Năm 283 trước CN, Triệu Huệ Văn Vương được một viên ngọc bích gọi là “Hòa thị bích”. Viên ngọc bích này trong sáng lung linh, óng ánh thanh tú, là bảo vật vô song trong thiên hạ. Tần Chiêu Vương nghe nói, rất muốn có trong tay, ông ta nói với nước Triệu muốn đem 15 tòa thành để đổi.

Triệu Huệ Văn Vương vô cùng khó xử, nước Tần là “hổ lang chi quốc”, lâu nay vốn không giữ chữ tín, đem ngọc bích mang đi, chỉ sợ có đi không có về; mà không đổi, lại sợ chọc giận vua Tần. Ông cho mời các đại thần đến bàn bạc. Các đại thần người nói đổi, người nói không đổi, bàn bạc sôi nổi nhưng vẫn chưa thể quyết định. Lúc ấy, có một hoạn quan là Mậu Hiền đứng lên, nói:

– Tôi có một môn khách gọi là Lạn Tương Như, là một dũng sĩ, lại có mưu trí. Tôi nghĩ cử ông ta đi là thích hợp.

Triệu Huệ Văn Vương gặp Lạn Tương Như, hỏi:

– Vua Tần muốn đem 15 tòa thành đổi lấy viên ngọc bích của ta, theo ý tiên sinh, ta có nên đổi không?

Lạn Tương Như trả lời:

– Tần mạnh, Triệu yếu, không thể không đổi.

Vua Triệu hỏi:

– Giá như đem ngọc bích cho vua Tần, ông ta không giao thành thì làm thế nào?

Lạn Tương Như nói:

–  Vua Tần muốn đem 15 tòa thành đổi lấy ngọc bích của đại vương, nếu đại vương không đổi, đại vương là người đuối lý. Nếu ngọc bích đã giao cho vua Tần, vua Tần lại không giao thành, cái sai thuộc về ông ta. Cân nhắc hai cách, thà đáp ứng yêu cầu của ông ta, chúng ta không thể làm trái đạo lý.

Vua Triệu hỏi:

– Tiên sinh có thể đi sang Tần làm việc này được không?

Lạn Tương Như nói:

– Nếu chưa có người thích hợp, tôi đồng ý mang ngọc bích đi. Xin đại vương cư yên tâm, nếu nước Triệu có 15 tòa thành, tôi sẽ để ngọc bích lại nước Tần, không được như thế, tôi nhất định sẽ đem ngọc bích nguyên vẹn về nước Triệu.

Triệu Huệ Văn Vương nghe Lạn Tương Như nói thế, phong cho ông làm đại phu, cử ông mang Hòa thị bích sang Tần.

Tần Chiêu Vương nghe nói ngọc bích đã mang đến, vô cùng sung sướng, tập hợp quần thần ở cung vua, gặp Lạn Tương Như. Lạn Tương Như kính cẩn mang viên ngọc bích dâng lên, vua Tần nhận lấy xem, chỉ thấy sáng bóng không vết gợn, trong trắng lung linh, thật là vật quý, mừng há hốc miệng. Ông ta xoay đi xoay lại, ngắm nghía đến nửa ngày rồi lại trao cho các đại thần xung quanh và mỹ nữ trong hậu cung xem, quên cả việc đổi thành.

Lạn Tương Như nghĩ: “Vua Tần quả thật không có ý đổi thành, phải đem ngọc bích về thôi”, liền tiến lên, nói:

– Đại vương, trên ngọc bích  còn có một vết nhỏ, để thần chỉ cho ngài.

Vua Tần tin là thật, đem ngọc giao cho Lạn Tương Như. Tương Như cầm lấy viên ngọc, vội lùi lại mấy bước, dựa vào cột, trợn tròn hai mắt, nổi giận đùng đùng, nói:

– Hòa thị bích là vật quý nổi tiếng trong thiên hạ, đại vương muốn có trong tay, nói xin đổi 15 tòa thành. Người dân bình thường cũng biết trọng tín nghĩa, huống chí nước Tần là một nước lớn. Vua Triệu chúng tôi cử tôi mang ngọc bích đến là để thể hiện thành ý của ngài. Nhưng hôm nay, tôi thấy đại vương tiếp tôi, thái độ rất khinh mạn, cầm ngọc bích rồi tùy tiện đưa cho nhau xem. Từ đó tôi biết đại vương không có thành ý đổi thành, cho nên lấy ngọc bích về. Nếu đại vương bức tôi, tôi thà đập đầu và ngọc bích vào cột cho vỡ ra, chứ không thể để ngài có được nó!

Nói rồi, giơ viên ngọc bích định ném vào cột.

Vua Tần tiếc ngọc bích, vội cười, nói:

– Đại phu không nên làm vậy, ta làm sao dám không giữ chữ tín với quý quốc?

Sau đó, gọi người mang bản đồ lại, chỉ cho Tương Như xem 15 tòa thành đổi cho nước Triệu.

Tương Như ngẫm nghĩ: đây là trò bịp của vua Tần, không thể là thành ý nên “không thể tin ông ta”. Rồi nói với vua Tần:

– Hòa thị bích là vật hiếm có trong thiên hạ. Vua Triệu chúng tôi trước khi đưa ngọc bích đi, trai giới đủ năm ngày, còn cử hành nghi thức đưa tiễn long trọng. Đại vương cũng phải làm giống như vua Triệu, tôi mới dám dâng ngọc.

Lạn Tương Như mang ngọc bích về nhà khách, nghĩ: Vua Tần tuy đáp ứng điều kiện của ta, giả như  ông ta sau khi đã nhận ngọc bích, vẫn không giao thành, ta làm thế nào với ông ta? Vì thế, gọi một người tùy tùng, hóa trang giống như một người nghèo, đem ngọc bích quấn vào thắt lưng, đi theo đường nhỏ, về nước Triệu.

Năm ngày sau, vua Tần triệu tập quần thần, mời sứ thần các nước, cùng tham gia nghi thức nhận ngọc bích, muốn nhân cơ hội này để khoe khoang uy thế của bản thân. Sắp xếp xong xuôi, liền cho gọi sứ giả của nước Triệu lên điện. Lạn Tương Như chậm rãi đi tói, vua Tần thấy ông ta đi tay không, hỏi:

– Ta đã trai giới đủ năm ngày, chuẩn bị chu đáo để nhận ngọc bích, đại phu cớ sao lại không mang ngọc bích tới?

Tương Như trả lời:

– Quý quốc từ đời Mục Công đến nay, trước sau hơn hai mươi triều vua, chưa có một vị vua nào có tín nghĩa. Tôi không yên tâm vì sự lừa dối của đại vương, mang tội với vua Triệu. Xin đại vương trị tội!

Vua Tần nghe xong, đột nhiên nổi giận:

– Rõ ràng là ngươi dám trêu ta. Người đâu, đem trói hắn lại!

Lạn Tương Như nét mặt không thay đổi, thong thả trả lời:

-Xin đại vương bớt giận, để cho tôi nói hết. Xem tình thế hiện nay Tần mạnh Triệu yếu, thiên hạ xưa nay chỉ có nước mạnh ức hiếp nước yếu, không có chuyện nước yếu ức hiếp nước mạnh. Nếu đại vương thật muốn có ngọc bích, có thể trước hết cắt 15 tòa thành cho nước Triệu, sau đó chỉ cần cử một sứ giả đi cùng tôi sang nước Triệu, nước Triệu được 15 thành, lẽ nào dám không giữ lời, không đưa ngọc bích cho nước Tần để đắc tội với đại vương? Tôi biết bản thân dám lừa dối đại vương, tội muôn lần chết. Tôi đã tin cho vua Triệu, không có dịp trở về. Xin ngài cứ trị tội, để cho các nước đều biết vua Tần chỉ do muốn viên ngọc bích mà giết chết sứ giả của nước Triệu.

Nghe xong, vua tôi nước Tần mắt trợn, miệng há, người nọ nhìn người kia, đến nửa ngày không nói thành lời. Sứ thần các nước đều toát mồ hôi thay cho Tương Như. Võ sĩ hai bên đang định đưa Tương Như đi, vua Tần quát họ:

– Khoan, không được động đến ông ta, có đem giết chết ông ta cũng không thể lấy được ngọc bích, mà ngược lại, còn làm ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước.

Sau đó, dùng lễ, tiếp đãi Lạn Tương Như. Cuối cùng, nước Tần bỏ ý định đem 15 tòa thành đổi cho nước Triệu, nước Triệu cũng không đem ngọc bích cho nước Tần. Sự việc dừng lại ở đó.

Lạn Tương Như không làm nhục sứ mệnh, mang ngọc về Triệu, vua Triệu xem đó là nhân tài, phong cho ông làm đại phu.

Qua ba bốn năm, vua Tần cho sứ giả đến mời vua Triệu đến Mẫn Trì (nay là huyện Mẫn Trì, tỉnh Hà Nam) gặp gỡ. Vua Triệu không biết vua Tần có ý gì, không dám đi. Lạn Tương Như khuyên vua Triệu không ngại, tránh để vua Tần coi thường và tỏ ý muốn tháp tùng vua Triệu cùng đi. Đồng thời, ông mời đại tướng Liêm Phả phòng thủ ở biên giới đề phòng bất trắc.

Trong cuộc hội kiến này, có Lạn Tương Như đi cùng, vua Triệu không phải lo lắng gì. Vua Tần muốn nhân cơ hội vua Triệu ở kinh đô phát binh đánh Triệu, vì thế, khi được mật báo nói vua Triệu đã sớm cho đại quân bố trí ở biên giới, vua Tần thầm nghĩ: Nước Triệu văn có Lạn Tương Như, võ có Liêm Phả không dễ đối phó. Vì thế, vua Tần giả cùng vua Triệu kết làm anh em, không xâm phạm lẫn nhau. Lại sợ vua Triệu không tin, muốn đem cháu trai là Dị Nhân đến nước Triệu làm con tin. Mục đích của ông ta là tạm thời giữ ổn định với nước Triệu, rảnh tay đánh các nước khác.

Triệu Huệ Văn Vương về nước càng tín nhiệm Lạn Tương Như, cho rằng công lao của ông rất lớn, phong ông làm thượng khanh, địa vị trên Liêm Phả. Liêm Phả tức giận nói:

– Ta là đại tướng của nước Triệu, đánh thành chiếm đất, vào sinh ra tử, lập biết bao chiến công. Còn ông ta chỉ có cái miệng, thế mà leo lên trên ta.

Liêm Phả công khai tuyên bố:

– Chỉ cần gặp Tương Như, ta sẽ cho ông ta bẽ mặt.

Những lời này đến tai Tương Như. Mỗi khi thiết triều, Tương Như đều cáo bệnh, không vào triều để tránh gặp Liêm Phả.

Các môn khách, thủ hạ của Lạn Tương Như rất thất vọng vì chủ nhân, cho rằng ông non gan, không xứng là bậc đại trượng phu, đều định chia tay. Lạn Tương Như bảo mọi người ngồi lại, ôn tồn nói:

– Các vị thấy Liêm tướng quân và vua Tần ai đáng sợ hơn?

Môn khách đều nói:

– Dĩ nhiên là vua Tần!

Tương Như nói:

– Vua Tần có uy thế như thế nào, ta còn dám quở trách trước chúng thần giữa triều đình ông ta, làm nhục quân thần của ông ta, làm sao ta lại chỉ sợ có Liêm tướng quân?

Các môn khách im lặng, Lạn Tương Như nói tiếp:

– Ta sở dĩ tránh Liêm tướng quân là vì nghĩ rằng nước Tần không dám xâm phạm nước Triệu không ngoài lý do vì hai chúng ta đứng đầu văn võ. Hai con hổ đánh nhau, tất có một con bị thương. Nước Tần nếu biết giữa hai chúng ta nảy sinh mâu thuẫn, nhất định sẽ nhằm chỗ yếu để xâm phạm nước Triệu. Ta làm như thế, là vì coi lợi ích quốc gia là số một, đâu phải vì sợ Liêm tướng quân?

Các môn khách nghe nói đều rất cảm động, càng thêm cảm phục người như Tương Như.

Những lời ấy đến tai Liêm Phả, càng làm ông thêm hổ thẹn. Ông nói:

– Lạn Tương Như phẩm  đức cao cả, ta còn xa mới sánh được!

Vì thế ông mình trần, mang theo cành mận gai đến trước nhà Lạn Tương Như nhận tội. Gặp Tương Như, ông ân hận nói:

– Tôi là kẻ thô lậu, khí lượng hẹp hòi, không biết ngài là người khoan hồng đại lượng, thực xin lỗi ngài!

Nói xong, quỳ xuống đất. Tương Như liền đỡ ông dậy, nói:

– Chúng ta cả hai đều là đại thần của quốc gia, cùng vì đất nước mà gắng sức. Tướng quân hãy lượng thứ cho nỗi khổ tâm của tôi, tôi rất cảm kích,làm sao ngài còn phải nhận lỗi?

Liêm Phả cảm động rơi nước mắt, Lạn Tương Như cũng khóc.

Từ đó về sau, hai người trở thành tri âm cùng sống cùng chết, cùng gắng sức vì nước Triệu, khiến cho nước Tần trong một thời gian dài không dám xâm phạm nước Triệu.

 

Chú thích:

(1)   Triệu Huệ Văn Vương ở ngôi 298 – 266 trước CN, là con Triệu Vũ Linh Vương. Năm 290 trước CN, cử Triệu Lương làm tướng, cùng quân Tề đánh Hàn, sau lại cử Triệu Lương, Liêm Phả, Triệu Xa, Lạn Tương Như… đánh Tề. Năm 269 trước CN, Triệu xa đại phá quân Tần ở Ất Dữ (nay là Hòa Thuận, Sơn Tây). Triệu Huệ Văn Vương là nhân vật chủ yếu kháng Tần thời Chiến Quốc.

(2)   Hòa thị bích: truyền thuyết nói ngọc bích do người họ Hòa nước Sở trải qua nghìn vạn năm gian khổ mới có nên lấy tên Hòa để gọi, giá trị bằng nhiều tòa thành.

(3)   Hoạn quan: chỉ những người sau khi thiến, mất công năng tính nam được đưa vào trong cung để hầu vua và thành viên gia tộc. Có những quốc gia (như nước Triệu) hoạn quan có thể tham gia triều chính.

(4)   Liêm Phả: twongs chủ yếu của thời kỳ sau của nước Triệu, từng đánh Tề, Tần, Yên, chiến công hiển hách. Về sau do bất hòa mà đi khỏi nước, chết ở Thọ Xuân (nay là huyện Thọ, An Huy).

(5)   Dị Nhân tức Tử Sở, làm con tin ở nước Triệu, kết thân với Lã Bất Vi, nhờ sự giúp đỡ của Lã Bất vi, năm 249 trước CN lên ngôi là Tần Trang Tương Vương.

1 BÌNH LUẬN

  1. Đọc truyện xưa , ngẫm chuyện đời nay, các nhà chính trị xứ Giao Chỉ nên rút ra bài học trong cách hành xử đối với bọn Tàu.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here