Việt Nam là đất nước ở đông nam Á, sản vật tài nguyên vô cùng phong phú, đây cũng là cửa ngõ từ phía nam vào Trung Quốc, vì thế nước Pháp đã thèm thuồng từ lâu. Tháng 8 năm 1883, nước Pháp chiếm đống kinh đô Thuận Hóa của Việt Nam, sau đó lại khiêu khích quân Trung Quốc đang đồn trú ở Việt Nam. Chiến tranh Trung – Pháp đã chuẩn bị mở màn.

Tháng 7 năm Quang Tự thứ 10 (tháng 8 năm 1884), triều đình nhà Thanh chính thức tuyên chiến với Pháp. Cùng lúc đó, hải quân Pháp bắt đầu cuộc tiến công Cơ Long ở Đài Loan và quân cảng Mã Vĩ ở Phúc Kiến. Quân triều đình nhà Thanh đóng ở Cơ Long dưới sự chỉ huy của  Tướng Lưu Minh Truyện (1) anh dũng chống đỡ, đánh lui được kẻ địch. Nhưng trong chiến dịch Mã Vĩ (2), do những kẻ hủ bại của phái đầu hàng, hải quân Trung Quốc gặp tổn thất lớn, rất nhiều tướng sĩ yêu nước đã hy sinh. Không lâu sau, ở biên giới Trung – Việt, quân Pháp lại phát động cuộc tiến công đại quy mô, tháng 1 năm Quang Tự thứ 11 (tháng 2 năm 1885), Pháp chiếm được trấn Nam Quan, cửa ngõ quan trọng tới Việt Nam ở Quảng Tây (nay là cửa Hữu Nghị ở Quảng Tây). Tướng Pháp Ni Cách Lý ngông cuồng cho nguời viết lên tường thành câu: “Cửa ngõ của Quảng Tây đã không thể đứng vững”. Rất rõ ràng, họ đã có tình mở đột phá khẩu, nhanh chóng đưa quân tới chiếm miền nam Trung Quốc.

Thế lực của quân xâm lược Pháp rất mạnh mẽ đã kích thích ý chí phản kháng mãnh liệt của nhân dân Trung Quốc. Nhân dân các tộc Hán, Choang đã viết lên tường ở trấn Nam Quan lời đáp trả bọn chúng: “Chúng ta sẽ dùng đầu của nguời Pháp để xây dựng lại cửa ngõ này!”. Họ đua nhau gia nhập đội quân của Tướng Thanh Phùng Tử Tài (3),  yêu cầu ông cho họ được quyết một trận sống mái với quân xâm lược. Ni Cách Lý biết tin này, vô cùng hoảng sợ, hạ lệnh phóng hỏa thiêu rụi trấn Nam Quan, rút về thành Văn Uyên cách đó hơn ba mươi dặm để phòng thủ, chuẩn bị đợi thời cơ phát động cuộc tiến công vào quân Thanh do Phùng Tử Tài chỉ huy. Phùng Tử Tài là lão tướng năm ấy đã 67 tuổi. Quân lính của ông phần lớn là nguời được chiêu mộ từ Quảng Đông sau chiến tranh Nha phiến, gọi là Việt quân. Việt quân chịu ảnh hưởng của tinh thần chống xâm lược của nhân dân Quảng Đông nên cũng có nguyện vọng được tham gia bảo vệ biên giới của Tổ quốc chống quân xâm lược. Sau khi tới Quảng Tây, không ít nguời địa phương cũng tình nguyện tham gia đội quân này, mong muốn  bảo vệ quê hương của Việt quân càng thêm mãnh liệt. Sau khi quân Pháp thiêu hủy trấn Nam Quan, Phùng Tử Tài lập tức chỉ huy quân dân trong phạm vi mười dặm tới sửa sang, xây dựng lại làm công sự phòng ngự.

Hình thế trước trấn vô cùng hiểm yếu, hai bên có đỉnh núi cao trấn giữ, ở giữa có một con đường xuyên qua khiến nó trở thành nơi dễ giữ mà khó đánh. Phùng Tử Tài chỉ huy quân dân đắp một bức tường thành dài tới ba dặm ở hai phía, vây cả hai đỉnh núi vào trong. Ngoài tường thành có con hào lớn khiến kẻ địch không thể dễ tiếp cận. Trên đỉnh núi hiểm yếu, ông cho xây dựng pháo đài từ trên cao nhìn xuống, chuẩn bị ngăn chặn những cuộc tiến công của kẻ địch.

Đồng thời với việc sửa sang công sự, Phùng Tử Tài còn tìm cách đoàn kết các lực lượng cùng phòng thủ biên giới, thiết lập quan hệ tốt giữa nhân dân hai nước Trung – Việt ở gần cửa quan để hiệp đồng tác chiến cùng tiêu diệt kẻ địch.

Công sự được xây đắp xong, Phùng Tử Tài lại tiến hành bố trí cách phòng thủ nghiêm mật. Ông nói với các Tướng sĩ dưới quyền:

– Hành quân đánh giặc, quý là chỗ bí mật, không cho kẻ địch phát hiện được  dấu vết của mình. Đánh địch muốn thắng, quý là ở chỗ chủ tướng không ngại gian khổ, có trách nhiệm cao. Bây giờ ta quyết định: ta sẽ cầm quân giữ tường thành và đỉnh núi hiểm yếu, đảm đương nhiệm vụ tác chiến.

Sau đó, ông hạ lệnh cho Vương Hiếu Kỳ, Tô Nguyên Xuân, Vương Đức Bàng cùng các tướng  lĩnh khác chia làm nhiều toán đóng quân xung quanh để có thể tiếp ứng lẫn nhau khi giao chiến. Thấy Phùng Tử Tài bố trí cẩn mật, các tướng lĩnh đều chủ động đảm nhận các nhiệm vụ nguy hiểm khác, tất cả đều ra sức nhanh chóng đưa quân vào trận địa.

Thấy quân Phùng Tử Tài có sự chuẩn bị chu đáo, quân Pháp muốn vượt qua trở ngại, tập kích vào Hoàn Lan ở cách 130 dặm về phía tây. Đã sớm dự liệu được tính toán này của kẻ địch, Phùng Tử Tài đã cử một đội quân tới đây đóng giữ. Âm mưu chưa kịp thực hiện  quân Pháp đành phải quay về thành Văn Uyên.

Qua mấy ngày, Tướng Pháp Ni Cách Lý  điều động quân Pháp đóng quân phân tán các nơi lợi dụng khi trời nổi cơn giông tố tiến về phía trước, một đường tiến công vào phía đông pháo đài, một đường đánh thẳng vào tường thành. Họ lợi dụng vũ khí mạnh, lại được pháo binh yểm trợ đánh vào pháo đài phía đông, sau đó, từ đây, họ dùng pháo bắn tới tấp vào tường thành. Tiếng pháo ầm trời vang núi, đạn bắn như mưa, tình hình vô cùng khẩn cấp. Phùng Tử Tài kêu gọi các Tướng sĩ:

– Nếu để quân Pháp tràn vào cửa quan, chúng ta sao còn có thể nhìn mặt các phụ lão ở Quảng Tây?

Các chiến sĩ được tinh thần yêu nước cổ vũ, đua nhau xả thân, không sợ cái chết, thề sống chết cùng cửa quan. Chính vào lúc cuộc chiến đang vô cùng gay go, Vương Hiếu Kỳ đưa một toán quân từ một con đường nhỏ dũng mãnh đánh vào phía sau quân địch. Quân Pháp tuy bị đánh từ nhiều phía nhưng vẫn không nao núng, vẫn cùng quân của triều đình giao tranh quyết liệt. Vừa lúc đó, đội quân của Tô Nguyên Xuân tới nơi, họ xông tới giành lấy pháo đài phía đông khi đã bị quân địch chiếm đóng rồi bắn mãnh liệt vào quân Pháp. Một thời gian sau, Vương Đức Bàng nghe tiếng pháo lại đưa quân tới bao vây thành Văn Uyên theo sự bố trí trước đây của Phùng Tử Tài, cắt đường rút lui của quân Pháp. Mấy lần quân Pháp từ đây vận chuyển lương thực, vũ khí, đan dược nhằm tiếp ứng cho quân ở phía trước  đều bị Vương Đức Bàng đánh lui. Quân Pháp bị chia cắt thành nhiều phần, tinh thần bắt đầu sa sút.

Ni Cách Lý điên cuồng lồng lộn chỉ huy quân Pháp tiến công điên cuồng. Quân Pháp dùng năm khẩu đại pháo, dốc toàn lực bắn vào tường thành. Lão tướng Phùng Tử Tài hô vang một tiếng, quân triều đình chỉ với đôi giày cỏ, tay cầm đao xông lên tường thành, chém giết quân địch. Hai nguời con của Phùng Tử Tài ở phía sau cha cũng xông trận. Thấy mái tóc bạc phơ của chủ tướng bay trong gió, tinh thần các tướng sĩ càng hăng hái, lập tức tràn ra, như sóng biển xông tới quân địch, đao huơ loang loáng cùng kẻ địch đánh giáp lá cà. Trận thế quân Pháp đại loạn, rất nhanh chóng sức chiến đấu suy sụp, sau đó cả thế trận đổ vỡ. Chúng liều chết vứt bỏ vũ khí tìm con đường sống. Quân Pháp ở phía đông pháo đài chưa chịu thất bại, có ý đồ muốn củng cố để chống cự. Phùng Tử Tài chỉ huy quân lính tiến công mãnh liệt, 7 lần tiến công, 7 lần bị đánh lui. Tướng Trần Gia thân bị trọng thương nhưng không chịu dời cuộc chiến đấu vẫn kiên trì xung trận. Không lâu sau, Vương Hiếu Kỳ đưa quân tới từ phía sau đánh thẳng vào quân Pháp, cuối cùng, lấy lại được điểm cao này.

Sau khi quân Pháp thua trận ở pháo đài phía đông, chúng vẫn chưa từ bỏ ý đồ phá hoại tường thành để tiếp tục tiến công. Bỗng nhiên, phía sau trận địa bỗng nổi lên những tiếng hô “giết”. Đó là quần chúng nhân dân hai nước Trung – Việt ở hai bên kéo tới hỗ trợ. Mọi người đều hăng hái lao vào cuộc chiến đấu, đánh thẳng vào quân Pháp. Ni Cách Lý kinh hoàng ra lệnh cho quân Pháp rút lui. Lúc này, ở hai bên dãy núi đầy xác nguời và vũ khí, những con đường giao thông đều tắc nghẽn. Ni Cách Lý chỉ huy tàn binh bại tướng phá vây hy vọng mở con đường máu để rút về thành Văn Uyên. Bản thân hắn bị trọng thương, nằm trên cáng không dám quay đầu nhìn về trấn Nam Quan.

Phùng Tử Tài quyết định không cho quân địch cơ hội chạy thoát,  liền đưa quân ra ngoài trấn Nam Quan, nguời không cần giáp, ngựa không đợi yên tiếp tục đánh thẳng vào thành Văn Uyên, Lương Sơn, Cốc Tùng, Đôn Mai rồi thẳng tới Ninh Bắc. Ngụy quân Việt Nam đóng ở thành Bắc Ninh thấy quân Pháp đại bại, không muốn tiếp tục thân phận lính đánh thuê tự tan rã. Hơn hai vạn nguời ở Bắc Ninh tập hợp thành đoàn “Nghĩa trung”, thêu chữ “Phùng” trên lá cờ hiệu đánh vào quân Pháp. Bị tổn hại trầm trọng trước quân dân hai nước Trung – Việt, tàn binh Pháp vội đem đại pháo và súng ống giá trị bao tiền bạc vứt hết xuống sông. Lúc đó, họ mới hiểu được câu mà nguời Trung Quốc đã ghi trên tường ở trấn Nam Quan, lời họ đâu phải là lời nói đùa!

Đại thắng ở trấn Nam Quan khiến tinh thần nhân dân hai nước Trung – Việt thêm phấn chấn, quân Pháp từ đó hết tham vọng. Nhưng tiếng vang của thắng lợi đó đã nảy sinh một sự việc thật lạ lùng. Tháng 4 năm ấy (tháng 6 dương lịch), chính phủ hai nước Trung Pháp đã cùng nhau ký “Điều ước Trung – Pháp Thiên Tân”. Nội dung chủ yếu là chính phủ Pháp thừa nhận Việt Nam là nước bảo hộ của Pháp, nguời Pháp được quyền đưa hàng hóa tới Vân Nam, Quảng Tây mà các loại thuế đều được giảm nhẹ…, sau đó, việc đặt đường sắt cũng sẽ được cùng nguời Pháp bàn bạc. Quân dân Trung Quốc đã tốn bao máu xương để giành thắng lợi nhưng triều đình nhà Thanh hủ bại đã đánh mất tất cả những chiến thắng ấy.

 

Chú thích:

  • Lưu Minh Truyện (1836 – 1895), nguời Hợp Phì, An Huy. Năm 1862, gia nhập Hoài quân. Năm 1884 làm Đốc biện Đài Loan quân vụ, năm sau Kiến tỉnh Đài Loan.
  • Mã Vĩ chiến dịch: quân cảng Mã Vĩ nay ở phía đông thành phố Phúc Châu, Phúc Kiến, là căn cứ thủy quân của triều Thanh. Ngày 23 tháng 8 năm 1884, hải quân Pháp tiến công nơi đây. Tới ngày 26 tháng 8, triều đình nhà Thanh tuyên chiến.
  • Phùng Tử Tài (1818 – 1903), nguời Khâm Châu, Quảng Đông (nay thuộc Quảng Tây), xuất thân hành ngũ, từng làm Đề đốc Quảng Tây, Đề đốc Quý Châu. Năm 1885, giành đại thắng ở trấn Nam Quan.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here