưa từng có, quyền lực của Tể tướng dần vào tay nhà vua, vì thế, đời sau đều xem triều Minh là một triều đại chế độ chuyên chế lên tới đỉnh cao nhất,  sự chuyên chế cao độ đã khiến cảnh tượng suy tàn của triều Minh  vượt qua cả những thời kỳ suy tàn của các triều Hán,  Đường, Tống, như vậy, trạng thái mạnh lên cực độ và suy tàn cực độ cùng tồn tại trong một vương triều, từ đầu đến cuối của triều đại ấy. Hiện tượng xen kẽ này phản ánh bản thân chế độ chuyên chế phong kiến đã chứa đựng những mâu thuẫn không thể khắc phục, chế độ chuyên chế phong kiến đã mang hàng trăm thứ bệnh, không chịu thay đổi thì sẽ diệt vong. Trương Cư Chính trong thời khắc quan trọng ấy của lịch sử đã bước lên vũ đài chính trị, tiến hành những cải cách vĩ đại .

 Những cải cách lớn của Trương Cư Chính             

     Trương Cư Chính (1525 – 1582), tự là Thúc Đại, hiệu Thái Nhạc, còn có hiệu là “Văn Trung”, sinh ở Giang Lăng Thảo, Hồ Bắc. Được coi là con cháu của nông dân, Trương Cư Chính từ thời thơ ấu đã nổi tiếng là thần đồng ở quê hương, 5 tuổi đã đi học, 7 tuổi đã thông thạo nghĩa lớn của lục kinh, 12 tuổi đỗ tú tài. 13 tuổi, ông đã viết được bài thơ “Vịnh trúc” nổi tiếng. Cũng năm ấy, ông thi đỗ cử nhân.  Tuần phủ Hồ Quảng làm chủ khảo thấy tuổi ông còn trẻ cố ý đánh trượt để ông gặp vấp váp mà cố gắng rèn luyện. 3 năm sau, Trương Cư Chính lại đi thi và đỗ cử nhân, đó là cử nhân trẻ nhất, mới 16 tuổi. Ông tuần phủ trước đây đã cho ông trượt biết chuyện rất vui vẻ, lập tức đeo tặng ông một ngọc bội, khích lệ ông trở thành một nhân tài của đất nước. Sau đó, việc học hành của ông tiếp tục thuận lợi, năm 23 tuổi, ông dự thi hội, rồi thi đình, đỗ tiến sĩ, được chọn là Thứ cát sĩ, năm 25 tuổi được thăng Hàn lâm viện biên tu, năm 43 tuổi vào nội các đồng thời là Đại học sĩ, năm 48 tuổi làm Thủ phụ.

    Sau khi Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương bãi bỏ chức Tể tướng, Thủ phụ của nội các cũng chính là một Tể tướng. Năm Long Khánh thứ 6 (1572), Minh Mục Tông lâm bệnh, di chiếu mệnh cho Cao Củng, Trương Cư Chính, Cao Nghị cùng  giúp đỡ phò tá cho hoàng đế Thần Tông mới 10 tuổi. Cao Củng làm Thủ phụ nội các, là người kiêu ngạo,  dưới con mắt ông ta, Trương Cư Chính chỉ là một thuộc hạ, Cao Nghị thì tuổi cao bệnh lắm, cả hai đều không phải là đối thủ của ông ta, người duy nhất có thể tranh quyền với ông ta là Ty lễ giám chưởng ấn Thái giám Phùng Bảo, trong cuộc đấu tranh giữa hai người Cao và Phùng, Trương Cư Chính liên hợp với Phùng Bảo, chống lại Cao Củng, đến năm Cao Nghị bị bệnh chết, Trương Cư Chính được thăng Thủ phụ. Ông vốn là thày dạy của tiểu Hoàng đế, lại là  cố mệnh đại thần duy nhất, hoàn toàn được sự tin cậy của hoàng đế. Qua 10 năm cầm quyền, ông thực tế đã nắm vững đại quyền của đế quốc Minh, đây chính là điều kiện có lợi để ông tiến hành những cải cách.

    Trương Cư Chính đã thực hiên một  loạt những cải cách: Về mặt nội chính, đầu tiên ông chỉnh đốn việc cai trị, tăng cường chế độ trung ương tập quyền. Trương Cư Chính đưa  ra “Khảo thành pháp”, khảo sát nghiêm ngặt các cấp quan lại và hoàn cảnh ban ra  chiếu chỉ của triều đình, yêu cầu các địa phương định kỳ phải báo cáo mọi việc cho nội các, đề cao thực quyền của nội các, bãi miễn những kẻ thủ cựu, chậm trễ trong công việc, những quan lại ngoan cố phản đối cải cách; tuyển dụng, đề bạt những người có năng lực ủng hộ cải cách, chuẩn bị mọi công việc về tổ chức. Ông còn chỉnh đốn mọi việc về truyền tin và thuyên chuyển. Phương châm của  ông đặt ra là “tôn chủ quyền, khoá sử chức, hành thưởng phạt, nhất hiệu lệnh” (tôn trọng chủ quyền, thi lấy chức vụ, thi hành thưởng phạt, thống nhất mệnh lệnh) và  “Trương công thất, Đỗ tùng môn”.

    Về mặt kinh tế Trương Cư Chính đã đạt được những thành tưu vượt bậc. Ông đã sử dụng nhà khoa học thuỷ lợi nổi tiếng Phan Lý Tuần, đôn đốc việc sửa chữa  Hoàng Hà, khiến cho sông Hoàng Hà không chảy vào sông Hoài ở phía nam, từ đó, vùng này   thoát cảnh ngập lụt, lại có thể về được Bắc Kinh bằng đường sông.

    “Nhất điều tiên pháp” chính là nội dung quan trọng nhất về kinh tế trong những cải cách của Trương Cư Chính, đó cũng chính là những thay đổi lớn lao trong lịch sử chế độ tô dịch của xã hội phong kiến Trung Quốc. Chế độ tô dịch đầu triều Minh vô cùng phức tạp. Lúc đó, tô dịch lấy thóc làm chính, lấy bạc lụa  là phụ, thu vào hai mùa hạ và thu. Ngoài ra, còn quy định nông dân  phải làm các việc lao dịch, giao nộp  các sản phẩm riêng cho từng loại đất, v.v… Nội dung của “Nhất điều tiên pháp” là:  Toàn bộ phú dịch  của một huyện, số đất theo số đinh, gộp chung lại thành bạc, quan dựa vào đó mà chia số tiền mỗi hộ phải nộp”. Đó chính là đem tất cả các loại thuế đất, lao  dịch  của mỗi châu huyện cộng cả lại, tính theo lượng bạc , chia đều mỗi mẫu đất  phải nộp, như vậy đã đơn giản hoá được thủ tục thu nạp, đồng thời, làm cho các quan lại ở địa phương không thể làm bậy. Thực hành những biện pháp này, những người nông dân không có đất có thể không phải gánh vác các loại lao dịch, những người nông dân có ruộng có thể  dùng toàn bộ thời gian  của mình để canh tác, nó có tác dụng lớn trong việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, các loại lao dịch được thu bằng lượng bạc, nông dân sẽ giành được quyền tương đối tự do, dễ dàng rời bỏ ruộng đất, đến thành phố làm nghề thủ công, trở thành nguồn sức lao động. Những người làm nghề công thương nghiệp không có ruộng đất có thể không phải  nộp bạc. Việc làm này cũng có tác dụng tích cực trong việc phát triển công thương nghiệp.

    Việc thi hành “Nhất điều tiên pháp” đã khiến cho thu nhập của chính phủ Minh tăng lên rõ rệt, tình hình kinh tế tài chính được cải thiện. Kho lương của nhà nước tăng lên hơn 1.300 vạn thạch, có thể đủ chi dùng trong 5, 6 năm, so với triều Gia Khánh trước đây, không  đủ chi dùng trong một năm  là một tiến bộ đáng kể.

    Về mặt quân sự, Trương Cư Chính cũng thực hiện một số cải cách. Ông cử Thích Kế Quang giữ Kế Môn, Lý Thành Lương giữ Liêu Đông,   phía đông từ Sơn Hải Quan, đến phía tây  là Tư Dung Quan xây đựng hơn 3.000 “địch đài”. Ông còn tiến hành đổi chè lấy ngựa của Thát Đát, thực hiện chính sách hoà bình. Từ đó, việc phòng thủ biên giới phía bắc được củng cố, trong hai ba năm giữa triều Minh và Thát Đát không nảy sinh những tranh chấp lớn.

    Qua những cải cách đó, chính quyền trung ương tập quyền phong kiến mạnh lên, về cơ bản đã thực hiện được “pháp chi tất hành” (pháp luật phải được thi hành), “Ngôn chi tất hiệu” (Lời nói phải có hiệu lực), tình hình kinh tế của đất nước được cải thiện, thu nhập tài chính gia tăng, về quốc phòng đã  tăng cường khả năng chống xâm lược. Dĩ nhiên, những cải cách của Trương Cư Chính không phải là để giảm nhẹ những đóng góp của nhân dân mà là để củng cố sự thống trị phong kiến của triều Minh. Những cải cách của ông không thể  không tác động đến lợi ích  căn bản của giai cấp địa chủ, chỉ có thể thực hiện một số thay đổi nhỏ, cứu vãn được sự diệt vong của chế độ phong kiến. Như vậy, những cải cách của Trương Cư Chính cũng đã có tác động nhất định đến quyền lợi của  địa chủ quan liêu.

 Trương Cư Chính mất và những thất bại của cải cách

     Từ trong những thành công, cải cách của Trương Cư Chính cũng đã dự báo những nguy cơ không thể tránh khỏi. Đó chính là còn người thì việc còn, người mất thì việc cũng mất theo. Trương Cư Chính chưa nghĩ đến việc mình đã 58 tuổi, những căn bệnh từ lâu ngày  bùng phát, chỉ sau 3 tháng đã trở nên nguy cấp. Trong lúc hấp hối, ông nhận được kiến nghị của Thái giám Phùng Bảo, Bảo  cử nguyên Lễ bộ thượng thư Phan Thành vào nội các, Phan vốn là chỗ dựa của Bình Dung, chưa nhậm chức đã bị tố cáo nên từ chức, người kế nhiệm là Trương Tứ Duy, xuất thân gia đình quyền quý, vốn có tài năng, nhưng tư cách không đúng đắn, mọi việc chỉ quen lấy lòng, nịnh bợ. Sau khi kế nhiệm Thủ phụ, ông ta  tuyên bố Trương Cư Chính phạm phải những tội lớn  “vu khống thân phiên”, “chuyên quyền loạn chính”, “mưu quốc bất trung”, v.v.. Trong thời gian ông ta nắm quyền, mọi cải cách của  Trương Cư Chính đều bị coi là thất bại. Trương Cư Chính anh minh một đời bị bôi nhọ danh dự, cải cách của  Trương Cư Chính nhanh chóng sụp đổ.

    Tháng 6 năm Vạn Lịch thứ 10, Trương Cư Chính bị bệnh mất, tháng 12 năm đó, phe phản đối bắt đầu trỗi dậy, Trương Cư Chính bị tịch thu nhà cửa, hơn 10 người trong gia tộc chết đói, tất cả những người bị coi thuộc phe đảng của Trương Cư Chính  đều bị cách chức, những công lao mang bao  tâm huyết của ông như nước chảy xuôi.

    Trong thời đại quân chủ chuyên chế, hoàng đế mang quyền uy tối cao, Quyền của nhà vua và quyền Tể tướng vừa nương tựa vào nhau vừa mâu thuẫn, quyền cao chức trọng gặp sự ghét bỏ của  hoàng đế tất trở thành tai hoạ của Tể tướng, Trương Cư Chính cũng không phải là một ngoại lệ. Từ khi còn nhỏ đến khi trưởng thành, đối với Trương Cư Chính, vua Thần Tông mặc dù có ban thưởng bổng lộc nhưng trong bụng vẫn có nhiều điều bất mãn, đó chính là kẽ hở cho phe phản đối cải cách lợi dụng. Sau khi Trương Cư Chính bị bệnh mất, phái phản đối đầu tiên đã được sự ủng hộ của hoàng đế thừa cơ báo thù, hùa nhau vào mà công kích, những quan lại ủng hộ cải cách chỉ không đầy một năm đã bị thanh lọc hết.

    Trương Cư Chính đã không tiếc sức lực châm lên ngọn lửa cải cách vì sự hưng thịnh của vương triều. Nhưng do cải cách thất bại, sáu mươi tuổi của đời ông tiêu vong  cùng với triều Minh, do mâu thuẫn xã hội đã phát triển gay gắt, không thể một lúc giải quyết, lại cũng do một  người khó thắng được  sóng dữ, cuối cùng, triều Minh bị làn sóng lớn của lịch sử cuốn trôi.

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here