Năm 1945, sau khi Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện không lâu, một ngày của tháng 10, một đội hiến binh Quốc dân đảng đã tới số nhà 34 Hồ Đồng đường Đông Tứ, Bắc Kinh tiến hành một cuộc bắt giữ. Mục tiêu trước nhất của họ là một phụ nữ, tên là Xuyên Đảo Phương Tử. Thực ra, Xuyên Đảo Phương Tử hoàn toàn không phải là người Nhật Bản, bà ta vốn là một “cách cách” (công chúa) của triều Mãn Thanh, sau đó, đã đầu hàng Nhật Bản, trở thành người đi tiên phong trong việc ủng hộ Nhật Bản xâm lược Trung Hoa, một nữ gián điệp nổi tiếng ở Trung Quốc.

Năm 1906, phủ Túc Thân vương thêm một “cách cách”, đặt tên là Ái Tân Giác La Hiển Ái. Sau khi vương triều Mãn Thanh sụp đổ, một số phần tử thuộc Hoàng thất không cam chịu thất bại, có mưu đồ giành lại ngai vàng. Túc Thân vương có âm mưu nhờ sự trợ giúp của Nhật Bản để thực hiện mưu đồ này. Nhờ sự dẫn đường của Xuyên Đảo Lãng Tốc, Túc Thân vương đã cấu kết cùng người Nhật. Không lâu sau, chính phủ Nhật Bản quyết định  ra tay ủng hộ vương  triều Thanh giành lại ngôi báu, từ đó nhanh chóng thực hiện kế hoạch Mãn Mông độc lập. Để nâng cao vị thế trong cuộc đàm phán với Nhật Bản, Túc Thân vương đưa người con rất yêu quý của mình , thông minh nhất trong số 14 người con là “cách cách” Hiển Ái gả cho Xuyên Đảo làm vợ. Sau khi về Nhật Bản, Xuyên Đảo Lãng Tốc cho vợ mang tên Xuyên Đảo Phương Tử.

Từ khi còn nhỏ, Xuyên Đảo Phương Tử đã được tuyên truyền tư tưởng Mãn Mông độc lập, tư tưởng này ngày càng thấm sâu khiến Xuyên Đảo Phương Tử không nguôi nghĩ tới việc giành lại ngai vàng thực hiện Mãn Mông độc lập.

Khi còn sống, Túc Thân vương  đã liên kết thế lực các quý tộc Nội Mông âm mưu giành độc lập, nên gả Phương Tử cho  con trai một quý tộc Nội Mông. Nhưng Xuyên Đảo Phương Tử không hài lòng với sự nhu nhược của người chồng này, sau hôn lễ hai năm đã tự ý dời gia đình nhà chồng. Sau đó, Xuyên Đảo Phương Tử tới Thượng Hải, trung tâm của các cơ sở tình báo nước ngoài ở Trung Quốc. Ở đây, Xuyên Đảo Phương Tử đã làm quen với thiếu tá lục quân, thư ký cho một võ quan ở Công sứ quán Thượng Hải là Điền Trung Long Cát. Thực ra, Điền Trung là người đứng đầu cơ quan đặc vụ của Nhật Bản ở Thượng Hải. Sau khi nhận nhiệm vụ, để tiện triển khai công việc, Điền Trung Long Cát đã tung tiền bạc để chiêu mộ các nữ nhân viên tình báo. Phong thái và tố chất của Xuyên Đảo Phương Tử cùng với vị thế một “cách cách” của triều Mãn Thanh rất thích hợp để tuyển chọn. Chính vì thế, Điền Trung đã tuyển chọn Phương Tử. Còn Xuyên Đảo Phương Tử cũng một lòng một dạ thực hiện lý tưởng khôi phục triều Mãn Thanh của người cha, mong ước Mãn Mông độc lập, hy vọng có thể dựa vào thế lực của Nhật Bản thực hiện mong muốn của mình, cam tâm tình nguyện làm con tốt đen cho đế quốc Nhật Bản trong công cuộc xâm lược Trung Hoa, kiếm kế sinh nhai bằng công việc gián điệp cho Nhật Bản.

Xuyên Đảo Phương Tử phẩm chất thông minh, có thể nói tiếng Nhật một cách lưu loát, còn tiếng Trung Quốc, nói được cả tiếng Bắc Kinh và tiếng Thượng Hải. Được Điền Trung đào tạo, Xuyên Đảo sử dụng được cả tiếng Anh, lại biết lái đủ loại xe ô tô một cách thành thạo, trở thành một gián điệp nổi tiếng. Năm 1931, sau khi sự kiện 18 tháng 9 bùng nổ, nhận lệnh của Điền Trung Long Cát, tháng 10, Xuyên Đảo tới Phụng Thiên (nay là Thẩm Dương), xâm nhập vào bộ tham mưu cao cấp quân Quan Đông. Lúc ấy, Nhật Bản đang chuẩn bị kế hoạch thành lập nước Mãn Châu. Ngày 13 tháng 11 Hoàng đế Tuyên Thống Phổ Nghi được đưa từ Thiên Tân đến Lữ Thuận giam lỏng ở lữ quán Đại Hòa. Để đưa Hoàng hậu Uyển Dung tới Thiên Tân, quân Quan Đông đã định ra một kế hoạch bí mật, giao nhiệm vụ cho Xuyên Đảo Phương Tử thực hiện. Xuyên Đảo Phương Tử đã cải trang thành nam giới tới Thiên Tân, nhờ ba tấc lưỡi mà giành được sự tín nhiệm của Uyển Dung, ngay trong đêm đồng ý dời khỏi Thiên Tân lên thuyền của Nhật Bản để tới Đại Liên. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Xuyên Đảo Phương Tử được người đứng đầu cơ quan đặc vụ tiếp kiến, ra lệnh cho trở về Thượng Hải. Đồng thời, Điền Trung Long Cát ở Thượng Hải sau khi biết sự việc này đã tạo ra nguyên cớ để xâm lược Trung Hoa. Nhận lệnh, Xuyên Đảo Phương Tử trở về Thượng Hải ngày 17 tháng 12 năm 1931, bí mật bàn mưu tính kế với Điền Trung Long Cát lên kế hoạch mượn dao giết người.

Một buổi tối, một người đàn ông có vẻ bí mật tới công ty Tam hữu thực nghiệp  ở Thượng Hải, sau khi nói về vấn đề chống Nhật với các công nhân một cách rất khảng khái, anh ta sau khi khích lệ các công nhân, nói chuyện: tối ngày mai sẽ có 5 đặc vụ Nhật Bản tới đây, mong mọi người sẽ có hành động kịp thời để cho chúng một bài học. Các công nhân lập tức bàn định kế hoạch. Tối ngày 18 tháng 1 năm 1932, trong các hòa thượng tới chùa Diệu Phát trên đường Giang Loan làm lễ có Thủy Thượng Tú Hùng cùng 3 tín đồ khác. Hơn một chục công nhân yêu nước đã mai phục sẵn dưới sự chỉ huy của Xuyên Đảo Phương Tử lập tức tiến công vào các tăng lữ Nhật Bản, khiến cho 3 người trọng thương, Thủy Thượng Tú Hùng chết. Sau khi “sự kiện các hòa thượng” phát sinh, Xuyên Đảo Phương Tử lại tổ chức các kiều dân Nhật Bản ở Thượng Hải thành “China nghĩa dũng đoàn”. Ngày 20 tháng 1, với danh nghĩa truy tìm hung thủ, họ tới Công ty Tam hữu thực nghiệp để báo thù. Ngày 21 tháng 1 Tổng lãnh sự Nhật Bản ở Thượng Hải ngang ngược yêu cầu nhà đương cục Thượng Hải thực hiện 4 việc: một là xin lỗi Nhật Bản; hai là nghiêm trị hung thủ; ba là chi phí thuốc men cho những người bị hại; và bốn là lập tức giải tán các đoàn thể kháng Nhật, nghiêm cấm các hành động kháng Nhật. Thị trưởng Thượng Hải Ngô Thiết Thành sau khi xin chỉ thị của Tưởng Giới Thạch đã chấp nhận toàn bộ những yêu cầu ấy. Nhưng Xuyên Đảo Phương Tử vẫn chưa vừa lòng, từ sự việc này, thị  đã ra sức tập hợp dư luận của các nhà chính trị, tình báo quân sự. Chính phủ Nhật Bản căn cứ vào các tài liệu tình báo quyết định tiến đánh Thượng  Hải. Theo mưu kế của Nhật Bản, Xuyên Đảo Phương Tử đã từ “sự kiện các hòa thượng” dẫn tới cuộc bạo động “28 tháng 1”.

Tháng 4 năm 1931, Xuyên Đảo Phương Tử trở về Đại Liên, hoạt động dưới sự dẫn dắt của Đại tá Đa Điền Tuấn, cố vấn tối cao của quân ngụy Mãn Châu. Sau khi Mãn Châu quốc được thành lập, tình hình chính trị, xã hội vô cùng rối loạn, cuộc vận động kháng Nhật sôi nổi chưa từng thấy, Xuyên Đảo Phương Tử nói: “Trấn áp những kẻ phản nghịch, không cần sự ra tay của người Nhật, chỉ cần người Nhật im lặng, tất cả sẽ dẹp yên, mã đáo thành công!”. “An quốc quân” được thành lập do Xuyên Đảo Phương Tử làm Tư lệnh. Xuyên Đảo Phương Tử cũng đổi tên thành Kim Bích Huy, trở thành kẻ tiên phong ủng hộ Nhật Bản xâm lược Trung Quốc.

Tháng 8 năm 1935, Đa Điền Tuấn dời Thiên Tân khi được cử làm Tư lệnh quân đồn trú ở Trung Quốc, Kim Bích Huy mất chỗ dựa. Ở Mãn Châu tình hình ngày càng bất ổn, không lâu sau, do tình hình bất lợi, chức vụ Tư lệnh An quốc quân bị phế bỏ. Kim Bích Huy trở về Thiên Tân đầu quân cho Đa Điền Tuấn. Mấy tháng sau, Kim Bích Huy lên kế hoạch ám sát Mã Chiếm Sơn, Phong Đài bạo loạn, sách động Thạch Hữu Tam đầu hàng người Nhật, bí mật tổ chức “Hoa Bắc tự trị ủy viên hội”. Cuối năm 1935, vai trò của Kim Bích Huy giảm sút, nên được triệu hồi về Nhật Bản. Năm 1937, sau “sự biến 7 tháng 7”, Kim Bích Huy trở lại Thiên Tân, trở thành một người quản lý nhà hàng lớn ở đây. Năm 1942, do một vụ chống lại hiến binh, Kim Bích Huy lại bị  trục xuất về Nhật Bản. Một năm sau, Kim Bích Huy lại từ Nhật Bản trở về Bắc Kinh nhưng cũng không làm nên chuyện gì.

Sau khi Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện, ngày 10 tháng 10, một nhóm hiến binh Quốc dân đảng đã tới bắt người đàn bà đã một thời hiển hách Xuyên Đảo Phương Tử cũng chính là Kim Bích Huy. Sau khi bị bắt Kim Bích Huy đã ra sức biện bạch với ý đồ trốn tránh sự trừng trị của pháp luật.

Ngày 22 tháng 10 năm 1947 Toà án tỉnh Hà Bắc sau khi thẩm vấn đã buộc tội Xuyên Đảo Phương Tử là Hán gian và chịu mức án tử hình. Ngày 25 tháng 3 năm 1948, tại nhà tù số 1 ở Bắc Bình, Xuyên Đảo phương Tử bị hành quyết, kết thúc cuộc đời đầy tội ác.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here