Cùng với những tiến bộ của kỹ thuật hàng hải, quan hệ buôn bán qua đường biển giữa Trung Quốc và Nhật Bản này càng phát triển. Nhưng những thuận lợi trong giao thương qua đường biển cũng đưa triều Minh tới thử thách mới trong việc phòng thủ bờ biển. Từ lâu nay, quần đảo Nhật Bản trong tình trạng chia rẽ, võ sĩ và thương nhân ở các đảo phía nam bắt đầu thâm nhập vào bờ biển Trung Quốc, tiến hành các hoạt động buôn lậu hay cướp bóc. Đây chính là họa “giặc lùn”.

Vào những năm Thế Tông Gia Tĩnh, do việc thực hiện nghiêm cấm toàn diện, đóng cửa Bách Tư thị, quan hệ buôn bán chính thức Trung – Nhật hoàn toàn chấm dứt, vấn đề  “giặc lùn” càng trở nên phức tạp, các tập đoàn buôn lậu của Trung Quốc cũng tham gia những hoạt động này, vấn đề phòng thủ bờ biển càng trở nên cấp bách.

Vào thời điểm này, danh tướng Thích Kế Quang như sinh ra để giải quyết vấn đề đó. Ông là nguời Bồng Lai, Sơn Đông, sinh ra trong gia đình võ tướng lâu đời. Cha ông nổi tiếng là vị tướng chính trực nghiêm minh, từ nhỏ, Thích Kế Quang đã được tiếp thu ảnh hưởng của nguời cha. Có lần, Thích Kế Quang đi một đôi giày mới, tới trước mặt cha khoe đôi giày, chờ đợi ở cha lời khen. Ai ngờ, cha ông tỏ ra chẳng vui vẻ gì, nói:

– Con còn nhỏ mà đã thích ăn ngon mặc đẹp, lớn lên làm sao có thể ra trận đánh giặc!

Chú bé Thích Kế Quang lè lưỡi, mặt đỏ lên, vội đem cất đôi giày. Sự việc này để lại trong ông ấn tượng vô cùng sâu sắc. Ông khâm phục cha, hạ quyết tâm sẽ trở thành một dũng tướng như cha. Năm 25 tuổi, Thích Kế Quang đã trở thành nguyên soái quân phương trú, phụ trách công việc phòng vệ bờ biển toàn bộ vùng Sơn Đông.

Sau hai năm, ông được điều về Chiết Giang để làm nhiệm vụ bình định bọn giặc lùn đang hoành hành từng ngày.Tới Chiết Giang, ông đầu tiên kiểm tra toàn bộ quân đội, phát hiện binh sĩ có rất nhiều tật xấu. Một đội quân như thế làm sao có thể đánh bại được “giặc lùn”? Vì thế, ông giương cao ngọn cờ chiêu binh, quyết định sẽ thành lập một đội quân mới. Ngay lập tức, những nguời dân chịu nhiều đau khổ do “giặc lùn” đua nhau tình nguyện tham gia, cả một số địa chủ có quân vũ trang để chống lại giặc Nhật cũng nô nức gia nhập quân đội của ông. Đội quân mới do Thích Kế Quang tổ chức rất nhanh chóng đã có 4.000 nguời.

Thích Kế Quang là một vị tướng tinh thông binh pháp, ông hiểu binh sĩ không được luyện tập cẩn thận thì không thể ra trận. Căn cứ vào đặc điểm phương nam nhiều đầm lầy, ông sáng tạo trận pháp “Uyên ương trận”, ông đích thân dạy binh sĩ cách sử dụng các vũ khí trường đoản. Qua huấn luyện nghiêm túc, sức chiến đấu của quân đội rất mạnh mẽ, liên tiếp giành thắng lợi. Bọn “giặc lùn” cũng đỡ phần hung hăng, mới nghe tới ba chữ “Thích Kế Quang” đã sợ hãi, danh tiếng “Thích gia quân” từ đó được truyền khắp xa gần.

Biết Chiết Giang có Thích Kế Quang không dễ đối phó, giặc Nhật bèn bỏ Chiết Giang, chuyển sang quấy nhiễu Phúc Kiến, rất nhanh chóng, chúng  chiếm được thành Ninh Đức. Triều đình lo lắng, vội điều Thích Kế Quang từ Chiết Giang về Phúc Kiến. Trước sự quấy nhiễu của “giặc lùn”, ông mất nhiều thời gian suy nghĩ, muốn thoát khỏi tình trạng bị động, cứ mỗi khi quân Nhật tới, mới đánh, chúng đã bỏ chạy, không thể tận diệt được mối nguy. Đánh rắn phải đánh dập đầu! Tiêu diệt “giặc lùn” phải đánh tận sào huyệt của chúng. Như thế mới có thể đảm bảo vùng biển phía đông nam được bình an vô sự. Tới Phúc Kiến, Thích Kế Quang lập tức nghe ngóng, cuối cùng, ông biết sào huyệt của chúng là ở đảo Hoành Dữ, cách thành Ninh Đức khoảng mười dặm.

Đây là một hòn đảo đơn độc, địa thế hiểm yếu, dễ thủ khó công. Trên đảo, quân Nhật đã tích trữ lương thực làm căn cứ lâu dài.

Một hôm, sau khi thăm dò địa hình của đảo Hoành Dữ, trở về, ông nhận thấy quả là không thể đánh nổi. Tối đến, ông triệu tập các tướng lĩnh, cùng thảo luận, mọi người  đều hăng hái phát biển, ai cũng quyết tâm, duy chỉ có cách đánh sao cho có hiệu quả thì không ai chỉ  ra được.

Đêm ấy, Thích Kế Quang trằn trọc không ngủ, nằm mãi mà không nhắm được mắt. Bỗng nhiên, trong đầu ông một cách đánh thành hình: tuy đảo Hoành Dữ nằm giữa biển, bốn bề là sóng nước, nhưng khi thủy triều rút, có một con đường sình lầy nối đảo với đất liền, bọn “giặc lùn” cũng thường lợi dụng khi thủy triều rút để đánh lên bờ rồi lại bằng con đường ấy trở về đảo. Vậy có thể lợi dụng khi thủy triều rút để tiến công đảo Hoành Dữ? Làm thế nào để có thể  nhanh chóng vượt qua con đường lầy bùn, lại phải nhanh chóng tiêu diệt được kẻ địch để có thể trở về trước khi thủy triều lên cắt mất đường rút? “Có, có thể, có thể dùng rơm rạ trải trên bùn, dùng ván đặt lên…” Thích Kế Quang đột nhiên nảy sinh một chủ ý, ông vui mừng reo lên. Lúc ấy trời vừa sáng. Suốt đêm không ngủ nhưng tinh thần ông rất sảng khoái, lập tức mặc giáp trụ ra điểm binh. Sau khi nghe ông nói rõ ý định của mình, các tướng lĩnh vô cùng hoan nghênh, tán thưởng, ca ngợi ông là một đại tướng quân đa mưu. Ông chỉ mỉm cười, lập tức truyền lệnh. Ông chia quân làm hai đường tiến công đảo Hoành Dữ, một đường tiến công bên sườn, tranh thủ lên đảo lập tức phóng hỏa, gây rối loạn cho quân địch; một đường do đích thân ông chỉ huy tiến công hướng chính diện. Mỗi nguời lính đều mang theo rơm rạ và ván gỗ, đợi khi thủy triều rút, bùn lầy lộ ra sẽ lập tức trải rơm rạ lên trên rồi đặt các tấm ván gỗ, như vậy đại quân có thể bằng những tấm ván này vượt qua được con đường sình lầy, tiếp cận với đảo.

Khi quân Nhật trên đảo phát hiện những tấm ván gỗ như một con rắn lớn trườn tới, chúng vô cùng hoảng sợ thấy quân Thích gia tiến công lên đảo. Toàn bộ quân Nhật lập tức xông vào tử chiến. Quân hai bên giao tranh quyết liệt, trên đảo chỉ thấy tiếng hô “giết”, tiếng binh khí va chạm, tiếng trống ầm ầm, cuộc giao tranh thật khó phân thắng bại.  Bỗng nhiên, từ một hướng khác, một cánh quân của Thích Kế Quang lặng lẽ tiến lên đảo Hoành Dữ. Quân Nhật nghĩ chỉ có một cánh quân tiến công, không có sự phòng bị. Khi lửa nổi lên khắp đảo, quân Thích Kế Quang từ phía sau xông tới, quân Nhật bị bất ngờ, không thể chống đỡ, đều liều mạng tháo chạy nhưng không thoát. Trên đảo đầy xác quân “giặc lùn”.

Trận này quân Thích Kế Quang giành toàn thắng, tiêu diệt hoàn toàn sào huyệt quân Nhật trên đảo Hoành Dữ. Nhờ Thích Kế Quang và một Tướng khác là Du Đại Du truy quét, nạn “giặc lùn” vùng duyên hải dần được dẹp yên. Đồng thời, một số quan lại đã kiến nghị triều Minh lệnh cho các quan phủ bỏ lệnh cấm, mở lại Bách Tư thị, để nhân dân hai nước giao thương, cục diện bờ biển đông nam mới ổn định.

Nhưng tầng lớp thống trị chuyên chế Trung Quốc quen cho rằng Trung Quốc là Thượng quốc thiên triều, không cần phải phát triển buôn bán với nước ngoài. Trong thời gian dài, tư tưởng tự tôn ngày càng phát triển khiến quan hệ với thế giới bên ngoài bị phong tỏa, ngăn cách Trung Quốc với thế giới bên ngoài, mất cơ hội để phát triển. Tới khi chủ nghĩa thực dân từ phương Tây bằng súng đạn mở toang cánh cửa của Trung Quốc, đất nước già nua bạc nhược buộc phải chấp nhận số phận bị xâu xé. Lịch sử cận đại của Trung Quốc tuy khổ đau và tủi nhục không thể so sánh với họa “giặc lùn” thời Minh nhưng quả là có mối liên hệ sâu sắc.

 

Chú thích:

(1) Danh tướng chống Nhật nổi tiếng đời Minh.

1 BÌNH LUẬN

  1. Vừa mới xem phim “Đãng Khấu Phong Vân” xong lên tìm ngay Thích Kế Quang, gặp bài này đúng là thỏa mãn quá!!!

Trả lời Xuân Khoa Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here