Năm Tần Vương Chính thứ 19 (228 trước CN), nước Tần đem quân diệt Triệu, bắt sống vua Triệu, trực tiếp uy hiếp nước Yên. Cả nước Yên vô cùng lo sợ.

Thái tử Đan nước Yên thấy còn lâu nước Yên mới có thể là đối thủ của nước Tần, nghĩ phải giành thắng lợi bằng cách khác thường, dùng cách giết vua Tần để ngăn cản việc thống nhất 6 nước của nước Tần. Có người tiến cử dũng sĩ Kinh Kha.

Thái tử Đan cho người đi mời Kinh Kha, thấy Kinh Kha dáng vẻ hiên ngang, cử chỉ khác thường, trong lòng vô cùng kính trọng. Thái tử Đan đem việc giết vua Tần ra nói, Kinh Kha cúi đầu suy nghĩ đến nửa ngày mới trả lời:

– Việc này có quan hệ rất lớn, tôi tài trí bình thường, không chắc có thể hoàn thành sứ mệnh.

Thái tử Đan năn nỉ, cầu khẩn, Kinh Kha mới đồng ý. Thái tử Đan phong cho Kinh Kha  làm thượng khanh, đưa ra ở khách quán, mỗi ngày được rượu ngon, xem ca múa, đối đãi thịnh tình.

Qua một thời gian dài, Kinh Kha vẫn chưa có ý hành động. Trong lúc đó, đại tướng Vương Tiễn của Tần lại đem quân xâm phạm biên giới nước Yên. Thái tử Đan rất lo lắng, lại đến thúc giục Kinh Kha.

Kinh Kha nói:

– Muốn đến gần vua Tần phải có cái gì để hắn tin chúng ta, vua Tần dùng nghìn lượng vàng trọng thưởng để bắt được tướng quân Phàn Vu Kỳ, phải giết được ông ta mới thỏa lòng. Nếu tôi có thể có được cái đầu của Phàn Vu Kỳ, lại dâng bản đồ đất Đốc Kháng phì nhiêu nhất nước Yên (nay là Duyện Châu, Định Hưng, một phần Cố An, tỉnh Hà Bắc) làm lễ vật, vua Tần nhất định sẽ vui vẻ để tôi tiếp kiến, lúc đó công việc sẽ dễ dàng.

Thái tử Đan nói:

– Bản đồ Đốc Kháng thì dễ, nhưng Phàn tướng quân bước đường cùng mới đầu hàng, ta tuyệt không thể nhẫn tâm hại ông ấy, mong tiên sinh dùng cách khác.

Kinh Kha giấu Thái tử Đan đi gặp Phàn Vu Kỳ, nói với ông ta:

– Vua Tần đối đãi với tướng quân như thế, giết cả nhà ngài, lại treo thưởng lấy đầu ngài, liệu tướng quân có nghĩ tới việc trả thù không?

Phàn Vu Kỳ nghe những lời nói ấy, nước mắt không cầm được, rơi lã chã. Ông nghẹn ngào nói:

– Tôi hận vua Tần tàn bạo, hận tới chảy máu mắt, làm sao có thể không nghĩ tới chuyện báo thù. Nhưng bây giờ tôi đang lưu vong ở bên ngoài, liệu có cách gì để báo thù được đây?

Kinh Kha nói:

– Tôi đã có một cách, cũng có thể dùng được. Không những có thể giải trừ được hoạn nạn của nước Yên, cũng có thể trả thù cho tướng quân.

Phàn Vu Kỳ nghe xong, trở nên vui vẻ, vội  hỏi:

– Cách gì vậy? Ngài mau nói cho tôi nghe đi!

Kinh Kha do dự, chưa vội nói. Phàn Vu Kỳ lại giục:

– Ngài cứ nói đi, chỉ cần giết được vua Tần, báo được mối thù này, thì dù xương tan thịt nát, tôi cũng nghe.

Kinh Kha nói:

– Tôi chuẩn bị đi giết vua Tần, chỉ lo không giành được lòng tin của hắn. Nếu tôi có thể dâng lên hắn cái đầu của tướng quân, vua Tần nhất định sẽ vui vẻ để tiếp tôi. Đến lúc đó, tôi sẽ một tay túm lấy hắn, một tay cầm dao đâm vào ngực hắn, sẽ báo thù cho tướng quân, cũng giải được mối nguy cho nước Yên. Tướng quân thấy thế nào?

Phàn Vu Kỳ xé áo mình, để lộ ngực ra, nói:

– Tôi mỗi ngày mỗi đêm đau khổ, tan nát ruột gan mà không có cách nào báo thù, hôm nay, lời nói của tiên sinh đã làm cho tôi hiểu ra. Tôi không tiếc thân mình.

Rồi rút bảo kiếm tự sát.

Kinh Kha cho người báo với thái tử Đan, thái tử Đan lập tức tới, ôm lấy thi thể Phàn Vu Kỳ mà khóc. Một hồi lâu mới ngăn được thương xót, cho người mai táng chu đáo thân thể của ông, rồi lấy đầu của ông cho vào một hộp gỗ, giao cho Kinh Kha, lại lấy một lưỡi gươm sắc nhọn tới, nói với Kinh Kha:

– Lưỡi gươm này đã có thuốc độc, chỉ cần chạm vào da một chút cũng nguy tới tính mạng. Tôi đã sớm chuẩn bị, mời tiên sinh hành động.

Kinh Kha nói:

– Tôi có hẹn với một người bạn làm trợ thủ cho tôi, tôi còn đợi anh ấy mấy hôm.

Thái tử Đan sợ Kinh Kha đổi ý, nói:

– Sao còn chờ đợi? Thủ hạ của tôi có một người là võ sĩ Tần Vũ Dương, hơn mười tuổi anh ta đã giết người. Để anh ta làm trợ thủ cho tiên sinh, cùng tiên sinh lên đường.

Kinh Kha thấy thái tử Đan thúc giục như thế, lại không biết bạn của mình khi nào mới tới, đành nói:

– Được, hai ngày nữa sẽ hành động.

Ngày Kinh Kha và Tần Vũ Dương lên đường, thái tử Đan cùng một số người có cảm tình sâu nặng với Kinh Kha mặc áo trắng, đội mũ trắng tới đưa tiễn Kinh Kha. Họ tới bờ sông Dịch Thủy mới dừng lại, bày tiệc rượu đưa tiễn. Trên sông, chỉ nghe gió thu ào ào thổi, nước sông cuồn cuộn chảy, ai nấy đều im lặng, trong lòng nặng trĩu. Bạn của Kinh Kha là Cao Tiệm Ly cũng đưa tiễn, họ đánh đàn trúc và ca:

– Gió sông Dịch Thủy thổi lạnh ghê, Tráng sĩ một đi không trở về.

Lời ca khảng khái, buồn thảm, người đưa tiễn không cầm được lòng, đều khóc thảm thiết.

Cuối cùng, thái tử Đan rót một chén rượu đưa cho Kinh Kha. Kinh Kha nhận lấy rồi uống cạn, quay người lên xe, rũ bụi mà đi, đầu không ngoảnh lại.

Năm Tần Vương Chính thứ 20, tức năm 227 trước CN, Kinh Kha đến kinh đô Hàm Dương nước Tần. Vua Tần nghe nói sứ giả nước Yên tới với lễ lớn biểu thị sự thần phục, vô cùng vui vẻ, bèn triệu tập quần thần, dùng nghi lễ long trọng nhất để đón tiếp Kinh Kha.

Kinh Kha tay nâng hộp gỗ trong đặt đầu của Phàn Vu Kỳ, Tần Vũ Dương tay nâng bản đồ vùng Đốc Kháng, kẻ trước người sau đi vào cung vua Tần. Khi tới bậc lên xuống đại điện, Tần Vũ Dương thấy cung điện nghi trượng uy nghi, bảo vệ thâm nghiêm, sắc mặt trắng bệch, toàn thân run rẩy, cơ hồ không bước nổi lên bậc. Các đại thần nước Tần thấy anh ta như vậy, không ngăn được hoài nghi. Kinh Kha trong lòng lo lắng, vội cười nói với vua Tần:

– Người thô lậu nơi quê mùa dân dã, chưa bao giờ thấy cảnh tượng này, thấy đại vương oai phong như thế cho nên sợ hãi, xin đại vương lượng thứ.

Vua Tần bèn cho Tần Vũ Dương ở lại dưới thềm. Kinh Kha đành phải cầm cuộn bản đồ từ tay Tần Vũ Dương một mình bước lên điện.

Vua Tần xem cái đầu của Phàn Vu Kỳ, để sang một bên, trong lòng đắc ý, lại gọi Kinh Kha mang bản đồ tới. Kinh Kha tay nâng cuộn bản đồ, từ từ mở ra, vừa chỉ cho vua Tần xem, vừa giới thiệu:

– Đất Đốc Kháng của nước Yên, vật nhiều, dân đông, tương đương với đất Quan Trung phì nhiêu của nước Tần.

Vua Tần nghe như mở cờ trong bụng, luôn gật đầu. Cuộn bản đồ cuối cùng mở ra hết, lộ ra một đoản kiếm sáng lạnh giấu trong đó. Vua Tần kinh hoàng vội đứng vụt dậy, nhưng bị Kinh Kha dùng tay trái nắm được tay áo.

Tay phải Kinh Kha nắm đoản kiếm, đâm vua Tần. Vua Tần cố thoát ra, cái tay áo Kinh Kha túm được bị rách, vua Tần co chân chạy. Kinh Kha  tay cầm đoản kiếm đuổi theo. Vua Tần không có đường chạy, đành phải vòng quanh cột đồng trong đại điện, Kinh Kha đuổi theo phía sau. Văn võ bá quan trên điện đều hoảng sợ. Theo quiy định của nước Tần, các đại thần lên điện không được mang theo vũ khí, các vệ sĩ dưới điện khi chưa có lệnh của vua cũng không được phép lên điện. Các quan không một tấc sắt trong tay, muốn ngăn cản Kinh Kha nhưng làm sao ngăn nổi khí phách của chàng? Vua Tần kinh hoàng lúng túng, tay chân luýnh quýnh chỉ cố mà chạy, muốn đưa tay rút kiếm nhưng kiếm lại dài quá, không làm thế nào rút ra được. Bỗng có người hét to:

– Đại vương đưa kiếm ra sau lưng, tuốt kiếm qua đầu, vung ra ngoài.

Nghe thế, vua Tần mới rút được kiếm. Lúc đó, đoản kiếm của Kinh Kha đã đâm tới. Một quan ngự y thấy thế, không cản được, bèn ném một cái túi thuốc trúng vào cánh tay phải của Kinh Kha, đoản kiếm lạc hướng, không đâm trúng vua Tần. Vua Tần liền vung kiếm, chém đứt một chân của Kinh Kha.

Kinh Kha ngã xuống đất, nén đau, lao đoản kiếm về phía vua Tần, vua Tần đều tránh được. Đoản kiếm đi chệch, đâm vào cột đồng trên điện, tóe sáng. Vua Tần cầm kiếm chém Kinh Kha. Kinh Kha bó tay, đánh lại không được, bị trọng thương, dựa vào cột, mắng lớn:

– Hôm nay giết không được ngươi, chẳng qua là muốn ngươi phải trả lại đất đai các nước ngươi đã cướp.

 Vua Tần gọi các vệ sĩ lên điện, kết quả tính mệnh của Kinh Kha. Tần Vũ Dương ở dưới điện cũng bị giết chết.

Thực ra, hành động giết vua Tần có thành công cũng không thể thay đổi trào lưu lịch sử thống nhất 6 nước. Nhưng Kinh Kha anh dũng, cơ trí, không sợ cường bạo, tinh thần coi thường cái chết đã được người đời truyền tụng mãi.

 

Chú thích:

  1. Nước Yên nay ở vùng bắc của tỉnh Hà Bắc, Bắc Kinh, một phần của Liêu Ninh. Nước Triệu nay ở phía nam Hà Bắc, nước Triệu ở giữa nước Tần và nước Yên. Triệu bị diệt tất nước Yên nguy.
  2. Thượng khanh: Theo truyền thuyết, là tên quan hoặc twocs vị chấp chính cao cấp thời Hạ, Thương, Chu, sau chia thành ba cấp thượng, trung, hạ. Thượng khanh dưới Công, đứng đầu Khanh.

Trung Quốc cổ đã có bản đồ, nay còn thấy bản đồ sớm nhất là bản đồ thời Tây Hán trong mộ Hán ở Hồ Nam, Trường Sa. 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here