Triều đình Nam Tống đến đời Tống Hiếu Tông về đối ngoại chịu đầu hàng nhục nhã, về đối nội cũng ngày càng hủ bại. Một số triều thần thấy Hoàng thượng chỉ biết hưởng lạc, không quan tâm tới chính sự bèn kết đảng nhằm tranh quyền đoạt lợi, thậm chí đến mức muốn thay cả Hoàng đế để tự mình nắm lấy chính quyền. Tống Hiếu Tông đã sớm đem ngôi báu trao cho con trai là Quang Tông, còn mình làm Thái thượng hoàng suốt 5 năm. Sau khi  vua cha chết, Quang Tông chỉ nằm dài trong nội cung, đến việc tang cũng chẳng lo lắng. Đại thần Triệu Nhữ Ngu nảy sinh ý phế truất Quang Tông, lập Thái tử Triệu Khoáng lên làm Hoàng đế.

Triệu Nhữ Ngu tìm đến nhà một đại thần là Hàn Thác Trụ, bảo ông ta vào nội cung bẩm báo với Thái hậu, nhờ Thái hậu ra mặt lập Triệu Khoáng làm Hoàng đế. Hàn Thác Trụ là cháu ngoại của Thái hậu, cháu gái ông ta lại là phi của Triệu Khoáng, do mối quan hệ ấy, việc chuẩn bị lật đổ ngôi Hoàng đế rất nhanh chóng được tiến hành.

Đến hôm tế Hiếu Tông, ngoài tang phục, bọn Triệu Nhữ Ngu cho người vây chặt Hoàng cung, để Triệu Khoáng xuất hiện chủ trì việc tế lễ, lại nhờ Thái hậu ngồi buông rèm phía sau làm hậu thuẫn. Buổi tế lễ  kết thúc, Triệu Nhữ Ngu giả truyền Thánh chỉ trước mọi người, nói Hoàng thượng tuyên bố thoái vị, nghi thức lên ngôi cho Triệu Khoáng do Thái hậu chủ trì diễn ra. Sau đó, Triệu Khoáng được mang áo hoàng bào của Hoàng đế, trở thành Tống Ninh Tông.

Tống Quang Tông là kẻ ngốc nghếch chẳng nói làm gì, Triệu Khoáng cũng không được chuẩn bị lên ngôi vua, cho nên triều chính lập tức do những nguời đã lập Ninh Tông lên ngôi quyết định. Khi ủng hộ Ninh Tông, Triệu Nhữ Ngu và Hàn Thác Trụ đồng tâm nhất chí, nhưng giờ đây, việc lớn đã thành, mâu thuẫn giữa hai nguời càng trở nên sâu sắc.

Cháu gái của Hàn Thác Trụ đang là Hàn Hoàng hậu, ông ta coi đó là chỗ dựa vững chắc lại cho rằng mình có công lớn nhất trong việc lập Ninh Tông nên dần dần không coi Triệu Nhữ Ngu ra gì. Trong triều, ông ta hoa tay múa chân, việc do Tể tướng toàn quyền xử lý ông ta cũng nhúng tay vào. Cuối cùng, ông ta hoàn toàn trở mặt với Triệu Nhữ Ngu.

Về thủ đoạn đấu tranh chính trị, Hàn Thác Trụ là tay cáo già. Ông ta tập hợp tất cả những nguời phản đối Triệu Nhữ Ngu, ngược lại, phao tin Triệu Nhữ Ngu kết bè kết đảng mưu lợi riêng, hai lòng với Ninh Tông. Nghe tin ấy, Triệu Nhữ Ngu vội tìm Ninh Tông để thanh minh, nhưng Ninh Tông lại đứng về phía Hàn Thác Trụ, tin vào lời vu cáo Triệu Nhữ Ngu mưu phản nên giáng chức Triệu Nhữ Ngu, biếm làm Tiết độ sứ ở Ninh Viễn, rồi an trí ở Vĩnh Châu, Hồ Nam. Hàn Thác Trụ vẫn chưa buông tha, còn cho nguời báo cho các quan viên để sỉ nhục Triệu Nhữ Ngu. Triệu Nhữ Ngu uất ức mà mang bệnh, không lâu sau thì chết.

Diệt được kẻ thù mạnh  nhất, từ đó, Hàn Thác Trụ có thể “nhất hô bá ứng”, đâu ngờ, trong triều, những nguời hận ông ta còn rất nhiều. Vì thế, để thanh toán, ông ta cùng với những kẻ thân tín bài xích “Ngụy học”.

Lúc đó, “Lý học” của Nho gia đã tương đối thịnh hành. Ninh Tông thăng Đại sư Lý học là Chu Hy làm Thị giảng (2), vào Hoàng cung giảng dạy. Chu Hy muốn mượn cơ hội dạy học công kích Hàn Thác Trụ chỉ vì tư lợi, làm mọi việc trái với Thiên lý. Nghe được, Hàn Thác Trụ nổi giận, gán cho Chu Hy tội danh “Ngụy học tội thủ”, đuổi ra khỏi Hoàng cung. Sau đó, hễ là những nguời không được lòng Hàn Thác Trụ đều bị gán cho tội thuộc đảng “Ngụy học” rồi biếm quan lưu đày, thậm chí có thể tống ngục rồi giết hại. Việc này xảy ra trong những năm Khánh Nguyên của Ninh Tông, nên lịch sử gọi là “Khánh Nguyên đảng cấm”.

Gạt bỏ được phái chống đối, tất cả chỉ còn lại những nanh vuốt của Hàn Thác Trụ, một số những kẻ tiểu nhân độc chiếm triều đình. Hứa Cập Nguyên làm Sứ bộ thượng thư, một lần tới dự tiệc thọ của Hàn Thác Trụ đến chậm khi cửa ngoài đã đóng. Đường đường là một đại thần, mà phải qua lỗ chó chui để vào Hàn gia. Một đại thần khác tên gọi Trần Tự Cường vốn là thầy học của Hàn Thác Trụ, từ khi được Hàn Thác Trụ đề bạt làm Tể tướng, được dịp tha hồ vơ vét tiền bạc của dân chúng, cảm cái ơn, cái đức của học trò cũ, gọi Hàn Thác Trụ là “ân chủ”, thậm chí còn gọi là “ân phụ”. Hàn Thác Trụ đã dựa vào sự ủng hộ của  những kẻ vô liêm sỉ đó  để độc chiếm đại quyền. Mọi việc, Ninh Tông đều nghe theo Hàn Thác Trụ.

Nhưng Hàn Thác Trụ chưa vừa lòng với những quyền thế mà mình đã giành được, kẻ quyền thần nhiễu sự này còn muốn tên tuổi hắn tỏa hào quang trong tương lai. Hắn trăm phương nghìn kế thôi thúc Tống Ninh Tông cho tiến hành Bắc phạt, muốn cho tên tuổi của hắn được lưu danh trong sử sách.

Vừa hay lúc đó, Hoàng đế nước Kim cũng là một kẻ ngu muội, triều chính nước Kim cũng đang rối bời, liên tiếp xảy ra những cuộc đấu đá để tranh quyền đoạt lợi; ở phương bắc, bộ lạc Thát Đát không ngừng khiêu khích gây xung đột ở biên giới, dân chúng ở Trung nguyên đua nhau khởi nghĩa. Tất cả những điều đó đã khiến nước Kim ngày càng suy yếu.

Nhưng triều đình Nam Tống cũng chẳng hơn gì nước Kim, do bọn Hàn Thác Trụ tha hồ cướp bóc, Nam Tống cũng sức cùng lực kiệt, lại cũng do đầu hàng tạm bợ trong thời gian dài, quân đội Nam Tống dần không biết cách tác chiến. Hàn Thác Trụ vẫn không chú ý tới hoàn cảnh ấy.

Dựa vào nước Kim đang suy yếu, nếu chuẩn bị đầy đủ, việc thu phục Trung nguyên không phải không làm được, nhất  là nguyện vọng này là  của mấy đời. Nhưng ý của Hàn Thác Trụ không phải như vậy vì ông ta chỉ đi tìm danh lợi cho bản thân, không muốn để đời sau giành được công lao.

Hàn Thác Trụ không ngừng bài binh bố trận tuyên truyền cho Bắc phạt. Ông ta nóng lòng tin rằng cứ trọng thưởng sẽ khuyến khích cho nguời ta thêm dũng cảm nên mở quốc khố đem bạc vàng ra mua chuộc. Hàn Thác Trụ quyết định thưởng một vạn lượng vàng cho những công thần Bắc phạt.

Hàn Thác Trụ liên tục đả kích phái đầu hang, thậm chí đổi cả thụy hiệu của Tần Cối, gọi ông ta là “Mậu sửu” (nghĩa là xằng bậy), khôi phục danh dự cho các danh tướng chống Kim như Nhạc Phi, Hàn Thế Trung, phong Vương cho họ. Để đề cao ảnh hưởng của bản thân, ông ta đặc biệt đưa Thân Khí Tật và Lục Du về Lâm An, dùng họ làm chiêu bài Bắc phạt.

Nhưng Hàn Thác Trụ lại không giao quyền chỉ huy quân đội cho những danh tướng chống Kim chân chính. Ông ta giao cho Thân Khí Tật làm Tổng binh Trấn Giang, nhưng Thân Khí Tật thấy mình không thể tham gia vào những quyết sách, lại không ở tuyến đầu. Thấy Hàn Thác Trụ chưa có sự chuẩn bị chu đáo đã muốn tiến quân, Thân Khí Tật dự cảm việc Bắc phạt không thể giành thắng lợi, bèn từ chức.

Hàn Thác Trụ đem quân quyền giao cho những nguời thân tín. Ông ta giao cho kẻ vào nhà mình bằng lỗ chó chui là Hứa Cập Nguyên làm Tổng chỉ huy Kiến Khang. Nhưng đây chỉ là tên hề giỏi nịnh nọt, không dám một mình xông pha nơi tiền tuyến. Hàn Thác Trụ đành phải giao cho Tô Sư Đán, Hoàng Phủ Bân và Quách Nghê chia nhau làm chủ tướng An Viễn, Tương Dương và Dương Châu, tích cực chiêu binh mãi mã, chia quân làm ba đường phát động cuộc tiến công trên toàn mặt trận.

Hành động của Nam Tống tất nhiên không làm nước Kim vừa lòng. Nước Kim một mặt cử Phó Tán Quỳ đến Khai Phong tập hợp quân sĩ chuẩn bị đề phòng cuộc tiến công của  Nam Tống, một mặt theo lệ cũ, cử sứ thần tới Lâm An chúc mừng năm mới. Khi đó, Nam Tống chưa có sự chuẩn bị, nhưng Hàn Thác Trụ nóng như lửa đốt, không kìm được tham vọng, cố ý cho nguời khiêu khích quân Kim, bắt sứ thần nước Kim. Hàn Thác Trụ mắng sứ thần vô lễ, rồi vội vàng phát động cuộc tiến công toàn diện với nước Kim.

Năm Khai Hy thứ 2 (1206), Hoàng Phủ Bân và Quách Nghê phát động cuộc tiến công vào quân Kim, giành được một số thắng lợi nhỏ. Hàn Thác Trụ vui như mở cờ, công nhiên tuyên chiến với quân Kim, các lộ quân Tống nhất tề Bắc phạt.

Thống sư quân Kim là Phó Tán Quỹ sớm đã có sự chuẩn bị, cho quân trấn giữ tất cả những nơi hiểm yếu, các lộ quân Tống đều bị đánh lui, tướng lĩnh quân Tống hoang mang phải rút chạy. Phó Tán Quỹ thừa cơ phản công, tình hình chiến trường nảy sinh những thay đổi có lợi cho quân Kim.

Hàn Thác Trụ hoang mang, cách chức các bại tướng , đặc biệt với Tô Sư Đán không những cách chức, con lưu đầy ở Thiệu Châu. Ông ta còn công khai tuyên bố, kẻ có tội lớn nhất gây nên thất bại trong lần Bắc phạt này là Tô Sư Đán.

Sau khi  chiến dịch kết thúc, Thống soái của quân Kim biết khó lòng tiêu diệt được quân Nam Tống, đưa ra đề nghị giảng hòa. Hàn Thác Trụ từ lập trường tích cực Bắc phạt nay phải rút lui chuyển  sang muốn sớm kết thúc chiến tranh, đồng ý chấp nhận nghị hòa của quân Kim.

Trong lúc nghị hòa, quân Kim đề xuất Nam Tống phải cắt đất xưng thần, trừng phạt kẻ cầm đầu. Hàn Thác Trụ đến lúc này không sợ cắt đất xưng thần, nhưng chỉ sợ trừng phạt kẻ cầm đầu. Ông ta cho rằng Tô Sư Đán đã bị cách chức, không cần phải bàn tới việc này nữa. Nhưng nguời nước Kim chỉ đích danh ông ta, nói chính ông ta mới là thủ phạm.

Hàn Thác Trụ tất nhiên không thể nhận tội với nước Kim, nên ngầm ra lệnh cho các tướng Tống tiến công quân Kim, muốn dùng chiến thắng trên mặt trận để lấy thế mạnh đàm phán. Nhưng trong triều Nam Tống, thế lực phản đối Bắc phạt ngày càng mạnh lên, cháu gái của Hàn Thác Trụ là Hàn Hoàng hậu cũng đã chết, ông ta đã hoàn toàn mất chỗ dựa.

Vì thế, Lễ bộ thị lang Sử Di Viễn ra tay xử tử Hàn Thác Trụ, mang đầu ông ta tới nghị hòa với quân Kim. Lần nghị hòa này đã ký “Gia Định hòa nghị”. Ninh Tông gọi vua Kim là Bá phụ, mỗi năm cống nạp 30 vạn lượng bạc trắng và lụa 30 vạn tấm.

Vở kịch hạ màn, địa vị của Nam Tống ngày càng nhục nhã, mọi việc của triều đình đều do quyền thần quyết định, sau Hàn Thác Trụ là Sử Di Viễn càng đẩy Nam Tống vào con đường cùng. Ngày diệt vong của Nam Tống không còn xa nữa.

 

Chú thích:

  • Triệu Nhữ Ngu (1140 – 1196), nguời thuộc dòng dõi nhà Tống, Hàn đạo tiến sĩ.
  • Thị giảng: chức quan, giảng dạy kinh nghĩa cho Hoàng đế, Hoàng Thái tử. Chính thức là chức quan từ thời Tam quốc.
  • Phó Tán Quỹ ( ? – 1207), nguời Thượng Kinh (nay A Thành, Hắc Long Giang). Năm 1205, 1206, chủ trì cuộc chiến tranh với Tống.

 

 

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here