Mông Cổ là một dân tộc giỏi chinh chiến, vó ngựa của họ ngang dọc khắp đại lục Âu Á, một thời đã tới lưu vực sông Đa-nuýp của châu Âu khiến phong kiến châu Âu nghe mà khiếp vía. Cuộc Tây chinh của quân đội Mông Cổ có ảnh hưởng sâu rộng với lịch sử thế giới.

Truyền thuyết nói Thành Cát Tư Hãn vào những năm cuối đời, để xác định ai sẽ là nguời kế thừa Hãn vị thống trị Mông Cổ đã phải trải qua nhiều suy nghĩ. Vốn nguời vợ cả của ông sinh được  bốn nguời con trai. Đó là  Thuật Xích, Sát Hợp Đài, Oa Khoát Đài và Đà Lôi. Trong số đó, Thuật Xích là con mang thai khi vợ ông, Bột Nhi Thiếp bị bộ tộc Miệt Nhi Khất bắt. Có lẽ mọi người đều cho rằng Thuật Xích không phải là con của Thành Cát Tư Hãn. Tuy thế, Thành Cát Tư Hãn vẫn yêu quý nhưng anh em và những nguời thân thích vẫn nhìn bằng con mắt khác, và sau lưng ông, họ gọi là “Miệt Nhi Khất chủng”.

Một hôm, Thành Cát Tư Hãn gọi cả bốn nguời con lại, bàn về vấn đề kế thừa ngôi báu. Đầu tiên, ông hỏi ý kiến Thuật Xích. Khi nguời con trưởng còn chưa kịp đáp, Sát Hợp Đài với tính cách thô bạo đã lên tiếng phản đối:

– Cha đầu tiên hỏi ý kiến Thuật Xích, hay cha muốn anh ấy kế thừa Hãn vị? Anh ấy là giống khác, chúng con sao có thể để cho anh ấy cai quản?

Nghe nói thế, mặt Thuật Xích đỏ lên, bước tới túm lấy áo của Sát Hợp Đài, giận dữ nói:

– Cha còn chưa nói gì, sao em dám ăn nói hồ đồ như thế? Em có tài cán gì, hãy cùng ta ra ngoài kia thi bắn cung, nếu em thắng, ta sẽ chặt đứt ngón tay cái của ta. Còn nếu em thua, em có dám chết không?

Thành Cát Tư Hãn bối rối nói với các con:

– Thuật Xích là con trưởng của ta, các con về sau không ai được nói những lời như thế. Thế giới ngoài kia rộng lớn lắm, sông núi trùng điệp, các con hãy đem lính đi mà giành lấy đất đai, kiến lập Hãn quốc của mình.

Sau đó, Thành Cát Tư Hãn cho rằng nguời con thứ ba là Oa Khoát Đài có “khoan hoằng chi lượng, trung thứ chi tâm” (ý nói tấm lòng rộng mở, có thể chấp nhận những sự khác biệt) nên trao Hãn vị. Năm 1235, Oa Khoát Đài quyết định cử các trưởng tử trưởng tôn của bốn anh em mang quân tiến hành “Trưởng tử Tây chinh” (2). Con trưởng của Thuật Xích là Bạt Đô là  thống soái của cuộc Tây chinh này.

Bạt Đô đưa quân Mông Cổ tiến thẳng tới Đông Âu. Họ như những trận cuồng phong tiến đánh các thành trì. Sau khi thành bị hạ, họ thả sức chém giết. Gặp sự phản kháng, họ lập tức báo thù cuồng nộ. Mùa đông năm 1239 sau khi chỉnh đốn quân đội trên thảo nguyên Khâm Sát, Bạt Đô phát động cuộc tiến công vào thủ đô Khất Ngõa của Nga La Tư (nay là thủ đô Ki-ep của U-crai-na). Tường thành Khất Ngõa rất kiên cố, lại có nhiều lầu tháp, chân thành có nhiều hào sâu, quân Mông Cổ rất khó tiến công. Gặp thất bại hết lần này tới lần khác, Bạt Đô cho dùng phao thạch cơ bắn những tảng đá lớn vào tường thành, mỗi tảng đá cần tới bốn nguời khiêng. Bốn phía tường thành lại bị công phá bằng hỏa pháo suốt ngày đêm. Tiếng pháo ầm ầm như muốn thủng màng nhĩ, khói bốc mù mịt, lửa cháy ngút trời, tiếng than khóc đêm ngày không dứt. Sức tiến công mãnh liệt của quân Mông Cổ cuối cùng cũng làm một phần thành bị đổ sập, họ ào vào thành Khất Ngõa vơ vét và chém giết. Sau đó, Bạt Đô lại đưa quân tiến công nước Mã Trát Nhi (nay là Hung-ga-ri). Nước Mã Trát Nhi nội bộ mâu thuẫn đang tàn sát lẫn nhau, cuối cùng thủ đô Bội Tư (nay là thủ đô Bu-đa-pét) bị chiếm.

Đại quân Mông Cổ như nước thủy triều, như mãnh thú tiến về phía Tây, không ai ngăn được. Các nước Tây Âu vô cùng hoảng sợ. Họ vừa thất kinh với “Hoàng họa” (họa (da) vàng), vừa ra sức tu sửa thành trì. Giáo hoàng La Mã còn tổ chức đội Thập tự quân chuẩn bị kháng chiến. Nhưng trước sức kháng cự ngoan cường của nhân dân, quân Mông Cổ không thể  nào vượt qua được chiến tuyến La Đắc để tiến về phía Tây. Tháng 4 năm 1242, tin Đại Hãn Oa Khoát Đài mất truyền tới, Bạt Đô phải lui quân về phía đông. Không có ý tranh Hãn vị, Bạt Đô chỉ muốn củng cố những phần đất mình vừa giành được. Năm 1243, Bạt Đô cho xây dựng doanh trướng ở hạ du sông Xích Đích Lặc (nay là sông Von-ga), không lâu sau đó, xây dựng thành Sa Lai ở trung tâm vùng đất mà ông đánh chiếm được. Khu vực Bạt Đô thống trị gọi là Khâm Sát hãn quốc, cũng gọi là Kim Trướng hãn quốc.

Năm 1252, Mông Ca giành được Hãn vị cử em là Húc Liệt Ngột mang quân Tây chinh. Ngoài việc chỉ huy một số lượng quân đông đảo, Húc Liệt Ngột còn mang theo hơn một nghìn nguời  thợ, trong đó có chuyên gia hỏa khí nổi tiếng Quách Khản chuẩn bị để chế tạo kịp thời vũ khí tấn công kẻ địch khi cần. Mục tiêu chủ yếu của lần Tây chinh này là vùng biển phía nam của nước Mộc Lạt Di. Quân Mông Cổ nhanh chóng chiếm được Mộc Lạt Di, giết chóc vô cùng tàn bạo dân chúng ở đây.

Sau đó, quân Mông Cổ thiện chiến lại tiến công thủ đô Báo Đạt của Hắc Y Đại Thực (3) (nay là thủ đô Bát-đa của I-rắc). Quốc vương của Hắc Y Đại Thực là Cáp Lý Phát Mục Tư Tháp Tân vốn là ông vua nhu nhược. Nhà vua tầm nhìn thiển cận, không thể đánh giá được tình hình trước mắt, lại thiếu niềm tin kiên định. Vừa bắt đầu, Húc Liệt Ngột đã gửi cho Cáp Lý Phát bức thư yêu cầu nhà vua đầu hàng. Nhận được thư, Cáp Lý Phát lên giọng nói với các đại thần:

– Chúng ta là dân gốc ở đây, sao lại phải sợ cái bọn yêu quái da vàng từ xa tới. Ta nhất định sẽ bảo vệ được những  gì mà ta đã có, sẽ giành được thắng lợi.

Nhà vua trả lời thư cự tuyệt yêu sách của Húc Liệt Ngột, nhưng lại không cho  binh lính chuẩn bị chiến đấu mà tiếp tục chìm đắm trong tửu sắc. Rất nhanh chóng, Húc Liệt Ngột dùng hỏa pháo tiến đánh Báo Đạt. Cáp Lý Phát là kẻ tham sống sợ chết nên lập tức khuất phục đầu hàng. Quân Mông Cổ tiến vào thành vừa đốt vừa giết, phá hoại hoàn toàn thành Báo Đạt nổi tiếng trong lịch sử. Sau đó, Húc Liệt Ngột lại mang quân tiến công Mỹ Tố Bất Đạt Mễ Á, Tự Lợi Á, A Lặc Pha và Đại Mã Sĩ Cách. Cuối cùng, do sức kháng cự của nhân dân Ai Cập, quân Mông Cổ mới dừng cuộc tiến công về hướng Ai Cập và Châu Phi.

Trong lúc Húc Liệt Ngột tiến quân vào Tây Á, tin Mông Kha mất truyền tới. Lại nghe tin Hốt Tất Liệt và A Lý Bất Ca tranh giành ngôi báu, Húc Liệt Ngột nghĩ: Ta đang ở nơi xa xôi, đối với ngôi Hãn chẳng khác nào roi ngựa không với tới. Chẳng bằng ngồi xem mọi sự sẽ ra sao, chiếm thêm đất Ba Tư (4) này cũng là mãn nguyện lắm rồi. Năm 1260, Hốt Tất Liệt là nguời “hoằng tài đại lược” đã chiếm được ngôi Hãn, quả nhiên, đem đất Ba Tư phong cho Húc Liệt Ngột. Húc Liệt Ngột bèn đem toàn bộ phần đất có trong tay kiến lập Y Lợi Hãn quốc. Lãnh thổ của Y Lợi Hãn quốc vô cùng rộng lớn. Phía tây tới bán đảo Tiểu Á, phía đông tới bờ sông A-mua, phía nam tới Ấn Độ dương, còn phía bắc tới Khâm Sát Hãn quốc. Húc Liệt Ngột có quyền lực tuyệt đối với vùng lãnh thổ này.

Ngoài Khâm Sát hãn quốc và Y Lợi hãn quốc, hậu duệ của Oa Khoát Đài còn kiến lập Oa Khoát Đài hãn quốc. Kiến lập Tứ đại Hãn quốc là sự mở rộng cương vực của triều Nguyên, khiến triều Nguyên là thời kỳ  diện tích quốc gia của Trung Quốc rộng lớn nhất trong lịch sử đất nước này. Trên danh nghĩa, Tứ đại Hãn quốc đều là phiên thuộc của triều Nguyên nhưng thực tế, chỉ có Oa Khoát Đài hãn quốc và Sát Hợp Đài hãn quốc là chấp nhận sự thống trị của triều Nguyên, còn Khâm Sát hãn quốc và Y Lợi hãn quốc từ khi mới kiến lập thực chất đã là quốc gia độc lập.

 

Chú thích:

  • Thuật Xích ( ? – 1224), cũng gọi Truật Xích. Năm 1213 được Oa Khoát Đài cử đi đánh Kim, tham gia Tây Chinh.
  • Lần xuất chinh này, quân Mông Cổ từ nguời của vạn hộ tới các trưởng tử của quan quân đều tham gia chiến đấu. Sử gọi là “Trưởng tử Tây chinh”.
  • Hắc Y Đại Thực: tức vương triều Đại Thực A Bạt Tư.
  • Ba Tư, tên nước cổ, Trung Quốc gọi Ba Tư từ thời Tùy Đường, nay là I-ran.

1 BÌNH LUẬN

Trả lời Minh bui Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here