Thời kỳ Tam Quốc là thời đại đã xuất hiện nhiều anh hùng, cho nên những câu chuyện kể về những con người ấy nổ như pháo ran. Thông qua những hư cấu trong “Tam quốc diễn nghĩa”, những sự tích trong Tam Quốc đến đàn bà con trẻ cũng thuộc làu. Về những câu chuyện trong Tam Quốc câu chuyện hấp dẫn nhất là chuyện về trận Xích Bích. Xét dưới góc độ lịch sử, trận chiến đấu này cũng có ý nghĩa to lớn. Nó  đã phá được tận gốc  ý đồ thống nhất Trung Quốc của vương triều Trung Nguyên đặt cơ sở cho cục diện Tam Quốc, cục diện hỗn loạn này kéo dài hơn 300 năm góp một phần đáng kể vào lịch sử Trung Quốc.

Liên Ngô kháng Tào

     Trận Xích Bích xảy ra vào năm 208 là một cuộc chiến đấu chiến lược giữa  Tào Tháo và Tôn Quyền, Lưu Bị tại vùng đất nay là Giang Lăng, Hồ Bắc và  Hán Khẩu trên bờ sông Trường Giang, nó mang ý nghĩa quyết định trong việc hình thành  thế Tam Quốc. Trong cuộc chiến đấu này, liên quân Tôn Quyền, Lưu Bị  đã phải đương đầu với  hơn 23 vạn quân của Tào Tháo nhưng do phân tích chính xác tình hình, tìm được những nhược điểm  của kẻ địch, cùng hiệp đồng, giữ bí mật, lấy trường đánh đoản, dùng hoả công, dùng phương châm thừa thắng truy kích, đã đánh cho quân Tào không còn mảnh giáp, làm cho mộng tưởng làm bá chủ của Tào Tháo trở thành nước lã ra sông, từ đó cũng có thể rút ra những bài học nổi tiếng trong lịch sử như vận dụng hoả công, lấy yếu thắng mạnh, …

    Sau khi bình định được phương bắc, năm 208, Tào Tháo đem đại quân  xuống phía nam tiến công Lưu Biểu. Quân lính của Tào Tháo còn chưa đến Kinh Châu, Lưu Biểu đã chết vì bệnh. Con Lưu Biểu là Lưu Tông mới nghe  thanh thế của Tào Tháo đã hoảng sợ sai người xin hàng. Lúc đó, Lưu Bị  đang chiếm  giữ  Phàn Thành (nay là thành phố Tương Phàn, Hồ Bắc). Nghe nói quân Tào tiến xuống phía nam, quyết định đem quân rút về Giang Lăng (nay là Giang Lăng, Hồ Bắc). Dân chúng ở Kinh Châu nghe nói Lưu Bị cư xử với dân rất tốt nên đều tình nguyện đi theo ông.

    Tào Tháo đưa quân đến Tương Dương, nghe nói Lưu Bị rút về Giang Lăng, lại biết Lưu Biểu tích được rất nhiều quân lương ở Giang Lăng, sợ Lưu Bị chiếm mất liền dẫn theo hơn 5 nghìn quân đuổi theo Lưu Bị. Người ngựa của Lưu Bị cùng vũ khí, trang bị, lại còn mười mấy vạn dân chúng đi theo, mỗi ngày chỉ đi được hơn chục dặm. Trong khi quân Tào ngày đêm đi được hơn 300 dặm, rất nhanh chóng đã đuổi kịp Lưu Bị ở  Trường Bản  (nay là đông bắc huyện Đương Dương Hồ Bắc). Người ngựa của Lưu Bị  bị quân Tào làm rối loạn, chỉ nhờ Trương Phi đánh một trận sống mái ở đây, Lưu Bị, Gia CátLượng cùng một số ít quân sĩ mới thoát được. Nhưng đường đến Giang Lăng đã bị quân Tào cắt đứt, Lưu Bị đành phải thay đổi kế hoạch, lui về Hạ Khẩu (nay là thành phố Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc).

    Tào Tháo chiếm được Giang Lăng, tiếp tục men theo sông tiến sang phía đông, rất nhanh chóng đến được Hạ Khẩu. Gia Cát Lượng nói với Lưu Bị: “Tình thế rất khẩn cấp, chúng ta chỉ còn một con đường là cầu cứu Tôn Quyền”. Cũng lúc đó, Tôn Quyền sợ Tào Tháo chiếm mất Kinh Châu, sai Lỗ Túc đi tìm Lưu Bị, khuyên ông ta liên hợp với Tôn Quyền chống quân Tào. Gia Cát Lượng cùng Lỗ Túc đến Sài Tang (nay là tây nam Cửu Giang Giang Tây) gặp Tôn Quyền. Gặp Tôn Quyền, Gia Cát Lượng nói: “Hiện nay Tào Tháo đánh Kinh Châu, chắc sẽ phải tiến công Đông Ngô. Tướng quân nếu quyết tâm chống lại, cần phải sớm cắt đứt quan hệ với Tào Tháo, rồi cùng với chúng tôi chống lại, nếu không, dứt khoát phải đầu hàng chúng, nếu còn do dự chưa quyết thì tai hoạ đến nơi rồi đấy!” Tôn Quyền trả lời: “Vậy thì quân Lưu Bị sao không đầu hàng Tào Tháo?” Gia Cát Lượng nói : “Lưu tướng quân là đời sau của nhà Hán, tài năng xuất chúng, làm sao có thể đầu hàng Tào Tháo?” Tôn Quyền nghe Gia Cát Lượng nói như thế, cũng xúc động nói: “Ta cũng không thể đem đất đai và mười vạn  quân ở Giang Đông cho hắn, nếu Lưu tướng quân đã chống lại quân Tào thì làm sao tôi lại không đồng tình?”

    Gia Cát Lượng nói: “Ngài cứ yên tâm, Lưu tướng quân tuy đã thua một trận, nhưng còn có hai vạn thuỷ quân. Binh mã của Tào Tháo tuy nhiều, nhưng từ xa đến đây, binh lính cũng đã mỏi mệt, thêm nữa,  binh lính phương bắc không quen thuỷ chiến, người Kinh Châu không sợ họ. Chỉ cần chúng ta đồng tâm hiệp sức, nhất định có thể thắng được quân Tào”. Tôn Quyền nghe Gia Cát Lượng phân tích một hồi, trong lòng đã thấy yên tâm, lập tức triệu tập toàn bộ tướng lĩnh, thảo luận cách chống quân Tào.

    Trong lúc đó, Tào Tháo cho người mang thư đến. Thư nói: “Ta phụng mệnh của Hoàng đế Đại Hán, mang quân tiến về phương nam. Hiện ta đã chuẩn bị tám mươi vạn thuỷ quân, muốn cùng tướng quân giao chiến một trận.” Tôn Quyền đưa thư cho bộ hạ xem, xem xong ai nấy đều mặt biến sắc, nói không thành tiếng. Trương Chiêu là viên quan  đã cao tuổi của  Đông Ngô, nói: “Tào Tháo đã dùng danh nghĩa Thiên tử để đánh ta, nếu ta chống lại ông ta, sao đúng với đạo lý.  Rồi lại nói, chúng ta vốn dựa vào sông Trường Giang hiểm trở, nay thì không thể dựa được nữa. Quân Tào chiếm được Kinh Châu, lại có hàng nghìn chiến thuyền, nếu họ dùng hai đường thuỷ lục cùng tiến, ta làm sao mà chống lại được, tôi thấy đành phải đầu hàng thôi”. Trương Chiêu nói xong, lập tức có một số người phụ hoạ. Chỉ thấy Lỗ Túc đứng bên cạnh , mắt nhìn đi chỗ khác, không nói gì. Tôn Quyền nghe nói tất cả, thấy không vừa ý, bèn đi ra ngoài, Lỗ Túc cùng ra với ông ta. Tôn Quyền nắm tay Lỗ Túc, nói: “Ngươi nói đi, bây giờ phải làm thế nào?”

    Lỗ Túc nói: “Những lời của bọn Trương Chiêu nói nghe không lọt tai. Nói đầu hàng, Lỗ Túc tôi có thể đầu hàng, nhưng tướng quân sao có thể đầu hàng được. Nếu tôi  đầu hàng, thì sau đó về nhà, qua lại cùng các danh sĩ, còn có cơ hội gặp lại các quan viên châu quận. Nếu tướng quân đầu hàng thì toàn bộ sáu quận Giang Đông rơi vào tay Tào Tháo, Ngài thấy thế nào?” Tôn Quyền thở dài, nói: “Nghe mọi  người nói, ta thật thất vọng, chỉ có nhà ngươi nói là hợp với ý ta.” Sau khi mọi người ra về, Lỗ Túc khuyên Tôn Quyền triệu tập đại tướng Chu Du đang ở Bà Dương về cùng bàn bạc

    Chu Du về đến Sài Tang, Tôn Quyền lại triệu tập văn võ bá quan lại bàn bạc. Tinh thần của Chu Du rất dứt khoát, nói: “Tào Tháo mang danh là Thừa tướng của nhà Hán, nhưng thực ra là gian tặc của nhà Hán, lần này, hắn tự tìm lấy cái chết, sao có thể đầu hàng hắn được?” Chu Du phân tích cho mọi người thấy rất nhiều điều bất lợi của Tào Tháo, như binh lính phương bắc không biết thuỷ chiến, lại từ xa đến, không quen với vùng đất mới, không quen thuỷ thổ, nhất định sẽ sinh bệnh, binh mã dù nhiều nhưng không thể dùng được.

    Tôn Quyền nghe lời của Chu Du cũng cảm thấy vững dạ. Ông rút thanh bảo kiếm, chém một góc bàn, nghiêm giọng, nói: “Ai nói đến việc đầu hàngTào Tháo thì hãy nhìn cái bàn này”

    Đêm hôm đó, Chu Du lại một mình đi tìm Tôn Quyền, nói : “Tôi đã cho người đi thăm dò, Tào Tháo nói binh mã có tám mươi vạn, đó chẳng qua là phô trương thanh thế, kỳ thực chỉ có chưa đến hai mươi vạn, trong đó lại có một số binh lính Kinh Châu, không thực lòng theo ông ta, Ngài chỉ cần có 5 vạn tinh binh, tôi đảm bảo sẽ đánh bại hắn.”

Trận Xích Bích

     Ngày hôm sau, Tôn Quyền phong Chu Du làm đô đốc, giao cho Chu Du ba vạn thuỷ binh,  để cùng với Lưu Bị chống lại Tào Tháo. Chu Du nhận nhiệm vụ tiến quân, ở Xích Bích (nay là núi Xích Cơ, huyện Vũ Xương, Hồ Bắc) cùng Tào Tháo dàn trận. Đúng như Chu Du đã dự đoán, rất nhiều binh lính của Tào Tháo không quen thuỷ thổ, đã đổ bệnh. Hai bên giao chiến, quân Tào thua trận buộc phải rút về bờ bắc sông Trường Giang. Chu Du đem thuỷ quân đóng ở bờ nam cách quân Tào tương đối xa.

    Ở phương bắc, quân Tào không biết thuỷ chiến, họ ở trên thuyền, gặp sóng gió, thuyền tròng trành, không chịu nổi. Sau đó, họ phải dùng dây thép buộc chặt nhiều thuyền lại với nhau, trên thuyền quả nhiên ít tròng trành hơn. Bộ tướng của Chu Du là Hoàng Cái thấy điều này, bàn với Chu Du kế: “Kẻ địch nhiều lính, ta thì ít, tình thế không có lợi cho ta. Nay quân Tào đem các chiến thuyền liên kết chặt chẽ lại với nhau, tôi xem thấy nếu  dùng hoả công có thể đánh bại được chúng”. Chu Du thấy ý kiến của Hoàng Cái rất hay, hai người còn bàn bạc mãi, rồi bảo Hoàng Cái cho người mang thư cho Tào Tháo, tỏ ý muốn bỏ Đông Ngô đầu hàng Tào Tháo. Tào Tháo vẫn nghĩ tướng lĩnh Đông Ngô sợ ông ta nên trước việc Hoàng Cái đầu hàng, không có nghi ngờ gì.

    Hoàng Cái cho quân lính chuẩn bị mười chiến thuyền, trên mỗi thuyền đều chất đầy cây khô đổ dầu, bên ngoài nguỵ trang bằng vải lụa, cờ xí, lại chuẩn bị một số thuyền nhẹ khác buộc vào sau mỗi thuyền lớn, chuẩn bị để khi thuyền lớn cháy thì dùng thuyền nhỏ bỏ chạy. Cuối tháng 11, trời đột nhiên ấm lên, có gió đông nam thổi. Đêm hôm ấy, Hoàng Cái dẫn mười chiến thuyền, sau mỗi thuyền đều có một chiếc thuyền nhỏ. Thuyền ra đến giữa dòng, chỉ thấy gió thổi, thuyền lao như tên bắn hướng về bờ bắc.

    Tướng sĩ của Tào Tháo trong thuỷ trại nghe nói tướng Đông Ngô đầu hàng đứng  ở đầu các chiến thuyền chờ đợi. Khi chiến thuyền của Đông Ngô còn cách thuỷ trại của quân Tào khoảng hai dặm thì đột nhiên bốc cháy. Lửa và gió hỗ trợ nhau, mười chiếc thuyền như mười con rồng lửa, tiến vào thuỷ trại của quân Tào. Thuyền trong thuỷ trại đã buộc chặt lại với nhau, không thể mở ra được, rất nhanh chóng bốc cháy, bao nhiêu công sức phút chốc đã chìm trong biển lửa, thuỷ trại bốc cháy, doanh trại trên bờ cũng bốc cháy, binh lính của Tào Tháo đều chết cháy, một số nhảy xuống sông thoát được  nhưng lại không biết bơi cũng chết đuối.

    Chu Du thấy lửa cháy bên bờ bắc lập tức mang tinh binh vượt sông tiến công. Họ đánh trống trận vang trời. Quân Tào ở phía bờ bắc không biết quân tấn công nhiều hay ít, bỏ chạy tán loạn. Tào Tháo mang theo tàn binh bại tướng chọn con đường nhỏ chạy về Hoa Dung (nay là tây nam huyện Tiềm Giang, tỉnh Hồ Bắc), nhưng đường nhỏ toàn là bùn lầy, ngựa không qua được. Tào Tháo phải lệnh cho binh sĩ già yếu kiếm rơm rạ vứt lên trên bùn lầy cho ngựa qua. Kết quả là người ngựa qua lại dễ dàng nhưng bọn lính già yếu bị ngựa giày xéo chết rất nhiều. Lưu Bị và Chu Du cùng ra quân, thuỷ bộ chia làm hai đường  đuổi theo, đuổi đến Nam Quận (trị  sở nay là  Giang Lăng tỉnh Hồ Bắc), hơn mười vạn quân Tào vừa chết trận vừa chết bệnh tổn thất đến quá nửa. Tào Tháo đành phải cử Tào Nhân, Từ Hoảng, Nhạc Tiến chia nhau ra giữ Giang Lăng và Tương Dương, còn bản thân mang quân chạy về phương bắc.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here