Thời Chiến Quốc có bốn công tử nổi tiếng: Tề có Mạnh Thường Quân Điền Văn, Triệu có Bình Nguyên Quân Triệu Thắng, Ngụy có Tín Lăng Quân Ngụy Vô Kỵ, Sở có Xuân Thân Quân Hoàng Yết (1). Họ đều hạ mình, trọng hiền tài, trọng đãi khách khứa, tuyển chọn người hiền mà tiếng tăm vang khắp thiên hạ.

Bình Nguyên Quân Triệu Thắng là người thời Triệu Huệ Văn Vương và Hiếu Thành Vương, làm Thừa tướng nước Triệu. Lúc đó, quân Tần xâm lược nước Triệu, bao vây Hàm Đan. Nước Triệu giao cho Bình Nguyên Quân tính chuyện cùng nước Sở chống Tần. Bình Nguyên Quân nói:

– Tốt nhất là dùng lời lẽ thuyết phục vua Sở, cũng có thể cùng vua Sở uống máu ăn thề, có được điều ấy sẽ hoàn thành được sứ mệnh “hợp tung”. Tôi sẽ tuyển hai mươi người của tôi đi trước.

Ông tuyển lựa mãi mới chỉ được 19 người thích hợp, còn thiếu một người mà chọn mãi không ra.

Có một môn khách gọi là Mao Toại tiến lên, tự tin, nói với Bình Nguyên Quân:

– Chưa đủ 20 người cùng Sở “hợp tung”, tôi xin gánh vác việc này.

Môn khách của Bình Nguyên Quân rất nhiều, không có ấn tượng gì với Mao Toại, ông hỏi:

– Tiên sinh đã làm thực khách ở nhà tôi được mấy năm rồi?

Mao Toại nói:

– Ba năm rồi.

Bình Nguyên Quân cười:

– Người có tài năng trên đời cũng như cái dùi để trong túi vải, mũi nhọn của nó sẽ lộ ra ngay. Nay ngài đến nhà ta đã ba năm, ta từ đó đến nay chưa nghe ai ca ngợi tài năng của ngài, thậm chí ta còn chẳng có một chút ấn tượng nào về ngài, sao ta có thể tin cậy được. Ngài không thể đi được, xin mời ngài lui.

Mao Toại nói:

– Hôm nay tôi xin ngài cho cái dùi vào túi vải. Ngài phải sớm làm như vậy để cái dùi đâm thủng cái túi vải để lộ ra bên ngoài.

Thấy Mao Toại nói năng lưu loát, Bình Nguyên Quân đồng ý để Mao Toại cùng đi. 19 người kia đưa mắt nhìn nhau, cười không thành tiếng.

Đến nước Sở, Bình Nguyên Quân cùng Sở vương bàn chuyện “hợp tung”, từ sớm đã bắt đầu, đến trưa vẫn không có kết quả. Mao Toại không kiềm chế được, bèn đưa tay nắm chuôi kiếm, bước lên thềm, nói với Bình Nguyên Quân:

– Cái lợi, cái hại của việc “hợp tung”  chỉ cần nói hai câu là rõ. Nay mặt trời mọc đã bàn, đến trưa còn chưa xong, tại sao vậy?

Sở Vương hỏi Bình Nguyên Quân:

– Đây là ai?

Bình Nguyên Quân nói:

– Môn khách của tôi

Sở Vương quát:

– Còn không lui đi! Ta cùng chủ của ngươi bàn việc, ngươi tới đây làm gì?

Mao Toại cầm kiếm, nói:

– Đại vương sở dĩ cao giọng mắng Mao Toại là dựa vào người đông, lính nhiều của nước Sở. Nay ta cách đại vương chỉ chưa đầy mười bước, người có đông nhưng sợ cũng không thể giúp ích gì cho đại vương. Mạng của đại vương giờ đang nằm trong tay ta. Chủ của ta cũng đang ở đó. Đại vương cớ gì cao giọng quát mắng ta? Ta nghe nói Thương Thang được thiên hạ ban đầu cũng chỉ có 70 dặm đất, mà Văn Vương khiến cho chư hầu phải thần phục chẳng qua biên giới cũng chỉ có trăm dặm. Họ đâu có dựa vào người lắm quân đông? Họ dựa vào ưu thế của bản thân ngày càng được củng cố. Đó chính là cái sáng suốt của họ. Nước Sở có 5000 dặm đất, trăm vạn tinh binh, đây đủ là cái vốn để xưng bá. Thực lực của Sở sợ rằng thiên hạ không có đối thủ. Tướng Tần Bạch Khởi cùng với một bọn lưu manh mang theo mấy vạn quân cũng dám đánh Sở, lại còn thắng liên tiếp, trước là chiếm được hai thành Yên (nay là Nghi Thành, Hồ Bắc), Dĩnh của nước Sở, lại phóng hỏa đốt Di Lăng (nay là đông nam Nghi Xương, Hồ Bắc), cuối cùng còn đốt cả tông miếu của nước Sở, làm nhục tiền nhân ngài (4). Đây là nỗi sỉ nhục trăm đời không thể rửa sạch, nước Triệu đều thấy hết, ngài lẽ nào không hiểu? “Hợp tung” là lợi ích vì Sở chứ không phải là lợi ích của Triệu. Nay có mặt chủ tôi, ngài còn quát mắng gì?

Mao Toại lời lẽ đanh thép, không một chút kiêng dè vua Sở. Sở Vương đổ mồ hôi, nói:

– Được, tôi nghe tiên sinh, Sở sẽ “hợp tung” với Triệu.

Mao Toại nói:

– Việc “hợp tung” đã quyết chưa?

Sở Vương nói:

– Quyết rồi, quyết rồi!

Mao Toại bèn nói với thị thần tả hữu của Sở Vương:

– Mang máu gà, chó, ngựa lại đây!

Mao Toại cầm khay đồng rượu tam sinh, quỳ trước mặt Sở Vương, nói:

– Sở Vương, chủ tôi là Bình Nguyên Quân, cùng Mao Toại ba người uống máu thề việc “hợp tung”.

Việc “hợp tung” thế là được định đoạt. Sau đó, Mao Toại bước tới, tay trái cầm khay rượu, tay phải vẫy 19 người lại, nói:

– Việc “hợp tung” đã quyết rồi, không thể có gì thay đổi được nữa. Việc có thành là do người, mạnh dạn mà làm, không thể không xong!

Về nước, Bình Nguyên Quân nói:

– Mao tiên sinh đi nước Sở một chuyến khiến cho khí thế, uy vọng của nước Triệu vượt  lên. Ba tấc lưỡi của tiên sinh mạnh hơn trăm vạn quân.

Từ đó, Mao Toại trở thành khách loại một của Bình Nguyên Quân Triệu Thắng.

 

Chú thích:

  1. Hoàng Yết: thụ phong Xuân Thân Quân thời  Sở Khảo Liệt Vương, có 3000 thực khách. Năm 257 trước CN, Xuân Thân Quân mang quân bao vây Hàm Đan của nước Triệu, năm sau Bắc phạt diệt Lỗ. Năm 238 trước CN, bị Lý Viên phục binh ám sát.
  2. Hiếu Thành Vương: ở ngôi 265 – 245 trước CN, con của Triệu Trung Văn Vương. Lúc mới lên ngôi, do mẹ là Trung Văn hậu chuyền quyền. Năm 262 trước CN, giữa hai nước Tần và Triệu xảy ra trận Trường Bình, Triệu đại bại, thế nước suy yếu. Sau đó tọng dụng Liêm Phả, nhiều lần thắng quân Yên.
  3. Nước Sở khống chế phần lớn lưu vực Hán Thủy và trung du Trường Giang, hung cứ phương nam, nhòm ngó Trung Nguyên.
  4. Năm 279 trước CN, Bạch Khởi mang quân Tần tiến công nước Sở, năm sau đánh Dĩnh Đô, vua Sở lui về trần (nay là Hoài Dương, Hà Nam), nước Sở từ đó nhanh chóng suy yếu.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here