Lịch sử nước ta đã từng phát  sinh sự kiện diệt Phật “tam Võ, nhất Tôn”, “tam Võ” chỉ  Bắc Nguỵ Thái Võ Đế Tháp Bạt Đảo, Bắc Chu Võ Đế  Vũ Văn Ung, Đường Võ Tông Lý Đàm, “nhất Tôn” chỉ Chu Thế Tôn Bài Vinh.

“Hội Xương diệt Phật”  là  chỉ hành động diệt Phật của Đường Võ Tôn ở Hội Xương. “Hội Xương diệt Phật” là cuộc xung đột mâu thuẫn về kinh tế  giữa Phật giáo và quốc gia phong kiến, là kết quả của cuộc tranh giành địa vị tôn giáo giữa Phật giáo và Đạo giáo.

 

Phật giáo vào Trung Quốc

Phật giáo Ấn Độ truyền vào Trung Quốc khoảng cuối đời Tây Hán, nó được truyền bá và phát triển ở Trung Quốc, nói chung có thể chia làm 3 thời kỳ: trước đời Ngụy Tấn là thời kỳ du nhập; Đông Tấn, Nam Bắc triều là thời kỳ truyền bá; Tuỳ, Đường là thời kỳ hưng thịnh. Thời kỳ Đông Tấn Nam Bắc triều, số lượng chùa viện Phật giáo rất lớn, tăng ni nhiều chưa từng có. Thời Bắc Nguỵ, chùa Phật có đến hơn 3 vạn, tăng ni xuất gia  đến  hơn 200 vạn người. Thời Nam triều Lương Võ đế, chỉ riêng vùng Kiến Khang đã có tới  hơn 500 chùa Phật giáo và hơn 10 vạn tăng ni. Thế mà số chùa viện và tăng ni này đều có kinh tế độc lập, chiếm một số lớn ruộng đất và sức lao động hình thành một tầng lớp địa chủ tăng lữ.

Sự phát triển của kinh tế trong các chùa Phật  tất yếu nảy sinh  mâu thuẫn gay gắt với kinh tế của quốc gia phong kiến. Khi Chu Vũ Đế đang chấp chính, Bắc Chu có hơn 100 vạn tăng lữ, chùa viện cũng có hơn một vạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lính và nguồn tiền của quốc gia. Để tiêu diệt Bắc Tề, ông quyết định huy động nguồn ruộng đất và binh lính từ các chùa viện. Năm Kiến Đức thứ 3 (năm 574), ông hạ chiếu cấm hai tôn giáo  Phật và Đạo, tịch thu các chùa  chiền, ruộng đất, tượng đồng, tư sản của các địa chủ tăng lữ  để dùng cho quân đội, gần một trăm vạn tăng ni cùng với tăng hộ trong các chùa chiền, tín đồ Phật giáo đều   vào sổ hộ tịch. Sau 4 năm, Bắc Chu diệt được Bắc Tề, phạm vi huỷ đạo Phật đến   thượng du sông Trường Giang, các chùa viện ở nam bắc sông Hoàng Hà cũng bị huỷ diệt. Sau loạn Tự Hầu Cảnh ở Giang Nam, thế lực của Phật giáo cũng bị ảnh hưởng, Phật giáo thời triều Trần không được thịnh như thời triều Lương. Những đề xướng của  Tuỳ Văn Đế  Dương Kinh cũng có quan hệ mật thiết đến sự bành trướng của thế lực Phật giáo.

Tuỳ Văn Đế Dương Kinh tín ngưỡng Phật giáo, từ năm Khai Hoàng nguyên niên (năm 581), ông phát bố chiếu lệnh cho tự do xuất gia, có thể nhận những người xuất gia và  dựng   tượng Phật. Dưới triều Tuỳ, Phật giáo một lần nữa đã hưng thịnh trở lại, đến triều Đường Phật giáo càng phát đạt.

Đường Cao Tổ cũng tương đối tin Phật, nhưng đầu đời Đường, Phụ Dịch đã nhiều lần dâng thư kể những hậu quả xấu của Phật giáo, thỉnh cầu diệt trừ Phật giáo. Đường Cao Tổ từng hạ chiếu đào thải tăng ni, làm ảnh hưởng tới đạo sĩ. Do Đường Cao Tổ thoái vị, Thái Tông nhiếp chính, đại xá thiên hạ cho nên những việc ấy không được thực hiện. Đường Thái Tông vào những năm đầu  đã hạ lệnh người  chứa chấp các tăng ni phải chịu cực hình.

Những năm cuối, Đường Thái Tông có nhiều âu lo nên chú ý đến Phật pháp, lại thêm yêu cái tài của Huyền Trang nên đã tự thân viết “Đại Đường tam tàng thánh giáo tự”, tuyên dương Phật pháp, lại hạ lệnh nuôi hơn 18.000 tăng ni, các vua Cao Tông, Trung Tông sau đó đều rất tin Phật. Thời Võ Tắc Thiên càng ra sức đề cao Phật giáo, dựng tượng Phật, xây Minh Đường, sửa chữa Thiên Vu. Thế lực của Phật giáo ngày càng bành trướng. Vẻ đẹp của chùa viện có thể so với cung thất, cực kỳ xa hoa. Các vua sau đó cũng tin Phật, Túc Tông, Đại Tông trong cung cũng thiết lập đạo  trường, nuôi hàng trăm hoà thượng để ngày đêm niệm Phật, đời Hiến Tông còn cử hành việc đón xá lị của Phật.

Đời Đại Tông đã hạ chiếu quan sứ không được chèn ép tăng ni, tăng ni phạm pháp cũng không phải chịu hình phạt. Khi đó,  những ruộng đất màu mỡ  phần lớn đều do nhà chùa sở hữu.

Do sự đề cao của tầng lớp thống trị, Phật giáo nhanh chóng hưng thịnh, nhưng đồng thời  nảy sinh mâu thuẫn   với quốc gia phong kiến. Phần lớn những người lao động xuất gia thành tăng hoặc sống dựa vào chùa chiền, điền hộ, chùa viện  đã sở hữu một số ruộng đất và sức lao động rất lớn, kinh tế trong các chùa viện phát triển mạnh, trong khi phần thu nạp tô thuế của nhà nước phong kiến lại giảm sút, Phụ Dịch phản đối Phật giáo chính là do tăng ni là dân lưu vong, không nạp tô thuế cho nhà nước, làm lãng phí của nhà nước nhiều tiền tài, giảm số thuế nộp. Hàn Dũ trong văn chương bài Phật  cũng từ góc độ tài chính quốc gia, chỉ ra những tệ đoan của Phật giáo. Thời Đại Tông, Bành Yển đã kiến nghị:  tăng ni, đạo sĩ chưa đến 50 tuổi mỗi năm phải giao nộp 4 xúc lụa, nữ ni và nữ đạo sĩ chưa đến 50 tuổi mỗi năm phải nộp 2 xúc lụa cùng những lao dịch phổ thông như mọi người. Ông cho rằng nếu làm như vậy, những tăng ni xuất gia sẽ không có hại gì. Đó chính là mâu thuẫn tranh giành ruộng đất và sức lao động. Đến một mức độ nào đó, những mâu thuẫn này sẽ khiến quốc gia phong kiến  phải tuyên chiến với thế lực Phật giáo.

Mặt khác Đường Võ Tông diệt Phật cũng phản ánh cuộc đấu tranh tôn giáo  giữa Phật giáo và Đạo giáo . Đạo giáo là tôn giáo bản địa của Trung Quốc, tôn Lão Tử Lý Đam làm giáo chủ. Hoàng đế của thời Bắc triều rất tin Đạo giáo. Sau khi triều Đường kiến lập, do hoàng đế họ Lý, Lão Tử cũng họ Lý, tầng lớp thống trị mượn thêm thần quyền, đề cao địa vị của dòng họ nhà vua, tự nhận là đời sau của Lão Tử, nên lại càng tôn sùng Đạo giáo. Thời Cao Tông truy tôn Lão Tử là Thái Thượng Huyền Nguyên hoàng đế. Huyền Tông còn tự thân viết cuốn “Đạo đức kinh” cho mọi người học tập. Tôn “Đạo đức kinh” của Lão Tử là “Đạo đức chân kinh”, trước tác của Trang Tử là  “Nam Hoa chân kinh”, trước tác của Canh Tang là  “Đồng Linh chân kinh”, trước tác của Liệt  Tử là “Xung Hư chân kinh”, trong khoa cử lại tăng thêm 4 khoa Lão, Trang, Văn, Liệt. Lại quy định  đạo sĩ nữ quán do Tông Chính tự quản lý, Tông Chính tự là cơ quan quản lý các công việc của  hoàng thất, nói rõ triều Đường coi  đạo sĩ và nữ quán như người trong hoàng tộc. Võ Tắc Thiên sùng Phật, một là do bà  dựa  vào  Phật giáo để đưa ra cơ sở lý luận, đồng thời cũng là dùng Phật giáo để chèn ép Đạo giáo.

Từ đời Đường tôn sùng Đạo giáo, có rất nhiều hoàng đế sủng tín đạo sĩ. Những đạo sĩ này tiếp tục cuộc đấu tranh giữa hai tôn giáo đạo Phật và  đạo Giáo trước đây. Nguyên nhân chủ yếu để Đường Thái Tông diệt Phật là do thế lực kinh tế trong các chùa viện  nhưng cũng do có quan hệ với Triệu Quy Chân, người đã đả kích đạo Phật rất mạnh mẽ.

 Diệt Phật

     Túc Tôn, Văn Tôn trước Võ Tôn vẫn theo cách trước đây đối với Phật giáo, nhưng Túc Tôn đã cuồng tín đạo Giáo, Triệu Quy Chân có thể ra vào hoàng cung. Thời Văn Tông đã có đề nghị huỷ  đạo Phật, đã từng hạ lệnh cấm chứa chấp tăng ni  và xây dựng chùa miếu. Khi mới lên ngôi  Võ Tông đã  có thái độ rất tốt với Đạo giáo, lập tức triệu đạo sĩ vào cung cấm. Triệu Quy Chân lợi dụng điều này, nói với Võ Tông: Phật giáo không phải là đạo của người Trung Quốc , nên phải triệt để trừ bỏ. Đường Văn Tông từng nói với Tể tướng: thời cổ, một người nông dân nuôi 3 người, nay do thêm đạo Phật, một người nông dân phải nuôi 5 người, người dân khốn khổ vì Phật. Đường Võ Tông nói:  Làm cho người dân khốn khổ là do Phật giáo. Vì thế, trước hết  dỡ bỏ đến hơn 4 vạn  chiêu đề và lan nhược ở các vùng rừng núi, hoàn tục đến hơn 10 vạn tăng nhân. Năm Hội Xương thứ 5 (năm 845), quy định Tây Kinh có 4 chùa, mỗi chùa có 10 tăng nhân, Đông Kinh có 2 chùa, những nơi có trụ sở  Tiết độ quan sát sứ  có thể giữ một chùa, số lượng tăng như ở Tây Kinh. Những nơi khác trong châu không được giữ chùa. Lại cử 4 người làm ngự sử tuần tra khắp nơi, đôn đốc thực hiện. Cộng tất cả đã dẹp bỏ hơn 4.600 chùa, hoàn tục 260.500 tăng ni, cho tự do 15 vạn nô tì và hơn 50  vạn người làm nô dịch trong các chùa viện, thu lương thực trên diện tích hàng nghìn vạn khoảnh. Tất cả những nô tì được giải phóng, mỗi người  được chia ruộng trăm mẫu, ghi tên vào hộ tịch quốc gia, lấy các tượng đồng trong các chùa để đúc tiền, tượng thép để làm nông cụ, tượng vàng bạc thu vào quốc khố. Những tượng Phật trong dân gian hạn trong một tháng phải giao nộp cho quan phủ, nếu vi phạm phải xử phạt.

Năm cuối đời Hội Xương, cả nước thu thuế gấp đôi đời Hiến Tông là đời được coi là “Nguyên Hoà trung hưng”, so với đời Mục Tông tăng gấp 3 lần, là thời kỳ thịnh trị nhất sau “An Sử chi loạn”. Từ đó có thể thấy việc diệt Phật lần này đã thành công. Nhưng sau khi Võ Tông chết, Tuyên Tông lên ngôi ông là người sùng tín Phật giáo, hạ lệnh khôi phục các chùa Phật đã bị phá huỷ trước đây, lại giết đạo sĩ Triệu Quy Chân. Sau thời điểm này, thế lực của Phật giáo  hưng thịnh trở lại. Thái độ với Phật giáo cũng chính là một nội dung  đấu tranh  của hai đảng Ngưu Lý cuối đời Đường. Lý Đức Dụ phản đối Phật giáo, lúc làm quan ở Triết Tây, ông đã phá huỷ hơn 1.400 chùa,  thời kỳ làm Tiết độ sứ ở  Tây Xuyên, cũng đã từng phá huỷ chùa viện, lan nhược, đem ruộng đất của chùa chia cho nông dân. Cuộc vận động diệt Phật đời Hội Xương là do Lý Đức Dụ và Đường Võ Tông phối hợp tiến hành. Năm Đại Trung nguyên niên đời Tuyên Tông (năm 847), Lý Đức Dụ bị biếm làm Tư mã ở Triều Châu, sau lại bị biếm đến làm Tư mã ở Thôi Châu  (nay là đông huyện Quỳnh Sơn, Hải Nam). Cuộc đấu tranh tôn giáo sau đó đi vào quỹ đạo của cuộc đấu tranh chính trị.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here