Thời Hoàng đế Càn Long trị vì, điểm nổi bật là nhà vua rất coi trọng văn hóa. Cũng như hai triều vua trước Khang Hy và Ung Chính, vua Càn Long  đã làm được nhiều việc xuất sắc trong lĩnh vực này.

Thời Minh, một cuốn sách tương đối được chú ý là “Vĩnh Lạc đại điển” (1) do Minh Thành Tổ Chu Lệ cho biên soạn. Thời vua Khang Hy cũng rất coi trọng việc kiến tạo văn hóa, tổ chức các văn nhân biên soạn “Cổ kim đồ thư tập thành”. Sách chưa soạn xong, vua Khang Hy đã mất, vua Ung Chính tiếp tục công việc đó tới năm Ung Chính thứ 3 (1725) bộ sách được hoàn thành. Đến đời sau, vua Càn Long cũng rất chú ý chăm lo tới văn hóa, trong thời gian nhà vua trị vì, quốc gia giàu mạnh, thực lực hùng cường, nhà vua đã làm được những công việc lớn. Một trong những việc đó là tổ chức các văn nhân biên soạn bộ sách lớn trước sau chưa từng có về thời đại phong kiến ở Trung Quốc, đó chính là bộ “Tứ khố toàn thư” (2). Nguời được Hoàng đế Càn Long giao trọng trách Tổng chủ biên bộ sách này là đại thần nổi tiếng thời vua Càn Long – Kỷ Hiểu Lam.

Kỷ Hiểu Lam tên Quân, hiệu Thạch Vân, ông sinh năm 1724 ở huyện Hiến tỉnh Hà Bắc. Từ nhỏ, Kỷ Hiểu Lam đã là nguời thông minh khác thường, trí tuệ mẫn tiệp. Nghe nói có một lần, ông cùng mấy nguời bạn nhỏ chơi bóng trên đường, gặp một Thái thú đi qua, quả bóng không may đập vào kiệu của Thái thú. Nha dịch lớn tiếng quát mắng, mấy chú bé hoảng hốt bỏ chạy, chỉ có Kỷ Hiểu Lam đứng lại nhặt quả bóng. Thái thú thấy chú bé đáng yêu, cố ý trêu, nói:

– Nếu ngươi đối được câu này của ta, ta sẽ trả cho quả bóng.

Kỷ Hiểu Lam gật đầu bằng lòng. Thái thú tiếp lời:

– Đồng tử lục thất nhân, duy nhữ giảo.

Kỷ Hiểu Lam đáp ngay:

– Thái thú lưỡng thiên thạch, độc công liêm.

Nghe vế đối rất chỉnh, Thái thú rất thích thú, xoa đầu chú bé, khen chú chăm đọc sách rồi trả quả bóng cho chú.

Năm 24 tuổi, Kỷ Hiểu Lam thi đỗ Giải nguyên trong kỳ thi hương ở quê nhà. Năm Càn Long thứ 19 (1754), ông đỗ kỳ thi Tiến sĩ, được vào Hàn lâm viện ở bên cạnh Hoàng đế. Năm 1773, ông được giao trách nhiệm phụ trách việc biên soạn bộ sách “Tứ khố toàn thư”. Từ đó, vốn tri thức của Kỷ Hiểu Lam có điều kiện bộc lộ, ngày càng được vua Càn Long khen ngợi, mấy lần ông được thăng, trở thành một đại thần nổi tiếng một thời. “Tứ khố toàn thư” có tham khảo “Vĩnh Lạc đại điển” của triều Minh, nhưng những nguời biên soạn đã vượt qua cuốn sách ra đời trước đó. Bộ sách “Tứ khố toàn thư” tổng cộng gồm 36.275 quyển do hơn 1.500 nguời biên soạn. Bộ sách bao gồm toàn bộ học thuật, văn hóa, điển tịch, hoàn toàn có thể  coi đây là một công trình đồ sộ chưa từng có.

Biên soạn “Tứ khố toàn thư” là một việc làm vô cùng gian khổ, cả ngày sao chép, biên tập trong một căn phòng hẹp suốt thời gian dài là việc làm không phải dễ dàng. Truyền thuyết kể đã có lần Kỷ Hiểu Lam đã đắc tội với Hoàng đế. Chuyện như thế này:

Hàng năm, mỗi khi mùa hạ tới, thời tiết Bắc Kinh rất nóng, Kỷ Hiểu Lam lại là nguời rất sợ nóng. Tuy trong căn phòng ngồi làm việc luôn có nguời quạt cho đỡ oi bức nhưng mồ hôi vẫn như trời đổ mưa. Để đỡ nóng, ông phải cởi quan phục, để mình trần cho nguời dễ chịu hơn. Một hôm,  đúng vào lúc ấy, vua Càn Long tới xem thử công việc đang được các vị làm ăn thế nào. Hoàng đế đến nhưng cả căn phòng rộng lớn, ai cũng đang chăm chú vào công việc nên chẳng ai biết, mãi tới khi nhà vua bước chân vào mới có nguời phát hiện ra. Lúc này, Kỷ Hiểu Lam nguời trần trùng trục, cứ thế này mà Hoàng đế nhìn thấy thì thật mang tội bất kính, ông vội ngồi thụp xuống dưới cái bàn của mình rồi lấy cái mành che lên để không ai có thể  nhìn thấy.

Mọi người ồn ào một lát sau khi nhà vua xuất hiện rồi nhanh chóng trở lại yên tĩnh, nhà vua lật giở những trang bản thảo xem xét. Được một lát, Kỷ Hiểu Lam bó gối dưới gầm bàn đã chịu không nổi, cũng không biết Hoàng đế vẫn trong phòng, đưa nửa thân mình trần lên, hỏi:

– Các vị, Lão đầu tử còn đó không?

Nghe Kỷ Hiểu Lam gọi Hoàng đế là “Lão đầu tử”, tất cả hoảng sợ, không một ai dám nói gì. Vua Càn Long đang ngồi gần đó, nghe thấy quay lại, nhìn thấy Kỷ Hiểu Lam không thể không cười. Nhưng nghe Kỷ Hiểu Lam gọi mình là “Lão đầu tử”, nhà vua rất không vui, bèn hỏi:

– Kỷ Hiểu Lam, làm sao ngươi lại gọi ta là “Lão đầu tử”? Không tôn trọng Hoàng thượng sẽ phạm tội chém đầu đấy!

 Kỷ Hiểu Lam biết hôm nay gặp họa nhưng trong đầu lập tức nghĩ ra cách đối phó, nói:

– Muôn tâu Hoàng thượng, thần dùng “lão đầu tử” chính là để tỏ lòng tôn kính người.

Nhà vua chưa từng nghe “lão đầu tử” là tỏ lòng tôn kính bao giờ bèn yêu cầu Kỷ Hiểu Lam giải thích cho rõ. Kỷ Hiểu Lam chậm rãi nói:

– “Lão” là chỉ nguời cao tuổi, uy vọng cao, nguời Trung Quốc thường nói “tôn lão ái ấu” (kính già yêu trẻ), ở đây thần muốn nói Hoàng thượng uy vọng cao được mọi người kính trọng. Chữ “đầu” chính là chỉ cái đầu, đó chính là cái số 1, ở trên cùng , ngài là số 1, là trên hết trong đế quốc Đại Thanh, còn ai có thể hơn ngài nữa? Còn “tử” cũng là để tỏ lòng tôn kính. Tất cả những nguời được coi là đạo cao đức trọng, học vấn uyên thâm của Trung Quốc cổ đại đều được gọi là “tử”, như Khổng Tử, Mạnh Tử, Trang Tử, … Dùng “tử” chính là thần muốn nói Hoàng thượng đạo cao đức trọng, học vấn uyên thâm. Như vậy, ngài chẳng xứng đáng gọi là “Lão đầu tử” lắm sao?

Vua Càn Long nghe xong không nén được tiếng cười, chẳng phải Kỷ Hiểu Lam rất giỏi biện bạch sao? Biết Kỷ Hiểu Lam lấy lòng nhưng nhà vua cũng khâm phục và quên ngay chuyện mới xảy ra. Không những không trách phạt vì tội ăn mặc không nghiêm chỉnh, Hoàng thượng còn ban cho  mọi người nước giải khát cho bớt cái nắng nóng mùa hè.

Năm 1782, sau 10 năm, do sự cố gắng của rất nhiều nguời, “Tứ khố toàn thư” đã hoàn thành. Nó có giá trị lớn trong việc bảo tồn thư tịch cổ, nó có tác dụng thúc đẩy sự phát triển lịch sử văn hóa, khích lệ tích cực việc nghiên cứu học thuật. Nhưng để củng cố và tăng cường vai trò thống trị của mình, vua Càn Long cũng đã ra lệnh thiêu hủy rất nhiều những thư tịch bất lợi cho vương triều Thanh, phá hoại không ít những công trình văn hóa cổ. Mặc dù vậy, tên tuổi của Kỷ Hiểu Lam vẫn gắn liền với bộ sách nổi tiếng “Tứ khố toàn thư” trong sử sách.

 

Chú thích:

(1)  “Vĩnh Lạc đại điển” do Giải Tấn, Diêu Quảng Hiếu chủ trì biên soạn, toàn bộ có 22.937 quyển.

(2) Tên “Tứ khố” có từ đời Đường, lúc đó, sách vở trong Tàng thư quán chia làm 4 loại để bảo quản nên gọi “Tứ khố thư”. Gọi “toàn thư” vì triều Thanh hy vọng sẽ tập hợp được toàn bộ các thư tịch từ cổ tới kim.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here