Hoàng Hà là sông mẹ của dân tộc Trung Hoa, nhưng dòng chảy của nó cũng  ẩn chứa nhiều tai hoạ. Từ một góc độ nhất định, có thể nói  5000 năm của lịch sử văn minh nước ta gắn liền với việc trị thuỷ sông Hoàng Hà. Lơ là về thuỷ lợi, công trình để hoang phế, sẽ có những tai hại nghiêm trọng do hạn hán và lụt lội, kinh tế suy sụp, dân không còn đường sống, cùng tắc biến, những cuộc khởi nghĩa sẽ nổ ra, chưa cần đến sự xâm lược của ngoại xâm, thiên hạ cũng đại loạn, tất dẫn đến thay triều đổi đại. Trị được thuỷ hại, làm được thuỷ lợi là một việc lớn trong việc an bang trị quốc. Chính quyền Vương Mãng bị tiêu diệt, những cuộc nổi dậy của quân Hồng Cân lật đổ ách thống trị của triều Nguyên đều có mối liên hệ chặt chẽ với việc trị thuỷ sông Hoàng Hà.

    Ngược lại, trong lịch sử nước ta sự  xuất hiện một  số thời thịnh trị cũng gắn liền với việc coi trọng thuỷ lợi, đem sức lực xây dựng những công trình thuỷ lợi thành công. Thuỷ lợi tốt thì thiên hạ ổn định, thiên hạ ổn định tất lòng người yên, lòng người yên mang đến tác dụng tích cực cho sản xuất phát triển, xã hội có lương thực dồi dào, trăm nghề đều phát đạt, toàn bộ xã hội sẽ phồn vinh, kẻ thù bên ngoài  không dám xâm phạm, thiên hạ tất thái bình. Từ rất sớm, Đại Vũ đã tiến hành trị thuỷ, đây là việc làm vô cùng sáng suốt. Đại Vũ trị thuỷ thành công đã thúc đẩy nông nghiệp ở lưu vực sông Hoàng Hà phát triển, từ đó đưa xã hôi Trung Quốc cổ đại bước sang thời kỳ chế độ tư hữu, đặt nền móng cho xã hội mới, từ đó đã ra đời triều Hạ – triều đại  đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.

    Trong lịch sử biết bao lần trị thuỷ Hoàng Hà, công sức bỏ ra rất lớn, người đầu tiên đã thành công là Vương Cảnh đời vua Hán Minh Đế triều Đông Hán.

Hoàng Hà trước cuộc trị thuỷ của Vương Cảnh

     Vương Cảnh (sinh vào khoảng năm 20 sau công nguyên), tự Trọng Thông, người Lung Nha Bất Kỳ  (nay là ở tây nam Tức Mặc, tỉnh Sơn Đông). Từ nhỏ, ông đã ham đọc rất nhiều sách, học vấn uyên bác, nắm vững nhiều loại kỹ nghệ, có ham thích đặc biệt với việc xây dựng các công trình thuỷ lợi. Có một năm, sông Tuấn Nghi ở gần Tuấn Nghi (một đoạn của sông Biện) bị nước sông Hoàng Hà phá huỷ, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và cuộc sống yên lành của nhân dân, triều đình hạ chiếu cho sửa chữa. Dựa vào sự tiến cử của  Tư không (một chức quan), triều đình cử Vương Cảnh giúp Vương Ngô cùng sửa chữa sông Tuấn Nghi. Vương Cảnh đề nghị Vương Ngô dùng “Yểm lưu pháp” sửa chữa được sông Tuấn Nghi rất nhanh chóng, sau đó không bao giờ còn hư hỏng nữa, được  dân chúng rất khen ngợi. “Yểm lưu pháp” là một sáng tạo của Vương Cảnh. Gọi là “Yểm lưu pháp” tức là trên hai bờ đê, cho đắp các con chạch  để phòng nước tràn, dùng nó để phân chia nước lũ. Lần sửa chữa này thành công khiến Vương Cảnh được mang tên “Năng Lý Thuỷ” (người có khả năng trị dòng nước).

    Năm thứ 3 đời Kiến Quốc  dưới thời  Vương Mãng (năm 11 sau công nguyên),  sau lần thay đổi dòng chảy  thứ hai của Hoàng Hà ở Nguỵ Quận    Vương Mãng cho rằng nước sông chảy về phía đông,  mộ tổ ở Nguyên Thành (nay là phía đông Đại Danh, Hà Bắc) có thể không còn bị sông Hoàng Hà làm hại nữa. Vì thế, ông ta bỏ không chú ý đến,  để mặc cho sông tự chảy, từ đó Hoàng Hà lại dần gây cảnh lụt lội. Đầu đời Đông Hán, dòng chảy của sông Hoàng Hà có những thay đổi lớn ở quận Hà Nam, vì thế đường sông chảy về phía nam thay đổi, tình hình các dòng chảy của Hoàng Hà, Tế Thuỷ và Biện Cừ trở nên rối loạn, giao thông đường thuỷ tắc nghẽn, không thể vận chuyển hàng hoá, vườn ruộng, nhà cửa cũng bị ảnh hưởng. Trong đó   Duyện  Châu (nay là phía bắc Hà Nam, phía tây Sơn Đông và đông nam Hà Bắc),  Dự Châu (nay là phía đông, phía nam  Hà Nam, tây bắc An Huy) bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sau đó những ảnh hưởng của sông Hoàng Hà  còn lan tới hơn mười huyện khác.

    Sau khi vua Minh Đế Lưu Trang lên ngôi, tình hình càng ngày càng nghiêm trọng  “Biện cừ đông xâm, nhật nguyệt di quảng, nhi thuỷ môn  cố ngoại, giai tại hà trung”, chính là nói  sau khi Biện cừ bị phá hoại, lại tiếp tục lở về phía đông, nước tràn ngập chìm hết cả cửa sông, người hai châu  Duyện,  Dự đều bị thuỷ hoạ. Nhưng lại có người không đồng tình với ý kiến đó, cho rằng nước sông chảy về hướng đông nam thì các nơi như U Châu ( nay là phía bắc Hà Bắc, phía nam Liêu Ninh và bán đảo Triều Tiên), Kỳ Châu  (nay là trung nam Hà Bắc, tây Sơn Đông đến bắc Hà Nam) là có lợi. Nếu tăng cường đê phía bên trái sẽ làm hại cho đê bên phải, nếu tăng cường cả hai bên, thì hạ lưu sông sẽ sinh ra lắm điều phức tạp, nếu cứ để sông tự chảy, dân cư tìm chỗ cao mà ở, vẫn có thể ngăn được tai hoạ, lại không mất tiền của công sức. Từ những ý kiến không thống nhất sông Hoàng Hà  sau lần trị thuỷ  thứ hai, liên tục trong 60 năm, đời sống của nhân dân chưa bao giờ được yên ổn.

Vương Cảnh trị thuỷ Hoàng Hà

     Một hôm trong năm Vĩnh Bình thứ 12 (năm 69 sau công nguyên),  Minh Đế nghe nói Vương Cảnh có rất nhiều nghiên cứu về thuỷ lợi, liền cho người triệu Vương Cảnh tới. Vương Cảnh bẩm tấu: “Nguồn gốc   tai hại của sông Hoàng Hà là từ sông Biện, biểu hiện những tai hại của sông Biện là từ Hoàng Hà, nếu dòng chảy của hai sông này được  phân ra, chắc tai nạn sẽ không còn, nếu cùng trị thuỷ cả hai  Hoàng Hà và sông Biện, lợi ích sẽ rất to lớn”. Minh Đế rất tán thành cách lý giải của Vương Cảnh, vì thế giao cho ông chủ trì việc trị thuỷ này. Tháng 4 năm đó, Vương Cảnh và Vương Ngô mang khoảng 10 vạn dân binh, bắt đầu công trình trị thuỷ đại quy mô. Theo sử sách ghi chép lại, công trình trị thuỷ lần này nội dung chủ yếu gồm có: “trúc đê, lý cừ, tuyệt thuỷ, lập thuỷ môn, Hà Biện phân lưu, phục kỳ cựu tích” (đắp đê, sửa sông Biện Cừ, ngăn nước, lập cửa thoát nước, chia dòng chảy hai sông Hoàng Hà và Biện, phục hồi như ban đầu.) Trước hết là “trúc đê”, tức là đắp đê  lớn của Hoàng Hà và đê phòng của Biện Cừ từ Huỳnh Dương (nay là đông bắc Huỳnh  Dương tỉnh Hà Nam) đông đến Thiên Thừa (nay là đông bắc Cao Thanh, tỉnh Sơn Đông) đến cửa biển dài hơn nghìn dặm. Vương Cảnh cho rằng, nguyên nhân của nước Hoàng Hà  ngập là do dòng chảy ở hạ du thường xuyên bị bùn cát bồi lắng, hình thành một lớp đất dầy trên lòng sông, dòng nước chảy cao hơn đất phía ngoài đê, khi nước lũ tràn đến sinh ra cảnh nước tràn đê. Vì thế, Vương Cảnh “biệt hữu tân tạo”, trước hết lựa chọn một con đường hợp lý để dẫn nước ra biển, ở hai bên bờ đắp hai  con đê lớn. Dòng  sông mới này đã rút ngắn được rất nhiều so với dòng sông cũ, lòng sông được mở rộng rất nhiều so với trước, do đó, tốc độ của nước chảy và khả năng lưu thông của cát được nâng cao, tốc độ ứ đọng của bùn cát được giảm thấp. Đặc biệt là ở tuyến sông mới, đã làm thay đổi được tình trạng  nguy hiểm, khiến dòng  chính của Hoàng hà chảy trên đất bằng, từ đó giảm được khả năng vỡ đê. Việc đắp con đê lớn này đã cố định được lòng sông mới sau khi cải tạo, là thực hiện được việc quan trọng nhất là  ổn định định dòng chảy của Hoàng Hà kể từ đời Đông Hán.

    Thứ hai là “lý cừ” tức là xử lý sông Biện Cừ. Biện Cừ và Hoài Hà là hai hệ thống sông đổ vào Hoàng Hà, là con đường vận chuyển hàng hoá chủ yếu bằng đường thuỷ  từ Trung Nguyên đến các khu vực phía nam đời Đông Hán. Sau khi hiểu được vai trò quan trọng của nó đối với việc vận chuyển, Vương Cảnh lại quy hoạch một con đường mới cho Biện Cừ để “Hà Biện phân lưu, phục kỳ cựu tích” (chia dòng của hai sông, trở lại như ban đầu). Bắt đầu từ Cừ Thủ, hai sông Hoàng, Biện cùng chảy, sau đó dòng chảy chính hướng lên bắc Tế Hà, đến Trường Thọ thì chuyển hoà vào  dòng Hoàng Hà cũ (gọi là  sông Vương Mãng), phía dưới chia dòng với Hoàng Hà cùng chảy, thẳng đến vùng gần Thiên Thừa rồi chảy vào biển lớn. Tại nơi đường cũ ở Tế Hà chia một bộ phận nước “phục kỳ cựu tích” tức là dùng đoạn đường cũ này phục vụ việc vận chuyển đường thuỷ. Để thực hiện quy hoạch này, Vương Cảnh đã triển khai một số lượng lớn các công trình   bạt núi cao, phá đá tảng, đặt  cống, phòng nơi xung yếu, khơi thông những chỗ ứ tắc và ngăn đường nước chảy, mở đường thoát, … Đặt các đường cho nước thoát là một vấn đề vô cùng quan trọng, nếu lựa chọn nơi đặt cửa thoát nước không đúng, phía bắc  Hoàng Hà sẽ không có nước chảy tới; di chuyển đê phía nam Hoàng Hà, cửa cừ bị tắc, dòng chảy của hai sông Hoàng Hà  và Biện sẽ hỗn loạn, Biện Cừ sẽ tắc nghẽn. Vương Cảnh đã căn cứ vào hoàn cảnh khách quan này, tiếp thu những bài học trong lịch sử, thực hiện “cứ mười dặm đặt một cửa thoát nước”, như vậy trên một đoạn trăm dặm Biện Cừ dẫn vào Hoàng Hà đã có đến 10 cửa thoát nước, thực hiện nhiều nước thì nhiều cửa thoát, ở mỗi cửa lại làm cánh cửa, con người dùng sức có thể khống chế được lượng nước chảy qua, điều chỉnh lượng nước từ Hoàng Hà vào sông Biện. Nước ở Cừ ít, sẽ mở cửa thoát lớn; nước ở Cừ nhiều, cửa cống được đóng bớt lại, từ đó cũng giải quyết được vấn đề bùn cát làm tắc nghẽn dòng chảy. Đây lại cũng là một sáng tạo lớn của Vương Cảnh trong kỹ thuật thuỷ lợi. Lúc đó, phía dưới Huỳnh  Dương còn có rất nhiều chi lưu, như Bộc Thuỷ, Tế Thuỷ, Biện Thuỷ và sông Lãng Thang. Vương Cảnh đã tạo nên sự lưu thông giữa các chi lưu này, ở  những nơi dẫn nước từ Hoàng Hà vào các chi lưu đều đặt các cửa thoát nước giống nhau. Khi nước lũ đến  các chi lưu sẽ có tác dụng phân dòng chảy, phân cát, giảm bớt lưu lượng dòng chảy. Sau khi đã phân được lũ, dòng chủ lưu của Hoàng Hà tuy đã giảm khả năng giữ cát, nhưng  phần lớn bùn cát đã  chảy tới các chi lưu, nhìn một cách tổng thể sẽ giảm được tốc độ lắng đọng ở lòng sông. Đây chính là một biện pháp quan trọng  để dòng chảy của Hoàng Hà ổn định lâu dài. “Bạt núi cao, phá đá tảng, đặt  cống, phòng nơi xung yếu” trừ những nơi có đá ngầm  ở thượng du, những nơi bị ứ tắc ở gần Biện Cừ đã bị dòng nước hung dữ của Hoàng Hà xối chảy hàng ngày, thông vào từng ngõ ngách, khiến cho dòng chảy  của Biện Cừ được  thông suốt, việc vận chuyển trên sông càng tiện lợi. Lần đắp đê, trị thuỷ này, Vương Cảnh đã thực hiện một khối lượng công việc vô cùng to lớn. Hoàng Hà hơn nghìn dặm, Biện Cừ bảy tám trăm dặm, tổng cộng chiều dài của đê khoảng gần hai nghìn dặm, toàn bộ công trình tiêu tốn một số tiền rất lớn. Công việc chỉ đến tháng 4 năm sau là kết thúc, tổng cộng thời gian cũng chỉ một năm. Sau mười năm gây tai hại, dòng Hoàng Hà đã bình ổn, diện tích canh tác ở Định Đào (nay là bắc Định Đào tỉnh Sơn Đông) đã tăng rất nhanh, sản xuất nông nghiệp bắt đầu được khôi phục. Trong khi trước đó sức sản xuất bị giảm sút, việc làm này thật là một kỳ tích.

    Năm Vĩnh Bình thứ 13 (năm 70 sau công nguyên) Minh Đế Lưu Trang quyết định đích thân thị sát bằng thuyền, cho Vương Cảnh tháp tùng. Vua Minh Đế tận mắt chứng kiến toàn bộ hệ thống đê hai bên bờ kiên cố, thuyền bè qua lại trên mặt sông  như thoi đưa, hết lời khen ngợi công lao của Vương Cảnh, cho những người cùng tham gia trị thuỷ với Vương Cảnh mỗi người thăng một cấp, đặc biệt cho Vương Cảnh được thăng ba cấp, lại phong cho ông làm Thị ngự sử. Vương Cảnh còn được phong làm Hà đê yết giả ( (Yết giả là tên một chức quan thời Đông Hán, phụ trách những công trình phòng hộ trên sông). Không lâu sau, Minh Đế viết một chiếu thư lệnh đổi vùng đất ven Hoàng Hà thành huyện, quận Biện, lập tức bổ nhiệm quan chức và nhân viên để bảo đảm hệ thống đê điều, khôi phục Tây Kinh (chỉ đô thành Trường An thời Tây Hán) ban hành những chế độ quản lý đê điều, hàng năm tiến hành duy tu bảo dưỡng. Từ đó dòng chảy của Hoàng Hà trở nên ổn định. 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here