Uông Tinh Vệ (1883 – 1944) nguời huyện Tam Thủy tỉnh Quảng Đông, vốn tên là Triệu Minh, tự Lý Tân. Ông là một chính trị gia vô cùng điển hình trong lịch sử cận đại Trung Quốc. Cuộc đời hoạt động của ông có thể chia làm hai giai đoạn: từ Cách mạng Tân Hợi bùng nổ tới thời kỳ Quốc Cộng hợp tác lần thứ nhất, ông là một nguời theo chủ nghĩa dân chủ tư sản; nhưng từ sau sự biến 15 tháng 7, ông đã đi theo chiều hướng ngược lại, trở thành kẻ phản bội dân tộc, Hán gian, bán nước, để lại tiếng xấu cho muôn đời.

Tháng 9 năm 1904, Uông Tinh Vệ cùng Chu Chấp Tín, Hồ Triển Đường trở thành lưu học sinh du học Nhật Bản. Cũng chính vào thời gian này, Uông Tinh Vệ được tiếp thu tư tưởng cách mạng, trở thành thành viên của Đồng Minh hội do Tôn Trung Sơn lãnh đạo. Tên Uông Tinh Vệ cũng trở thành bút danh của ông trong các bài viết hay phát biểu trên tờ “Dân báo”, cơ quan của Đồng Minh hội. Từ 1907 đến 1909, các cuộc khởi nghĩa do Tôn Trung Sơn lãnh đạo trước sau đều thất bại, ý chí của một bộ phận những nguời cách mạng cũng sụt giảm, Tôn Trung Sơn, Chương Thái Viêm, Tống Giáo Nhân, …và một số nhà cách mạng nảy sinh chia rẽ. Phái cải lương và triều đình nhà Thanh vô cùng vui sướng, càng tăng thêm việc cổ súy cho trò bịp “lập hiến” (2).

Trước tình thế ấy, Uong Tinh Vệ cho rằng, với triều đình nhà Thanh, đảng viên cách mạng ngoài việc tiến hành các hoạt động còn cần phải lựa chọn các “hành động trực tiếp khích lệ” mới có thể tấn công được trò bịp “lập hiến” của triều đình, để quốc dân thức tỉnh sau những cơn mê, nếu không, những hành động cách mạng đó sẽ không có tiếng vang. Vì thế ông nói “duy trì lập pháp, không mượn cớ có thể sinh nghi, không thủ đoạn khó xoay chuyển”. Biện pháp quan trọng  nhất là thế hệ chúng ta phải cố gắng những hoạt động cụ thể. Như thế, “những kẻ nản lòng sẽ nhiệt tình trở lại, những kẻ hoài nghi sẽ thêm tin tưởng”.. Từ đó, Uông Tinh Vệ quyết định thực hiện những hoạt động ám sát ở Bắc Kinh. Mùa xuân năm 1909, Uông Tinh Vệ cùng Hoàng Phục Sinh, Du Bồi Luận, Trần Bích Quân (vợ Uông) (3), những thành viên Đồng Minh hội ở Nhật Bản tổ chức “Bắc thượng ám sát đoàn”. Tháng 9, Hoàng Phục Sinh trở về Bắc Kinh đầu tiên, thiết lập cơ quan ở một căn nhà đi thuê. Tháng 12, Uông Tinh Vệ cùng Trần Bích Quân, Du Bồi Luận cũng trở về Bắc Kinh thực hiện những công việc hỗ trợ cho việc ám sát..

Đối tượng đầu tiên được Uông Tinh Vệ lựa chọn để ám sát là Tổng lý đại thần kiêm Quân cơ đại thần Thanh Khánh vương Dịch Khuông. Nhưng Dịch Khuông nguời hầu đông, được bảo vệ nghiêm mật, trước mắt không có cách nào ra tay. Vì thế, Uông Tinh Vệ chuyển đối tượng sang Tải Tuân, Tải Đào vừa đi khảo sát hải quân từ Âu châu về. Uông Tinh Vệ mang theo bom, bất kể tuyết lớn, chờ ở nhà ga Bắc Kinh suốt một ngày. Khi đoàn tàu chở Tải Tuân, Tải Đào tới, có lẽ do khách trên tàu quá đông, Uông Tinh Vệ không có cách nào nhận ra đối tượng, sợ sát thương nhầm đành bỏ về.

Hai lần hành động không thành, Uông Tinh Vệ cùng Hoàng Phục Sinh, Trần Bích Quân bí mật bàn nhau quyết định “cầm tặc tiên cầm vương”, chuyển đối tượng ám sát sang Nhiếp Chính vương Tải Phong (4).

Khi ấy, Tải Phong cư trú ở phía sau Thuần Vương phủ, bờ Hải Bắc. Hàng ngày vào 8 giờ sáng, ông ta dời Vương phủ tới Hoàng cung, đến 7 giờ tối lại theo con đường cũ trở về. Trên đường đi, có một đoạn tường ngắn, Uông dự định chờ Tải Phong đi quá đó sẽ hành động. Nhưng đúng lúc ấy đoạn đường  này đang tu sửa, Tải Phong hàng ngày phải đổi lộ trình. Sau khi bàn bạc với mọi người,  Uông Tinh Vệ dự định đặt mìn dưới gầm một cái cầu Tải Phong sẽ đi qua, rồi từ xa kích điện phát nổ. Họ phân công nhau Du Bồi Luận và Hoàng Phục Sinh hỗ trợ, nguời trực tiếp hành động là Uông Tinh Vệ.

Chiều muộn ngày 31 tháng 3 năm 1910, Uông Tinh Vệ cùng hai nguời tới cây cầu dự định. Tiếng cuốc đào đất khiến bọn chó nuôi trong những nhà quanh đó sủa vang. Tiếng sủa ngày càng nhiều khiến họ phải bỏ đi. Hôm sau, họ đặt mìn vào trong một cái hòm, cho  lên xe rồi chở đến một nơi gần chân cầu. Đêm xuống, Hoàng Phục Sinh, Du Bồi Luận mang hòm tới chân cầu nhưng thấy trên cầu có nguời, hai nguời hoảng sợ liền bỏ chạy. Thật không may, quả bom trong hòm bị nguời ta phát hiện liền báo cho cảnh sát. Các báo ở Bắc Kinh đua nhau đăng tin, Thượng thư bộ Dân chính, Thống lĩnh quân đội yêu cầu cảnh sát điều tra. Đến ngày 16 tháng 4, dựa vào kết quả điều tra, Uông Tinh Vệ, Hoàng Phục Sinh đã bị bắt.

Sau khi bị bắt, Uông Tinh Vệ yêu cầu cho giấy bút viết một bức thư dài hơn 4.000 chữ, trong đó, ông vạch rõ trò bịp “lập hiến” của triều đình nhà Thanh, chỉ rõ nếu không tiến hành cách mạng, không đả phá chế độ chuyên chế phong kiến, kết quả sẽ chẳng qua  sẽ lại “củng cố quân quyền”, cường quyền sẽ ngày càng lợi hại hơn. Ngoài ra, khi bị giam trong ngục, Uông Tinh Vệ còn viết “Bị đãi khẩu chiêm” để tự động viên, trong đó có những câu thể hiện hào khí rất hùng tráng.

Uông Tinh Vệ âm mưu giết Tải Phong nên Tải Phong vô cùng tức giận, muốn giết Uông Tinh Vệ thật nhanh chóng. Nhưng Túc thân vương cho rằng, đang trong thời kỳ lập hiến giết nguời thuộc đảng cách mạng chỉ kích thích tinh thần phản kháng của những nguời thuộc đảng này, bất lợi cho triều đình, chi bằng xử nhẹ sẽ có hiệu quả vừa thu phục được lòng dân vừa lung lạc được nguời thuộc đảng cách mạng. Triều đình nhà Thanh xử Uông, Hoàng án tù giam. Đồng thời khi ấy, Tôn Trung Sơn, Hồ Hán Dân, Trần Bích Quân cũng phối hợp hành động để cứu hai nguời. Trần Bích Quân đem bán toàn bộ tài sản lo lót khắp nơi để cứu Uông Tinh Vệ. Ngày 10 tháng 10 năm 1911, cách mạng Tân Hợi bùng nổ, các tỉnh khắp cả nước đua nhau hưởng ứng, tuyên bố độc lập tự trị. Trước ngọn sóng cách mạng Tân Hợi, triều đình nhà Thanh cũng vội vàng điều binh khiển tướng đối phó, cử Viên Thế Khải đưa quân tới Vũ Hán tiến công cách mạng nhằm trấn áp. Mặt khác, triều đình cũng dùng chính sách vỗ về để làm dịu tình hình. Ngày 30 tháng 10, triều đình tuyên bố “khai phóng đảng cấm, dĩ thị khoáng đại, nhi cố nhân tâm”. Vì thế, Uông Tinh Vệ và những nguời khác cũng được tha.

Nhờ sự kiện này mà tên tuổi Uông Tinh Vệ được lan truyền khắp nơi.

 

Chú thích:

  • Tinh Vệ: theo truyền thuyết là con gái của Viêm Đế.
  • Năm 1905, triều đình nhà Thanh cử năm đại thần xuất dương khảo sát hiến chính. Năm 1906, thực hành quân chủ lập hiến để đối phó với yêu cầu cải cách chính trị.
  • Hoàng Phục Sinh (1883 – 1948) nguời Long Xương, Tứ Xuyên. Năm 1905, gia nhập Đồng Minh hội, sau làm Hội trưởng phân hội Tứ Xuyên, phụ trách tờ “Dân báo”.
  • Tải Phong (1883 – 1951) em của vua Quang Tự, cha của vua Tuyên Thống (Phổ Nghi). Khi Tuyên Thống lên ngôi, Tải Phong được cử làm Giám quốc Nhiếp chính vương. Năm 1911, thành lập Hoàng tộc nội các. Khi khởi nghĩa Vũ Xương bùng nổ, từ chức.

1 BÌNH LUẬN

  1. UÔNG TINH VỆ “GIẾT” TẢI PHONG nhưng rốt lại UÔNG TINH VỆ chết năm 1944 còn TẢI PHONG thì mãi đến năm 1951 mới đi gặp UÔNG
    mưu sát hoặc giết hụt chứ thầy

Trả lời Minh Lam Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here