Khởi nghĩa Hoàng Cân cuối thời Đông Hán đã giáng một đòn nặng nề vào vương triều Đông Hán đã mục nát, đẩy nhanh quá trình suy vong của  thế lực quân phiệt Đông Hán, có thể nói, ở một mức độ nhất định nó đã làm xuất hiện những rối loạn  thời Tam quốc, mở ra một thời kỳ rối ren kéo dài.

Những năm cuối vương triều Đông Hán, ngoại thích, hoạn quan tranh quyền, mua quan bán tước, triều chính ngày càng hủ bại, chiến tranh giữa Đông Hán và Tây Khương kéo dài hơn 10 năm làm tốn kém đến hơn 400 ức. Bọn địa chủ cường hào tăng cường cướp đoạt ruộng đất khiến nông dân không còn đường sống. Rất nhiều những cuộc khởi nghĩa quy mô nhỏ đã nổ ra nhưng đã bị triều đình Đông Hán đàn áp. Trong hoàn cảnh đó,  Trương Giác đã đứng lên tổ chức và lãnh đạo cuộc khởi nghiã Hoàng Cân.

Trong ngoài cùng nổi dậy, tám châu cùng đứng lên

     Cuộc chiến tranh nông dân Hoàng Cân nổ ra vào năm Quang Hoà thứ 7 thời Đông Hán (184). Nó là kết quả của mâu thuẫn giai cấp gay gắt giữa  nông dân và địa chủ  những năm cuối đời Đông Hán, sau nhiều năm ấp ủ, một cuộc chiến tranh nông dân đại quy mô có tổ chức, có chuẩn bị đã nổ ra.

    Cuộc chiến tranh nông dân rung trời chuyển đất này tuy thất bại do  sự đàn áp của các thế lực vương triều Đông Hán và giai cấp địa chủ nhưng nó đã giáng một đòn nặng nề vào vương triều Đông Hán, đẩy nhanh tốc độ suy sụp của nó, đồng thời ở một mức độ khác, nó đã đánh mạnh vào thế lực địa chủ cường hào, làm thay đổi tình trạng chiếm đoạt ruộng đất của giai cấp địa chủ. Cuối đời Đông Hán, hai thế lực hoạn quan và ngoại thích tranh giành quyền hành, chính trị hủ bại, ruộng đất  hầu hết rơi vào tay bọn địa chủ, tô thuế ngày càng nặng nề, xã hội mất ổn định, dân chúng phải bỏ nhà ly tán, mâu thuẫn giai cấp trở nên vô cùng gay gắt, những cuộc khởi nghĩa quy mô nhỏ không ngừng diễn ra.

    “Sơn vũ dục lai phong mãn lầu”, những cuộc khởi nghĩa lớn của nông dân  vào hoàn cảnh này dường như đã chín muồi.

    Thời thế tạo anh hùng, Trương Giác người Cự Lộc, Ich Châu (nay là tây nam huyện Bình, Hà Bắc) đã tận mắt chứng kiến thảm cảnh của đông đảo quần chúng dưới sự áp bức của  giai cấp thống trị, căm giận vô hạn, quyết tâm bằng con đường  vũ tranh khởi nghĩa  để làm thay đổi xã hội. Vì thế, ông tích cực hoạt động để tổ chức và tuyên truyền cách mạng.

    Trương Giác tự xưng là “Đại Hiền lương sư”, sáng lập Thái Bình đạo, lại vẽ bùa đọc chú, hành nghề chữa bệnh, tuyên truyền tư tưởng bình đẳng của Đạo giáo trong quần chúng nghèo khổ, động viên quần chúng đấu tranh chống lại tầng lớp thống trị. Trong lúc tuyên truyền và phát động quần chúng, Trương Giác còn lợi dụng tôn giáo vào việc tổ chức và chuẩn bị khởi nghĩa, cử những tín đồ tin cậy đến các nơi tập hợp lực lượng. Sau hơn 10 năm bí mật tuyên truyền và tổ chức, Trương Giác đã có hơn mười vạn quần chúng, phiên chế thành 8 châu Thanh, Từ, U, Kỳ, Kinh,  Dương, Duyễn,    Dự. Trên cơ sở này, Trương Giác lại dựa trên cơ sở các địa phương chia các tín đồ thành 36 phương, đại phương có hơn vạn  người, tiểu phương có 6 , 7 nghìn người, cử các “cứ sư”, thống nhất kỷ luật, chuẩn bị tổ chức tốt để  khởi nghĩa thắng lợi.

    Đêm trước khi cuộc khởi nghĩa nổ ra, Trương Giác căn cứ vào nhu cầu đấu tranh dùng hình thức sấm ký để nêu khẩu hiệu chiến đấu và kế hoạch khởi nghĩa  “Thương thiên dĩ tử, Hoàng Thiên đương lập, Tuế tại giáp tử, Thiên hạ đại cát” (Thương thiên – chỉ vương triều Đông Hán – đã chết, Hoàng Thiên – chỉ Hoàng Thái nhất thần,  Thái Bình đạo – đã lập; Tuổi Giáp Tý; Thiên hạ thái bình). Hình thức tôn giáo này đã có tác dụng rất lớn trong việc vận động nông dân  ủng hộ cuộc khởi nghĩa.

    Để thực hiện kế hoạch khởi nghĩa, Trương Giác cử Đại phương thủ lĩnh Mã Nguyên Nghiã đến các địa phương gần Lạc Dương, chuẩn bị điều động hơn vạn quần chúng tín đồ ở hai châu Kinh và Dương bí mật chờ đợi ở Nghiệp Thành, tích cực liên lạc với một số tín đồ là  hoạn quan trong cung ở Lạc Dương làm nội ứng, xác định ngày 5 tháng 3 sẽ đồng thời cùng hành động ở Lạc Dương và các châu.

    Nhưng trong thời điểm quan trọng chuẩn bị phát động khởi nghĩa, nội bộ quân khởi nghĩa  có kẻ phản bội mật báo cho triều đình, toàn bộ kế hoạch khởi nghĩa bị tiết lộ. Sau khi biết được việc này vương triều Đông Hán đã lập tức trấn áp, bắt các lãnh tụ quân khởi nghĩa . Việc này khiến nội bộ quân khởi nghĩa rối loạn, Trương Giác thấy tình thế bất lợi, quyết định tiến hành khởi nghĩa trước  thời gian dự định, ngay đêm ấy thông báo cho các nơi đồng loạt nổi dậy, lấy khăn vàng quấn trên đầu để phân biệt. Cuộc khởi nghĩa Khăn vàng nổi tiếng trong lịch sử chính thức bùng nổ.

    Sau khi cuộc khởi nghĩa Hoàng Cân bùng phát, thanh thế ngày càng  lớn, sử đã gọi là “chỉ trong một ngày, thiên hạ hưởng ứng, chấn động kinh sư”. Quân chủ lực của Hoàng Cân ở ba khu vực:  Thủ lĩnh nghĩa quân Trương Giác tự xưng là Thiên Công tướng quân, em của ông là Trương Bảo xưng là Địa Công tướng quân, Trương Lương xưng là Nhân công tướng quân, họ chỉ huy quân chủ lực của nghĩa quân hoạt động chủ yếu ở khu vực Kỳ Châu hình thành trung tâm cách mạng ở phía bắc. Trương Mạn Thành tự xưng “Thần thượng sứ” chỉ huy quân Hoàng Cân chiến đấu ở khu vực Nam Dương, hình thành trung tâm khởi nghĩa ở phía nam. Ba Tài, Bành Thoát lãnh đạo chiến đấu ở Dĩnh Xuyên (quận trị nay là  huyện Vũ tỉnh Hà Nam), Nhữ Nam (quận trị ở đông bắc Nhữ Nam tỉnh Hà Nam), Trần Quốc (quận trị sở ở  Tuy Dương tỉnh Hà Nam), trở thành trung tâm cách mạng ở khu vực phía đông. Quân Hoàng Cân các nơi đốt phủ huyện, đánh cường hào, phá kho tàng, chiếm thành luỹ, giáng một đòn nặng nề vào trật tự đương thời của vương triều Đông Hán.

    Trong cuộc khởi nghĩa Hoàng Cân, về mặt chiến lược, Trương Giác đã rút được những bài học  khi quân khởi nghĩa bị bọn thống trị  các nơi đàn áp, thực hiện  kế hoạch cùng tiến công “trong ngoài cùng đánh”, “tám châu cùng đánh”, trong và ngoài kinh sư Lạc Dương  cùng hành động, các châu cùng nổi dậy. Về mặt hành động chiến đấu, các châu lộ tuy không còn giữ được bí mật, như g xét về hình thế hành động quân khởi nghĩa đã tiến công được các mục tiêu chủ yếu ở Lạc Dương, bao vây uy hiếp Lạc Dương từ ba mặt đông, nam, bắc.

Cuộc chiến đấu của quân Hoàng Cân thất bại

     Cuộc khởi nghĩa của quân Hoàng Cân ở cả 8 châu đã làm rung chuyển vương triều Đông Hán, tầng lớp thống trị vô cùng hoảng sợ vội điều quân trấn áp quân khởi nghĩa: Hà Tiến được giao làm đại tướng quân, mang tả hữu Vũ lâm ngũ doanh đóng ở Đô Ninh để bảo vệ kinh sư;  8 nơi hiểm yếu  ở Hàm Cốc, Thái Cốc cử tám quan đô uý để tăng cường phòng ngự phía ngoài Lạc Dương; hạ chiếu bỏ  lệnh “đảng cấm” để hoà hoãn mâu thuẫn nội bộ của tập đoàn thống trị; xuất tiền trong kho để chiêu tập  thêm quan binh, dùng ngựa ở Tây Viên để trang bị cho quân đội, tăng thêm kỵ binh, xây thêm Tây Viên bát hiệu để tăng cường thực lực của quân đội, sau đó, vương triều Đông Hán chiêu tập quân đội  tiến hành tập trung đàn áp quân khởi nghĩa.

    Lúc đó, những hoạt động của quân khởi nghĩa của Ba Tài  ở Dĩnh Xuyên đã tạo nên sự uy hiếp trực tiếp cho Lạc Dương, nên triều đình nhà Hán đã cử  Trung lang tướng Hoàng Phủ Tung mang quân chủ lực xung trận. Với khu vực trung tâm quân khởi nghĩa  ở Hà Bắc, giao cho Bắc Trung lang tướng Lư Thực mang Bắc quân ngũ hiệu uý và  lính ở Quận quốc đàn áp. Với nghĩa quân ở phía bắc do Trương Mạn Thành chỉ huy, để tăng cường phòng ngự, tạm thời giữ thế thủ. Tầng lớp thống trị Đông Hán thực hiện phương châm “trước phòng sau diệt”, lo cả công lẫn thủ, tiến công vào các trọng điểm dần thực hiện kế hoạch chiến lược đánh phá, họ đã có những kinh nghiệm lão luyện và tài chỉ huy quân sự khiến cho nghĩa quân phải đương đầu với một kẻ địch vô cùng hung ác xảo quyệt.

    Tháng 4 năm ấy, nghiã quân Hoàng Cân và vương triều Đông Hán mở đầu cuộc chiến đấu mang tính chiến lược ở  Dĩnh Xuyên. Ở Dĩnh Xuyên, quân khởi nghĩa do Ba Tài chỉ huy đã bao vây quân triều đình của  Hoàng Phủ Tung    tại Trường Đỗ (nay là đông bắc  Trường Cát tỉnh Hà Nam), tình thế rất có lợi cho nghĩa quân. Nhưng do quân của Ba Tài thiếu kinh nghiệm quân sự, dùng cỏ tranh lợp doanh trại, không canh gác chặt chẽ. Hoàng Phủ Tung đã lợi dụng đêm tối đột kích đốt doanh trại,, nghĩa quân chịu tổn thất rất lớn. Hoàng Phủ Tung lại phối hợp với quân Hán do Tào Tháo chỉ huy, thừa cơ tiến công, quân Ba Tài thua to, hàng vạn quân khởi nghĩa bị giết. Sau khi đánh được nghĩa quân ở Dĩnh Xuyên, quan quân của  triều đình thừa thắng tiến công nghĩa quân ở  Nhữ Nam, Trần Quốc. Không lâu sau, tàn quân của Ba Tài ở Dương Địch (nay là Thành phố Vũ Châu tỉnh Hà Nam), của Bành Thoát ở Tây Hoa (nay là  phía nam Tây Hoa tỉnh Hà Nam) tiếp tục bị đàn áp nên thất bại.

    Sự thất bại của nghĩa quân ở Dĩnh Xuyên và Nhữ Nam đã  giải nguy cho kinh sư của vương triều Đông Hán, chúng có điều kiện để đưa lực lượng đàn áp quân khởi nghĩa ở những khu vực khác, từ đó, tình thế hai bên đã thay đổi, vương triều Đông Hán đã chiếm được ưu thế và quyền chủ động.

    Vương triều Đông Hán đã điều Hoàng Phủ Tung  đến phía đông đàn áp nghĩa quân ở Đông Quận, điều Chu Tuấn đánh Nam Dương đàn áp nghĩa quân của Trương Mạn Thành. Hoàng Phủ Tung tiến công rất thuận lợi, đàn áp quân khởi nghĩa vô cùng tàn bạo.  Vì thế, Nam Dương đã trở thành  trận chiến đấu quyết chiến lần thứ hai giữa hai bên.

    Do nghĩa quân thiếu kinh nghiệm, trúng kế xuất thành truy kích, kết quả trên đường bị phục kích, tổn thất rất nặng nề, Thống sư Hàn Trung đầu hàng bị giết. Tàn quân của quân khởi nghĩa do Tôn Hạ chỉ huy rút về Uyển Thành, nhưng do lực lượng chênh lệch, không cố thủ được  đến tháng 11 phải rút khỏi Uyển Thành về  Tinh Sơn Tây Ngạc (nay là phía nam Nam Chiếu tỉnh Hà Nam), không lâu sau cũng thất bại.

    Về sau, trung tâm của cuộc chiến tranh chuyển về khu vực Hà Bắc. Hà Bắc là khu vực trung tâm của quân khởi nghĩa Hoàng Cân, sau khi Trương Giác phát động toàn dân khởi nghĩa ở Cự Lộc, đã đem quân đánh Quảng Tông (nay là đông nam huyện Uy tỉnh Hà Bắc), lại ra lệnh cho Trương Bảo tiến lên phía bắc chiếm Khúc Dương (nay là phía tây huyện Tấn tỉnh Hà Bắc),khống chế vùng nội địa tỉnh Hà Bắc, cùng với quân của Trương Giác, và Trương Lương hình thành thế  ỷ giốc. Vương triều Đông Hán lần lượt cử Lư Thực, Đổng Trác đến tiêu diệt nghĩa quân ở Hà Bắc, nhưng do cứ lần lữa  cuối cùng không  thực hiện được. Giữa tháng 8, Hoàng Phủ Tung nhậm chức Thống sư quan quân, đem quân chủ lực tiến về chiến trường Hà Bắc. Lúc này, nghĩa quân ở các khu vực khác đã thất bại, tình thế của quân Hoàng Cân ngày càng bất lợi. Nhà dột lại gặp đêm mưa, chính ở thời điểm quan trọng này, thủ lĩnh nghĩa quân Trương Giác lại đột nhiên bị bệnh chết. Nhưng trước hoàn cảnh vô cùng khó khăn này, nghĩa quân dưói sự lãnh đạo của Trương Bảo, Trương Lương vẫn  anh dũng chiến đấu không hề sợ hy sinh. Nghiã quân cùng quân triều đình giao chiến kịch liệt ở  Quảng Tông, buộc Hoàng Phủ Tung phải tạm đóng cửa thành chờ thời cơ. Nhưng  nghĩa quân lúc này lại phạm phải sai lầm khinh địch, kẻ thù  đã lợi dụng sơ hở này để tiến công trong khi nghĩa quân thiếu phòng bị. Hoàng Phủ Tùng nắm được cơ hội lợi dụng đêm tối tập kích, quân khởi nghĩa  bị động thua to, Trương Lương anh dũng xả thân, Quảng Tông mất, nghĩa quân chết tại trận rồi nhảy xuống sông tự vẫn đến hơn 8 vạn người. Sau khi tiêu diệt được nghĩa quân Trương Lương ở Quảng Tông Hoàng Phủ Tung nhanh chóng điều chuyển binh lực, đến tháng 11 đánh Khúc Dương. Qua những trận giao chiến kịch liệt, Trương Bảo hy sinh, hơn 10 vạn quân khởi nghĩa bị giết, nghĩa quân Hoàng Cân ở Hà Bắc cũng bị dìm trong vũng máu.

    Sau khi quan quân triều đình chiếm được Khúc Dương, quân chủ lực của Trương Giác bị quân của triều đình và  lực lượng cường hào các địa phương đàn áp dã man, nên thất bại. Nhưng ngọn lửa của cuộc khởi nghĩa nông dân chưa bị dập tắt, quân khởi nghĩa còn sót lại phân tán đi khắp nơi tiếp tục cuộc chiến đấu, người trước ngã, người sau tiếp bước, tiếp tục đánh mạnh vào tầng lớp thống trị Đông Hán. Cuộc đấu tranh này kéo dài hơn 20 năm, nó là sự nối tiếp của cuộc khởi nghĩa Hoàng Cân vĩ đại trong lịch sử.

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here